Các nghiên cứu trong nước

Một phần của tài liệu SỰ SẴN LÒNG CHI TRẢ BẢO HIỂM NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG -TRƯỜNG HỢP CÁC HỘ NUÔI TẠI PHƯỜNG NINH GIANG, THỊ XÃ NINH HÒA, TỈNH KHÁNH HÒA (Trang 37 - 40)

Phạm Lê Thông (2006) đo lường mức sẵn lòng trả của nông hộ cho chương trình bảo hiểm giá lúa, được thực hiện với 300 hộ nông dân tại hai huyện Ô Môn và Thốt Nốt tỉnh Cần Thơ. Nghiên cứu phân tích mô hình hồi qui probit đa biến cho thấy yếu tố thu nhập hộ gia đình, mức phí bảo hiểm, diện tích đất canh tác, trình độ học vấn, giới tính và kinh nghiệm trồng lúa ảnh hưởng nhiều đến quyết định tham gia bảo hiểm. Nguyễn Quốc Nghi và cộng sự (2012) nghiên cứu về nhu cầu tham gia bảo hiểm nông nghiệp của nông hộ trồng thanh long huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Số liệu nghiên cứu được thu thập bằng phỏng vấn trực tiếp 132 hộ trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo. Phương pháp tạo dựng thị trường CVM (Contigent Valuation Method) được sử dụng để đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia bảo hiểm nông nghiệp của nông hộ (WTP - Willingness to pay). Bên cạnh đó mô hình hồi quy probit được sử dụng để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu tham gia bảo hiểm nông nghiệp của hộ trồng thanh long. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ hộ trồng thanh long tham gia bảo hiểm giá khá cao trong khi tỷ lệ hộ tham gia bảo hiểm sản lượng lại rất hạn chế. Các nhân tố ảnh hưởng tích cực đến nhu cầu tham gia bảo hiểm nông nghiệp của hộ trồng thanh long là trình độ học vấn của chủ hộ, diện tích trồng, tập huấn kỹ thuật, tham gia hội đoàn thể, chi phí đầu tư/1.000m2 và tổng số rủi ro nông nghiệp của nông hộ.

Phan Đình Khôi và Quách Vũ Hiệp (2014) phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia bảo hiểm nuôi tôm của các hộ là đối tượng được tham gia chương trình thí điểm bảo hiểm nuôi tôm ở tỉnh Bạc Liêu. Kết quả chỉ ra rằng có mối tương quan thuận giữa làm việc tại địa phương và tiếp cận thông tin bảo hiểm, diện tích ao

nuôi với quyết định tham gia bảo hiểm của nông hộ. Ngoài ra, kết quả phân tích hồi quy cũng cho thấy yếu tố trình độ học vấn càng cao có xu hướng ít tham gia vào loại hình bảo hiểm này. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy các đặc điểm của hộ như yếu tố giới tính, tập huấn, kinhh nghiệm, vay vốn, và chi phí sản xuất không có ý nghĩa thống kê trong quyết định sẵn lòng tham gia bảo hiểm tôm nuôi.

Tác giả Nguyễn Bá Huân (2015) đã có bài nghiên cứu về “Mức sẵn lòng chi trả bảo hiểm nông nghiệp cho chăn nuôi lợn của nông dân ở huyện Chương Mỹ Hà Nội”. Nghiên cứu sử dụng phương pháp định giá ngẫu nhiên (CVM - Contigent Valuation Method) nhằm xác định mức sẵn lòng chi trả (WTP - Willingness to pay) bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) của nông dân cho chăn nuôi lợn ở huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến mức sẵn lòng chi trả BHNN thông qua điều tra 300 hộ chăn nuôi bằng phương pháp phỏng vấn theo bảng hỏi. Tác động tích cực đến mức sẵn lòng chi trả của nông dân là các nhân tố: Loại hộ, hộ được tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, mức độ rủi ro theo đánh giá của hộ, thông tin về BHNN và quy mô chăn nuôi.

Tác giả Lương Thị Ngọc Hà (2015) với nghiên cứu “Đánh giá mức độ sẵn sàng chi trả bảo hiểm nông nghiệp của hộ gia đình nông thôn Việt Nam. Trường hợp nghiên cứu ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh” Nghiên cứu này tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng tới mức độ sẵn sàng tham gia và chi trả BHNN của hộ gia đình nông thôn dựa vào mô hình hóa định lượng. Kết quả cho thấy quy mô sản xuất của hộ gia đình và các chính sách hỗ trợ (như tín dụng và khuyến nông) có ảnh hưởng lớn tới quyết định sẵn lòng tham gia cũng như chi trả cho bảo hiểm cây lúa của hộ gia đình. Như vậy, để triển khai BHNN sâu rộng thì cần nắm bắt nhu cầu của từng đối tượng hộ gia đình và có các chính sách hỗ trợ sản xuất tổng hợp.

