Thảo luận nghiên cứu

Một phần của tài liệu NHỮNG NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNGCỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM 10598415-2230-010646.htm (Trang 66 - 72)

Yếu tố quy mô ngân hàng - SIZE

Bài nghiên cứu này, tác giả kỳ vọng biến SIZE có tác động dương tới ROA và ROE, có nghĩa là khi ngân hàng có một sự gia tăng về quy mô sẽ làm gia tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Kết quả của cả hai mô hình cho thấy biến SIZE có ý nghĩa thống kê trên mô hình với mức ý nghĩa 1% tới ROA và 1% tới ROE. Hệ số hồi quy của biến SIZE tác động tới ROA và ROE lần lượt là 0.0018 và 0.0509. Kết quả này phù hợp với kỳ vọng của tác giả và được sự ủng hộ của Javaid, S và cộng sự (2011) và rất nhiều sự ủng hộ từ nhiều bài nghiên cứu khác. Thực tế cho thấy thị phần cung cấp sản phẩm dịch vụ chiếm nhiều ưu thế thuộc về các NHTM mang yếu tố nhà nước hoặc có quy mô lớn thường có hiệu quả về mặt chi phí. Các thị phần ngân hàng tư nhân còn lại, tuy tiềm năng khá lớn nhưng lại có quá nhiều ngân hàng tham gia khiến khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Nhưng đối với các NHTM cỡ nhỏ, uy tín chưa cao, sản phẩm dịch vụ hạn chế thì khả năng cạnh tranh rất hạn chế. Thực tế chứng minh rằng các ngân hàng lớn thì khả năng có thể chịu được cú sốc khủng hoảng tốt hơn. Ngân hàng quy mô lớn có lợi thế cạnh tranh tốt, có ưu

thế đa dạng hoá danh mục tài sản và có nền tảng tài chính vững góp phần giảm thiểu rủi ro hơn.

Yếu tố tỉ lệ tiền gửi trên tổng tài sản - DEP

Hệ số hồi quy của biến DEP tác động đến ROA là -0.0029 và tác động đến ROE là -0.0478. Nó cho thấy tỷ lệ tiền gửi trên tổng tài sản có tác động ngược chiều với hiệu quả hoạt động, có độ tin cậy 95% đối với ROA và độ tin cậy 99% đối với ROE.

Theo kết quả nghiên cứu, nếu ngân hàng chú trọng mục tiêu lợi nhuận cao sẽ tạo ra những trở ngại trong việc đẩy mạnh hoạt động trung gian tài chính, chẳng hạn: Lãi suất huy động thấp sẽ kém thu hút người dân gửi tiền, hạn chế nguồn vốn huy động. Vì vậy khi tỉ lệ tiền gửi giảm 1% thì ROA sẽ tăng 0.0029% và ROE cũng sẽ tăng 0.0478%. Tác giả kỳ vọng biến DEP có mối tương quan thuận đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng do đó phát hiện này không phù hợp với kỳ vọng của tác giả nhưng được sự ủng hộ của Kaya (2002) với kết quả nghiên cứu cho rằng tỉ lệ tiền gửi trên tổng tài sản đều tác động ngược chiều đến cả ROA và ROE.

Yếu tố tỉ lệ tổng lãi ròng trên tổng tài sản - TNI

Nghiên cứu kỳ vọng tác động dương của biến số TNI tới ROA và ROE, có nghĩa là tỉ lệ thu nhập lãi thuần trên tổng tài sản càng cao thì hiệu quả hoạt động của ngân hàng càng cao. Điều này được thể hiện ở dấu (+) của biến TNI trong kết quả của cả hai mô hình cho thấy biến TNI có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa 1% tới ROA và 1% tới ROE. Hệ số hồi quy của biến TNI trong mô hình ROA là 0.2397 và trong mô hình ROE là 1.9178, tức là khi tỉ lệ thu nhập lãi thuần trên tổng tài sản tăng 1% thì lợi nhuận trên tổng tài sản ROA tăng 0.2397% còn lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROE tăng 1.9178%.

Nguồn thu nhập lớn nhất của ngân hàng xuất phát từ hoạt động tín dụng. Do đó, các ngân hàng được yêu cầu tận dụng lợi thế của việc sản xuất tài sản sau đó được phân phối dưới dạng tín dụng để có được thu nhập từ lãi suất. Thu nhập lãi thuần càng cao là khi chênh lệch giữa thu nhập lãi vay thu được từ việc cho vay và các thu nhập tương tự khác với chi phí lãi vay phải trả từ việc nhận tiền gửi và các chi phí lãi khác càng cao. Nếu thu nhập lãi suất của ngân hàng lớn hơn chi phí lãi vay, khi đó khả năng sinh lời của ngân hàng sẽ tăng lên, từ đó làm tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Điều này phù hợp với lý thuyết về quản lý thu nhập hiệu quả mà các ngân hàng có thể lấy lợi thế của hoạt động tín

dụng tốt cũng sẽ làm tăng khả năng sinh lời được ủng hộ bởi kết quả nghiên cứu của Azam và Siddiqui (2012).

