6. Bố cục khóa luận
2.2.1. Thời gian mơ hồ
Mơ hồ là không rõ ràng, hư hư, thực thực, thời gian mơ hồ là thời gian bị xóa nhòa, không có mốc cụ thể. Thời gian trong một số truyện ngắn của Kawabata thường rất mơ hồ, khó xác định, mang tính phi thời gian. Hơn nữa thời gian mơ hồ trong truyện ngắn của ông được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau và gắn với cốt truyện kỳ ảo. Nó không chỉ thể hiện qua những dòng thời gian trong quá khứ mà còn thể hiện qua mạch của cốt truyện.
Mở đầu một số truyện ngắn như Miền ánh sáng, Kawabata đã xác định một thời gian mơ hồ “vào mùa thu năm hai mươi tư tuổi, nơi nhà nghỉ bên bờ biển, tôi đã gặp nàng” [15, tr.112]. Hay như trong Yuriko, Kawabata viết “khi còn học trong trường phổ thông” khiến cho người đọc không thể nào xác định được thời gian mà tác giả đang nói tới thuộc năm nào. Do đó có thể nói trong các truyện ngắn của Kawabata ngay từ đầu ông đã cố ý xóa nhòa thời gian kể chuyện để nhằm mục đích gây sự tò mò cho người đọc “vào buổi hoàng hôn, nơi dãy núi xa, có một ngôi sao chiếu sáng như ánh lửa ga, làm anh kinh ngạc” [15, tr.134]. Đặc biệt hơn chúng ta có thể thấy truyện của Kawabata là một dạng truyện phi cốt truyện hoặc có cốt truyện thì cũng rất mờ nhạt, ít đột biến. Vì thế mà thời gian cốt truyện trong tác phẩm truyện ngắn của Kawabata rất linh động tính theo đơn vị tuần, tháng, năm nhưng cũng có khi chỉ là một đêm hay thậm chí trong khoảng thời gian mấy tiếng đồng hồ của buổi tối.
Nhưng trên tất cả là cảm thức mùa thể hiện trong nhịp điệu thời gian. Khảo sát tập Truyện ngắn trong lòng bàn tay chúng ta thấy dấu ấn mùa in đậm trong sáng tác của ông. Cảm thức mùa mà chúng tôi nhận thấy trong truyện ngắn cuả ông không chỉ là việc nhắc tới mùa trong sự luân chuyển của thời gian kể chuyện mà chính là biểu tượng mùa thông qua sự vật, sự việc.
Trong văn học truyền thống phương đông, cảm thức mùa là một trong những yếu tố quan trọng, đặc biệt là với thơ Haiku Nhật và thơ Đuờng của
Trung Quốc. Nếu người Trung Hoa coi đó là biểu tượng thì người Nhật gọi là “quý ngữ” (Kigo) và các từ ngữ liên hệ đến các mùa trong năm đều được gọi là Kigo. Đó chính là tiếng ve mùa hè, hoa anh đào mùa xuân, hoa cúc mùa thu, trăng thu, tiếng côn trùng mùa thu, tuyết đông...
Không phải đến Kawabata mới sử dụng những quý ngữ này mà Basho - ông tổ của thơ Haiku Nhật Bản từng viết:
Một đám mây hoa
Chuông đền Ueno vang vọng Hay đền Asakusa
(Nhật Chiêu dịch)
Thì chúng ta có thể hiểu mùa xuân bởi khi Basho nhắc tới “một đám mây hoa” tức là ông đang nhắc tới loài hoa anh đào biểu tượng của mùa xuân Nhật.
Cảm nhận và kế thừa truyền thống, truyện ngắn của Kawabata in đậm dấu ấn thơ Haiku - một loại thơ quốc hồn quốc túy của Nhật Bản. Chính vì thế mà truyện ngắn của ông cũng có âm hưởng riêng với dòng thời gian luân chuyển theo mùa.
Đọc truyện ngắn của Kawabata “người đọc buộc phải tập trung và suy đoán có tính hệ thống để đưa ra được một khoảng thời gian tương đối chính xác” [8, tr. 229]. Trong truyện ngắn của Kawabata hình ảnh tiêu biểu của các mùa trong năm bao gồm xuân, hạ, thu, đông góp phần làm nên những nét độc đáo vào cảnh sắc thiên nhiên Nhật Bản. Khi nhắc tới lễ hội Bon, tiếng ve inh ỏi đầy ắp bầu khí núi hay những quả đào chín trong vườn, trái lựu đang ẩn mình trong đám lá, những loài hoa tháng sáu là chúng ta biết mùa hè đã về. Còn mùa xuân với đặc trưng mưa phùn, hoa anh đào trổ bông, những bông mận đầu tiên đã tàn trên các cây thấp tỏa đều...Mùa đông của Kawabata có núi đội nón tuyết trắng xóa...Đặc biệt nhất là mùa thu là mùa có tần suất lặp
lại nhiều nhất. Và biểu tượng mùa thu trong truyện ngắn của Kawabata cũng thật đa dạng. Đó là mùa của hạt dẻ rụng, tiếng côn trùng nỉ non, hồng đã sai quả, những cây sơn đã ngả màu vàng...Tất cả tạo nên một hương vị mùa thu mang đậm chất Nhật Bản.
Thời gian kể chuyện trong truyện ngắn của Kawabata biểu hiện bằng cảm thức mùa như một dấu hiệu lấn át, làm nhòe thời gian sự kiện. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rõ rệt các mùa trong năm qua tác phẩm của ông bằng những biểu tượng rất riêng. Nhưng chúng ta không thể biết chính xác một thời gian cụ thể bởi ở những mùa đó không có ngày, tháng, năm. Chính vì thế mà khi đọc truyện ngắn của Kawabata người đọc rất mơ hồ, khó xác định được thời gian. Hơn nữa thời gian mơ hồ cũng làm nảy sinh cảm giác chậm rãi, ngưng đọng khiến cho độc giả mỗi khi khám phá thế giới truyện ngắn của Kawabata phải suy ngẫm, ngẫm nghĩ về cuộc sống, về con người, về những triết lý giản dị mà thấm thía.
Khác với Kawabata, Marquez - nhà văn hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh trong các tác phẩm của Marquez thời gian gắn với thời gian sinh hoạt ngày thường và được huyền ảo hóa gắn với cõi thực. Có lẽ hiện thực đen tối và cuộc sống mông muội của người dân thuộc địa dưới hệ quy chiếu huyền ảo chính là phương thuốc để truy tìm căn nguyên và chữa lành vết thương thời đại của nhà văn. Còn Kawabata thời gian trong tác phẩm của ông không tuân theo quy luật khách quan mà theo quá trình phát triển tâm lý của con người. Tuy nhiên dù là hoàn toàn mộng ảo hay mộng ảo gắn với hiện thực cuộc sống thì cả Marqeuz và Kawabata đều huyền ảo hóa cuộc sống bằng thủ pháp làm mờ, ảo hóa đã làm nên sức hấp dẫn, lôi cuốn cho các tác phẩm.