Không gian trong những giấc mơ

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền ảo trong truyện ngắn của Yasunari Kawabata thể hiện trên các bình diện không gian thời gian nhân vật và chi tiết. (Trang 28 - 32)

6. Bố cục khóa luận

2.1.2.Không gian trong những giấc mơ

Bước vào thế giới truyện ngắn Kawabata, chúng ta sẽ được người kể chuyện - một người giàu lòng tự tôn dân tộc đưa tới những những không gian đặc trưng của nước Nhật. Hơn thế nữa với lối kể chuyện điềm đạm mà say sưa, giản dị mà sâu sắc Kawabata đã giúp người đọc mở rộng tầm mắt, nâng cao tầm hiểu biết về những miền đất mà chúng ta vừa lướt qua trong những trang sách của ông.

Trên mỗi trang văn, Kawabata luôn ý thức về việc dựng lại một không gian đẹp truyền thống muôn đời không bị lãng quên. Đó là không gian của hoa mùa xuân, thành phố Kimono, loài thông liễu Bắc Sơn…là các lễ hội náo nức tưng bừng lễ Lửa, lễ Củ Đậu, lễ Cẩm Quỳ…Bên cạnh niềm tự hào dân tộc được biểu hiện trong không gian thiên nhiên, không gian quang cảnh đậm chất Nhật Bản còn có một không gian khác, mang đậm ý nghĩa, mục đích của tác giả đó là không gian huyền ảo.

Trong tác phẩm của Kawabata đặc biệt xét ở thể loại truyện ngắn, các không gian huyền ảo được thể hiện trước hết qua những giấc mơ và những giấc mơ đó mang vẻ đẹp vừa mơ hồ vừa kỳ bí.

Trong Những quả trứng đó là giấc mơ của cô con gái 15 tuổi Akiko - cô đã mơ một giấc mơ kỳ lạ về những quả trứng chất đống khắp mọi nơi. Điều kỳ lạ là trước đó bố cô đã từng nghe một cô geisha say xỉn rít lên “tớ đang ấp một quả trứng”. Chính vì thế khi đứa con giá thuật lại giấc mơ ông đã gần như hét lên “thật kỳ quái”. Không gian trong giấc mơ của Akiko cũng hết

sức xa lạ và những điều huyễn hoặc. Theo chính lời Akiko - là một giấc mơ đầy màu sắc “Con mặc một chiếc kimono mỏng, trắng toát. Con đi xuống một con đường thẳng tắp. Hai bên đường mù sương. Con đường dường như đang trôi và con cũng đang trôi khi con đi. Một bà già lạ mặt theo sau con. Bà ta theo con suốt dọc đường. Không có tiếng bước chân…” [15, tr.183]. Rồi “Những ngôi nhà bắt đầu xuất hiện. Đó là những ngôi nhà thấp giống như doanh trại. Tất cả đều màu xám và các cạnh được gọt dũa nhã nhặn…Nhưng không có bất kỳ chỗ nào để ngủ trong ngôi nhà cả - chỉ toàn trúng chất đống ở khắp mọi nơi” [15, tr.183].

Theo Sigmund Freud (1856 – 1939) nhà phân tâm học thiên tài người Áo cũng đã có nhiều chương trình nghiên cứu về những giấc mơ và cách giải thích của ông về những giấc mơ là “sản phẩm đầy ý nghĩa của cảm xúc bị dồn nén” [8, tr.185]. Các giấc mơ của Akiko xảy ra trong những không gian không định danh, Akiko chỉ biết đi xuống con đường thẳng tắp không có tên và đi vào những ngôi nhà thấp mà cô chưa từng đặt chân tới một lần. Những con người trong giấc mơ của Akiko cũng không có tên tuổi thậm chí không đầy đủ về cả vóc dáng “một bà già lạ mặt theo sau con”. Thậm chí trong mơ, mọi việc đều ngẫu hứng bất ngờ, còn nhân vật Akiko của chúng ta tùy ý xử sự theo bản năng là lẩn trốn khi có người đuổi theo “con sợ đến mức không thể quay lại nhìn…Con không thể chạy…và khi bà ta đuổi theo con lẩn nhanh vào một ngôi nhà”.

