Canh cánh những nỗi đau

Một phần của tài liệu (Trang 39 - 42)

5. Cấu trúc khóa luận

2.1.4. Canh cánh những nỗi đau

Dễ dàng nhận thấy Đỗ Doãn Hoàng viết rất nhiều về những nỗi đau. Trong hàng nghìn phóng sự của anh, dễ đến hơn một nửa là anh viết về các nỗi đau. Nỗi đau phận người, nỗi đau sông ngòi bị tàn sát, nỗi đau trước một di tích quốc gia đang bị xâm hại, nỗi đau về sự mông muội, kém hiểu biết của người vùng cao.

Chiếm khoảng 80% diện tích lãnh thổ, có thể nói miền núi là địa bàn tác nghiệp hấp dẫn đem đến cho nhà phóng sự những đề tài mới lạ, lý thú. Phía sau núi cao và mây mù, phía sau những con đường hiểm trở luồn lách vào hang hoang núi thẳm trên miền sơn cước còn nhiều điều bí ẩn. Đó là cuộc sống cam khó, đôi khi còn quá mông muội của người dân vùng cao; cũng có thể là vẻ đẹp tiềm ẩn hàm chứa bên trong nó sự dữ dội và khắc bạc của chính cảnh quan môi trường miền núi.

Loạt phóng sự Ma ngón liệt truyện xuất phát từ nỗi đau thống thiết của sự mông muội: tự tử và giết người bằng lá ngón. Rất nhiều câu chuyện, rất nhiều vụ án đáng sợ đến rùng mình mà hung thủ - nạn nhân lại là những người nông dân chân đất tội nghiệp, “Năm 2005, tỉnh có 31 vụ tử tử, làm 32 người chết, thì trong đó có 26 vụ họ dùng là ngón để tìm thần chết. Tương tự, năm 2006 có 30 vụ tự tử

thì 29 vụ dùng lá ngón làm phương tiện chết” [20, tr.90]. Những câu chuyện của

Lầu Thị Cho, Hà Thị Dung, Sùng Thị Pá, Thào Thị Bia, Lầu Thủ Phó… là nỗi ám ảnh buốt lòng về sự thiếu hiểu biết của người vùng cao.

Phóng sự Sơn Lộ bịt bùng như một hồi chuông cảnh tỉnh một thói quen cố hữu của người vùng cao, đó là ngâm rượu lá, củ, quả thảo dược để uống. “Bà Nông Thị Lợi, 65 tuổi, đi chăn bò, cũng nhân thể nhặt hạt trẩu và

bới rễ cây rừng về ngâm rượu uống để trị bệnh đau lưng. Và cút rượu của bà đã khiến 6 người đàn ông ra đi, để lại 6 người vợ trẻ, gần 20 đứa con côi cút

và nỗi kinh hoàng vĩnh viễn”. Từ câu chuyện của bà Lợi, câu hỏi mà phóng

sự đặt ra: Liệu những thức rượu ngâm, rượu thuốc mang xuống phố có an toàn không, có những sự nhầm lẫn chết người như bà Lợi? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc này?

Cũng viết về những nỗi đau đang âm ỉ tra tấn con người xứ đại ngàn nhưng phóng sự Vết chàm trên mình sơn nữ được tiếp cận từ một hướng khác. Câu chuyện giữa tác giả và hoa khôi Chiềng Xại tên Khà Thị Ngọc cứ miên man giữa màn đêm đại ngàn bất tận, và cuộc đời của cô sơn nữ dần dần hé mở. Phóng sự khiến độc giả giật mình vì cuộc “tha ết lên rừng” chóng vánh đang gom góp thành một hiểm hoạ đối với miền núi. Từ câu chuyện cuộc đời một con người, tác giả khái quát thành một vấn đề xã hội: “Những ngày này, tôi gặp một Mai Châu khác, với thống kê chưa đầy đủ là hơn 240 con nghiện và chừng 50 người bị nhiễm HIV – ít nhất 7 người đã chết vì căn bệnh thế kỷ AIDS! (...) Theo thống kê sơ bộ, số người bị HIV ở Mai Châu dù là thị trấn vùng sâu, vùng xa, đèo dốc kinh người thế mà vẫn đứng thứ 3 ở tỉnh Hoà Bình, chỉ sau có anh… thị xã và một huyện vùng thấp khác. Hầu hết các đối tượng nhiễm HIV ở

Mai Châu là do tiêm chích ma tuý” [11, tr.123-145].

Phóng sự Thú độc nơi biên cương được đánh giá là phóng sự thành công nhất trong cả năm tác nghiệp của Đỗ Doãn Hoàng (năm 2008). Phóng sự đề cập đến vấn đề mới nảy sinh tại vùng biên giới Việt - Trung của tỉnh Hà Giang:

“Loài "thú độc" đã qua đây, dùng gậy lớn và dao dài đập - chém chết tức khắc những người lớn, rồi cõng trẻ con biến mất trong rừng già. Ít nhất 11 người lớn

là nạn nhân của các vụ thảm sát, 9 trẻ con bị cõng đi” [20, tr.243]. Đầy đau xót

trước số phận của những gia đình sống ở những bản làng xa vắng, và cũng đầy căm phẫn trước hành động giết người trắng trợn, tàn ác, manh động, phóng sự

là tiếng thét từ nhân tâm đòi hỏi toàn thể xã hội phải chung tay hành động, ngăn chặn kịp thời.

