Bản đồ các điểm du lịch thành phố Đà Nẵng 2.2.1 Di tích gắn với tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng
“Thành hoàng” là từ Hán Việt, “Thành” là cái thành, “hoàng” là cái hào đào sâu bao quanh thành, tức vị thần trông coi, bảo trợ cho thành trì. Tục thờ Thành hoàng có nguồn gốc ở Trung Quốc. Tín ngưỡng Thành hoàng xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc (thế kỷ V TCN) được du nhập vào nước ta từ thời Bắc thuộc. Nhưng trước đó ở Việt Nam đã có tín ngưỡng thờ thần. Nên tín ngưỡng Thành hoàng ở Việt Nam mang yếu tố ngoại lai nhưng lại mang nội hàm bản địa sâu sắc không giống với tín ngưỡng Thành hoàng Trung Quốc. Để tỏ rõ uy quyền của mình đối với làng xã, triều đình phong kiến đã sắc phong cho các vị thần, xếp thành ba hạng: Thượng Đẳng thần; Trung Đẳng thần; Hạ Đẳng thần.
Trong kí ức sâu thẳm của tâm hồn người Việt, hình ảnh quê hương thân thương luôn hiện ra với “Cây đa, bến nước, sân đình”. Hình ảnh đó đã in sâu vào tâm khảm của mỗi người, hiện hữu, sừng sững giữa làng quê Việt như một biểu tượng của khối cộng đồng. Đình làng Đà Nẵng hình thành cùng với quá trình mở rộng đất đai của người Việt, ngoài các chức năng hành chính, văn hóa thì đình làng trở thành nơi thiêng liêng thờ cúng Thành hoàng, trung tâm sinh hoạt của cả cộng đồng. Đà Nẵng hiện có trên 20 ngôi đình, đang được trùng tu, tôn tạo, phát triển trở
thành nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, đặc biệt là lễ hội Thành hoàng. Hệ thống thần Thành hoàng ở Đà Nẵng khá đông đảo và có thể phân thành:
Thành hoàng có nguồn gốc ThầnThánh
Các vị thần có nguồn gốc từ “trời” đầu thai xuống hạ giới giúp đỡ dân gian như: Thiên Y ANa Diễn Ngọc Phi; Cửu thiên huyền nữ được thờ ở hầu khắp các đình làng Đà Nẵng (đình Mỹ Khê, An Hải Tây, Túy Loan, Bồ Bản…).
*Đình làng Bồ Bản
Đình làng Bồ Bản được xây dựng đầu tiên vào năm Canh Thân, niên hiệu Cảnh Thịnh (1800) bằng tranh tre tại gò miếu Tam Vị ở phía đông làng, là nơi thờ thần, tổ chức sinh hoạt lễ hội hằng năm và thờ cúng các vị tiền hiền của làng, nhân dân địa phương. Do nhiều nguyên nhân nên đình này đã được nâng cấp và tu sửa nhiều lần.
Đình Bồ Bản kiến trúc theo kiểu 3 gian 2 chái; dài 9,7 mét; rộng 14,5 mét. Tường dày 20-30 cm. Bên trong kiến trúc theo dạng 3 gian 4 vị. Chính điện rộng 3,1 mét; dài 8,3 mét. Giữa đặt bàn thờ hương án thờ Thành hoàng bổn xứ. Bàn thờ phía tả ban có 2 chữ “quan tiền” thờ các vị tiền hiền. Bàn thờ phía hữu ban có 2 chữ “dũ hậu” thờ các vị hậu tiền. Trên trính có một hoành phi ghi “Bồ Bản đình”. Bên trong gian giữa có 8 cây cột cái cao 4,5 mét; cột lồng nhì trước sau 8 cây cao 3,5 mét; cột lồng ba trước sau 8 cay cao 2,3 mét; cột đấm 4 cây; cột quyết 4 cây; cửa hông 4 cột. Tất cả 36 cây làm băng gỗ mít và kiền kiền. Phía dưới chân cột đứng trên đá tạc thành quả bí (đỏ) chạm trổ hoa văn lạ mắt. Mái hiên đình kiến trúc theo kết cấu chồng rường giả thủ, kèo giao kỷ 4 trụ, chạm hình quy cánh quạt, 4 cây chính giữa chạm đầu rồng, bụng kèo chạm tứ quý xuân, hạ, thu, đông, mai, điểu, tùng, lộc. Đường nét chạm trổ tinh xảo tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc theo lối kiến trúc của thế kỷ thứ XIX, mang đậm bản sắc dân tộc. Bên ngoài đình, trên nóc đắp nổi theo kiểu lưỡng long tranh châu, giữa đắp lưỡng phụng tranh châu, kim quy cá gáy, phi cầm tẩu thú nằm phủ dưới mái thuyền chờ ngày hóa tứ linh. Cuối mái đắp cặp lân chầu phên bất. Mặt tiền phía tả đắp Thanh long, phía hữu đắp bạch hổ (gọi tắt là Tả thanh long, hữu bạch hổ). Tiền đình có sân rộng 14,5 mét; dài 19,6 mét; có một bức bình phong dài 3 mét; cao 2 mét; mặt
ngoài đắp phù điêu hình một con hổ; mặt trong hình con rùa. Cả hai được đắp ghép nổi bằng nghệ thuật sành sứ.
