Thời gian ký ức

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền ảo trong truyện ngắn của Yasunari Kawabata thể hiện trên các bình diện không gian thời gian nhân vật và chi tiết. (Trang 40 - 47)

6. Bố cục khóa luận

2.2.3.Thời gian ký ức

Trong truyện ngắn của Kawabata, thời gian mơ hồ kí ức cũng không kém phần quan trọng góp phần làm nên thành công cho thể loại này.

Giọng điệu chính trong các truyện ngắn Kawabata là giọng kể cho nên thời gian chính trong các tác phẩm là dòng thời gian quá khứ, kí ức, hồi tưởng. Các nhân vật trong truyện ngắn của Kawabata dù là cô gái, chàng trai hay ông già...họ luôn sống với hoài niệm của quá khứ. Quá khứ của họ là những kí ức không thể nào quên, có thể là vui, có thể là buồn của cuộc sống đã qua hay là những ước mơ về sự bất tử, sự trẻ mãi không già thì những gì dù xảy ra cả mấy chục năm về trước hay mới chỉ hôm qua thậm chí ngay cả hôm nay cũng đều trở thành quá khứ.

Trong truyện ngắn của Kawabata, thời gian kí ức xuất hiện ngay trong hiện tại, đó là nỗi ám ảnh của các nhân vật về những gì tốt đẹp đã qua. Nhìn chung, thời gian kể chuyện trong truyện ngắn của Kawabata là thời gian bất quy tắc. Với truyện ngắn Về chim và thú thì chúng ta hiểu rõ hơn về nghệ thuật sử dụng thời gian bất quy tắc của Kawabata. Thời điểm mở đầu câu chuyện là “bảy giờ kém mười lăm” buổi chiều, trên đường người đần ông đi xem Chikako biểu diễn ở rạp hát. Tác phẩm khép với chính buổi biểu diễn ấy. Như vậy thời gian sự kiện chỉ là mấy tiếng đồng hồ buổi biểu diễn tối hôm đó nhưng câu chuyện độ hai chục trang của Kawabata lại cho chúng ta thấy những suy nghĩ, những tâm tư, tình cảm của người đàn ông đó về cô gái Chikako, về lũ chim mà ông từng nuôi...Trên con đường bị ách tắc giao thông người đàn ông ấy đi xem buổi biểu diễn của cô vũ nữ mà ông từng đem lòng yêu mến và bao nhiêu kí ức đã xảy ra trong cuộc sống ùa về trong tâm trí ông. Dường như người đọc hiểu được mạch nguồn của những câu chuyện xoay quanh cuộc đời ông đó là khoảng thời gian “mười năm về trước”, “tháng trước”, “tuần trước”, “ngày hôm qua” và thậm chí là khoảng thời gian buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều và buổi tối của ngày hôm qua. Niềm vui trong cuộc sống của anh đó là nuôi nấng và chăm sóc những con chim và những con chó, anh yêu quý và tìm được niềm vui ở chúng mà quên đi nhiệm vụ của

người đàn ông là lấy vợ đặc biệt hơn là “anh ít khi ngủ xa nhà, nếu anh đi một đêm như vậy anh sẽ mơ về lũ chim và thú của mình rồi tỉnh giấc” [15, tr.48]. Lí do đó làm cho người đọc cảm thấy ông là một con người khá xa lạ với cuộc sống hiện tại.

Dòng thời gian bị đảo lộn, quá khứ “mười năm về trước lại trở về trong ông “anh đã nghĩ tới chuyện tự tử cùng Chikako. Họ chẳng có lý do gì đặc biệt. Anh mắc vào thói quen nói là anh muốn chết”, quá khứ tuần trước “cặp chim tước mào vàng chết”, tháng trước “một con chim tước đã bay ra ngoài khi anh đang cho chúng ăn...”. Như vậy là chỉ trong vẻn vẹn có mấy tiếng đồng hồ buổi tối mà chúng ta có thể thấy được đời sống, tâm tư, tình cảm trong quá khứ của nhân vật anh.