Hay như trong truyện ngắn Những con rắn, trong giấc mơ Ineko không gian kể chuyện lại là một ngôi nhà nào đó mà cô đã từng đến “Ineko đã nghĩ đó là nhà Kanđa. Nhưng khung cảnh phòng khách và cách bài trí của ngôi nhà khác hẳn với ngôi nhà của Kanđa” [15, tr.185] và len lỏi vào trong giấc mơ của Ineko lại vừa có những nhân vật có tên tuổi như bà Kanđa, Shinoda…vừa có nhân vật xuất hiện nhưng không hề có tên tuổi: vợ trước, vợ sau của

Shinoda. Giấc mơ của Ineko cũng đầy màu sắc, trong ngôi nhà khép kín tại phòng khách cô có gặp hai con chim nhỏ như chim ruồi “Lông của chúng được tạo nên từ nhiều loại đá quý khác nhau. Khi di chuyển sắc màu và ánh sáng đẹp đẽ kỳ diệu phát ra trên người chúng giống hệt như nhiều viên ngọc lấp lánh khi các mặt thay đổi và bắt ánh sáng” [15, tr.185]. Khi di chuyển về phía Tây có một hốc tường cô gặp “năm con rắn đang trườn quanh phòng…”. Mỗi con rắn có một màu sắc đặc biệt “một con là rắn đen, con nữa là rắn sọc, con thứ ba là một con rắn đỏ, giống như rắn núi; con thứ tư được điểm tô hoa văn giống như rắn vipe nhưng màu sắc rực rỡ hơn và con thứ năm có màu của đá opan lửa Mexico - một con rắn cực kỳ dễ thương” [15, tr.186]. Không gian trong truyện ngắn Những con rắn lấy bối cảnh trong ngôi nhà khép kín nhưng hết sức huyền ảo. Trong ngôi nhà đó người, rắn, chim sống với nhau như những người bạn thân thiết mà không có biểu hiện của sự sợ hãi, lo lắng.

Như vậy giấc mơ của Akiko và Ineko hết sức huyền ảo, mơ mộng. Những điều trong giấc mơ đó là những điều không có thật. Sự biến ảo kỳ lạ trong các giấc mơ của hai cô gái gắn với những nguyên nhân sâu xa trong cuộc sống đó là những ẩn ức của cuộc sống ban ngày đã tác động lên họ ngay trong giấc ngủ ban đêm. Cụ thể chúng ta có thể lý giải giấc mơ của cô bé Akiko liên quan tới sự việc bố cô đã nhờ cô đi mua mấy quả trứng để nuốt sống khi ông bị viêm họng. Còn mẹ cô thì cho rằng chồng mình đang nghĩ tới mấy quả trứng vô tích sự của cô geisha nên những quả trứng ấy mới xuất hiện trong giấc mơ của con gái. Và giấc mơ của cô bé Akiko cũng có phần nào rất là trẻ con, cô nghĩ mình được lên thiên đường đồng thời cô tự hỏi mẹ “bà già lạ mặt đấy có phải là thần chết không?” giống như trong truyện cổ tích mà chúng ta thường đọc.

