6. Bố cục khóa luận
3.1. Phản ánh những cái đẹp “hư ảo”
Người Nhật yêu cái đẹp. Văn học Nhật là nền văn chương của cái đẹp. Nằm trong dòng chảy của văn học truyền thống, sáng tác của Kawabata là những cuộc hành trình đi tìm kiếm cái đẹp, là những vẻ đẹp bình dị, mong manh, huyền ảo của thiên nhiên, đất nước và con người Nhật Bản.
Điểm xuyết trong từng truyện ngắn của Kawabata là những hình ảnh, chi tiết mang lại cho các tác phẩm sự lắng đọng, thâm trầm cần thiết tạo ra dấu ấn sáng tạo cá nhân đặc biệt của tác giả. Trước hết đó là cái đẹp hư ảo trong thiên nhiên và con người được Kawabata phản ánh theo quan niệm riêng gắn với văn hóa, tình cảm, tâm lý của đất nước hoa anh đào.
Chảy trong mình dòng máu phương Đông thuần khiết cộng thêm một tâm hồn hồn rộng mở, tư tuởng tân tiến Kawabata vừa phản ánh được trong truyện ngắn của mình những vẻ đẹp có thực của thiên nhiên và con người Nhật Bản, vừa có những sáng tạo riêng ở phong cách nghệ thuật của bản thân để vẻ đẹp thực của thiên nhiên của thiên nhiên, con người được tôn lên thêm phần ảo mộng hấp dẫn. Và đằng sau cái đẹp mê hồn người ấy là cả một dư vị, cả một khoảng trống vô biên mà Kawabata muốn người tự lấp đầy những khoảng trống ấy theo cách của mình. Trong truyện ngắn của Kawabata, cái đẹp được toát lên từ cảnh vật, con người, không gian, thời gian...một cái đẹp mang đậm chất truyền thống. Theo quan niệm mỹ học Nhật, trong một tác phẩm nghệ thuật cái quan trọng không phải là cái có thể nhìn thấy mà là cái có thể cảm nhận được. Và văn của Kawabata cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Cái hay nằm trong những tràn văn của người “lữ khách” là cái làm cho lòng người rung động. Chính vì thế mà văn của Kawabata sẽ không hợp với
những ai đọc nhanh chỉ nắm cốt truyện mà nó chỉ hợp với những ai biết lắng lòng mình lại, cảm nhận bằng tâm cảm để cái đẹp tinh tế vi diệu từ từ len thấm vào từng ngóc ngách của tâm hồn.
Từ xa xưa trong tâm thức người Nhật tôn thờ cái đẹp và văn chương Nhật thể hiện ở mức cao nhất tín ngưỡng ấy. Từ Kojiki (Cổ kí sự) đến
Manyoshu (Vạn diệp tập) đến thời Heian - thời văn học của cái đẹp với truyện
Genji làm say đắm lòng người. Tất cả đều đều toát lên vẻ trong trẻo ca ngợi
vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống con người. Và Kawabata đã kế tục xuất sắc mạch nguồn truyền thống đẹp đẽ ấy. Đọc những sáng tác của Kawabata chúng ta như được chìm đắm trong không gian đậm màu sắc Nhật. Đó là không gian của suối nước nóng của những vữ nữ vùng Izu, của những Geisha xứ tuyết, những người chơi cờ Gô, những tiếng xúc xắc trong đêm khuya, cảnh núi non hùng vĩ được dát một màu trắng xóa, mùa hoa anh đào nở rộ...Tất cả những gì đẹp nhất, nên thơ nhất của xứ sở Phù Tang đều được ông đưa vào trang viết của mình. Ở thể loại truyện ngắn của mình tác giả đã dành nhiều thời gian để viết về thiên nhiên với số lượng tác phẩm khá lớn. Đọc những truyện ngắn của ông chúng ta không chỉ bị hấp dẫn bởi ngôn từ nghệ thuật mà còn được tắm mình trong khung cảnh thiên nhiên diễm lệ.