Yeu tố tỉ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập - TEX

Kết quả thực nghiệm trên mô hình đã nghiên cứu cho thấy biến tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập tác động tác động ngược chiều với ROA và ROE với mức ý nghĩa 1%. Hệ số hồi quy của biến TEX trong mô hình ROA là -0.0108 và trong mô hình ROE là - 0.0999, tức là khi tỉ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập giảm 1% thì lợi nhuận trên tổng tài sản ROA tăng 0.0108% còn lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROE tăng 0.0999%. Phát hiện này phù hợp với kỳ vọng của tác giả và được sự ủng hộ của tác gải Rahman và cộng sự (2015). Chất lượng công tác khả năng quản trị chi phí luôn có tác động mạnh mẽ đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam, ngân hàng nào biết cắt giảm chi phí không cần thiết và kiểm soát tốt chi phí hoạt động của mình bao gồm các chi phí đầu vào như chi phí mặt bằng, những khoản chi cho đầu tư tài sản cố định, máy móc thiết bị, bảo vệ an ninh, phòng cháy chữa cháy, điện, nước... hay khoản chi phí đáng kể là chi phí về nhân sự thì sẽ mang lại hiệu quả và đạt lợi nhuận cao hơn cho ngân hàng.

Yếu tố tỉ lệ vốn chủ sở hữu - EQI

Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của NHTM Việt Nam tại nhiều kết quả nghiên cứu. Dựa vào mô hình có thể thấy rằng kết quả tác động của biến EQI đến ROA là dấu dương (+), còn với ROE là dấu âm (-). Điều này cho thấy, tỷ lệ vốn hóa càng cao thì lợi nhuận trên tổng tài sản càng cao, nhưng lại làm lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm. Ảnh hưởng của tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản có quan hệ dương với ROA là đúng với kỳ vọng của bài nghiên cứu nhưng lại tương quan âm với ROE khi thực nghiệm với các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tuy rằng tác động của biến EQI đi ngược lại với kỳ vọng ban đầu của nghiên cứu đến ROE nhưng được sự ủng hộ và giống với kết quả từ bài nghiên cứu của Trịnh Quốc Trung và Nguyễn Văn Sang (2013). Bên cạnh đó, nghiên cứu của Kaya (2002) cũng phát biểu rằng tỉ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản tác động tích cực đến ROA trong khi đó lại tác động tiêu cực đến ROE.

Phù hợp với kỳ vọng ban đầu và phù hợp với các nghiên cứu trước đó, kết quả hồi quy cho thấy biến tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản có tương quan thuận với ROA. Điều này có nghĩa là các ngân hàng có vốn hóa tốt được xem là có thể khai thác các cơ hội đầu tư tốt hơn, giảm chi phí phá sản và khắc phục các vấn đề phát sinh do các khoản thua

lỗ không lường trước được so với các ngân hàng khác. Điều này được phản ánh tích cực về chi phí vốn và nó làm tăng lợi nhuận. Ket quả này trùng với nghiên cứu tiến hành trước đó của Saira Javaid, Jamil Anwar, Khalid Zaman, Abdul Gafoor (2011) về các nền kinh tế mới nổi khác khi tìm thấy một tỷ lệ nắm giữ vốn cao đồng nghĩa với việc hiệu quả hoạt động và lợi nhuận tăng cao. Ngoài ra, một số nghiên cứu trước còn nhấn mạnh tại các nước đang phát triển, lượng vốn nắm giữ của ngân hàng là một quan tâm lớn cho những người gửi tiền, qua đó các ngân hàng sở hữu nhiều vốn sẽ có nhiều lượng tiền gửi và ổn định hơn, tác động tích cực đến lợi nhuận. Bên cạnh đó, khi ngân hàng gia tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu/ tổng tài sản bằng cách tăng vốn chủ sở hữu thì ngân hàng tăng được nguồn vốn để cho vay mà không phải trả lãi suất nên ngân hàng tiết kiệm được phần chi lãi suất tiền gửi và gia tăng doanh thu.

