6. Bố cục khóa luận
2.1.3. Không gian trong những tấm gương
Trong truyện ngắn của Kawabata còn có một không gian khác, nó không “kỳ bí, huyễn hoặc” như các không gian trong giấc mơ nhưng lại mang vẻ đẹp huyền ảo rất riêng, hấp dẫn, đầy triết lí. Đó là không gian trong những tấm gương.
Nhật Bản là đất nước có nền văn hóa độc đáo. Trước khi phật giáo du nhập vào Nhật Bản, người dân Nhật đã có một tín ngưỡng riêng, ban đầu không có tên gọi nhưng sau này để phân biệt với Phật giáo người ta gọi nó là Shinto – tức Thần đạo. Điều đặc biệt tuy Thần đạo không có kinh điển chính thức nhưng hệ thống thần thoại, truyền thuyết xung quanh nó cũng khá phong phú. Trong các thần thoại ấy, nữ thần mặt trời được xem là tổ mẫu của dân tộc Nhật Bản và chiếc gương tượng trưng cho bản thể thần linh của bà. Trong các
đền thờ Thần đạo, nữ thần Mặt trời thường được thờ phụng dưới hình thức chiếc gương [15, tr.187 - 188]. Là người nguyện suốt đời làm người lữ khách cô độc trong hành trình tìm kiếm và giữ gìn những giá trị truyền thống của dân tộc, có lẽ hình tượng những chiếc gương được lặp đi lặp lại nhiều lần trong sáng tác của Kawabata cũng có nguồn gốc từ biểu tượng Thần đạo.
Nhưng mặt khác, Kawabata cũng là nhà văn theo trường phái “Tân cảm giác” chịu ảnh hưởng khá mạnh mẽ nghệ thuật phương Tây hiện đại. Những tiếp thu và chịu ảnh hưởng đối với chủ nghĩa hiện đại đã để lại dấu ấn không nhỏ trong sáng tác của Kawabata, trong đó Kawabata đã sáng tạo ra “thủ pháp tấm gương” như một công cụ đắc lực trong việc khai thác thế giới nội tâm con người và tấm gương của Kawabata được khoác một tấm áo rất hiện đại, mới mẻ với những quan niệm, triết lý về tình yêu, về cuộc sống.
Trong Trăng soi đáy nước còn được dịch Thủy nguyệt ngay cái tên đã ngầm ẩn lên sự phản chiếu nào đó và tấm gương trong tác phẩm này có thể coi là một nhân vật. Từ đầu đến cuối tác phẩm, chiếc gương soi có sinh mệnh quan trọng trong mối quan hệ giữa Kyoko và chồng với thế giới xung quanh. Chiếc gương nhỏ bé ấy không chỉ phản chiếu khai mở cho chồng Kyoko một thế giới tươi đẹp bên ngoài giường bệnh và thật bất ngờ “chính Kyoko đâm ra sửng sốt với cái thế giới bao la trù phú mà chiếc gương con ấy mở ra đối với nàng. Cả hai đều trở thành những thế giới tồn tại độc lập, hơn nữa cái thế giới mới, thế giới nhìn thấy trong gương thậm chí nàng cảm thấy còn thực hơn cái thế giới thực” [15, tr.55]. Mà chiếc gương nhỏ bé ấy còn phản chiếu thế giới riêng của vợ chồng nàng, phản chiếu vẻ đẹp tâm hồn Kyoko - một phụ nữ Nhật Bản thùy mị, thương yêu chồng và có đời sống tinh thần phong phú “Kyoko biết anh đang ngắm nàng trong gương, nhưng vì mãi làm nên lắm lúc nàng quên bẵng đi “mình đã thay đổi quá nhiều kể từ độ mới cưới nhau, hồi ấy thậm chí mình còn ngượng ngập mỗi lần phô ra hai cánh tay để trần đến
tận khủy” - Kyoko hồi tưởng lại và tim nàng ấm áp hẳn lên” [15, tr.159]. Tấm gương trong Thủy nguyệt – một nhân vật vô tri vô giác lại đóng vai trò một người dẫn đường và trở thành một hình ảnh biểu tượng rực rỡ cho sự trong sáng khách quan của nhà văn. Nhờ tấm gương ta mới hiểu được nhiều khi ảo ảnh lại đẹp hơn hiện thực. Bằng trái tim đồng cảm với bệnh tật của chồng Kyoko đã rất ngạc nhiên khi khám phá ra vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên qua tấm gương và vẻ đẹp ấy không thể nhìn bằng mắt thường. Dường như Kyoko cùng hân hoan với niềm vui sướng của chồng “Chao ôi! Nàng vui sướng biết bao nhiêu khi chiếc gương con bình dị ấy đã làm sống lại trước mắt người chồng đau yếu cả một thế giới cây cối tươi non mơn mởn trong dịp đầu xuân” [15, tr.59]. Hơn nữa qua tấm gương Kyoko đã cố lưu giữ được rất nhiều hình ảnh đẹp mà cô luôn giữ trong mình kể cả lúc chồng trước của cô đã đi về thế giới bên kia “Cả hình ảnh của chính nàng mà người chồng đau yếu từng nhìn thấy trong gương, cả sắc xanh của những đóa thủy tiên, cả màu trắng mát của những bông huệ nước, cả bầy trẻ thôn quê nô đùa bên rìa ruộng, cả vầng mặt trời buổi sáng nhô lên trên những rặng núi tuyết xa xa…Hết thảy những thứ ấy, Kyoko không những cố làm sống lại trong kí ức, mà còn nhớ nhung tha thiết đến nó, một thế giới khác hẳn, mà xưa kia vốn là của riêng nàng và người chồng xấu số của nàng. Nàng cố nén tình cảm ấy trong lòng, một tình cảm mà bất cứ lúc nào cũng chực bùng lên thành một nỗi khát khao mãnh liệt” [15, tr.60]. Tấm gương đối với Kyoko như là một chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa Kyoko và người chồng đã mất. Cô luôn giữ trong lòng mình những gì đã thuộc về kỷ niệm của hai người đó là sự trân trọng quá khứ, trân trọng tình cảm thiêng liêng mà cô dành cho chồng.