Trong Tuyết, nhân vật Sankichi có thói quen tới “khách sạn huyền ảo” ở Tokyo từ mồng một đến mồng ba hàng năm. Khi nằm trên giường nhắm

mắt lại và chìm vào nỗi khổ đau, thần trí Sankichi tê liệt và sự huyền ảo bắt đầu dần cao. Anh miên man lạc vào một không gian kỳ thú đẹp lung linh, bao phủ căn phòng là một màu tuyết trắng xóa và ngoài kia cũng bao la một màu tinh khiết của tuyết”. Và “một hạt ánh sáng nhỏ như hạt đậu bắt đầu nhảy múa. Những hạt ánh sáng màu vàng nhạt như trong suốt…và nó biến thành những hạt tuyết…tuyết trở thành bóng của Sankichi rơi mãi xuống tâm hồn Sankichi…tuyết trở thành những đóa hoa, những bông hoa tuyết cuốn lấy Sankichi”. Tuyết trong căn phòng, trên dòng sông, trên dãy núi, ngoài cánh đồng mênh mông…tuyết tích tụ lại. Không có đất đai. Không có cỏ dại. Nhà cũng không. Người cũng không. Phong cảnh cô tịch” [15, tr.209 - 210]. Một không gian ảo thoáng qua trong giấc mơ thiêm thiếp của Sankichi đẹp lạ thường, thơ mộng và buồn tẻ. Nhưng rồi nó vụt mất bởi “Sankichi trên chiếc giường ấm áp của căn phòng bật máy sưởi 23, 24 độ không cảm thấy sự lạnh giá của cánh đồng tuyết”. Không gian huyền ảo, mơ hồ nhưng cũng là nơi xuất hiện của nhân vật, chính nó gợi lại những hình tượng đẹp và độc đáo nhất.

Không gian trong truyện ngắn của Kawabata đôi khi chỉ là giấc mơ nhưng giấc mơ này xuất hiện trong những thời gian khác nhau gắn với nhân vật, đồng thời góp phần khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật. Ở Bình dễ vỡ, nhân vật “tôi” mơ thấy bức tượng vươn tay dài và ngã xuống vỡ tan thành từng mảnh và một cô gái trẻ nhẫn nại gom các mảnh gốm vỡ đang nằm tản mạn trên đường. Ở đây trong giấc mơ đã tạo thành một không gian ảo: từ một không gian hẹp chuyển sang một không gian rộng như tiệm bán đồ cổ, bức tượng quan âm đặt trong tủ kính và con đường. Qua đây nhân vật tự rút ra một ý nghĩa triết lý trong cuộc sống cho mình, cho cô con gái và cả mọi người rằng hãy đối xử tốt với vợ như bình dễ vỡ và cô gái trẻ cũng như tình yêu dễ bị ngã lòng.

Như vậy trong truyện ngắn của Kawabata không gian huyền ảo trong những giấc mơ xuất hiện dưới nhiều hình thức thú vị đã thực sự gây cho độc giả hết sức bất ngờ. Hơn thế nữa việc xuất hiện những không gian lạ lùng vừa hư vừa thực ấy khiến cho chúng ta không khỏi băn khoăn về vai trò của người kể chuyện. Không giống motip không gian thông thường, người kể chuyện thường bao quát hết trường nhìn và ngôi kể rành mạch. Bản thân không gian huyền ảo trong các giấc mơ của các nhân vật Akiko, Ineko, Sankichi…là thứ không gian chỉ diễn ra trong đầu, trong ý nghĩ, trong tiềm thức mà thực chất nó mang tính vô hình. Chính vì thế mà khi giấc mơ xuất hiện trong giấc ngủ của các nhân vật chúng ta thấy cái nhìn của người kể chuyện và nhân vật như hòa làm một, không thể tách bạch rõ ràng. “Không gian huyền ảo trong các giấc mơ đã tạo điều kiện để cho lời kể nửa trực tiếp xuất hiện” [15, tr.88]. Đó cùng là nghệ thuật hấp dẫn, lôi cuốn người đọc của Kawabata. Như vậy, trong truyện ngắn của Kawabata không gian những giấc mơ vừa hư vừa thực đã khiến người đọc như lạc vào một thế giới huyền bí.

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền ảo trong truyện ngắn của Yasunari Kawabata thể hiện trên các bình diện không gian thời gian nhân vật và chi tiết. (Trang 28 - 32)