Đình làng Bồ Bản không chỉ là nơi linh thiêng mang dấu ấn tín ngưỡng địa phương, thờ kính đa thần và những người có công với làng nước, là nơi hội hè đầu năm, tế lễ xuân thu, họp làng, bàn việc làng việc xóm mà còn là nơi xuất phát, hội tụ của dân làng trong công cuộc bảo vệ làng nước. Đình làng Bồ Bản được Nhà nước công nhận là di tích cấp quốc gia, có thể được quy hoạch phát triển du lịch tâm linh.
*Đình Nại Nam
Đình làng Nại Nam được xây dựng năm 1905 từ công sức đóng góp của dân địa phương, thờ Thành hoàng bảo an chính trực, bổn xứ thổ thần và các vị tiền nhân của làng. Đình làng Nại Nam nay ở khối phố Nam Sơn, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Đình hướng về phía Đông Nam, được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu gạch ngói và gỗ, mái lợp ngói âm dương. Đình có sân rộng và tường xây bao bọc, cổng đình có bốn trụ vuông, mỗi trụ cao khoảng 5m. Hai trụ chính giữa tạo lối đi chính vào đình, trên đỉnh trụ có đúc hình hai con lân, hai trụ tả hữu gắn liền với tường thành, đỉnh trụ được tạo hình búp sen. Trên các trụ giữa có cặp câu đôí ghép bằng
sành sứ.Từ bên ngoài đi vào một chừng 5 m, có bức bình phong với mặt trước là
phù điêu hổ, mặt sau là hình long mã được đắp khảm sành sứ. Hiên của chính điện có lầu chiêng gác trống được xây cao, trên có hình dơi ngậm đào. Chính điện có lối kiến trúc ba gian hai chái với kiểu vi kèo chuyền. Nhiều cấu kiện gỗ được chạm trổ khéo léo, tinh xảo với các hình tượng cá chép hóa rồng, các hoạ tiết hoa văn hoa lá, cây cỏ chim muông mai điểu, tùng lộc… Trong chính điện treo các hoành phi, câu đối.
Trong một năm có hai lễ cúng lớn tại đình Nại Nam vào rằm tháng 2 (âm lịch) là lễ Cầu an và lễ cuối 30, mồng 1 Tết Nguyên đán. Trong lễ Cầu an, vào chiều ngày 14 tháng 2 (âm lịch) nhân dân tập trung tại đình để đi thỉnh sắc tại nhà thờ Tiền hiền về cúng tại đình đến chiều ngày 15 hôm sau thì đi trả sắc.
Di tích đình Nại Nam, ngoài giá trị của một di tích kiến trúc - nghệ thuật còn là một trong những đình làng cổ tiêu biểu còn lại khá nguyên vẹn trong nội thành Đà Nẵng. Đình Nại Nam được Bộ Văn hoá Thể thao công nhận Di tích cấp quốc gia vào ngày 04/01/1999.
Thành hoàng có nguồn gốc Nhiên thần
Ở Đà Nẵng, Thành hoàng có nguồn gốc Nhiên thần khá đông đảo, chủ yếu là Thành hoàng có nguồn gốc Sơn thần như Cao Các; Sơn Lâm; Thành hoàng có nguồn gốc Thủy thần: Đại Càn Quốc gia Nam Hải; Đông Hải cự tộc Ngọc Lân; Thái giám Bạch Mã…(đình An Hả, Hoà Mỹ, Xuân Dương, Tuý Loan…); Thành hoàng có nguồn gốc thổ thần được thờ từ trước như: thổ công thổ chủ; Đương kiển Thành hoàng; Thổ địa…
*Đình làng Túy Loan
Làng cổ Túy Loan ở Đà Nẵng đã nhuốm màu thời gian với tuổi đời trên 500 năm, được xem là một trong số ít những ngôi làng còn mang đậm dấu ấn của lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam. Văn bia ở Nhà ngũ tộc trong làng lưu rằng năm vị tiền hiền Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê được chiếu vua Lê Thánh Tôn đi mở mang bờ cõi về phương nam (năm Hồng Đức nguyên niên 1470). Năm vị đã chọn nơi đây để dừng chân khai khẩn, lập nghiệp làm ăn và đặt tên làng Túy Loan từ đó. Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng hơn 10km về hướng Tây, dọc theo Quốc lộ 14B đến địa phận xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, ngôi đình nằm ngay ngã ba Túy Loan được dòng sông cùng mang tên làng ôm ấp, che chở.
