Đặc điểm chung của địa bàn nghiên cứu

Một phần của tài liệu SỰ SẴN LÒNG CHI TRẢ BẢO HIỂM NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG -TRƯỜNG HỢP CÁC HỘ NUÔI TẠI PHƯỜNG NINH GIANG, THỊ XÃ NINH HÒA, TỈNH KHÁNH HÒA (Trang 51 - 54)

Ninh Giang là một phường đồng bằng ven biển, nằm về phía Đông Nam thị xã Ninh Hòa, phía Bắc giáp xã Ninh Phú, phường Ninh Đa, phía Nam giáp phường Ninh Hà, phía Đông giáp đầm Nha Phu, có đường Quốc lộ I đi ngang khoảng 2 km, cũng là đường ranh giới phía Tây giữa Ninh Giang và phường Ninh Hiệp. Có sông Dinh chảy theo ranh giới giữa Ninh Đa, Ninh Phú với Ninh Giang, dài khoảng 5 km xuôi dòng theo hướng Đông Bắc, trước khi chảy vào đầm Nha Phu.

Ninh Giang nằm trong tiểu vùng khí hậu đồng bằng ven biển, mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa và chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương nên quanh năm khí hậu nơi đây tương đối ôn hòa, mùa đông không rét buốt với nhiệt độ trung bình hàng năm là 26,60C, độ ẩm bình quân hàng năm là 70% – 80%. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.350 mm, thời tiết mưa rải không đều. Hàng năm mưa nhiều vào tháng 10, tháng 11, thường gây lũ lớn nhưng ít khi có bão. Mùa khô nắng nhiều, gió Tây Nam thổi mạnh, thường gây hạn hán gay gắt. Nhiệt lượng ánh sáng dồi dào với 2.482 giờ nắng trong năm, tổng nhiệt lượng bình quân trong năm 9.5000C.

Ninh Giang có diện tích tự nhiên trên 6,72 km2, đất nông nghiệp chiếm trên 500 ha, trong đó diện tích trồng lúa chiếm 320 ha. Cấu tạo vùng đất này là đất phù sa do dòng sông Dinh bồi đắp. Do vậy đồng ruộng màu mỡ phì nhiêu là một trong những trọng điểm lúa của thị xã Ninh Hoà. Toàn phường chia thành 07 tổ dân phố, có dân số 8.251 người, mật độ trung bình 1.231 người /km2.

Phường có bờ biển dài trên 3 km (tính theo mép nước thuộc đầm Nha Phu) do dòng sông Dinh bồi lắng tạo nên vùng bãi triều trên hàng trăm ha có nhiều tôm cá. Ở đây nhân dân khai phá, lấn biển tạo nên những vùng nuôi trồng thuỷ sản (NTTS). Ở phía Tây Nam xã có núi Sầm, độ cao khoảng 87 mét, là mỏ đá lớn cung cấp cho các công trình xây dựng trong tỉnh, nơi đây cũng còn cung cấp số lượng lớn đá sản xuất đồ gia dụng, mỹ nghệ nổi tiếng trong và ngoài thị xã.

Quá trình hình thành xã Ninh Giang gắn liền với lịch sử huyện Ninh Hoà. Theo lịch sử xưa kia, Ninh Giang thuộc tổng Ích Hạ, là một trong 3 tổng của huyện Tân Định, lúc này tổng Ích Hạ nằm phía Đông Nam, giáp biển và kéo dài từ bến Đò Lá (Hà Liên, Tân Tế hiện nay) dưới Quốc lộ 1 đến làng Lương Sơn ở chân đèo Rù Rì.

Từ sau năm 1945, tổ chức hành chính cấp tổng bải bỏ, lâm thời gọi là Uỷ Ban Quân Dân Chính khu Ích Hạ.

Đầu năm 1946 (sau ngày tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên ngày 06/01/1946), tổ chức hành chính các khu không còn và các xã được thành lập từ đây, lúc này quy mô xã có từ 3 đến 7 làng, trong khu Ích Hạ có các xã: xã Liên Hiệp (có 5 làng là Phú Thạnh, Phú Thứ, Hội Bình, Ninh Thành và Hội Phú Nam), xã An Hoà (có 3 làng là Phong Phú, Thanh Châu, Mỹ Chánh), xã Chí Thắng (có 7 làng là Hà Liên, Tân Tế, Thuận Lợi, Hậu Phước, Mỹ Thuận, Mỹ Trạch, Hòa Sơn) thuộc huyện Ninh Hoà.

Cuối năm 1949, thực hiện chỉ thị của Tỉnh uỷ và Uỷ Ban Kháng chiến hành chính tỉnh, huyện tổ chức sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã. Toàn huyện có 18 xã nhỏ được hợp thành 7 xã lớn, riêng xã Ninh Chiến được đổi tên thành xã Hòa Chính. Sau đình chiến năm 1954, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm sắp xếp lại đơn vị hành chính, xã Hòa Chính được chia làm 2 xã gồm: xã Ninh Giang, xã Ninh Hà, thay tên làng thành tên ấp, Ninh Giang gồm 7 ấp là Thanh Châu, Mỹ Chánh, Phong Phú, Phú Thứ, Phú Thạnh, Hội Bình và Ninh Thành, sau này toàn bộ ấp đổi thành thôn.

