Tín dụng chính là sự vay mượn dưới hình thức tiền tệ dựa trên uy tín của người đi vay, bên đi vay có nghĩa vụ hoàn trả khoản nợ đã vay theo thời hạn thỏa thuận và kèm với lãi suất.
Theo khoản 02, điều 04, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, thì hoạt động cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.
Theo Nguyễn Văn Tiến (2013) thì tín dụng ngân hàng là việc ngân hàng chấp nhận để khách hàng sử dụng một lượng tài sản bằng tiền, tài sản thực hay uy tín trên cơ sở tin tưởng khách hàng có khả năng hoàn trả cả gốc và lãi khi đáo hạn.
Trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng ngân hàng là quan hệ tín dụng giữa ngân hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD), với các nhà doanh nghiệp và cá nhân (bên đi vay), trong đó các TCTD chuyển giao tài sản cho bên đi vay sử dụng trong một thời gian nhất định theo thoả thuận, và bên đi vay có trách nhiệm hoàn trả vô điều kiện cả vốn gốc và lãi cho TCTD khi đến hạn thanh toán. Tín dụng ngân hàng là một trong những nghiệp vụ rất quan trọng, thể hiện một mối quan hệ hình thành giữa các ngân hàng với nhau, giữa ngân hàng với các tổ chức tín dụng khác hoặc với các đối tác kinh tế-tài chính của toàn xã hội bao gồm doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước.
Trong bài nghiên cứu này tác giả tập trung phân tích đo lường chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các NHTM. Với tín dụng là một trong những hoạt động chính và là hoạt động mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho các NHTM. Tuy nhiên, khi thực hiện nghiệp vụ cho vay thì ngân hàng thương mại phải đối mặt với một trong số những rủi ro gây tác động đến sự tăng trưởng tín dụng của ngân hàng nói riêng và toàn bộ hệ thống ngân hàng nói chung.
Nghiên cứu của Lane (2014) cho rằng: “Tăng trưởng tín dụng như là một sự gia tăng giá trị dư nợ cho vay trong khu vụ tư nhân bao gồm cả đối tượng là các cá nhân và các tổ chức. Một khi quy mô tín dụng gia tăng, khách hàng có thể vay mượn được nhiều hơn để sử dụng cho các mục đích chi tiêu, đầu tư và kinh doanh”.
Lê Văn Chi (2008) cho rằng dư nợ tín dụng hầu hết tại các NHTM đều chiếm tới hơn 50% tổng tài sản của các ngân hàng; đồng thời lợi nhuận từ các hoạt động cho vay thường chiếm khoảng từ 1/2 đến 2/3 tổng thu nhập của ngân hàng. Do đó, việc tăng trưởng của hoạt động cho vay (hay còn gọi là tăng trưởng của hoạt động tín dụng) sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động của NHTM.
Theo Nguyễn Văn Tiến (2013) thì TTTD là việc các NHTM sử dụng các chính sách nhằm tăng nguồn vốn huy động, đáp ứng cho việc cấp tín dụng, chiết khấu, đầu tư vào những đối tượng là các tổ chức kinh tế, cá nhân,... có nhu cầu vay vốn, từng bước nâng cao lợi nhuận, thị phần và thương hiệu thị trường.
Richard Duncan (2011) cho rằng điều quan trọng nhất để hiểu về nền kinh tế trong thời đại trọng tiền ngày nay là tăng trưởng tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Võ Thị Quý và Bùi Ngọc Toản (2014) cho rằng tăng trưởng tín dụng là sự gia tăng giá trị của khoản cho vay qua các năm.
Ta có thể thấy rằng việc TTTD có ý nghĩa rất lớn đối với các hoạt động của NHTM. TTTD là việc các NHTM sử dụng các chính sách, nguồn lực của mình nhằm gia tăng nguồn vốn huy động, mở rộng các hoạt động cấp tín dụng của mình đến những chủ thể cần vốn trong nền kinh tế, như là các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân,. Tuy nhiên, việc TTTD cần phải tuân theo các tiêu chuẩn quy định, mục đích sử dụng vốn của NHNN nhằm giảm thiểu, hạn chế rủi ro mất vốn. Như vậy, để mang đến hiệu quả hoạt động tín dụng cao thì TTTD cần phải có chất lượng cao. Từ đó, việc mở rộng TTTD của các NHTM sẽ từng bước gia tăng thêm lợi nhuận, nâng cao thương hiệu, đảm bảo sự phát triển bền vững và thị phần trên thị trường của các NHTM.