Trên thế giới vấn đề sinh sản ở gia súc đã và đang được nghiên cứu một cách toàn diện, các nước không ngừng đầu tư cải tạo chất lượng đàn giống và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất chăn nuôi. Để cải tạo chất lượng đàn giống thì vấn đề hạn chế bệnh sinh sản là một vấn đề tất yếu cần phải giải quyết, đặc biệt là về bệnh viêm tử cung. Hàng năm các chương trình đào tạo của Quốc tế về sinh sản gia súc thường xuyên được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Nông nghiệp Uppsala (Thụy Điển). Trung tâm Khoa học Quốc tế về Nông nghiệp Cairo (Ai Cập). Trong nội dung của những khóa học đào tạo hiện nay, vấn đề phương pháp chuẩn đoán, phát hiện và điều trị các bệnh sinh sản luôn là một nội dung chính.
Ở Việt Nam những năm gần đây, ngành chăn nuôi trâu sinh sản ngày càng phát triển mạnh mẽ, cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi thì tình hình dịch bệnh cũng tăng, đặc biệt là bệnh sinh sản. Do đó một số nhà khoa học thú y như Đặng Đình Tín (1985), Nguyễn Hữu Ninh và Bạch Đăng Phong (1994), Nguyễn Thanh Dương (1968), Hoàng Kim Giao và Nguyễn Thanh Dương (1993) … đã có những nghiên cứu, tổng kết về mộ số bệnh đường sinh dục cái ở đại gia súc. Tuy nhiên, cho đến nay những tư liệu về bệnh sản khoa ở gia súc lớn rất ít, chủ yếu là những tư liệu bệnh ở bò sữa.
Theo tác giả Settergreen (1986) thì một gia súc cái được đánh giá có khả năng sinh sản tốt trước hết phải kể đến sự nguyên vẹn cũng như mọi hoạt động bình thường của cơ quan sinh dục. Anberth (1997) khi bất kì một bộ phận nào đó của cơ quan sinh dục cái bị khuyết tật hay bị bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả
năng sinh sản của gia súc. Các tác giả Bane (1986); Settergreen (1986); Đặng Đình Tín (1985); Yao (1989); Trịnh Quang Phong (1991); Bạch Đăng Phong (1995) … đã có những công trình nghiên cứu trên các khía cạnh của hiện tượng chậm sinh sản, vô sinh ở gia súc, đều khẳng định rằng: các quá trình bệnh xảy ra ở cơ quan sinh dục cái là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng rối loạn sinh sản.
Chẩn đoán phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh ở cơ quan sinh dục là việc làm cần thiết góp phần quyết định sự thành công của kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (Domigo, 1986); (Kovit Nitichai, 1986); (Manuel, 1986).