Trong Vũ nữ Izu, không gian là nơi khu suối nước nóng mờ sương “Dòng sông đầy nước sau cơn mưa ấm áp chảy trong ánh nắng thu của miền nam Izu” [15, 17]. Tưởng chừng như một vẻ đẹp là không có thực. Dưới ngòi bút tài hoa của Kawabata khung cảnh như lung linh hơn, đẹp hơn và pha chút ảo mộng khiến người đọc như say sưa đắm chìm. Hay như trong truyện Vịnh
cánh cung “Hoàng hôn đỏ rực như thể cả thế giới sắp bốc cháy... Vịnh biển
cắt dải bờ núi non thành một hình bán nguyệt... Vịnh cánh cung và màu sắc hoàng hôn ở sâu trong vịnh như đậm thêm, rực rỡ hơn...Trên vịnh có những con thuyền trang hoàng cờ hoa tươi thắm” [15, tr.102]. Đó là khung cảnh
thiên nhiên mùa lễ hội của nước Nhật mà Kawabata muốn người đọc hiểu nhiều hơn về bản sắc văn hóa của xứ sở hoa anh đào. Hay như trong Trăng
soi đáy nước qua chiếc gương soi rất đỗi bình thường nhưng Kyoko hết sức
sửng sốt với cái thế giới bao la và trù phú nơi mảnh đất nàng sống. Trong gương chồng nàng không chỉ ngắm được mảnh vườn rau bé bỏng mà “Trong gương anh còn được ngắm cả bầu trời cùng những áng mây cả cảnh tuyết rơi và cả những rặng núi xa xa cùng dải rừng thưa gần đó. Được nhìn thấy cả vầng trăng, những đóa hoa hồng và những đàn chim di trú qua ngang trời. Trong gương còn phản chiếu cả khách bộ hành đi lại trên đường cùng bầy trẻ nô đùa trước sân”. Không chỉ là những hình ảnh thiên nhiên đẹp, thơ mộng được đan cài vào trong những câu chuyện về cuộc sống con người mà còn có những truyện ngắn Kawabata lấy luôn nhan đề về thiên nhiên như Mưa phùn,
Cây mận, Cây hoa trà, Tên trộm hồ đào... Thiên nhiên trong sáng tác của
Kawabata đẹp là thế, thơ mộng là thế nhưng luôn mang màu sắc bảng lảng. Cảnh núi tuyết, rừng hoa đẹp nhưng nó có cái gì đó hiu quạnh, tự nó đã mang một nỗi buồn chứa đựng ngay trong sự viên mãn. Bởi chúng sẽ tàn tạ theo thời gian “Ngay từ khi những chiếc lá rụng trước ngọn gió lạnh và gay gắt, ở xứ tuyết ngày tuyền một màu xám, đầy mây và giá buốt. Người ta đã nhận ra tuyết trong không khí ...Dọc biển Bắc, biển mùa thu gầm thét và núi non cùng lúc tạo ra ở đây giữa lòng xứ sở, vẳng lên tiếng thở dài ghê gớm giống như tiếng ầm ì của sấm”. Xuất phát từ trong mỹ học truyền thống Nhật Bản, nỗi buồn, nỗi u sầu, nỗi buồn cô đơn không tách khỏi khái niệm vẻ đẹp, bởi vì vẻ đẹp sẽ không đầy đủ nếu thiếu nỗi buồn. Ngay cả trong cách cảm nhận của người Nhật về vẻ đẹp của hoa anh đào dường như cũng bắt nguồn từ đó: Hoa anh đào đẹp nhất đó là khi chúng nở rộ, kết thành từng đám mây hoa. Hoa anh đào còn biết rời bỏ cuộc sống của mình trong khoảnh khắc đẹp nhất để đi vào cõi bất tử. Đó là cái đẹp tuyệt đỉnh trong sự phù du.
Cùng với việc ngợi ca vẻ đẹp tự nhiên nguyên sơ, cái đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Cái đẹp trong văn chương Kawabata còn được thể hiện sâu sắc qua hình ảnh con người đẹp. Con người trong truyện ngắn Kawabata dù nam hay nữ cũng đều đẹp, cả vẻ đẹp hình thể lẫn vẻ đẹp tâm hồn. Đặc biệt là hình ảnh những người phụ nữ trong sáng, mơ hồ, khó nắm bắt. Mỗi một nhân vật có những dấu ấn riêng nhưng ở họ đều tràn trề nữ tính. Trong Địa tạng vương bồ tát Oshin, hình ảnh cô gái mà người lữ khách gặp không chỉ đẹp bên ngoài “Không một nơi nào trên thân thể cô gái lại không thu hút lòng người. Ngay cả sau gót chân nàng, da cũng mỏng manh. Khuôn mặt với đôi mắt mở to cô độc, ánh chiếu những tia nhìn tươi mát, không có vẻ mệt mỏi nào. Làn da mịn màng đến cả những gót thanh tân. Chỉ cần nhìn làn da phiền muộn ấy, ta muốn giẫm lên bằng đôi chân trần. Cô gái là chiếc giường ngủ mềm mại, không có lương tâm. Dường như cô gái được sinh ra để làm đàn ông quên đi lương tâm trần thế” [15, tr.123]. Cô gái không tên là đại diện cho vẻ đẹp mơ hồ với tâm hồn mong manh dễ vỡ. Ngay khi tại lữ điếm những cô Gensha khác cười ầm ĩ vì tiếng hạt dẻ rơi thì cô gái lại mang một tâm hồn u uất “Này, ngay khi ở dưới chân chàng khuyển hạt dẻ cũng đau chứ nhỉ” [15, tr.124]. Hay như trong truyện Chiếc nhẫn hình ảnh cô bé trần truồng không hề dung tục mà mang một vẻ đẹp trong trắng “Cô bé dường như không có gì khác để làm. Mỉm cười và phô ra trước mắt anh sự tinh khiết của một thân thể hồng hào, cô bé như quyến rũ sự thân thiết của anh”. Hành động cô gái “cười với anh, phô mình ra như thể lôi cuốn anh về phía tấm thân trắng hồng như hoa của cô” đó là sự vô tư, trong trắng đến vô ngần của một cô bé. Trong khung cảnh nên thơ trữ tình của ban mai giữa rừng vắng, mọi cái tưởng như ngưng lại, trong suốt, chỉ có đôi trai gái trẻ đang hạnh phúc. Hình ảnh những cô bé mang vẻ đẹp trinh bạch, trong sáng xuất hiện không chỉ một lần trong sáng tác của Kawabata. Trong truyện Vũ nữ Izu, hình ảnh cô vũ nữ “cơ
thể nàng trần truồng, thậm chí không quấn cả khăn tắm...nhìn đôi chân non trẻ, nhìn thân hình trắng muốt như tạc” [15, tr.16] đã khiến cho người lữ khách có một cảm giác như “có một suối nước tinh khiết rửa sạch tim tôi”.
