II. Cơ sở lý thuyết về quản trị chất lượng sản phẩm
1. Quá trình hình thành và phát triển của công ty
Tiền thân của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xuất khẩu Thủy sản Khánh Hòa (KHASPEXCO) là một Xí nghiệp Quốc doanh chuyên về khai thác, đánh bắt hải sản của tỉnh Phú Khánh. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trước tiềm năng to lớn về nguồn lợi thủy sản tỉnh nhà, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Khánh đã khôi phục lại nghề cá và thành lập “Xí nghiệp Quốc doanh đánh cá Phú Khánh” vào ngày 14/05/1977. Đây là một đơn vị kinh tế chuyên đánh bắt, khai thác thủy hải sản, trực thuộc Ty Hải sản Phú Khánh (sau này là Sở Thủy sản Khánh Hòa).
Xí nghiệp được đặt ở khu vực Bình Tân, với diện tích rộng gần 10.000m2 cộng với cơ sở vật chất ban đầu có 4 tàu vỏ gỗ có công suất 90cv do chính quyền cũ để lại. Cuối năm 1977, tỉnh quyết định nhập 3 tàu sắt với công suất 400cv của Nhật với trang thiết bị hiện đại giao cho Xí nghiệp quản lý và sử dụng để tăng nhanh sản lượng đánh bắt và chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh. Các năm 1984-1985, Xí nghiệp đã tiến hành đóng mới 6 tàu vỏ gỗ với công suất 140cv, 6 tàu gỗ có công suất 33-45cv nhằm nâng cao năng lực khai thác thông qua đội tàu vệ tinh (tàu 400cv lúc này vừa làm nhiệm vụ khai thác, vừa làm nhiệm vụ chế biến trên biển). Thời kỳ này Xí nghiệp được giao thêm nhiệm vụ: “Thu mua các loại thủy hải sản và dịch vụ vật tư hàng hóa chuyên dùng trong nghề cá”. Trong giai đoạn từ năm 1984 – 1987, đây là giai đoạn Xí nghiệp hoạt động có hiệu quả nhất nhờ sản lượng tôm khai thác và chế biến trên biển, xuất khẩu đạt giá trị cao.
Tháng 7/1989, tỉnh Phú Khánh được chia tách thành hai tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa, Xí nghiệp Quốc doanh đánh cá Phú Khánh cũng được được tách làm hai: một nửa tài sản và cán bộ công nhân viên về Phú Yên; một nửa còn lại ở Khánh Hòa và được đổi tên là: Xí nghiệp Khai thác và Dịch vụ Thủy sản Khánh Hòa theo Quyết định số 108-QĐ/UB, ngày 01/07/1989 của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Tài sản sau khi tách tỉnh của Xí nghiệp còn lại là 2 tàu vỏ sắt có công suất 400cv, 3 tàu vỏ gỗ có công suất 140v và 3 tàu vỏ gỗ có công suất 45cv với tổng số lao động là 150 người. Do sản lượng khai thác tôm giảm đáng kể, đội tàu gỗ bị hư hỏng nặng, sản xuất kinh doanh không có hiệu quả, Xí nghiệp đã xin phép UBND tỉnh bán thanh lý toàn bộ số tàu gỗ nói trên.
Theo nghị định 388/HĐBT, ngày 20/11/1991 và nghị định 156 /HĐBT, ngày 07/05/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính Phủ) về việc thành lập các doanh nghiệp nhà nước và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc tỉnh, Xí nghiệp Khai thác và Dịch vụ thủy sản Khánh Hòa được UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh Khánh Hòa theo Quyết định số 153-QĐ/UB, ngày 03/01/1993 của Chủ tịch UBND Tỉnh.
Như vậy, Xí nghiệp Khai thác và Dịch vụ thủy sản Khánh Hòa là một doanh nghiệp nhà nước hạch toán độc lập, có con dấu riêng, có tài sản riêng; có tư cách pháp nhân về toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh và chịu trách nhiệm về các hoạt động đó bằng toàn bộ tài sản do doanh nghiệp quản lý.
Tại thời điểm thành lập lại, Xí nghiệp có vốn điều lệ là 1.741 triệu đồng; trong đó: Vốn cố định: 1.593 triệu đồng; Vốn lưu động: 148 triệu đồng.
Để hoạt động có hiệu quả hơn trong cơ chế thị trường ngoài việc sửa chữa, nâng cấp hai tàu vỏ sắt 400cv, chuyển đổi ngành nghề từ khai thác tôm sang khai thác cá, Xí nghiệp còn mở rộng sang lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu bằng việc xây dựng xưởng chế biến đông lạnh có công suất 4 tấn cấp đông/ngày, xây dựng hai kho lạnh với sức chứa 150 tấn sản phẩm. Xí nghiệp đã tiến hành đăng ký kinh doanh xuất khẩu và đã được Bộ Thương mại chấp nhận cấp giấy phép số 305N – 1038/TM ngày 01/06/1993.