Nỗi đau thân phận con người vẫn dằng dặc trong phóng sự Đỗ Doãn Hoàng. Phóng sự Nỗi đau… “còn non tuổi” xoáy sâu vào những đứa trẻ vị thành niên không được giáo dục hoàn thiện, để rồi dẫm chân vào tội ác, gây ra nhiều hậu quả thương tâm. Rồi đến đứa trẻ nghiện ngập hai lần vào đại học, bốn lần sa ngã và mong muốn được… tự tử trong phóng sự Cô gái bị xích dưới

chân giường, đến cuộc đời không trọn vẹn của những đứa trẻ vô thừa nhận - hệ

quả từ một tập tục bất lương, tập tục bỏ con của người vùng cao Thanh Sơn, Phú Thọ trong phóng sự Những đứa trẻ đến từ ngọn cây. Hoàn cảnh tận khổ của cô bé có ngón chân khổng lồ Lê Thị Huế, với ngón chân nặng tới 2kg, to gần bằng cái bắp chuối được ghi vào cuốn sách Việt Nam 234 chuyện độc đáo

do Nxb Thanh Niên ấn hành năm 2004. Anh Hải trong phóng sự Hai mươi năm

kéo dài một cái… “chân voi” cũng có một số phận tương tự, với cái chân càng

ngày càng to dần, to mãi không rõ nguyên nhân. Đến non nửa trọng lượng cơ thể khổ chủ là do cái “chân voi” mang lại. Nỗi đau ấy có thể sẽ không bao giờ vơi được, nếu không có một ngày các nhà hảo tâm tìm đến giúp đỡ, sẻ chia.

Cá nấu chín vẫn còn mùi thuốc sâu là câu chuyện đau lòng về một thảm

hoạ môi trường ở làng ung thư xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

“Xã có 4.176 dân, chia ra 7 khu vực sinh sống, tại vùng đồi của 9 hộ gia đình khu 2 (trước đây tên là xóm Quang Trung) là có nhiều thành viên bị bệnh ung thư hơn cả. Nhiều nhà có tới 4 người chết vì ung thư, bà con sợ quá bỏ hoang nhà cửa đi tứ tán, nhưng đi nơi khác vẫn chết vì… ung thư. Cụ thể (thống kê sơ bộ của anh Ninh): Năm 2003, xã có 14 người chết, thì 8 người chết vì ung thư (K); năm 2004, xã có 9 người chết thì 3 người chết vì ung thư; năm 2005, có 15

người chết thì 5 người chết vì ung thư” [17, tr.217].

Khi xã hội vẫn còn những sự đời nhức nhối, khi cái ác vẫn nhởn nhơ tồn tại,… thì phóng sự Đỗ Doãn Hoàng vẫn còn canh cánh những nỗi đau. Với loạt

bài Bí ẩn đằng sau công nghệ làm mới di tích Đỗ Doãn Hoàng đã hé lộ một thực tế đau lòng về tình trạng trùng tu tôn tạo di tích lịch sử. “Nhiều nhà khoa học, nhiều nhà quản lý, nhiều đơn vị giám sát, thi công các công trình “trùng tu tôn tạo” “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Tức là họ lập đề án, duyệt đề án, tư vấn, giám sát cho đề án trùng tu di tích, khi bị công luận phản đối, họ lại đứng ra lấy danh nghĩa "nhà khoa học, nhà quản lý" thanh minh cho việc làm của dự án. Thành ra, dư luận cứ bất bình, còn di tích cứ ùn ùn được dỡ ra xây mới, hoặc sửa sang tuỳ tiện làm mất đi giá trị thẩm mỹ, văn hoá, lịch sử đã ngưng

đọng hàng trăm, hàng nghìn năm” [27].

Trong phóng sự Chuông nguyện hồn… sông! nỗi đau sông ngòi bị tàn sát được thể hiện qua câu hỏi tu từ: Sông Đà sẽ không còn được gọi là sông nữa khi dự án làm thuỷ điện rầm rộ khởi động? Niềm vui ngắn chẳng tày gang, nỗi đau thì hiển hiện mãi: “Một mai nước sông Đà dâng lên đem về “vàng trắng” (thuỷ điện) cho cả nước, hàng trăm bản làng ở khắp 3 tỉnh Tây Bắc sẽ vĩnh viễn mất đi nhiều giá trị văn hoá quý (…) Chỉ xin, các nhà khoa học, kể cả các văn nghệ sĩ, hãy sớm hiểu sông Đà hơn, hãy lưu giữ những giá trị muôn mặt của sông Đà lại trước khi tất cả trở thành quá muộn. Nếu không, chúng ta sẽ có tội

với các liệt tổ liệt tông, với mai hậu, với chính chúng ta” [18, tr.148].

Những nỗi đau cứ canh cánh bên lòng nhà phóng sự có tài và có tâm, có lẽ suốt cuộc đời Đỗ Doãn Hoàng không dứt ra được bởi nếu một khi đã dứt, một khi tơ lòng không ngân lên những rung cảm cuộc đời, một khi không còn niềm cảm thông, thấu hiểu con người thì có lẽ khi đó, những thiên phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng sẽ không còn cuốn hút chúng ta nữa.

Một phần của tài liệu (Trang 39 - 42)