Dường như với Kawabata, phụ nữ bao giờ cũng là hiện thân cho cái đẹp, cho khát khao vươn tới nơi những người đàn ông. Vẻ đẹp đến sững sờ ở dung nhan yêu kiều và tâm hồn thánh thiện của họ, thực sự đã “cứu vớt thế giới”.
Truyện Thuỷ nguyệt đề cập đến sự trong trắng thuỷ chung, tâm linh tận hiến trong tình yêu thông qua nhân vật nữ Kyoko. Đây là một câu chuyện tình, chuyện đời đầy lãng mạn, trữ tình nhưng cảm động và mang tính bi kịch. Chính tâm hồn trong sáng, tình yêu chân thực, mãnh liệt và thuỷ chung của Kyoko đã mang lại hạnh phúc cho họ khi đang yêu, trở thành vợ chồng và đặc biệt khi người chồng bị bại liệt. Với tấm lòng thương yêu chồng hết mực và nhờ sự trợ giúp của chiếc gương soi, Kyoko đã mang lại niềm vui hạnh phúc cho chồng với một thế giới thiên nhiên đủ mọi sắc màu, đẹp đẽ, lung linh hiện hữu qua chiếc gương soi. Vì vậy, Thuỷ nguyệt không chỉ là truyện ngắn ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, phẩm hạnh người phụ nữ Nhật Bản như Kyoko mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa triết lý sâu xa về con người và vũ trụ.
Trong Hiện hữu thần linh, theo bước chân lữ khách đi tìm cái đẹp, ta đến vùng du lịch suối nước nóng. Ở đây, hơn sáu năm về trước anh đã sơ ý làm một người con gái bị thương. Trở lại chốn xưa, anh gặp lại cô gái tuy bị liệt cả tứ chi nhưng nàng đã lấy chồng và được yêu chiều. Nàng vẫn mang sắc đẹp của thiếu nữ, thân thể mong manh như lá cỏ, gương mặt đẹp gợi cho ta cảm giác của tất cả các bông hoa. Nàng bao dung, thánh thiện nên đã tha thứ cho anh tất cả. Anh ngộ ra vẻ đẹp của nàng là hiện hữu của thần linh.
Hay như trong truyện Cố hương, hình ảnh người chị dâu trong mắt cuả Kinuko là một người phụ nữ đảm đang, chung thủy với người chồng đang ở
chiến địa khốc liệt “Chị dâu trở thành người lao động chính gia nhập trong đoàn quân phụ nữ lái xe và cày bừa....Nhìn dáng chị liêu xiêu trên con đường núi gập ghềnh đầy tuyết rơi rồi nghĩ về dáng đi vội vã của chị lúc về nhà mẹ đẻ” [15, tr.217]. Khi Kinuko hạnh phúc, sum vầy bên chồng con thì chị dâu đang ngày ngày đọc thư chồng gửi từ chiến trường về mà ái ngại cho số phận của chị. Đó là hình ảnh người phụ nữ Nhật Bản đẹp nhất, đáng khâm phục nhất.
Với tiếng gieo xúc xắc ban khuya của Mitikô - một thói quen và niềm thích thú của nàng - từ phòng bên, hằng đêm vọng lại đã đánh thức con tim yêu thương của chàng Mizuta. Thông qua trò chơi này, bộc lộ vẻ đẹp của một tâm hồn ngây thơ, trong trắng chưa vẫn đục bụi đời của nàng Mitikô. Chính sự trinh bạch đó đã làm xao xuyến tâm hồn chàng trai trẻ Mizuta và làm nảy nở một mối tình đẹp đẽ.
Kawabata là “người tôn vinh vẻ đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người”. Điều đó có ý nghĩa to lớn trong thời đại cái đẹp truyền thống Nhật đang bị hoen ố, mai một và lãng quên. Trong hoàn cảnh đó, Kawabata đã lặng lẽ tạo dựng niềm tin cho dân tộc bằng những tác phẩm phản chiếu một thế giới lung linh vẻ đẹp Nhật: con người, thiên nhiên, nhân cách… Bởi sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản, Y.Kawabata nguyện suốt đời làm lữ khách cứu rỗi cái Đẹp đang bị phai tàn, hoen ố.