Như vậy qua tấm gương người đọc có thể rút ra được nhiều triết lý về con người và cuộc sống. Đạt tới đỉnh điểm của nghệ thuật khắc họa hình ảnh biểu tượng, Kawabata đã biến tấm gương trở nên có linh hồn, có số phận như
một con người. Tấm gương đã đem lại niềm vui và những giây phút hạnh phúc cho người chồng trong những ngày còn lại của cuộc sống và nó cũng được hóa kiếp cùng chồng Kyoko, với hi vọng sẽ mang sang thế giới bên kia cho anh một cuộc sống chân thực, sinh động “Kyoko đặt nó lên ngực, bên cạnh tim chồng vì chiếc gương giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống giữa hai người” [15, 53].
Hình ảnh tấm gương còn được trở đi trở lại nhiều lần trong các truyện ngắn của Kawabata và nó được cụ thể hóa bằng các hình ảnh: ao nước trong
Cốt “ao dưới óng ánh như ao bạc, ao trên một màu xanh lướt chết chóc, cuốn xuống đáy sâu những bóng núi thầm lặng” [15, tr.109]; ánh sáng trong Miền
ánh sáng, Con châu chấu và con dế đeo chuông “chuyển ánh nhìn sang rừng
lấp lánh nơi bờ biển xa được nhuộm bởi ánh sáng mặt trời mùa thu. Miền ánh sáng kia gợi cho tôi nhớ về kỷ niệm xưa đã bị chôn vùi trong dĩ vãng” [15, tr.113]. Hay “trên ngực cô bé chẳng phải làn ánh sáng xanh lá cây nhạt đã hắt lên dòng chữ Fujio…còn cái đèn của cô bé đang đung đưa dưới cổ tay có hình trang trí không rõ ràng nhưng ta vẫn cảm thấy miếng vải phập phồng theo nhịp thở nơi thắt lưng cậu bé có hàng chữ đỏ viết tên cô Kiyoko. Sự phối hợp ngẫu hứng nhiên xanh đỏ này là tình cờ hay là một trò chơi?”. [15, tr.117]; lửa trong Người đàn bà hóa thân vào lửa, trên cái nền không gian ở thế giới vô thức “phía xa kia, nước hồ tỏa sáng. Màu sắc như chúng ta nhìn vũng nước mưa lâu ngày trên sân chùa xưa vào một đêm trăng. Hàng cây bên kia hồ cháy lên trong thung lũng. Lửa mỗi lúc một rộng ra. Như là có lửa trên núi” [15, tr.119 -120], nhân vật tôi phác họa ra một không gian kỳ thú hơn đó là việc cô gái hỏa thiêu trong lửa, hình bóng cô chỉ còn là “một chấm đen trong quầng lửa…”.
Như vậy không gian trong những tấm gương của Kawabata vừa có vẻ đẹp thực vừa mơ hồ, kỳ bí đã đưa người đọc đi đến cảm nhận được thông điệp
giản dị nhìn nhận cái đẹp không chỉ bằng đôi mắt mà phải nhìn bằng cả trái tim, bằng cả tâm hồn và cảm xúc của mình. Đây là một thông điệp cực kỳ ý nghĩa vì chỉ nhìn bằng trái tim, tâm hồn, cảm xúc thì chúng ta mới cảm nhận được cái đẹp thực sự của nó.
Tóm lại không gian huyền ảo trong truyện ngắn của Kawabata xuất hiện dường như trở thành không gian nghệ thuật chủ đạo và hơn hết tái hiện lại không gian này cũng là một nghệ thuật đặc sắc của Kawabata. Kawabata – nhà văn Nhật Bản truyền thống với cách xây dựng thế giới huyền ảo rất riêng đã làm cho những truyện ngắn của ông thêm ly kỳ, hấp dẫn và lôi cuốn người đọc.