Mặt trước hầu thông với hốc mũi, với ổ miệng, với thanh quản nên chia hầu làm 3 phần.
2.1. Tỵ hầu hay mũi hầu (nasopharynx)
- Thành trước thông với mũi bởi 2 lỗ mũi sau.
- Thành trên là vòm hầu nằm bên dưới thân xương bướm và mỏm nền của xương chẩm, dưới niêm mạc của thành này có tuyến hạnh nhân hầu, khi tuyến bị viêm ta gọi là sưng VA (vegetations adenoides).
- Thành sau là phần niêm mạc trải từ giữa phần nền xương chẩm đến cung trước đất đội (CI).
- Ở 2 thành bên có tuyến hạnh nhân vòi và giữa tuyến có lỗ vòi tai (Eustache) thông hầu với tai giữa. Tác dụng của vòi tai là giữ cho áp lực trong hòm tai cân bằng với áp lực không khí môi trường bên ngoài. Khi vòi tai bị viêm lấp thì tăng áp lực trong hòm tai dẫn đến ù tai và nghe không rõ.
- Thành dưới thông với khẩu hầu có lưỡi gà ngăn cách màn hầu. Bình thường lưỡi gà nằm rủ xuống, còn khi nuốt thì nó nằm ngang ngăn cách khẩu hầu với ty hầu, không cho thức ăn trào ngược lên mũi.
2.2. Khẩu hầu hay miệng hầu (oropharynx)
Khẩu hầu còn gọi là phần miệng hầu, nằm dưới khẩu cái mềm sau miệng và 1/3 sau lưỡi.
Phía trước qua eo họng thông với ổ miệng. Eo họng giới hạn bên trên là lưỡi gà khẩu cái và bờ tự do của khẩu cái mềm, bên ngoài là cung khẩu cái lưỡi và tuyến hạch nhân khẩu cái, bên dưới là lưng lưỡi ở vùng rãnh tận cùng.
Phía sau với các đốt sống C I,II,III.
Hình 4.56. Thiết đồ cắt đứng dọc qua hầu 1. Hạnh nhân hầu 2. Đốt sống cổ I 3. Hạnh nhân lưỡi 4. Nắp thanh quản 5. Đất sống cổ VI 6. Sụn nhân 7. Sụn giáp 8. Thanh hầu 9. Xương móng 10. Khẩu hầu 11. Lưỡi 12. Lưỡi gà 13. Lỗ vòi Eustache 14. Hố mũi 15. Xoang bướm 16. Xoang trán
Hai bên khẩu hầu có 2 tuyến hạnh nhân khẩu cái nằm kẹp giữa hai nếp niêm mạc gọi là hố hạch nhân. Phía trước là nếp cung khẩu cái lưỡi và phía sau là cung khẩu cái hầu.
Phía trên thông với ty hầu. Phía dưới thông với thanh hầu.
2.3. Thanh hầu (laryngo pharynx)
Là phần dưới cùng, rộng ở trên và hẹp ở dưới.
- Thành sau kéo dài từ đất sống CIV đến đốt sống CVI.
- Thành trước nằm ngay sau thanh quản. Giữa là nắp thanh môn, lỗ thanh quản. Bên ngoài thanh quản là ngách hình lê và sụn giáp. Ngách hình lê được giới hạn bên trong là nếp phễu nắp thanh môn, sụn phễu và sụn nhẫn, bên ngoài là màng giáp móng và sụn giáp.
- Thành bên là phần niêm mạc được nâng đỡ bởi xương móng và mặt trong cua sụn giáp.
- Trên thông với khẩu hầu. - Dưới với thực quản.
Khi thở, hầu không được nâng lên và thanh quản cũng ở thấp, nắp thanh quản mở, còn khi nuốt hầu và thanh quản được kéo lên, nắp thanh quản nằm sau đáy lưỡi bị đẩy xuống và đóng lại. Thức ăn bắt buộc qua hầu xuống thực quan.
2.4. Vòng bạch huyết của hầu (vòng bạch huyết Waldayer)
Ở dưới lớp niêm mạc hầu rải rác có rất nhiều tổ chức bạch huyết, nhưng ở một số nơi nó tập trung thành từng đám lớn gọi là tuyến hạnh nhân bạch huyết và xếp thành một vòng kín bao gồm: 1 tuyến hạnh nhân hầu -2 tuyến hạnh nhân vòi - 2 tuyến hạnh nhân khẩu cái - 1 tuyến hạnh nhân lưỡi nằm vây quanh cửa hầu gọi là vòng bạch huyết quanh hầu (vòng Waldayer). Vòng này có tác dụng như một hàng rào bảo vệ cơ thể chống sự xâm nhập của vi trùng từ bên ngoài vào, nhưng khi vòng này bị viêm, điều trị không tốt sẽ trở thành một ổ lưu trú của vi trùng, từ đó tấn công vào các bộ phận khác của cơ thể như viêm phổi, viêm tai, viêm ruột, thấp khớp v.v.. cho nên hầu cần được bảo vệ tốt.
3. CẤU TẠO CỦA HẦU
Có 4 lớp từ trong ra ngoài:
3.1. Lớp niêm mạc
Lót ở mặt trong hầu và liên tiếp với lớp niêm mạc của mũi, miệng, thanh quản, thực quản và tai giữa. Dưới niêm mạc rải rác có nhiều tổ chức bạch huyết.
3.2. Cân hầu trong (fascia pharyngo basilaris)
Cân dầy và chắc ở trên, mỏng ở dưới, đầu trên bám vào nền sọ. Phía trước bám vào các xương (cánh trong của chân bướm, xương hàm dưới, sừng lớn xương móng, bờ bên sụn giáp và sụn nhẫn) và các dây chằng nối các xương và sụn với nhau.
1.Vòi tai 2. Cơ nâng màn hầu