Các ngân hàng có uy tín, thương hiệu lớn và hoạt động lâu năm sẽ càng tạo niềm tin cho khách hàng, từ đó thúc đẩy việc tạo lập quan hệ giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng. Theo Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang (2002), thương hiệu có độ nhận biết thương hiệu càng cao thì càng có nhiều khách hành lựa chọn
cũng như khi một người tiêu dùng quyết định mua ở một thương hiệu nào đó thì họ phải nhận biết được thương hiệu đó. Ngoài ra, yếu tố thương hiệu ngân hàng đã có tác động tích cực đến quyết định lựa chọn ngân hàng trong các nghiên cứu nước ngoài như Anderson, Cox & Fulcher (1976), Almossawi (2001), Siddique (2012). Đặc biệt, yếu tố này lại được đánh giá ảnh hưởng trong hầu hết các nghiên cứu ở trong nước về quyết định vay vốn cũng như là lựa chọn ngân hàng. Có thể thấy đối với nền văn hóa cũng như phong tục, thói quen lâu đời của Việt Nam thì thương hiệu ngân hàng được khách hàng quan tâm sâu sắc hơn cả. Do đó, tác giả đưa ra giả thuyết sau:
H1: Thương hiệu ngân hàng có tác động cùng chiều đến quyết định lựa chọn ngân hàng để vay vốn của khách hàng cá nhân tại các ngân hàng thương mại TP. HCM.
Ảnh hưởng của người thân gồm các nhân tố bị tác động bởi các yếu tố từ bên thứ ba như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của khách hàng. Họ sẽ có xu hướng nghe những lời khuyên hay nhận xét về ngân hàng từ những trải nghiệm và cảm nhận của bên thứ ba, để từ đó suy xét và đưa ra quyết định sẽ vay vốn ở ngân hàng nào. Kết quả nghiên cứu của Mokhlis (2008), Hà Nam Khánh Giao và Hà Minh Đạt (2014) đã chỉ ra rằng ảnh hưởng người thân quen có ảnh hưởng tích cực đến quyết định lựa chọn ngân hàng của khách hàng. Do đó, giả thuyết sau được đề xuất:
H2: Ảnh hưởng của người thân có tác động cùng chiều đến quyết định lựa chọn ngân hàng để vay vốn của khách hàng cá nhân tại các ngân hàng thương mại TP. HCM.
Để thỏa mãn khách hàng thì ngoài những yếu tố khác thì sự thuận tiện cũng đóng góp một phần không nhỏ vào quyết định của họ. Điều này được thể hiện thông qua vị trí địa lí và phát triển công nghệ hiện đại giúp quá trình giao dịch được nhanh chóng hơn, linh hoạt hơn và cung cấp được dịch vụ 24/24. Các nghiên cứu của Anderson, Cox và Fulcher (1976), Almossawi (2001), Rehman và Ahmed (2008),... đều cho rằng sự thuận tiện là yếu tố ảnh hưởng tích cực đến quyết định lựa chọn ngân hàng của khách hàng. Do đó, giả thuyết sau được đề xuất:
H3: Sự tiện lợi có tác động cùng chiều đến quyết định lựa chọn ngân hàng để vay vốn của khách hàng cá nhân tại các ngân hàng thương mại TP. HCM.
Việc khách hàng cảm thấy nhân viên có thái độ phục vụ tốt, phục vụ kịp thời cũng như là có đủ kiến thức để tư vấn và giải đáp thấu đáo mọi thắc mắc của khách hàng hay sẵn sàng giúp đỡ khách hàng khi được yêu cầu thì khách hàng sẽ quyết định chọn lựa chọn ngân hàng này, bởi vì nhân viên chính là người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng trong suốt thời gian khoản vay được thực hiện cho đến khi kết thúc hợp đồng vay. Zineldin (1996) và Almossawi (2001) cũng chỉ ra rằng nhân viên ngân hàng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tích cực đến quyết định lựa chọn ngân hàng của khách hàng. Do đó, giả thuyết sau được đề xuất:
H4: Nhân viên phục vụ có tác động cùng chiều đến quyết định lựa chọn ngân hàng để vay vốn của khách hàng cá nhân tại các ngân hàng thương mại TP. HCM.
Để quyết định vay vốn khách hàng thường yêu cầu ngân hàng có thủ tục đơn giải, nhanh gọn, điều kiện cho vay dễ dàng hay khách hàng yêu cầu thông tin liên quan đến khoản vay rõ ràng và có thể tiếp cận một cách dễ dàng tại ngân hàng. Frangos và cộng sự (2012), Nguyễn Hồng Hà và Liên Tố Trinh (2019), Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Minh Tuấn (2020) đều cho rằng chính sách cho vay có tác động tích cực đến quyết định lựa chọn ngân hàng vay vốn của khách hàng. Do đó, giả thuyết sau được đề xuất:
H5: Chính sách cho vay có tác động cùng chiều đến quyết định lựa chọn ngân hàng để vay vốn của khách hàng cá nhân tại các ngân hàng thương mại TP. HCM.
Nếu khách hàng có thái độ tốt và thích thú đối với chương trình chiêu thị của một sản phẩm, thương hiệu thì khi có nhu cầu, khách hàng lựa chọn đối với sản phẩm, thương hiệu đó là rất cao. Kết quảnghiên cứu của Mokhlis (2008), Phạm Thị Tâm và Phạm Ngọc Thúy (2010) đã chỉ ra rằng chiêu thị có ảnh hưởng tích cực đến quyết định lựa chọn ngân hàng của khách hàng. Do đó, tác giả đưa ra giả thuyết sau:
H6: Hoạt động chiêu thị có tác động cùng chiều đến quyết định lựa chọn ngân hàng để vay vốn của khách hàng cá nhân tại các ngân hàng thương mại TP. HCM.
Giá cả cho vay hợp lý của một ngân hàng có thể được xem là lợi ích tài chính mà khách hàng nhận được khi đi vay vốn tại ngân hàng đó thông qua lãi suất và phí dịch vụ mà khách hàng phải trả tại ngân hàng này thấp hơn so với ngân hàng khác. Đây được xem là yếu tố tác động đến việc lựa chọn ngân hàng để vay vốn của KHCN tại các NHTM ở TP. HCM. Kết quả nghiên cứu của Mokhlis (2008), Siddique (2012) đã chỉ ra rằng lợi ích về giá cả có ảnh hưởng tích cực đến quyết định lựa chọn ngân hàng của khách hàng. Từ đó, giả thuyết sau được đề xuất:
H7: Giá cả có tác động cùng chiều đến quyết định lựa chọn ngân hàng để vay vốn của khách hàng cá nhân tại các ngân hàng thương mại TP. HCM.