Nhân vật là những sự vật nhân hóa

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền ảo trong truyện ngắn của Yasunari Kawabata thể hiện trên các bình diện không gian thời gian nhân vật và chi tiết. (Trang 49 - 52)

6. Bố cục khóa luận

2.3.1. Nhân vật là những sự vật nhân hóa

Trong truyện ngắn của Kawabata, bên cạnh nhân vật là những con người có tên tuổi, có ngoại hình, tâm hồn, tính cách rất cụ thể thì cũng có những nhân vật là những sự vật nhân hóa như Cánh tay, cái gương, chiếc mặt nạ...Chúng có vai trò không nhỏ trong việc tạo nên tính chất huyền ảo trong một số tác phẩm của Kawabata.

Đặc điểm chung của các nhân vật mang tính chất huyền ảo là cũng có suy nghĩ, cảm xúc như một con người thực thụ và thông qua những sự vật nhân hóa ấy Kawabata muốn gửi tới người đọc những triết lý sâu sắc về con người và cuộc đời.

Truyện ngắn Cánh tay là một minh chứng đầy thuyết phục cho tài năng phản ánh cái huyền ảo trong văn học của Kawabata. Cánh tay chứa đựng nhiều yếu tố huyền ảo, thần bí mang sức sống mạnh mẽ, đầy bất ngờ. Đó là một huyền thoại mới mẻ, hiện đại lôi cuốn người đọc vào một thế giới vô thức, vô hình. Cánh tay được lấy ra từ thân thể một cô gái là hình bóng siêu phàm của đời sống vừa vô thường vừa vĩnh cửu. Trong truyện ngắn nhà văn tả chàng trai mượn cánh tay của người tình để qua đêm. Cánh tay được miêu tả có cuộc sống thật sự như một con người. Cánh tay biết nói, biết bật điện, biết cử động thậm chí đi lại, biết cảm nhận được mùi vị, màu sắc, ánh sáng và biết suy nghĩ. Trong màn đêm sương mù xám tro, cánh tay đã cùng nhân vật đi bộ về căn hộ của mình. Nhân vật Cánh tay đã ngửi thấy một mùi thơm dịu ngọt, đó là mùi hoa mộc lan “ - Tôi ngửi thấy mùi gì đó. Một mùi dịu ngọt kia” [15, tr.87]. Khi vào phòng, Cánh tay cũng đề nghị “để tôi bật đèn cho”.

Cánh tay mang vẻ đẹp kỳ lạ giống như vẻ đẹp tràn đầy sức sống của một người con gái “Nó rất đầy đặn nở nang, từ chỗ nối vai tròn trịa xuống bắp tay thuôn đầy rồi hẹp lại trước khi nở nang ở khủyu tay, hơi lõm bên trong khủyu, xuống đến dáng mảnh mai nhưng đầy đặn ở cổ tay, bàn tay đến tận các ngón”

[15, tr.95]. Vẻ đẹp tròn trịa này thường gặp ở những người con gái phương Tây chứ hiếm thấy ở Nhật. Một vẻ đẹp tròn đầy thanh tao, trong sạch có ở bản thân cô gái ...vẻ tròn đầy nơi Cánh tay làm nhân vật “tôi” cảm thấy vẻ đềy đặn của thân hình nàng. Nhà văn đã thổi vào cánh tay người tình của nhân vật “tôi” một sức sống mãnh liệt biến nó thành một cô gái đẹp tuyệt vời. Sự tưởng tượng và khả năng liên tưởng của tác giả không hề làm mất đi vẻ đẹp của Cánh tay, mà nó còn tạo ra một cái đẹp mờ ảo, lung linh nhưng không trở thành ma quái. Tước bỏ màu sắc thần bí, huyền ảo bên ngoài của truyện thì đây là một niềm đam mê cháy bỏng của con người vươn đến cái đẹp và hình thể của người con gái.

Chiếc mặt nạ được nhà văn lặp đi lặp lại trong nhiều truyện ngắn. Nó là hình ảnh biểu trưng, ẩn dụ chứa đựng nhiều yếu tố bí ẩn, nhiều tầng nghĩa sâu xa, thâm trầm. Và cũng qua hình ảnh chiếc mặt nạ Kawabata muốn gửi gắm một ý nghĩa triết lý sâu xa về con người. Cái mặt nạ cho người chết “vừa giống đàn ông, Nó vừa giống một cô thiếu nữ vừa giống một người phụ nữ luống tuổi” và đằng sau cái mặt nạ ấy là nàng nhưng chẳng phải là nàng. Đằng sau đó ta không phân biệt được giới tính. Thông điệp mà Kawabata muốn gửi gắm ở đây là cái đẹp tự nhiên không cần phải che đậy, tô vẽ và con người đặc biệt là người phụ nữ thì phải có lòng chung thủy.

