Athanasoglou và cộng sự (2006) đã sử dụng bộ dữ liệu bảng không cân bằng của các tổ chức tín dụng Đông Âu giai đoạn 1998 -2002 cho rằng yếu tố rủi ro thanh khoản có ảnh hưởng cùng chiều nhưng không ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận ngân hàng, rủi ro tín dụng (LLP) và chi phí hoạt động (OEA) có ảnh hưởng tiêu cực và ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận ngân hàng cho thấy các ngân hàng nên tập trung nhiều hơn vào quản lý rủi ro tín dụng và quản lý chi phí hoạt động hiệu quả hơn. ROA và ROE có ảnh hưởng cùng chiều. Hơn nữa, kiểm định mô hình còn cho thấy biến tính tập trung CR3 có ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận ngân hàng khi lợi nhuận được đo bằng ROA. Về các yếu tố vĩ mô thì kết quả cho thấy lạm phát tích cực ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận với lạm phát thu nhập tăng
nhiều hơn so với chi phí ngân hàng trong khi đó GDP bình quân đầu người dường như không thể hiện bất kỳ ảnh hưởng đáng kể nào đến lợi nhuận của ngân hàng.
Tamirisa và Igan (2007) nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến TTTD của các NHTM tại một số quốc gia có nền kinh tế mới nổi ở châu Âu cho thấy vấn đề rủi ro và các vấn đề an toàn trong việc tăng trưởng mở rộng tín dụng một cách nhanh chóng ở khu vực miền Trung và Đông Âu. Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố ảnh hưởng đến TTTD của ngân hàng bao gồm: Tốc độ tăng trưởng nền kinh tế qua GDP, hình thức sở hữu quy mô ngân hàng, khả năng thanh khoản của ngân hàng, chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi và tỷ lệ chi phí trên thu nhập.
Riadi (2008) nghiên cứu TTTD của 26 ngân hàng ở Indonesia cho thấy các yếu tố như quỹ thứ ba (TPF), tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR), tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) có tác động tích cực đến hoạt động cho vay. Kết quả cũng cho thấy biến Quỹ bên thứ ba (TPF) có chi phối đáng kể đến hoạt động cho vay của các ngân hàng phát triển khu vực Indonesia.
Aydin, B. (2008) nghiên cứu một số các nhân tố nội tại ngân hàng và vĩ mô nền kinh tế ảnh hưởng tới tốc độ TTTD của các NHTM tại các nước Trung Âu, Đông Âu trong giai đoạn từ năm 1988 - 2005. Đã sử dụng dữ liệu của 72 ngân hàng lớn nhất tại 10 nước Trung Âu và Đông Âu (bao gồm Áo, Đức, Pháp, Bỉ, Ý, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Hy Lạp và Hà Lan). Nghiên cứu cho thấy rằng đối với các nhân tố nội tại ngân hàng, tính chất sở hữu có tác động đáng kể đến hệ thống NHTM trong mẫu dữ liệu. Nghiên cứu cũng chỉ ra quy mô ngân hàng có tác động củng chiều với TTTD của các ngân hàng. Ngoài ra, trong kết quả hồi quy, tác giả nhận thấy tỷ lệ tiền gửi và các khoản nợ liên ngân hàng gia tăng cũng sẽ kéo theo sẽ gia tăng trong TTTD của các ngân hàng. Đối với các nhân tố vĩ mô của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng kinh tế cũng đều có tác động cùng chiều đến TTTD của các ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất nội địa và mức độ chênh lệch lãi suất sẽ có mối quan hệ ngược chiều với TTTD.
Foos, D. và các cộng sự (2009) thực hiện nghiên cứu về mối quan hệ giữa rủi ro tín dụng ngân hàng và TTTD tại 16 quốc gia lớn. Với mẫu dữ liệu của 1600 NHTM lớn trong giai đoạn từ năm 1997 - 2007, các tác giả đã thực hiện kiểm định lần lượt 03 giả thuyết về mối quan hệ giữa TTTD với tài sản rủi ro, khả năng sinh lợi và tính thanh khoản của các ngân hàng. Các tác giả đã phát hiện thấy có mối quan hệ cùng chiều giữa TTTD và khả năng thất thoát trong khoản cho vay ở các NHTM. Tuy nhiên, TTTD ngân hàng sẽ có mối quan hệ ngược chiều với tỷ suất sinh lợi và tỷ lệ cấu trúc vốn ngân hàng. Từ đó, các tác giả đưa ra kết luận rằng TTTD và rủi ro ngân hàng sẽ có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Guo Kai và Stepanyan Vahram (2011) nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới tốc độ TTTD của các NHTM tại 38 nước có nền kinh tế mới nổi trong thập kỷ vừa qua. Nghiên cứu nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng tiền gửi và tốc độ gia tăng nợ của ngân hàng có tác động cùng chiều có ý nghĩa tới TTTD.