Trong Trăng soi đáy nước khi đã đi thêm bước nữa, cuộc sống với người chồng mới rất hạnh phuc nhưng sâu thẳm trong tâm hồn Kyoko vẫn giữ những tình yêu nông cháy với người chồng cũ đã quá cố. Đó là những kỷ niệm ngọt ngào của hai người lúc mới cưới cho tới ngày anh ra đi mãi mãi sang thế giới bên kia. Thời gian hiện tại của nàng như ngưng đọng lại và thời gian kí ức như những thước phim quay chậm trở về trong mắt Kyoko. Dù chiếc gương cũ - cầu nối hạnh phúc, niềm vui cho chồng cũ của nàng với thế giới bên ngoài không còn nữa bởi nó đã được hóa kiếp nhưng mỗi khi đến chiếc gương cầm tay khác được lồng trong chiếc khung gỗ bóng, chạm trỗ theo lối trang trí Kamakura thì những kí ức xưa lại ùa về. Đó là cuộc sống của hai vợ chồng lúc mới cưới, là cuộc sống của người chồng sau khi anh bị ốm nằm liệt giường, là tình yêu của nàng đối với người chồng phận hẩm được thể hiện một cách kín đáo...là những suy nghĩ của nàng về những gì mà người chồng xấu số đã dạy cho nàng cách cảm nhận về nhan sắc được phản chiếu trong gương. Tất cả những hình ảnh đẹp của kí ức như “hình ảnh sắc xanh của những đóa thủy tiên, cả màu trắng mát của những bông huệ nước, cả bầy trẻ

thôn quê nô đùa bên rìa ruộng, cả vầng mặt trời buổi sáng nhô lên trên những rặng núi tuyết xa xa...Hết thảy những thứ ấy, Kyoko không những cố làm sống lại trong kí ức mà còn nhớ nhung đến tha thiết đến nó, một thế giới khác mà xưa kia vốn là của riêng nàng và người chồng xấu số...” [15, tr.60]. Kyoko hết sức trân trọng những kí ức đó, cuộc sống hiện tại của cô được vui vẻ và thanh bình cũng một phần nhờ những kí ức đẹp đẽ xưa luôn ngự trị trong tâm trí Kyoko giúp cô có nghị lực hơn để sống, để tồn tại. Tuy nhiên Kyoko không hoàn toàn sống trong hoài niệm mà cô chỉ coi những kí ức đó là một phần của cuộc sống Nàng cố nén cái tình cảm ấy trong lòng, một tình cảm mà bất cứ lúc nào cũng chực bùng lên thành một nỗi khát khao mãnh liệt vì không muốn người chồng hiện nay lo lắng thêm. Cho nên nàng thường buộc mình phải nghĩ đến tình cảm ấy như một cái gì rất đỗi xa xăm và chỉ dành cho một thế giới khác, không phải là cái thế giới đang hiện hữu” [15, tr.60]. Kết thúc truyện ngắn Trăng soi đáy nước đầy ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc, Kyoko muốn được trở về quê gặp thầy mẹ vài hôm và cũng là trở về với mảnh đất nơi đó có ngôi nhà cũ của hai vợ chồng. Về đây Kyoko cảm thấy như được sống lại giữa một thế giới sống động. Dù ngôi nhà đã có chủ mới nhưng “dải rừng thưa đã thẫm bóng trong bầu trời đỏ rực buổi chiều hôm, tiếng chim sơn tước ríu rít lại vọng đến tai nàng y như ngày chồng nàng còn sống”. Hình ảnh Kyoko lòng thanh thản quay gót trở lại nhà ga và nàng bừng tỉnh lại - như thể cái bóng ma vẫn ám ảnh nàng lâu nay phút chốc bỗng tan biến hoàn toàn cứ in sâu vào trong lòng người đọc. Qua truyện Trăng soi đáy nước Kawabata muốn gửi đến người đọc ý nghĩa triết lý về cuộc sống, chúng ta phải biết trân trọng, giữ gìn những kỷ niệm đẹp trong quá khứ đã qua nhưng chúng ta cũng không nên để những kỷ niệm đó chi phối đến cuộc sống hiện tại ảnh hưởng đến chính cuộc sống của bản thân và những người yêu quý mình.

