2.3.1.1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) là chỉ tiêu đại diện cho nền kinh tế, nó ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng của các NHTM. Khi GDP tăng cao, đồng nghĩa với việc nền kinh tế phát triển mạnh, thu nhập của các nhân và hộ gia đình được cải thiện, họ sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, qua đó nhu cầu về tín dụng cũng sẽ tăng cao. Vì thế TTTD của các NHTM cũng sẽ tăng cao. Ngược lại, khi GDP tăng trưởng thấp đồng nghĩa với việc nền kinh tế rơi vào suy thoái, hoạt động kinh doanh khó khăn khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp rơi vào tình trạng đình trệ, phá sản dẫn tới nợ xấu ngân hàng tăng cao và làm ảnh hưởng xấu đến tốc độ tăng trưởng tín dụng.
2.3.1.2. Tỷ lệ lạm phát hàng năm
Tỷ lệ lạm phát hàng năm (INF) là tốc độ tăng mặt bằng giá hàng năm của nền kinh tế. Tỷ lệ lạm phát đo lường mức thay đổi của mặt bằng giá cả của hàng hóa trong một nền kinh tế. Nó cho thấy mức độ lạm phát của nền kinh tế. Thông thường, người ta tính tỷ lệ lạm phát dựa vào chỉ số giá tiêu dùng CPI hoặc chỉ số giảm phát. Tỷ lệ lạm phát có thể được tính cho một tháng, một quý, nửa năm hay một năm (Theo trang wikipedia.org).
Ngô Thị Mai Trinh (2019) cho thấy lạm phát hàng năm của nền kinh tế ảnh hưởng đến hành vi của các chủ thể cung - cầu tín dụng, từ đó tác động đến độ lớn và tốc độ TTTD ngân hàng. Lạm phát gia tăng làm giảm thu nhập thực tế của các cá nhân, hộ gia đình và
doanh nghiệp. Từ đó tác động tiêu cực đến việc huy động vốn để cho vay, tăng nguy cơ rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng ảnh hưởng đến tình hình TTTD của các NHTM.
Phan Quỳnh Linh (2017) cho thấy lạm phát gia tăng cũng sẽ tác động đến các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa sẽ trở nên thận trọng hơn, đồng thời các chính sách tiền tệ sẽ thắt chăt và điều này dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực trong nền kinh tế, kéo theo việc làm suy giảm tăng trưởng kinh tế. Khi tăng trưởng kinh tế suy giảm cũng sẽ làm cho các NHTM giảm thắt chặt các hoạt động tín dụng của mình.
Việc lạm phát tăng cao dẫn đến các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động tiền gửi để lãi suất trở nên hấp dẫn hơn nhằm thu hút tiền mặt từ người dân. Với việc lãi suất huy động tăng dẫn đến lãi suất cho vay cũng bị kéo tăng theo khiến cho các chủ thể vay vốn trong nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp khó có thể tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, điều này làm việc tăng trưởng tín dụng của các NHTM bị hạn chế và ngược lại.