Ferreira (2012) đã sử dụng bộ dữ liệu gồm các ngân hàng của tất cả 27 quốc gia EU giai đoạn từ 1996 đến 2008 từ CD IBCA-BankScodpe 2008 và các dữ liệu vĩ mô từ cơ sở dữ liệu thống kê Eurostat để phân tích hiệu quả ngân hàng, tập trung thị trường và tăng trưởng kinh tế ở liên minh Châu Âu. Tác giả đã sử dụng biến tỷ lệ tập trung của ba ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất (C3) và chỉ số Herfindahl-Hirschman (HHI) để phân tích tăng trưởng kinh tế. Kết quả nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của sự tập trung thị trường ngân hàng đến tăng trưởng là rõ rệt.
Hussain và Junaid (2012) nghiên cứu TTTD của ngân hàng thương mại tại Pakistan với dữ liệu của 26 ngân hàng giai đoạn từ 2001 đến 2010 cho thấy các yếu tố tăng trưởng kinh tế vĩ mô gồm: tăng trưởng GDP, TTTD trong quá khứ, tỷ suất sinh lợi ROE, vốn tự có ngân hàng, hình thức sở hữu ngân hàng, thanh khoản có tương quan cùng chiều với TTTD, ngược lại lạm phát có quan hệ ngược chiều với TTTD.
Sharma và Gounder (2012) ước lượng các nhân tố ảnh hưởng đến TTTD cho khu vực tư nhân ở 6 nước thuộc khu vực Nam Thái Bình Dương gồm Fiji, Tonga, Australia,
New Zealand, Malaysia, Thailand giai đoạn 1982-2009 bằng phương pháp ước lượng Moment tổng quát (GMM). Trên cơ sở các bằng chứng thu được từ mô hình nghiên cứu các tác giả kết luận rằng lãi suất cho vay bình quân và tỷ lệ lạm phát có mối tương quan nghịch với TTTD ngân hàng. Ngược lại, tốc độ tăng trưởng tiền gửi và tổng tài sản có tương quan thuận với TTTD khu vực tư nhân. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho rằng tăng trưởng kinh tế càng tốt dẫn đến tốc độ TTTD càng cao.
Pouw và Kakes (2013) đã xem xét tác động của các nhân tố vĩ mô nền kinh để đến hoạt động của 28 ngân hàng quốc gia trong giai đoạn từ năm 1980 - 2009. Sử dụng một số nhân tố vĩ mô chính trong các nền kinh tế như tăng trưởng GDP, tỷ lệ thất nghiệp, lãi suất liên ngân hàng và tỷ lệ lạm phát hàng năm, bằng các phương pháp phân tích dữ liệu bảng truyền thống (Pooled OLS, FEM, REM), các tác giả đã nhận thấy rằng tăng trưởng GDP có tác động cùng chiều đến hoạt động của các ngân hàng. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp, lãi suất liên ngân hàng và tỷ lệ lạm phát đều có tác động ngược chiều tới hoạt động của các ngân hàng.
Chen và Wu (2014) đã nghiên cứu TTTD tại thị trường mới nổi trước trong và sau giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009. Hai tác giả cho rằng chính sách tiền tệ mở rộng, quỹ đầu tư cá nhân, tỷ lệ VCSH trên vốn vay, tỷ suất sinh lời bình quân, thanh khoản, tiền gửi cá nhân tác động cùng chiều TTTD của các ngân hàng.
Shingjergji và Hyseni (2015) đã chỉ ra lãi suất cho vay bình quân có tác dụng tiêu cực đến sự gia tăng tín dụng. Có thể thấy, chi phí vay gia tăng sẽ làm cho các chủ thể kinh tế hạn chế việc đi vay và qua đó làm giảm tín dụng ngân hàng.
Laivi Laidroo (2015) nghiên cứu có hay không sự tương quan giữa hình thức sở hữu ngân hàng và tín dụng ngân hàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy các ngân hàng được nghiên cứu với những hình thức sở hữu khác nhau không có sự khác biệt đáng kể trong tỷ lệ tăng trưởng tín dụng. Ngoại ra, tỷ lệ thanh khoản có tác động cùng chiều đến tăng trưởng tín
dụng còn quy mô, rủi ro tín dụng và nguồn tài trợ từ bên ngoài ngân hàng có tác động ngược chiều.