Bảo hiểm tôm thẻ chân trắng là loại hình bảo hiểm rất mới, rất phức tạp, rủi ro cao. Mặt khác, cơ chế chính sách thường không được rà soát, đánh giá và sửa đổi bổ sung kịp thời để đáp ứng được thực tế.
Bên cạnh đó, tính chất sản xuất trên địa bàn nhỏ, manh mún lại bị thiên tai dịch bệnh nhiều trong khi đó cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin kiểm soát của địa phương và của doanh nghiệp BH còn hạn chế. Lực lượng cán bộ làm BHNN còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai nghiệp vụ bảo hiểm mới. Vì vậy các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, hạn chế rủi ro và giám định tổn thất từ khâu kiểm tra, xác định, đánh giá đối tượng được bảo hiểm, rủi ro bảo hiểm, giám sát tuân thủ quy trình canh tác... Với rất nhiều những tồn tại, bất cập như trên, cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ, kịp thời của các ban ngành địa phương cùng với người dân và doanh nghiệp BHNN để thực hiện chương trình có hiệu quả. Chính phủ cần xây dựng cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa các ngành với đơn vị tham gia chương trình BHNN, đây sẽ là một căn cứ pháp lý quan trọng trong việc hợp tác, chia sẻ thông tin về chương trình BHNN.
- Xu hướng chung của một xã hội phát triển là Nhà nước không can thiệp sâu vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Chuyển dần từ quản lý Nhà nước sang quản trị Nhà nước. Tuy nhiên, không vì thế mà vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước bị phai nhạt. Nhà nước cần đứng trung tâm trong các tranh chấp để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Do vậy, Chính phủ cũng cần xây dựng cơ chế để thành lập những đơn vị giám định BHNN độc lập, bên cạnh các cơ quan quản lý Nhà nước, để khi có phát sinh vướng mắc giữa người dân và doanh nghiệp về BHNN cơ quan này đủ năng lực đưa ra ý kiến tham mưu trong giải quyết các tranh chấp.