Một số quan niệm về định hướng giá trị

Một phần của tài liệu định hướng giá trị nghề nghiệp học sinh trung học phổ thông địa bàn thị xã Sơn Tây – Hà Nội (Trang 34 - 36)

9. Cấu trúc đề tài nghiên cứu

1.2.2.1. Một số quan niệm về định hướng giá trị

Cho đến nay thuật ngữ định hướng giá trị trở nên khá quen thuộc trong lĩnh vực tâm lý học cũng như xã hội học. Dưới đây là một số quan niệm tiêu biểu của các tác giả nước ngoài cũng như trong nước:

Trước hết theo “Từ điển Tâm lý học tóm tắt” của Liên Xô do A.V.Petrovski và M.G.Iarosevski chủ biên, định hướng giá trị là phương thức chủ thể sử dụng để phân biệt các sự vật theo ý nghĩa của chúng đối với chính mình, từ đó hình thành nội dung cơ bản của xu hướng, động cơ hoạt động.

Theo Thái Duy Tuyên, khái niệm định hướng giá trị thường được hiểu 2 nghĩa: 1) Mỗi cá nhân hay cộng đồng nào đó định hướng giá trị cho mình có nghĩa là lựa chọn cho mình một giá trị hoặc hệ thống giá trị nào đấy; 2) Mỗi cá nhân hay cộng đồng định hướng giá trị cho một người hay một tập thể có nghĩa là giáo dục giá trị [36, tr.37].

B.G.AnaNhep: “Việc cá nhân hướng vào những giá trị này hay giá trị khác tạo nên sự định hướng giá trị của họ” [2, tr.26].

Tác giả người Nga A.G Zdraromuxlov đã phân tích định hướng giá trị như quá trình hướng đích của mỗi chủ thể với những nỗ lực tìm kiếm mục tiêu, cách thức và phương tiện nhằm thu được lợi ích, cũng như đạt được hiệu quả công việc trong các hoạt động của con người.

V.A.Iadop xem định hướng giá trị là những biểu tượng của con người về những mục đích chủ yếu của cuộc đời và những phương tiện cơ bản đạt những mục đích ấy. Định hướng giá trị đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng các chương trình hành vi lâu dài. Chúng hình thành trên cơ sở những nhu cầu của chủ thể về việc nắm vững những hình thức cơ bản của hoạt động sống trong những điều kiện lịch sử cụ thể xác định và do tính chất các quan hệ xã hội quy định. Các quan hệ xã hội là nguồn gốc khách quan hình thành những nhu cầu của chủ thể [39, tr.68].

35

Đào Hiền Phương cho rằng: “Định hướng giá trị là sự phản ánh chủ quan, có phân biệt các giá trị trong ý thức và tâm lý con người. Định hướng giá trị của mỗi người mang những nét riêng biệt đặc trưng của người đó. Con người sống trong môi trường nào, thuộc thành phần xã hội nào, đều mang những nét chung nhất định của nó về định hướng giá trị. Định hướng giá trị không phải là bất biến, nhất là các giá trị vật chất, nó có sự thay đổi theo môi trường sống và hoạt động thực tiễn. Định hướng giá trị chi phối, điều chỉnh hành vi, hoạt động của con người, hướng tới những mục đích cơ bản trong cuộc sống” [29, tr. 23].

Theo Lê Đức Phúc: “Định hướng giá trị là thái độ lựa chọn của con người đối với các giá trị vật chất và tinh thần, là một hệ thống tâm thế, niềm tin, sở thích được biểu hiện trong hành vi của con người” [28, tr.23].

Tuy có nhiều quan niệm khác nhau về định hướng giá trị, song chúng ta có thể nhận thấy một số điểm chung sau về định hướng giá trị:

- Định hướng giá trị được hình thành trong quá trình cá nhân hoặc nhóm người gia nhập vào các quan hệ xã hội với tư cách là chủ thể của các hoạt động đó và hướng vào các giá trị có ý nghĩa cơ bản đối với họ.

- Quá trình định hướng giá trị luôn chứa đựng các yếu tố nhận thức (đánh giá), ý chí và cảm xúc (thử nghiệm) và các khía cạnh đạo đức, thẩm mỹ trong sự phát triển nhân cách.

- Là cơ sở bên trong của hành vi, nó quyết định lối sống của mỗi cá nhân.

Trân trọng, kế thừa từ những quan điểm về định hướng giá trị đã được nêu trên, với hướng tiếp cận theo quan điểm của Thái Duy Tuyên, định hướng giá trị trong đề tài này được hiểu là: “Một hệ thống giá trị chuẩn phù hợp với yêu cầu của xã hội được cá nhân (hay tập thể) nhận thức, đánh giá, lựa chọn theo nguyện vọng, mong muốn của mình. Nó có tác dụng chi phối, điều chỉnh, hành vi, hoạt động của con người và quy định xu hướng nhân cách cá nhân”.

36

Một phần của tài liệu định hướng giá trị nghề nghiệp học sinh trung học phổ thông địa bàn thị xã Sơn Tây – Hà Nội (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)