Kỹ năng ứng phó các tình huống bất thường

Một phần của tài liệu (Trang 67 - 68)

5. Cấu trúc khóa luận

3.2.2. Kỹ năng ứng phó các tình huống bất thường

Kỹ năng ứng phó các tình huống bất thường, hay còn gọi là kỹ năng xử lý các tình huống không nằm trong kịch bản. Đó là những tình huống không lường trước, những tình huống khiến nhà báo (thậm chí dạn dày kinh nghiệm) cũng rơi vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười”.

Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên viết phóng sự thường đối mặt với những tình huống bất ngờ và tai nạn nghề nghiệp luôn thường trực xảy ra. Một ví dụ đơn giản, giới sinh viên và phóng viên trẻ hay kháo nhau muốn làm báo thì phải biết nhậu. Đó như là một sự mặc nhiên, một luật bất thành văn. Tuy nhiên, tửu lượng của phóng viên có hạn, không uống thì dễ bị cô lập khó khai thác thông tin, ngược lại uống nhiệt tình, không kiểm soát được hành vi và ngôn ngữ của mình thì vô cùng tai hại. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã từng có lúc không từ chối được, phải nhảy qua cửa sổ bỏ trốn, bỏ cả giày dép lại, vì sợ lỡ việc… Về vấn đề này, trong một cuộc trò chuyện với tác giả khoá luận, Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ:

“Có lần ngủ ở bản Mông, giường nó thủng, chiếu rách, kính cận của tôi rơi xuống gậm giường, chó cắp mất. Đi tìm mãi mới thấy, nếu mất kính, phải đi về, mà đi về vài ngày đi bộ, hỏng cả chuyến đi, rất nguy hiểm. Nên giữ kính cận, và mang kính dự phòng theo. Có lần tôi bị mất sổ tay ghi chép, mất nhiều lần, đó là một điều vô cùng sợ hãi, vì nếu không có sổ tay thì không bao giờ mình đủ dũng khí viết bài nữa, viết bằng trí nhớ ư? Bịa ư?... Có lần bị nước lũ không về được, bị đói. Có lần bị dân bắt lại nộp cho biên phòng, vì đi vào biên giới chả có cái gì ngoài… thẻ nhà báo. Có lần bị lâm tặc vây nằm trong hang núi gần chết. Có lần bị đuổi chạy tháo thân. Ba năm sau, người dẫn đường cho tôi thâm nhập thực tế vẫn bị trả thù. Có lần bị đe doạ đến tận bố đẻ, bố vợ, doạ giết. Có

lần xe bị hỏng giữa đường, phải ngủ ngoài rừng, ngủ trong xe cả đêm, cả ngày chờ người đánh xe trâu đến kéo.

Có lần bị bệnh ở đồn biên phòng, tỉnh dậy, thấy người mình đắp toàn quần áo (quân phục của lính, của cả sỹ quan), vì mọi người sợ mình bị cảm gió, trên đó rất rét. Có lần đi bộ ở Mường Tè, mệt quá ngủ giữa rừng không biết gì, cả đoàn tưởng chết ở đâu, vừa đi tìm vừa khóc. Có lần đi qua suối mùa lạnh giá, mà ai cũng phải… trần truồng, rét như cắt da cắt thịt. Máy ảnh đội lên đầu, quần áo đội lên đầu. Có lần bị nước lũ cô lập ở Điện Biên Đông, nằm ở lán ngủ nhờ, xe cộ nằm đâu người nằm đấy vì đất nhão hết ra. Nước lũ dâng cao, chảy

xiết, phải bò từng xăng-ti-met để qua suối…”.

Trên đây là rất nhiều những tình huống khác nhau mà bản thân Đỗ Doãn Hoàng đã gặp phải trong những chuyến tác nghiệp. Mỗi chuyến đi gắn với một câu chuyện, một kỷ niệm. Qua những gì Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ, có thể khẳng định: đi thực tế viết phóng sự là phải luôn sẵn sàng đối phó với những tình huống bất ngờ nảy sinh. Mà đã là bất ngờ thì không ai tiên liệu, dự đoán trước được. Nghĩa là sẽ chẳng có ai hay sách vở nào, kể cả Đỗ Doãn Hoàng có thể đưa ra lời khuyên, cách thức đối phó với từng trường hợp cụ thể. Điều mà anh có thể chia sẻ là nhà báo phải đối phó bằng một bản lĩnh “thép” và trí khôn linh hoạt. Hai yếu tố này sẽ hình thành dần trong nhiều chuyến tác nghiệp.

Một phần của tài liệu (Trang 67 - 68)