Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến TTTD của các NHTM Việt Nam. Đầu tiên, tác giả sử dụng thống kê mô tả để mô tả đặc tính cơ bản của bộ dữ liệu thu thập nhằm có cái nhìn tổng quát về mẫu nghiên cứu. Thống kê các biến giải thích và biến phụ thuộc của các NHTM Việt Nam trong giai đoạn năm 2010 đến 2019 qua đó thấy được giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, giá trị lớn nhất và giá trị nhỏ nhất của từng biến trong mô hình cũng như kích thước mẫu. Đối với các mô hình sử dụng dữ liệu bảng thì trong các nghiên cứu trước thường ước lượng theo phương pháp OLS, FEM, REM, sau đó sẽ dùng kiểm định F Test, kiểm định Breusch-Pagan và kiểm định Hausman để lựa chọn ra mô hình phù hợp. Kế tiếp, dùng các kiểm định các khuyết tật của mô hình như kiểm định Wald để kiểm định hiện tượng phương sai sai số thay đổi và kiểm định Wooldridge để kiểm định hiện tượng tự tương quan. Cuối cùng, nếu
mô hình có phát sinh các khuyết tật như hiện tượng phương sai sai số thay đổi và hiện tượng tự tương quan thì phải sử dụng phương pháp ước lượng tổng quát bình phương tối thiểu - FGLS để khắc phục các khuyết tật của mô hình nghiên cứu.
Tuy nhiên, trong số biến giải thích của mô hình có biến trễ của biến phụ thuộc. Biến trễ làm xuất hiện hiện tượng nội sinh gây ảnh hưởng đến tính vững của mô hình nghiên cứu và đó là một mô hình dữ liệu bảng động. Vì vậy tác giả sử dụng phương pháp ước lượng momen tổng quát - GMM cho bài nghiên cứu.