Cơ sở lý luận

Một phần của tài liệu Nguyên tắc “suy đoán vô tội” nghiên cứu so sánh và kinh nghiệm cho việt nam (Trang 27 - 29)

Đầu tiên, xuất phát từ mục đích bảo vệ quyền con người chính là một cơ sở quan trọng trong quá trình hình thành quy định nguyên tắc suy đoán vô tội. Ngày nay, quyền con người mang tính tiến bộ, văn minh này đã được ghi nhận trong các văn bản pháp lý quốc tế và pháp luật của các quốc gia với tư cách là một quyền cơ bản của con người. Để bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội, quyền được suy đoán vô tội phải được ghi nhận bởi quyền này có mối quan hệ mật thiết với các quyền cơ bản khác, chỉ khi thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội thì các quyền khác

(nguyên tắc khác) mới có thể được bảo đảm, cụ thể:

Thứ nhất, suy đoán vô tội có mối quan hệ mật thiết với quyền bào chữa, đây đều là những quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Để thực hiện quyền bào chữa, góp phần nâng cao vị trí của người bị buộc tội trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, tôn trọng và thực hiện tốt quyền được suy đoán vô tội đóng vai trò quan trọng. Thứ hai, bởi người bị buộc tội không phải chứng minh mình vô tội nên họ có quyền được giữ im lặng. Quy định quyền được im lặng nhằm ngăn cấm bất kỳ hình thức cưỡng bức nhận tội nào dù về thể xác hay tinh thần, dù là trước hay sau khi xét xử. Ngoài ra, sự im lặng của người bị buộc tội cũng không thể được sử dụng làm chứng cứ để chứng minh sự có tội. Chính vì vậy, quyền được suy đoán vô tội là cơ sở cho việc ghi nhận trực tiếp quyền được im lặng của người bị buộc tội và quyền không phải đưa ra chứng cứ chống lại chính mình của họ. Thứ ba, quyền được suy đoán vô tội cũng có mối quan hệ mật thiết với quyền được xét xử công bằng. Người bị buộc tội không thể được đảm bảo về quyền được xét xử công bằng nếu quyết định của những người tiến hành tố tụng có sẵn những định kiến, phiến diện hay thiên vị, không tôn trọng quyền được suy đoán vô tội của người bị buộc tội.

Có thể nói, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, việc các CQTHTT tôn trọng và thực hiện đúng quyền được suy đoán vô tội thì đồng nghĩa với việc tôn trọng và bảo đảm các quyền cơ bản khác của công dân.

Tiếp theo, xuất phát từ mối quan hệ bổ trợ nhau của nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc xác định sự thật vụ án. Có thể khẳng định quá trình tố tụng hình sự là quá trình nhận thức để tìm ra sự thật của vụ án. Sự thật của VAHS là toàn bộ sự kiện phạm tội đã xảy ra trên thực tế mà CQTHTT xác định được thông qua trình tự, thủ tục luật định. Do vậy, việc xác định sự thật của vụ án luôn được đòi hỏi xuyên suốt quá trình tố tụng hình sự. Sự thật của vụ án cần phải xác định là: có việc phạm tội xảy ra hay không, ai là người phạm tội, hình thức lỗi, mục đích, động cơ phạm tội, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự... Nguyên tắc xác định sự thật khách quan của vụ án yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm chứng minh tội phạm và phải áp dụng các biện pháp khách quan, vô tư, toàn diện để

tìm ra sự thật của vụ án, làm rõ những chứng cứ có tội, vô tội để tránh xét xử sai người.24Nguyên tắc đặt ra nhằm hướng đến đảm bảo truy cứu đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm và oan sai, đây cũng là một nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội. Có thể nói, hai nguyên tắc này có mối quan hệ rất rõ ràng với nhau: cơ quan có thẩm quyền THTT có trách nhiệm chứng minh tội phạm theo nguyên tắc xác định sự thật khách quan của vụ án, quá trình chứng minh phải tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội. Chính vì vậy, hai nguyên tắc luôn tồn tại song hành cùng nhau, nhằm đảm bảo tốt nhất tính chính xác, khách quan của quá trình giải quyết vụ án và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị buộc tôi trong suốt quá trình này.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc “suy đoán vô tội” nghiên cứu so sánh và kinh nghiệm cho việt nam (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)