Tác giả Nguyễn Duy Chinh và các cộng sự (2016) đã có bải nghiên cứu về “Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sẵn lòng tham gia bảo hiểm cây lúa của hộ nông dân huyện Cần Đước, tỉnh Long An” nghiên cứu này sử dụng hồi quy Logit cho dữ liệu phỏng vấn mặt đối mặt từ một trăm hộ nông dân tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Một số kết quả chính rút ra từ nghiên cứu: Các nông hộ có quan tâm đến mức phí bảo hiểm, và số người phụ thuộc vào nghề lúa càng nhiều thì xu hướng tham gia bảo hiểm càng tăng. Tuy nhiên, những hộ nông dân có diện tích canh tác lớn, năng suất cao và có nhiều năm kinh nghiệm ít sẵn lòng tham gia bảo hiểm. Các đặc điểm khác của hộ như tuổi chủ hộ, giới tính, không ảnh hưởng đến quyết định tham gia bảo hiểm.

Các đề tài nghiên cứu trên được thực hiện phần lớn khi các địa bàn đó đã và đang được thí điểm mô hình BHNN theo Quyết định 315/QĐ-TTg. Tuy nhiên, với đề tài nghiên cứu này mô hình bảo hiểm chưa được triển khai, do đó trong đề tài đã tham khảo thêm một số tài liệu nghiên cứu trong môi trường giả định như sau:

Theo các tác giả Ngô Thị Thủy, Trần Thị Thu Hà, Vũ Thu Thủy (2015) trong bài “Ước lượng mức sẵn lòng chi trả của người dân nhằm giảm thiểu ô nhiễm mô trường tại làng nghề Vạn Phúc, Hà Đông”. Phương pháp hồi quy cũng được sử dụng để đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến WTP cho việc cải thiện môi trường nước của làng nghề. Số liệu sơ cấp thông qua điều tra phỏng vấn 120 người (đại diện cho 120 hộ). Kết quả cho thấy: tuổi của người được phỏng vấn, trình độ học vấn, thu nhập, nghề nghiệp và việc có làm trong tổ chức môi trường là những yếu tố ảnh hưởng đến mức sẵn lòng chi trả của người dân nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại làng nghề, trong đó, biến nghề nghiệp có tác động rõ rệt nhất.

Theo Nguyễn Bá Huân (2017) trong bài “Uớc lượng mức sẵn lòng chi trả cho sử dụng nước sạch của người dân tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội”. Bằng việc sử dụng phương pháp định giá ngẫu nhiên (Contingent Valuation Method - CVM), kết quả khảo sát 360 hộ gia đình ở 4 xã đại diện của huyện Chương Mỹ cho thấy mức WTP bình quân là 5.310 đồng/m3 nước sạch. Đồng thời, kết quả hồi quy cũng chỉ ra rằng các yếu tố: nghề nghiệp, thu nhập, trình độ học vấn, tuổi, giới tính và sự tham gia tổ chức môi trường của hộ là những yếu tố ảnh hưởng đến mức WTP cho sử dụng nước sạch của người dân, trong đó nghề nghiệp và thu nhập ảnh hưởng lớn nhất. Để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch thì không chỉ phụ thuộc vào quyết định của người dân mà còn phụ thuộc rất lớn vào các chính sách đầu tư của các cơ quan chức năng.

Trên thế giới cũng như trong nước đã có nhiều tác giả đã thực hiện đề tài ước lượng mức sẵn lòng chi trả, đa phần các tác giả đều sử dụng phương pháp ước lượng ngẫu nhiên CVM làm phương pháp phân tích. Dựa vào các nghiên cứu trên cho thấy mức sẵn lòng chi trả của các nông hộ phụ thuộc rất nhiều vào trình độ học vấn, các chương trình tập huấn và sự hiểu biết của các nông hộ về chương trình bảo hiểm. Đối với BHNN ở Việt Nam nói chung và bảo hiểm nuôi tôm ở tỉnh Khánh Hòa nói riêng còn gặp rất nhiều khó khăn từ việc triển khai cho đến việc người dân sử dụng và tin tưởng vào bảo hiểm là một việc làm đầy chông gai. Việc thực hiện đề tài nghiên cứu

trên sẽ giúp cho chúng ta hiểu thêm về những yếu tố nào làm cho những người dân có nhiều năm kinh nghiệm trong việc sản xuất nuôi tôm ở nơi đây sẵn lòng chi trả cho bảo hiểm tôm nuôi.

Một phần của tài liệu SỰ SẴN LÒNG CHI TRẢ BẢO HIỂM NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG -TRƯỜNG HỢP CÁC HỘ NUÔI TẠI PHƯỜNG NINH GIANG, THỊ XÃ NINH HÒA, TỈNH KHÁNH HÒA (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w