Quá trình hình thành và phát triển từ tổng Ích Hạ của huyện Tân Định đến huyện Ninh Hòa ngày nay đã hơn hàng trăm năm. Trong quá trình ấy, về địa giới hành chính có nhiều lần thay đổi, tên gọi khác nhau, nhiều lần hợp lại và tách ra, cho đến nay phường Ninh Giang gồm 7 Tổ dân phố: Thanh Châu, Mỹ Chánh, Phong Phú 1, Phong Phú 2, Phú Thạnh, Phú Thứ và Hội Thành.

Ninh Giang là vùng dân cư được hình thành từ rất sớm trong lịch sử thị xã Ninh Hòa, hiện nay rải rác các nơi còn nhiều ngôi mộ cổ, tại hòn Sầm còn lưu giữ 3 đỉnh tháp Chàm, tại gò Chùa còn sót lại móng ngôi chùa Bửu Quang đã xây dựng cách đây gần 300 năm (trước khi dời về địa điểm hiện nay), minh chứng con người đã sinh sống cách đây từ lâu. Trước đây dân cư vùng này rất thưa thớt, đa số sống bằng nghề làm ruộng, đánh bắt tôm, cá, làm các nghề thủ công và một vài hộ buôn bán, có những nghề thủ công trở thành nghề truyền thống của địa phương như: làm võng Thanh Châu, nghề làm vôi Mỹ Chánh, nghề làm đá Phong Phú, đặc biệt là nghề đúc đồng Thanh Châu, ngày nay vẫn còn lưu giữ quả chuông đồng nặng trên 100 kg tại chùa Trường Thọ (Chùa Cát) được các nghệ nhân ở đây đúc vào năm 1.807. Hiện nay, trên địa bàn phường có 04 ngôi đình được công nhận là di tịch lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Nối tiếp hết thế hệ này đến thế hệ khác, cùng nhau khai hoang, mở đất, lấn biển, mở mang ruộng đồng, chống chọi với thiên nhiên, diệt trừ thú dữ để tồn tại, phát triển.

Ngày 25/10/2010, Chính phủ ban hành Nghị nguyết số 41/NQ-CP thành lập thị xã Ninh Hòa và các phường thuộc thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Từ đó, Ninh Giang từ một xã thuần nông từng bước chuyển mình thành một đô thị mới. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, không cong nhà tranh tre dột nát, 100% hộ sử dụng điện sinh hoạt, tỉ lệ hộ nghèo chiếm 3,33%. Cơ sở hạ tầng, phúc lợi được chú trọng đầu tư xây dựng. Hầu hết các tuyến đường giao thông được nâng cấp, bê tông hoá, giao thông đi lại rất thuận lợi. Sự nghiệp giáo dục, văn hoá, y tế được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc, chữa bệnh của nhân dân, đời sống tinh thần từng bước được nâng lên.

Vùng nuôi trồng thủy sản của địa bàn nghiên cứu thuộc tổ dân phố Phú Thạnh (bao gồm các vùng đìa: Đìa cống chính, vùng đìa cổng 2, vùng đìa thanh niên, vùng đìa đồng cái, đìa ông phá và một số đìa ruộng). Phía Đông tiếp giáp với ngòi nước (bến giá), thuộc hệ thống ngòi, lạch của Đầm Nha Phu; phía Tây tiếp giáp với ruộng lúa (ngăn cách bởi một tuyến ngầm nước ngọt) phía Nam tiếp giáp với hương bộ của phường Ninh Hà. Phía Bắc tiếp giáp với một số đìa ruộng (chưa được vào tổ hợp tác).

Tính chất lý hóa của đất đặc trưng cho vùng ngập mặn qua thời gian ngâm hồ lắng biển để hình thành các vùng nuôi tôm. Nhìn chung đất đai phù hợp với việc nuôi các đối tượng như tôm sú, thôm thẻ, cua xanh…

Nguồn nước cung cấp cho việc nuôi trồng được cấp từ hệ thống ngòi lạch của phía Tây đầm Nha Phu. Do điều kiện tự nhiên của phường, hàng năm từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch, phường bị lũ lụt tràn về ngập các vùng đìa không thể nuôi trồng được. Trong thời gian này, mỗi năm chỉ khai thác được từ 1 đến 2 vụ nuôi. Hệ thống kênh nhân tạo được thiết kế vừa cấp nước vừa tiêu nước. Nay không còn phù hợp với điều kiện nuôi thâm canh. Diện tích đìa chủ yếu là hộ gia đình thuê của UBND phường từ quỹ đất 5% và một số ao đìa hình thành từ việc chuyển mục đích sản xuất từ đất lúa.

Các hộ nuôi trồng thủy sản chủ yếu là nông dân trên địa bàn phường Ninh Giang, còn có một số hộ nông dân từ nơi khác đến làm đìa nhằm tăng thu nhập kinh tế gia đình. Nhìn chung, nông dân làm đìa là những người dân rất cần cù siêng năng lao động. Song đại bộ phận đều thiếu vốn, thiếu vật tư, thiết bị, thiếu kiến thức. Nên việc nuôi trồng thủy sản phải chịu nhiều rủi ro, thua lỗ. Tuy vậy, với ý chí của mình người nuôi tôm vẫn bám trụ để trong chờ vận may hy vọng sẽ đến.

Một phần của tài liệu SỰ SẴN LÒNG CHI TRẢ BẢO HIỂM NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG -TRƯỜNG HỢP CÁC HỘ NUÔI TẠI PHƯỜNG NINH GIANG, THỊ XÃ NINH HÒA, TỈNH KHÁNH HÒA (Trang 51 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w