Đối với nhân vật “tôi” trong Người đàn ông không cười , chiếc mặt nạ cười khi đặt lên khuôn mặt người vợ anh ta đang ốm thật là khủng khiếp. Và khi vợ tôi tháo chiếc mặt nạ ra “khoảnh khắc tháo chiếc mặt nạ khuôn mặt nàng không hiểu sao lại hiện ra xấu xí. Tôi sởn da gà khi nhìn khuôn mặt hốc hác của nàng. Tôi đã bị sốc bởi lần đầu tiên khám phá ra nét mặt vợ mình...Sau khi được che dấu trong chiếc mặt nạ xinh đẹp, gương mặt nàng đã lộ cái phần đen tối của kiếp cùng khổ” [15, tr.151]. Ý nghĩa nhân sinh và triết lý sâu sắc về cuộc đời được nhà văn khái quát từ chiếc mặt nạ thông qua sự

cảm nhận của nhân vật tôi trong tác phẩm, thể hiện khát vọng của Kawabata là đi tìm cái đẹp vĩnh hằng trong tự nhiên, xã hội và con người. Đó là vẻ đẹp trinh nguyên và tự nhiên không cần tô vẽ, che đậy là ước muốn nhân bản cao đẹp của người nghệ sỹ.

Cánh tay, chiếc mặt nạ là những sự vật được tác giả nhân hóa như những con người có tình cảm, hành động, suy nghĩ và đặc biệt hai sự vật này xuất hiện trong truyện ngắn của Kawabata đã làm cho yếu tố huyền ảo càng được tô đậm. Hơn nữa những sự vật được nhân hóa trong truyện ngắn của ông cũng không làm cho người đọc cảm thấy sợ hãi mà nó hết sức gần gũi, quen thuộc với cuộc sống. Bởi qua những sự vật được nhân hóa ấy người đọc tìm thấy được những triết lí về cuộc sống và con người cũng như sự đồng cảm với Kawabata - một kữ khách luôn tìm cho mình một dòng chảy trong lành để tắm tâm hồn mình, tâm hồn lữ khách u buồn đi tìm cái đẹp đã mất.

Ngoài ra, trong truyện ngắn của Kawabata còn có những sự vật nhân hóa khác như là cái lược, cái khăn tắm, tảng đá cũng biết di chuyển, nhảy muá, quấn lấy con người “cái lược bị rơi từ một cô gái cũng nhảy múa và cầu nguyện. Cái khăn từ một người con gái rơi ra bắt lửa cháy và cuốn lấy một con người con gái khác” [15, tr.141].

“Dân làng nói rằng từ khắp nơi họ đã nhìn thấy một tháp đá rơi xuống núi và di chuyển như một ma vật màu trắng. Nếu chỉ có một hay hai người nhìn thấy điều quái lạ trong cùng một lúc thì không thể tin được” [15, tr.140].

Tuy nhiên những sự vật nhân hóa này xuất hiện chỉ một lần nhưng nó có tác dụng không nhỏ tới tâm lý của người đọc. Người đọc như lạc vào một thế giới đầy sự lạ lùng, người đọc cảm giác như được hòa cùng vào buổi cầu nguyện của các trinh nữ và dân làng để giải thoát những điềm xấu, tẩy sạch nghĩa địa.

Nhân vật là những sự vật nhân hóa trong truyện ngắn của Kawabata tuy không nhiều nhưng nó góp một phần ý nghĩa quan trọng làm nên chất huyền ảo cho sáng tác của ông. Và với hình thức sử dụng các nhân vật là sự vật nhân hóa đã đưa Kawabata đứng vào đội ngũ nhà văn hiện đại Nhật Bản tiếp thu và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của trào lưu hiện đại của văn học phương Tây về phương diện sử dụng yếu tố huyền ảo trong văn học.

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền ảo trong truyện ngắn của Yasunari Kawabata thể hiện trên các bình diện không gian thời gian nhân vật và chi tiết. (Trang 49 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)