Thời gian kí ức không chỉ xuất hiện ở một vài truyện mà xuất hiện một loạt trong thể loại truyện ngắn của Kawabata như: Miền ánh sáng, Vịnh cánh cung, Yukiko, Đôi mắt người mẹ, Cây lựu, Chim dẻ cùi, tiếng tre - hoa đào,

Bộ đồ cưỡi ngựa, Cao xanh lộng gió, Trái đất, Tình yêu đáng sợ... Có thể nói

người kể chuyện của Kawabata đã xây dựng không gian, thời gian bằng lập trường quan điểm, bằng nhãn quan của một người Nhật duy mỹ, một người Nhật tôn trọng truyền thống. Chính giá trị truyền thống đã làm tiền đề cho các khoảng thời gian và hình ảnh của quá khứ tồn tại ngay trong hiện tại. Độc giả dễ dàng nhận thấy trong truyện ngắn Về chim và thú. Dù nước Nhật hiện đại đang trong quá trình Âu hóa, luồng tư tưởng của phương Tây du nhập mạnh vào đời sống tư tưởng của con người Nhật Bản nhưng trong lòng nước Nhật hiện đại ấy vẫn tồn tại vẻ đẹp sáng ngời như ngọc của những tâm hồn Nhật “quẳng chúng đi đâu đó. Ở phương Tây người ta vẫn loại bỏ chó con, giết những con yếu bằng cách ấy người ta có được những con chó tốt hơn. Người Nhật chúng ta đa cảm không khá lên được những chuyện này”. Hay như tấm lòng đau khổ của một ông già khi nhìn thấy cái chết đang đến dần với cây thông già “từ nhà, từ sân, từ phố, từ ga - từ vị trí nào nhìn cái cây đang chết cũng đều làm ông đau khổ” [15, tr.192] bởi cây thông già ấy gắn bó với anh đã từ rất lâu và nó thành vật tâm điểm để ông có thói quên nhìn nó mỗi khi lên tàu hoặc khi đi xa trở về thị trấn “nó gợi lên biết bao tình cảm làm lòng người ấm lại. Chỉ cần bước khỏi toa xuống ga và đưa mắt nhìn cây thông, trong lòng tự nhiên yên tĩnh, tim lắng xuống nhẹ nhàng vì một nỗi buồn khó tả” [15, tr.190]. Đó chính là tình yêu quê hương, yêu làng xóm, yêu những gì thân thuộc gắn bó của ông già Miyacava. Mặc dù giờ đây tại thời điểm hiện tại cây thông ấy đã mục ruỗng nát nhưng những gì của quá khứ ông vẫn luôn giữ mãi trong ông đó là hình ảnh về cây thông lúc nó kiên cường trong bão tố, lúc nó bị bệnh lá nhọn khô héo vàng úa, lúc nó bị mục tuyết bao phủ những

cành bị gãy rồi hình ảnh con chim đại bàng bay về đậu trên ngọn cây thông. Dù nó chỉ đậu một lần nhưng giờ đây hình ảnh chim đại bàng sẽ còn mãi trong tâm trí ông, đại bàng nằm ở trong tâm trí ông. Là niềm tin mà ông luôn hy vọng đó là dấu hiện tốt lành, là điều may mắn, là hạnh phúc niềm vui sẽ đến với Miyacava. Phải chăng niền tin vào cuộc sống với nhiều may mắn là lí do khiến ông đã trông thấy chim.

Thời gian quá khứ tồn tại ngay trong hiện tại - có thể coi đây là dạng thời gian đồng hiện nhiều khi còn là một quá khứ vô hình nhưng có sức tàn phá ghê gớm. Trong Bộ đồ cưỡi ngựa chính những tính cách của người cha trong quá khứ đã làm ảnh hưởng tới cuộc hôn nhân của Nagako và Iguchi “Đối với cháu dường như Iguchi đang ngày càng giống y như cha cháu...Nếu cha cháu không có cái kiểu ấy, thì cháu có thể nhẫn nại chịu đựng Iguchi. Nhưng khi nghĩ về cha mình, cháu lại có cảm giác rằng cháu đang bị kìm kẹp bởi số phận vì phải sống với một người đàn ông yếu ớt bất lực” [15, tr.195]. Quả đúng quá khứ của người cha đã ăn sâu đậm vào trong cuộc sống của Nagako khiến cho cô cảm thấy chán nản và bất lực với người chồng có tính cách giống cha và cuộc sống hiện tại với cô không thể chịu đựng hơn được nữa đó là lí do cô muốn đi du lịch ở London nước Anh để thay đổi không khí và suy nghĩ lại trước khi đưa ra quyết định li hôn với chồng. Với Nagako một quá khứ đen tối của tuổi thơ cùng người cha đem những bức thư tới những người bạn học cùng trường của cha để xin chút tiền đã đeo bám cô và luôn ám ảnh, tồn tại trong tâm hồn cô là nguyên nhân làm rạn nứt mối quan hệ vợ chồng cô.