Đình được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 18, đến năm Mậu Tý (1888) được trùng tu lại. Đình lập ra để thờ thần Thành hoàng bổn xứ,các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, cư dân lập ấp kiến thiết nên làng Túy Loan. Vật liệu chủ yếu để xây dựng là gạch, vôi và gỗ. Mái lợp ngói âm dương, tường dày 30 cm. Với diện tích trên 110m² trong khuôn viên rộng hơn 8.000m², ngôi đình tọa lạc ở vị thế rất thoáng đãng, mặt quay ra sông, nhìn về núi, sát đường lớn và đặc biệt có cây đa cổ thụ cành lá xum xuê đã hơn trăm tuổi tỏa bóng mát quanh sân đình. Trước sân đình là một bình phong theo kiểu cuốn thư, cao 3m, rộng 2m. Mặt trước đắp nổi
hình long mã. Mặt trong đắp nổi hình con lân. Tất cả được lắp ghép bằng nghệ thuật sành sứ. Hai bên bình phong có 4 trụ biểu. Mặt tiền bên tả đình đắp nổi hình con hổ, mặt tiền bên hữa đắp nổi hình cá hóa long. Phần nóc có 4 mái, đầu nóc bên tả hình gia thu, bên hữu hình cuốn thư. Bờ nóc chính là lưỡng long tranh châu, bờ nóc phụ thể hiện lưỡng long tranh nguyệt, hai đầu hiên thể hiện hình rồng. Nội tẩm và hậu tẩm có nóc riêng, bên trong đình chia làm 3 gian 2 chái. Chính điện rộng 3,1m, dài 2,7m. Hậu tẩm rộng 2,7 mét; dài 2,4 mét có 4 hàng cột; mỗi hàng 6 cây toàn bằng gỗ mít. Phía dưới chân cột kê đá chạm hình quả bí. Kết cấu của kèo là chồng rường giả thủ. Các giả thủ được chạm trổ hoa lá, chân giả thủ chạm hình quả bí. Hai đầu các con rường chạm đầu rồng. Kẽ hiên cũng được chạm trổ hình hoa lá Nơi thờ có nội tẩm, hậu tẩm, tả ban, hữu ban. Trên nội tẩm có một khán thờ bằng gỗ nơi để thờ các vị thần đình. Diềm trên chạm lưỡng long chầu nguyệt, dưới là hoa lá. Cửa có hai cánh theo kiểu thượng song hạ bản. Giữa là bàn thờ chung (hội đồng ) có cặp hạt đứng chầu. Hai bên tả hữu còn cặp hạt bằng gỗ, treo trên trính giữa là bức hoành phi có 3 chữ Túy Loan đình. Toàn bộ cửa đình được làm bằng gỗ mít và kiền kiền. Tại văn bia đặt trong đình có bài ký của Tam giáp tiến sĩ Nguyễn Khuê ghi lại việc lập đình năm 1889. Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhất của đình Túy Loan là vẫn còn lưu giữ 20 sắc phong thần, sắc xa nhất đời Minh Mạng (1826), sắc gần nhất đời vua Khải Định (1924). Đây chính là nét độc đáo và khác biệt của đình Túy Loan so với các ngôi đình khác của làng quê Việt Nam.
Đình Túy Loan, nơi sinh hoạt văn hóa – lễ hội dân gian. Hằng năm có 2 lễ lớn: tế xuân và tế thu. Vào ngày mồng 9 tháng Giêng, làng cổ Túy Loan cúng đầu năm và lễ hội đình cũng được tổ chức dịp này với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao bổ ích, vui nhộn như: đua thuyền, hát hò khoan đối đáp, thi nướng bánh tráng... thu hút dân làng trong vùng và khách du lịch thập phương đến dự hội chung vui. Đến ngày 11-12 tháng 8 âm lịch, người dân làng cổ Túy Loan lại long trọng thiết lễ tế đình để tỏ lòng biết ơn các vị tiền hiền đã có công khai khẩn lập làng và cầu mong quốc thái dân an. Ngoài chức năng phản ánh sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân làng, đình làng Túy Loan nói riêng và đình trên địa bàn huyện Hòa Vang nói chung còn có chức năng lịch sử. Với các sự kiện lịch sử gắn với đình làng suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ đặt tại nhà tuyền thống xã Hòa Phong, nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Đây còn là một di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia, trở thành địa chỉ nghiên cứu, tham quan có giá trị cao về kiến trúc và truyền thống.