Hệ số hồi quy của biến EQI tác động đến biến ROE là -0.1686, có nghĩa là khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu gia tăng 1% thì trung bình hiệu quả hoạt động giảm 0.1686%. Như vậy, đó là một sự đánh đổi, ngân hàng có tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao tuy an toàn hơn nhưng hiệu quả hoạt động cũng bị giảm. Theo hiểu biết thông thường trong lĩnh vực ngân hàng, nếu các ngân hàng duy trì mức độ an toàn vốn ở mức cao để hạn chế rủi ro thì cũng đồng nghĩa với việc ROE thấp (Berger, 1995a), đặc biệt đối với các ngân hàng đang hoạt động hiệu quả, do phải tốn nhiều chi phí cơ hội. Đối chiếu với thực trạng ngành ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian vừa qua thì lập luận theo lý thuyết trên là phù hợp. Việt Nam là nước đang phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình luôn ở mức cao và do đó việc duy trì tỷ lệ vốn cao sẽ làm mất đi phần nào cơ hội tìm kiếm lợi nhuận của các ngân hàng.

Yếu tố tốc độ phát triển kinh tế - GDP

Yếu tố tốc độ phát triển kinh tế GDP không tìm được ý nghĩa thống kê đo lường bằng ROA và ROE. Nhưng không thể phủ nhận được việc sự tăng trưởng kinh tế cũng có tác động đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, hiệu quả hoạt động của ngân hàng không chịu tác động bởi yếu tố tốc độ phát triển kinh tế. Các ngân hàng đã không được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế và cơ hội kinh doanh bổ sung để tăng lợi nhuận. Để phân tích tác động của tỉ lệ tăng trưởng kinh tế đến hiệu quả hoạt động cần có những nghiên cứu sâu và rộng hơn.

Yếu tố tỉ lệ lạm phát - INF

Yeu tố tỉ lệ lạm phát được tác giả kỳ vọng sẽ tương quan ngược chiều với hiệu quả hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, kết quả cho thấy biến INF có hệ số dương với mức ý nghĩa là 1% cho cả hai mô hình ROA và ROE cho thấy rằng tỉ lệ lạm phát ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng Việt Nam. Có nghĩa là nếu tỷ lệ lạm phát tăng, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ tăng lên. Điều này mâu thuẫn với giả thuyết cho rằng lạm phát ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động theo hướng tiêu cực của mối quan hệ nhưng lại có kết quả tương tự với Said, M., & Ali, H. (2016)

Bài viết này chỉ ra rằng sự gia tăng lạm phát sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Có lẽ vì về cơ bản, lạm phát ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu lãi suất của các ngân hàng thương mại, trong khi lãi suất vẫn là nguồn thu nhập chính của các NHTM Việt Nam. Vì thế, việc dự báo tốt và chính xác về sự thay đổi của tỉ lệ lạm phát sẽ giúp điều chỉnh tốt hơn lãi suất danh nghĩa cho các hoạt động đi vay và cho vay từ đó đạt được lợi nhuận tốt hơn. Nhờ vậy, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam có thể được hưởng lợi từ nền kinh tế với tỉ lệ lạm phát phù hợp ở Việt Nam.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 4

Trong chương 4, luận văn đã thể hiện kết quả phân tích định lượng dựa trên dữ liệu và phương pháp nghiên cứu đã được đề cập tại chương 3. Sau đó, tác giả tiến hành nghiên cứu thực nghiệm nhằm phân tích các yếu tố tác động đến lợi nhuận trên tài sản và các yếu tố tác động đến lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Nghiên cứu sử dụng các kiểm định như kiểm định đa cộng tuyến, tự tương quan, phương sai sai số thay đổi để lựa chọn được mô hình ước lượng phù hợp cho dữ liệu bảng.

Kết quả hồi quy cho thấy mối tương tác giữa các nhân tố đến hiệu quả hoạt động NHTM Việt Nam đa phần đều có ý nghĩa thống kê. Thêm vào đó, các biến độc lập vi mô và vĩ mô được sử dụng đều đa phần đều có tác động đúng với chiều của kỳ vọng. Trong đó: Quy mô ngân hàng (SIZE), tỉ lệ tổng lãi ròng trên tổng tài sản (TNI), tỉ lệ lạm phát (INF) có tương quan dương với ROA và ROE. Ngược lại, đối với các yếu tố khác như tỉ lệ tiền gửi trên tổng tài sản (DEP), tỉ lệ chi phí trên doanh thu (TEX) có tương quan âm với ROA và ROE. Chỉ có biến tỉ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản (EQI) có tương quan dương với ROA nhưng lại có tương quan âm với ROE. Ngoài ra, biến tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) dường như không có tác động đáng kể tới hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Như vậy, tác giả sẽ dựa vào các kết quả vừa thu được làm căn cứ, cơ sở để đưa ra một số gợi ý chính sách nâng cao giúp cải thiện hiệu quả hoạt động tại các NHTM Việt Nam trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay ở chương 5.

CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu NHỮNG NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNGCỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM 10598415-2230-010646.htm (Trang 66 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(95 trang)
w