Một số bệnh thường gặp ở đường sinh dục trâu cái

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình bệnh viêm tử cung và một số biện pháp phòng trị trên đàn trâu nuôi tại các nông hộ huyện như xuân, tỉnh thanh hóa (Trang 27 - 30)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.2. Một số bệnh thường gặp ở đường sinh dục trâu cái

Trên thế giới vấn đề sinh sản ở gia súc đã và đang được nghiên cứu một cách toàn diện, các nước không ngừng đầu tư cải tạo chất lượng đàn giống và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất chăn nuôi. Để cải tạo chất lượng đàn giống thì vấn đề hạn chế bệnh sinh sản là một vấn đề tất yếu cần phải giải quyết, đặc biệt là về bệnh viêm tử cung. Hàng năm các chương trình đào tạo của Quốc tế về sinh sản gia súc thường xuyên được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Nông nghiệp Uppsala (Thụy Điển). Trung tâm Khoa học Quốc tế về Nông nghiệp Cairo (Ai Cập). Trong nội dung của những khóa học đào tạo hiện nay, vấn đề phương pháp chuẩn đoán, phát hiện và điều trị các bệnh sinh sản luôn là một nội dung chính.

Ở Việt Nam những năm gần đây, ngành chăn nuôi trâu sinh sản ngày càng phát triển mạnh mẽ, cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi thì tình hình dịch bệnh cũng tăng, đặc biệt là bệnh sinh sản. Do đó một số nhà khoa học thú y như Đặng Đình Tín (1985), Nguyễn Hữu Ninh và Bạch Đăng Phong (1994), Nguyễn Thanh Dương (1968), Hoàng Kim Giao và Nguyễn Thanh Dương (1993) … đã có những nghiên cứu, tổng kết về mộ số bệnh đường sinh dục cái ở đại gia súc. Tuy nhiên, cho đến nay những tư liệu về bệnh sản khoa ở gia súc lớn rất ít, chủ yếu là những tư liệu bệnh ở bò sữa.

Theo tác giả Settergreen (1986) thì một gia súc cái được đánh giá có khả năng sinh sản tốt trước hết phải kể đến sự nguyên vẹn cũng như mọi hoạt động bình thường của cơ quan sinh dục. Anberth (1997) khi bất kì một bộ phận nào đó của cơ quan sinh dục cái bị khuyết tật hay bị bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả

năng sinh sản của gia súc. Các tác giả Bane (1986); Settergreen (1986); Đặng Đình Tín (1985); Yao (1989); Trịnh Quang Phong (1991); Bạch Đăng Phong (1995) … đã có những công trình nghiên cứu trên các khía cạnh của hiện tượng chậm sinh sản, vô sinh ở gia súc, đều khẳng định rằng: các quá trình bệnh xảy ra ở cơ quan sinh dục cái là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng rối loạn sinh sản.

Chẩn đoán phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh ở cơ quan sinh dục là việc làm cần thiết góp phần quyết định sự thành công của kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (Domigo, 1986); (Kovit Nitichai, 1986); (Manuel, 1986).

2.2.1. Viêm âm đạo

Âm đạo là cơ quan giao cấu của cơ quan sinh dục cái, là nơi kích thích cho bò đực phóng tinh đồng thời nó là con đường đưa thai ra ngoài khi đẻ và là đường thải các chất cũng như dịch trong tử cung đi ra, do các bộ phận này tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị viêm nhiễm.

Hầu hết những trường hợp trâu bị viêm, nguyên nhân chính của bệnh là do những sai sót về kỹ thuật đỡ đẻ. Khi bò đẻ khó, phải can thiệp bằng tay hay dụng cụ không đúng kỹ thuật, không vô trùng, gây tổn thương và nhiễm trùng niêm mạc âm môn, tiền đình, âm đạo. Sử dụng các thuốc điều trị bệnh ở tử cung, âm đạo không đúng, kích thích quá mạnh làm niêm mạc âm đạo, âm môn, tiền đình bị viêm.

Bệnh có thể do bị sảy thai, thai thối rữa trong tử cung, âm đạo lộn ra ngoài hoặc do sát nhau.

Lúc đầu niêm mạc bộ phận bị viêm xung huyết nhẹ, có nhiều dịch thẩm xuất. Kiểm tra âm đạo bằng mỏ vịt, con vật không có phản xạ đau, không có triệu chứng toàn thân. Con vật rặn vặt, đi đái rắt. Nhiều dịch viêm lẫn tổ chức hoại tử màu trắng chảy ra ngoài.