Thành hoàng có nguồn gốc Nhân thần
Ở Đà Nẵng, Thành hoàng có nguồn gốc Nhân thần rất ít, chủ yếu là các vị thần do cư dân Thanh Hóa, Nghệ An mang vào như Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn Trung; Đông chinh Thành hoàng; Dực thánh Thành hoàng…các vị tiền hiền, hậu hiền. Qua cách phân loại trên, chúng ta thấy Thành hoàng ở Đà Nẵng có nguồn gốc khác nhau, xuất hiện khá muộn, thường là vô nhân xưng, được người dân mang vào trong quá trình mở cõi tạo nên nét đặc trưng riêng của Thành hoàng Đà Nẵng.
*Đình làng Thạc Gián
Làng Thạc Gián hình thành sau khi vua Lê Thánh Tôn mở mang bờ cõi đất
nước về phương Nam vào năm Canh Thìn – 1470. Hiện nay, làng ở Tổ 5, Phường
Chính gián, Quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Đình làng Thạc Gián có diện tích 2.131,4m2, đã được xây dựng rất lâu đời, thuở ban sơ ngôi đình làng được dựng lên bằng tranh tre, trải qua thời gian đã được tôn tạo bằng cột sườn gỗ, mái lợp tranh. Đến năm Khải Định nguyên niên (tức năm 1916), dân làng Thạc Gián đã cùng nhau góp sức, góp công, đóng tiền của, vật chất trùng tu xây dựng nên ngôi đình gạch ngói và ngôi đình làng này.
Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Thạc Gián (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) đã được xếp hạng Di tích quốc gia vào tháng 8-2007.
Năm 2011, tại đình làng Thạc Gián,Ủy Ban Nhân Dân quận Thanh Khê (Đà
Nẵng), đã long trọng tổ chức Lễ hội đình làng Thạc Gián lần thứ I và đón nhận Bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Lễ cúng Thành hoàng * Phần lễ Lễ cúng
Thành hoàng được tổ chức vào mùa xuân và mùa thu (Xuân thu nhị kỳ) vào ngày sinh hóa của thần nhằm tỏ lòng biết ơn thần thánh, cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với cộng đồng. Phần lễ trong lễ hội không đơn lẻ, nó là một hệ thống liên kết
chặt chẽ. Quan trọng nhất trong phần lễ là nghi thức rước thần và tế thần. Trước khi tiến hành lễ phải có một đội ngũ gia lễ gồm: chủ tế, bồi tế, các học trò lễ. Việc lựa chọn đội ngũ này cũng phải tuân theo quy định.
* Phần hội
Phần hội diễn ra sau phần lễ hoặc đan xen với phần lễ, tùy thuộc vào mỗi đình làng. Phần hội là dịp để mọi người cùng nhau sinh hoạt thể hiện tài năng của mình qua các trò chơi như hát bội, kéo co, đập om, chạy việt dã, lắc thúng, làm bánh…Mỗi đình làng đều có những nét riêng tạo nên những nét riêng độc đáo.
Nghi lễ thờ thần là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện tình cảm của cộng đồng đối với Thành hoàng. Tùy đặc điểm của mỗi làng, mỗi vùng, sự tích của thần mà nghi lễ này được tổ chức khác nhau. Quan trọng nhất trong nghi lễ thờ thần là nghi lễ rước thần và tế thần, thể hiện sự nguyên hợp giữa người với thần. Nghi lễ thờ thần được tổ chức theo một hệ thống quy củ, chặt chẽ, trang trọng có âm nhạc, được quy định trong sách “Khâm định Đại Nam hội điện sử lệ”, năm 2009.
Tín ngưỡng Thành hoàng trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Đà Nẵng, có tác động hết sức sâu sắc đến mọi mặt đời sống của con người. Tín ngưỡng Thành hoàng tạo ra sự cố kết cộng đồng, sinh hoạt vui chơi, bổ ích, xua tan đi những nhọc nhằn của đời sống thường ngày, mọi lo toan vất vả đều xếp lại, mọi người đều hướng về lễ hội. Tín ngưỡng Thành hoàng thỏa mãn được nhu cầu tinh thần của con người, cầu cho người an vật thịnh, hướng con người đến một lý tưởng chân, thiện, mỹ. Vì thế, thờ cúng Thành hoàng không chỉ có ý nghĩa phồn thực mà còn có ý nghĩa về mặt đạo đức, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ, biểu lộ sự nhớ ơn của cộng đồng đối với Thành Hoàng, các vị tiền hiền, hậu hiền và tổ tiên.
2.2.2 Di tích gắn với tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana
Nữ thần Thiên Y Ana còn gọi là PôInưNagar ( tiếng Chăm gọi pô là ngài, là bà; Inư là mẹ; Nagar là xứ sở, đất nước hay đô thị). Bà được xem là Thần Mẹ xứ sở