Cay đắng hơn người đàn ông trong Về chim và thú đã thấy người tình cũ trong loài chó cái Boston khi đến thời kỳ động đực “Con chó dường như thện thùng bối rối, nhưng ngay trong lúc ấy, vẻ ngây thơ và niềm mong muốn đổ vấy mọi thứ cho anh, cứ thể nó không phải chịu một tí trách nhiệm nào

trong việc nó làm cả. Anh nhớ đến Chikako mười lăm năm về trước lần đầu tiên bán mình cho anh, vẻ mặt cô nhìn anh y hệt như vẻ mặt của con chó này” [15, tr.40].

Hơn nữa những thời gian kí ức ám ảnh đã khiến cho người đàn ông trong truyện ngắn Về chim và thú có một cuộc sống lạc loài, một người cô đơn giữa đồng loại. Người đàn ông này đã để lại một ấn tượng khá mạnh trong lòng người đọc đó là một kẻ chán đời, chán cả loài người đang hiện hữu xung quanh ông. Ông sống độc thân giữa một bầy chim, chó và cá với số luợng khá lớn. Suốt ngày anh chỉ có tìm niềm vui với công việc chăm sóc chúng. Những người lui tới nhà ông cũng chỉ là những tay buôn chim và buôn thú. Khách tới viếng thăm ông cũng không tập trung nghe khách nói gì và thậm chí ông thậm chí không nhìn khách cho tới khi người khách đó đứng dậy ra về. Mà ông “đặt hẳn một mẫu thức ăn lên tay và chăm chú tập ăn cho một chú chim con cổ đỏ hoặc anh để một con chó Shiba lên đầu gối, miệt mài bắt bò chét cho nó”. Lí do khiến anh chỉ sống giữa bầy chim và thú đó là thời trẻ ông từng có ý định tự tử và nay “gần bốn mươi tuổi anh cảm thấy nhiệt tình của tuổi trẻ đã rơi rụng hết” và hơn hết “luôn cô đơn, anh đi đến một kết luận dứt khoát rằng anh không thích con người”. Đích thị anh bị những quá khứ đeo bám và sống một cuộc sống ở hiện tại như một kẻ lạc loài, một người cô đơn giữa đồng loại. Tuy nhiên anh không đáng trách bởi những tác động của những kỹ thuật tiên tiến, lối sống hiện đại phương Tây đã tác động không nhỏ tới đời sống người dân Nhật Bản. Trong guồng quay ấy chỉ cần sai nhịp là anh có thể bị đẩy ra ngoài, có thể trở thành kẻ lạc loài, cô độc. Và người đàn ông trong Về chim và thú là một trong những người như vậy. Không tìm được lý tưởng sống, những niềm đam mê của tâm hồn đã bỏ rơi, quay về sống với bầy chim và thú của mình để tìm niềm vui an ủi cuộc sống tẻ nhạt, đáng thương. Đó cũng là cái nhìn thương cảm của Kawabata đã lan sang cả người

đọc. Nhà nghiên cứu Fedorenko người Nga từng nhận xét về tác phẩm của Kawabata: “Nhiều trang truyện vang lên như tiếng kêu xé lòng về tình yêu và nỗi cô đơn” [8, tr.167].

Như vậy, thời gian kí ức trong truyện ngắn của Kawabata có tác dụng như làm mờ đi cuộc sống hiện tại, cuộc sống hiện tại như ngưng đọng lại để cho các nhân vật trở về quá khứ với các kỷ niệm.

Thời gian mơ hồ và thời gian kí ức là hai thành phần cấu thành nên thời gian huyền ảo trong truyện ngắn của Kawabata. Nó tạo ra một thế giới vừa thực vừa hư. Tính chất mơ hồ và đảo ngược thời gian một mặt tăng thêm tính huyền ảo cho tác phẩm, mặt khác lại tạo ra một vẻ đẹp hiện đại đầy cuốn hút với độc giả.

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền ảo trong truyện ngắn của Yasunari Kawabata thể hiện trên các bình diện không gian thời gian nhân vật và chi tiết. (Trang 40 - 47)