Bảo hiểm trong nông nghiệp là một sản phẩm bảo hiểm truyền thống nằm trong số khoảng 550 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường bảo hiểm thế giới. Nó không phải là nghiệp vụ kinh doanh đơn thuần mà mang tính xã hội rất cao, nhu cầu về BHNN rất lớn, đặc biệt là ở các nước mà nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu. Tuy nhiên, nó chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trên thị trường bảo hiểm thế giới.
Yếu tố cung trên thị trường thấp. Nếu chỉ bảo hiểm theo hướng kinh doanh đơn thuần thì không có doanh nghiệp nào mặn mà với BHNN do đây là loại hình kinh
doanh có nguy cơ thua lỗ cao, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp là rất lớn và thường xuyên. Nếu có triển khai BHNN thì cũng chọn đối tượng ít có rủi ro để nhận bảo hiểm hoặc tiến hành một cách cầm chừng. Mặt khác, đối tượng BHNN rất phong phú và trên diện rộng cho nên rất khó quản lý rủi ro, dễ phát sinh các rủi ro về đạo đức.
Các loại rủi ro thường gặp trong nông nghiệp:
- Nhóm rủi ro liên quan đến thời tiết: là những rủi ro liên quan tới các hiện tượng thời tiết không được dự đoán và không thể dự đoán ví dụ như tác động của thời tiết và khí tượng học và sản xuất nông nghiệp.
- Rủi ro liên quan đến sản xuất nông nghiệp: Những rủi ro liên quan đến các nhân tố như là sâu bệnh, bệnh dịch ở cây trồng và vật nuôi và ảnh hưởng của dây chuyền chế biến trong sản xuất nông nghiệp.
- Rủi ro mang tính kinh tế: những rủi ro liên quan tới sự biến động của giá nông phẩm và các nguyên liệu đầu vào do sự biến động khó dự đoán của thị trường.
- Những rủi ro tài chính và hoạt động thương mại: những rủi ro này do sự tác động của các lĩnh vực sản xuất khác tới sản xuất nông nghiệp.
- Những rủi ro liên quan đến thể chế: là những rủi ro xuất phát từ các chính sách nông nghiệp của nhà nước.
- Rủi ro về môi trường: những rủi ro do những tác động tiêu cực của các hoạt động ngoại ứng ảnh hưởng đến môi trường sản xuất nông nghiệp. Điều này có thể sẽ tác động nghiêm trọng làm cho người nông dân không có điều kiện tái đầu tư sản xuất và nếu có thì khả năng phục hồi tổn thất cần rất nhiều thời gian, đặc biệt khi những biến động này tác động tới toàn bộ nền nông nghiệp.
Việt Nam là một nước sản xuất nông nghiệp lớn với hơn 70% dân số sống bằng nghề nông. Mặc dù nền nông nghiệp Việt Nam có vai trò vị trí chiến lược trong việc phát triển kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân và là một ngành sản xuất chính nhưng thu nhập của người nông dân từ lĩnh vực này lại không đáng kể. Hơn nữa, ở Việt Nam lại chưa có một nền nông nghiệp sản xuất lớn theo đúng nghĩa, vẫn duy trì nền sản xuất nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình, chủ yếu dựa vào sức lao động, không sản xuất theo kế hoạch mà chủ yếu lại theo tập quán. Do đó, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào vấn đề thời tiết, vị trí địa lý, đặc điểm về địa hình.Vì vậy, tất yếu sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam phải chịu những rủi ro không chỉ về thiên tai, dịch bệnh mà bên cạnh đó là những rủi ro từ nền kinh tế vĩ
mô, về chính trị…Do đó, BHNN là một trong những giải pháp tối ưu cho ngành nông nghiệp của đất nước. Trên góc độ kinh tế - xã hội, việc triển khai BHNN ở Việt Nam có tác dụng rất lớn. BHNN góp phần bảo vệ thành quả của người lao động trong quá trình sản xuất nông nghiệp, ổn định giá cả trên thị trường tự do, đặc biệt là giá cả của các mặt hàng thiết yếu nhất như lương thực và thực phẩm, đảm bảo an sinh xã hội.
Tóm lại, tính ổn định trong sản xuất nông nghiệp là rất thấp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Vì vậy, để chủ động đối phó và có quỹ dự trữ, dự phòng bồi thường kịp thời những tổn thất do thiên tai gây ra, biện pháp tốt nhất và hữu hiệu nhất là tiến hành BHNN. BHNN ra đời là cần thiết khách quan, góp phần bảo vệ an toàn các loại tài sản và quá trình sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định cuộc sống cho hàng triệu người dân cùng một lúc, ổn định giá cả trên thị trường tự do, đặc biệt là giá cả những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm.