Việc chuyển mình của Lenovo vào năm 2009 cũng xuất phát từ việc họ cổ phần hóa công ty từ một công ty nhà nước sở hữu sang tư nhân sở hữu. Cổ phần hóa sẽ giúp các công ty nhà nước gia tăng sức mạnh cũng như sức cạnh tranh đặc biệt là từ phía ban lãnh đạo, từ đó góp phần giúp các bộ phận, công ty được mua lại hòa nhập tốt hơn. Như đã phân tích ở chương hai, hiệu quả hoạt động đã tăng lên cùng với đó là thái độ của ban lãnh đạo Lenovo đã trở nên có trách nhiệm hơn. Rộng hơn, Trung Quốc cũng đã thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước từ lâu. Theo Hà My, cổ phần hóa ở Trung Quốc đã được thực hiện từ năm 1984 với sự ra đời của Công ty Cổ phần Hữu hạn Bách hóa Thiên Kiều (Bắc Kinh). Sau đó, trong Văn kiện quan trọng được ban hành tháng 12 năm 1986, Trung Quốc đã cho phép “Các địa phương có thể chọn ra một vài doanh nghiệp lớn và vừa có điều kiện, thuộc chế độ sở hữu toàn dân để thực hiện thí điểm cổ phần hóa” (Hà My, 2008). Việc cổ phần hóa đã giúp các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc nâng cao hơn sức cạnh tranh và tránh sự phụ thuộc thái quá vào nhà nước dẫn đến sự chây ỳ.
Tại Việt Nam, theo Vũ Hạnh, theo kế hoạch năm 2015, cả nước còn phải cổ phần hóa 289 doanh nghiệp (chưa kể số doanh nghiệp sẽ bổ sung theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp mới theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014). Cũng theo Vũ Hạnh, tính đến đầu tháng 4/2015, 289 doanh nghiệp đều đã thành lập Ban chỉ đạo, trong đó, 207 doanh nghiệp đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, 81 doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, 29 doanh nghiệp (3 Tổng công ty nhà nước và 26 doanh nghiệp) được phê duyệt phương án cổ phần hóa (Vũ Hạnh, 2015). Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2015 có 27 doanh nghiệp Nhà nước thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu và thoái vốn thông qua 2 Sở giao dịch Chứng khoán (bằng 28% số lượng cả năm 2014, năm 2014 là 97 doanh nghiệp) với tổng số lượng cổ phần chào bán trên 137,6 triệu cổ phần (bằng 10,4% cả năm 2014), trong đó, tổng số lượng cổ phần đã bán được là trên 60,5 triệu cổ phần (chiếm 44% tổng số lượng cổ phần chào bán), thu được gần 1.251 tỷ đồng (bằng 11% cả năm 2014). Như vậy, trong 9 tháng cuối năm 2015 còn phải thực hiện cổ phần hóa 262 doanh nghiệp, chiếm 90% tổng số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch năm 2015 (Vũ Hạnh, 2015). Tốc độ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước còn khá chậm so với kế hoạch đề ra .