Sau quá trình thử nghiệm dịch vụ hoặc hoạt động cầm chừng chờ đón cơ hội, thì hầu hết doanh nghiệp kinh doanh nói riêng và các doanh nghiệp chuyên về TMĐT nói chung đã đi vào hoạt động thực chất bắt đầu từ năm 2006, đầu năm 2007, ngay khi Luật công nghệ thông tin và Luật giao dịch TMĐT được ban hành và có hiệu lực. Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, hầu hết các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành khác nhau đều phải đối mặt với sự cạnh tranh bình đẳng từ các doanh nghiệp nước ngoài, mà TMĐT là một công cụ ít tốn kém nhất giúp cho doanh nghiệp hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh. Khi áp dụng phương tiện này doanh nghiệp sẽ có cơ hội đưa sản phẩm ra thị trường rộng lớn toàn thế giới. Việc thành công của nhiều doanh nghiệp khi đưa sản phẩm của mình lên mạng và kiếm được nhiều hợp đồng xuất khẩu, những website chuyên về hoa, quà tặng được nhiều khách hàng quan tâm và đặt hàng, những sàn giao dịch chứng khoán cả niêm yết và OTC luôn đông khách, những website bán hàng trực tuyến đơn hàng tăng lên mỗi ngày, những website rao vặt trực tuyến luôn nhộn nhịp,… trong những tháng gần đây đã cho thấy lợi ích mà TMĐT đem lại. Ngành ngân hàng đã có nhiều tiến bộ trong giao dịch, các loại thẻ và việc kết nối trong thanh toán qua thẻ đã được liên kết với nhau, ngành bưu chính viễn thông đã có nhiều dịch vụ mới phục vụ tốt cho nhu cầu buôn bán trên mạng. Hơn nữa, một số
tội phạm mạng đã bị bắt và bị đưa ra tòa cũng là một bước tiến mới góp sức cho TMĐT phát triển.
Để có sự phát triển thật nhanh và đồng bộ, tiến kịp với sự phát triển chung của thế giới, cùng với sự đổi mới tư duy của tất cả mọi người trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, chính sách, pháp luật góp phần động viên rất lớn đến quá trình phát triển của ngành TMĐT, mỗi doanh nghiệp cũng phải đổi mới mình, cập nhật thông tin, trang bị phương tiện và con người hiện đại để tiếp thu và phát triển, mỗi người dân cũng cần tiếp cận những thông tin mới nhất trong thời đại mình đang sống và nhất là cần ý thức rõ ràng TMĐT là phương tiện cực kỳ hiệu quả cho đời sống của mỗi con người.
Thị trường kinh doanh của TMĐT Việt Nam sẽ hoạt động sôi nổi hơn một khi có sự tham gia của nhiều thành phần trong đó Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ về cơ chế chính sách, hỗ trợ về nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi; các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và TMĐT vào mọi mặt của hoạt động sản xuất kinh doanh; ngân hàng và trung gian thanh toán các đóng vai trò là các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và quản lý những tài khoản “không rõ nguồn gốc” để chặn đứng các khoản tiền “bẩn”; khách hàng sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa trong việc sử dụng internet như là một trong những phương thức tham khảo, đặt hàng, mua hàng hữu hiệu và tiết kiệm chi phí nhất. Với khả năng cung cấp dịch vụ với chi phí rẻ nhất, thuận tiện nhất, sống động nhất, em tin rằng rồi đây xu hướng khách hàng sử dụng TMĐT sẽ trở nên phổ biến, góp phần thúc đẩy sự phát triển của TMĐT lên tầm cao mới.