Viêm âm môn, tiền đình âm đạo mãn tính, niêm mạc trở nên khô cứng, màu sắc nhợt nhạt, trên bề mặt niêm mạc có chỗ trắng, đỏ không đều. Khi kiểm tra âm đạo, con vật đau đớn. Những con viêm mãn tính thì ủ rũ, uể oải, kém ăn, lượng sữa giảm. Gia súc luôn rặn, khi rặn từ cơ quan sinh dục thải ra hỗn hợp dịch rỉ viêm gồm mủ lẫn mảnh tổ chức hoại tử màu vàng nâu, mùi tanh, dính vào gốc đuôi, hai bên mông.

Viêm màng giả trên niêm mạc được phủ một màng mỏng, tổ chức hoại tử màu trắng, nâu hoặc vàng xám. Phía dưới lớp màng có những vết loét nằm rải rác hay tập trung lại thành từng đám lớn trên niêm mạc. Con vật đau đớn rõ rệt, khi

kiểm tra âm đạo, vật luôn cong đuôi rặn, dịch dỉ viêm, máu, rất dễ dẫn tới nhiễm trùng huyết. Hậu quả thường là do tế bào của âm đạo tăng sinh, niêm mạc âm đạo sẹo hóa, nhăn nhúm, lòng âm đạo bị hẹp, ảnh hưởng đến quá trình phối giống và sinh sản lần sau.

2.2.2. Viêm cổ tử cung

Bệnh viêm cổ tử cung ở gia súc thường là hậu quả của những sai sót về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, do thao tác đỡ đẻ nhất là các trường hợp đẻ khó phải can thiệp bằng tay hay dụng cụ không đúng, làm niêm mạc cổ tử cung bị xây sát. Viêm cổ tử cung còn do kế phát từ viêm âm đạo, viêm tử cung (Shafik, 1986).

Hậu quả của viêm cổ tử cung làm cổ tử cung bị tắc, khi gia súc động dục niêm dịch không thoát ra ngoài được.

Dùng mỏ vịt đèn soi khám qua âm đạo; cổ tử cung mở đường kính 1 – 2 cm, niêm mạc xung huyết hoặc phù rõ, cá biệt có vết loét, dính mủ (Nongthombam, 1986). Có trường hợp kiểm tra qua trực tràng, cổ tử cung sưng to và cứng, do tổ chức tăng sinh (Đặng Đình Tín, 1985).

Những hậu quả của viêm cổ tử cung là khi gia súc động dục thì niêm dịch không thoát ra ngoài được có thể dẫn đến viêm tử cung.

2.2.3. Viêm tử cung

Ở cơ quan sinh dục cái, tử cung là bộ phận quan trọng của cơ quan sinh dục, nơi thai làm tổ và được đảm bảo mọi điều kiện để thai phát triển. Mọi quá trình bênh lý ở tử cung đều ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh sản.

Trong các bộ phận của cơ quan sinh dục cái các bệnh tử cung được nhiều tác giả tập trung nhiên cứu, Roberts (1980) đã khảo sát các trạng thái bất thường của tử cung bò; Dawson (1983) nghiên cứu về hệ vi khuẩn trong tử cung bò. Renderts (1982) với công trình nghiên cứu so sánh đàn bò tơ và đàn bò sữa đã nhận xét: bệnh ở tử cung làm suy giảm đáng kể khả năng sinh sản và cho sữa của bò. Tanabe (1978); Dawson (1988) cũng có những thông báo tương tự.

Black (1983) nghiên cứu chứng viêm tử cung bò; Lamming and Rowson (1983), Dowson (1983) xét nghiệm hormone và vi khuẩn trong các bệnh ở tử cung.

Dawson (1988) nghiên cứu sự liên quan giữa các trạng thái bệnh lý ở tử cung với hiện tượng vô sinh của bò. Kopecky et al. (1977) đã theo dõi các hiện tượng nhiễm trùng tử cung do bệnh lao bò gây ra.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình bệnh viêm tử cung và một số biện pháp phòng trị trên đàn trâu nuôi tại các nông hộ huyện như xuân, tỉnh thanh hóa (Trang 27 - 30)