Samuelson và Nordhaus (1948) cho rằng lý thuyết chu kỳ kinh doanh là một sự dao động của tổng sản lượng quốc dân, của thu nhập và việc làm, thường kéo dài trong một giai đoạn từ 2 năm đến 10 năm, được đánh dấu bằng một sự mở rộng hay thu hẹp trên quy mô lớn trong hầu hết các khu vực của nền kinh tế. Chu kì kinh doanh là sự biến động thực tế của GDP theo trình tự ba pha lần lượt là suy thoái, phục hồi và hưng thịnh (bùng nổ). Cũng có quan điểm coi pha phục hồi là thứ yếu nên chu kỳ kinh doanh chỉ gồm hai pha chính là suy thoái và hưng thịnh. Trong đó, suy thoái là giai đoạn GDP thực tế giảm đi. Tại nước Mỹ và nước Nhật Bản, người ta quy định rằng khi tốc độ tăng trưởng GDP thực tế mang giá trị âm suốt hai quý liên tiếp thì mới gọi là suy thoái. Còn phục hồi là pha trong đó GDP thực tế tăng trở lại bằng mức ngay trước suy thoái. Điểm ngoặt giữa hai pha này là đáy của chu kỳ kinh tế. Khi GDP thực tế tiếp tục tăng và bắt đầu lớn hơn mức ngay trước lúc suy thoái, nên kinh tế đang ở pha hưng thịnh. Kết thúc pha hưng thịnh lại bắt đầu pha suy thoái mới. Điểm ngoặt từ pha hưng thịnh sang pha suy thoái mới gọi là đỉnh của chu kỳ kinh tế.
Hiện nay, các ngân hàng thường theo đuổi một chính sách tín dụng mở rộng trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng và một chính sách thu hẹp tín dụng trong giai đoạn kinh tế suy thoái. Ở giai đoạn kinh tế tăng trưởng, GDP tăng cao đồng nghĩa với thu nhập của cá nhân và hộ gia đình được cải thiện, họ sẽ có xu hướng chi tiêu đầu tư nhiều hơn, qua đó nhu cầu về tín dụng cũng sẽ tăng cao. Song song đó, khả năng thanh toán nợ vay cũng được tăng lên, tỷ lệ nợ xấu bị giảm xuống, từ đó các NHTM có thể tập trung vào việc TTTD.