Từ một xí nghiệp khai thác thủy hải sản, hoạt động thua lỗ triền miên, nhờ mở rộng ngành nghề kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề, bắt đầu từ năm 1993 xí nghiệp đã từng bước khôi phục và hoạt động có lãi tiến tới đầu tư mới, nâng cấp cơ sở vật chất tài sản sản xuất chế biến thủy sản xuất khẩu. Năm 1997, thực hiện chủ trương “đánh bắt xa bờ” của Chính phủ, Xí nghiệp đã đóng mới và đưa vào sử dụng hai tàu vỏ gỗ với công suất 300cv/chiếc, đồng thời mua lại xưởng nước mắm 50 Võ Thị Sáu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, từng bước khẳng định được vị trí cạnh tranh của Xí nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, sau nhiều năm sản xuất kinh doanh của
Đội tàu đánh bắt xa bờ của Xí nghiệp làm ăn không hiệu quả, thua lỗ bình quân một năm từ 300 đến 400 trăm triệu đồng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh chung của Xí nghiệp, Xí nghiệp đã làm tờ trình xin UBND tỉnh Khánh Hòa bán thanh lý đội tàu khai thác xa bờ kể từ tháng 10/2004. Như vậy, sau khi bán thanh lý đội tàu khai thác xa bờ, nhiệm vụ chính của xí nghiệp hiện nay chủ yếu là chế biến thủy sản xuất khẩu và dịch vụ.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa IX) về chuyển đổi và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước sang Công ty cổ phần, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, năm 2005 Xí nghiệp tiến hành cổ phần hóa. Nhưng do tranh chấp nhà đất giữa Xí nghiệp và Dòng thánh Giuse tại số 10 Võ Thị Sáu, Nha Trang từ lâu chưa giải quyết dứt điểm, nên việc cổ phần hóa Xí nghiệp tạm thời chưa thực hiện được.
Do không chuyển đổi được sang Công ty cổ phần, tháng 6/2010, Xí nghiệp được chuyển sang Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xuất khẩu Thủy sản Khánh Hòa theo Quyết định số 1614/QĐ-UBND ngày 23/06/2010 của UBND tỉnh Khánh Hòa do Nhà nước sở hữu 100% vốn Điều lệ.
Tên Việt Nam: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xuất khẩu
Thủy sản Khánh Hòa.
Tên giao dịch: KHANH HOA SEAPRODUCT EXPLOITATION AND SERVICEENTERPRIS.
Tên viết tắt: KHASPEXCO.
Trụ sở chính: Số 10 – Võ Thị Sáu – Nha Trang – Khánh Hòa. Điện thoại: 058-881162-881575-882767.
Fax: 84(058)-881575;
E-mail: khaspexco@dng.vnn.vn.
2.Chức năng, nhiệm vụ của công ty.
2.1. Chức năng.
a. Khai thác, thu mua thủy, hải sản các loại; Chế biến các sản phẩm thủy, hải sản đông lạnh các loại và các sản phẩm thủy, hải sản khô các loại;
b. Sản xuất nước đá phục vục chế biến; Xuất khẩu hàng thủy, hải sản, nông sản các loại; Nhập khẩu nguyên liệu thủy, hải sản, nông sản cho chế biến và thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất;
c. Nuôi trồng thủy sản các loại.
2.2. Nhiệm vụ.
- Là một doanh nghiệp Nhà nước, Công ty có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, sử dụng vốn một cách có hiệu quả.
- Chịu trách nhiệm về hoạt động tài chính của đơn vị như: quản lý vốn, quản lý tài sản, các quỹ… phải có trách nhiệm cung cấp những thông tin cần thiết khi được yêu cầu.
- Thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và các khoản nộp ngân sách Nhà nước theo qui định của pháp luật.
- Chủ động xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh ngắn hạn và dài hạn, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tích lũy để tái đầu tư mở rộng và nâng cao công nghệ chế biến thủy sản, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu; nâng cao năng lực chế biến thủy sản có giá trị kinh tế cao nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.
- Đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động theo luật định; tích cực cải thiện điều kiện làm việc, thực hiện tốt công tác an toàn- vệ sinh lao động; tạo điều kiện để người lao động nâng cao trình độ, tay nghề, nâng cao trình độ quản lý. Không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến và đổi mới qui trình công nghệ, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới hiện đại vào sản xuất kinh doanh.
2.3. Vốn điều lệ của Công ty.
Tại thời điểm chuyển đổi, vốn điều lệ của Công ty 9.131.000.000 đồng (Chín
tỷ một trăm ba mươi mốt triệu đồng).