Các ngân hàng cần đẩy mạnh việc triển khai các phương án kinh doanh và nâng cao năng lực tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, giữ vững vai trò chủ lực trên thị trường tiền tệ; cung ứng sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, hoạt động kinh doanh tăng trưởng, an toàn, hiệu quả, bền vững.
Cần sớm triển khai hoạt động kinh doanh theo hướng lấy hiệu quả làm mục tiêu trọng tâm, phấn đấu tăng tỷ lệ thu lãi nội bảng, thu nợ đã xử lý rủi ro, giảm chi phí trích dự phòng rủi ro và các chi phí khác; Nâng cao khả năng tài chính và tăng lợi nhuận cho NHTM, đảm bảo ổn định và cải thiện thu nhập, đời sống cho người lao động.
Bên cạnh việc duy trì các sản phẩm dịch vụ truyền thống, cần đẩy mạnh khai thác phát triển những sản phẩm mới như: Sản phẩm phái sinh, thu hút nguồn kiều hối trên cơ sở phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động, các công ty dịch vụ kiều hối, các ngân hàng đại lý nước ngoài...
Các ngân hàng chủ động phối hợp với khách hàng vay để cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ và xem xét giảm lãi suất một cách hợp lý cho khách hàng có khó khăn tài chính tạm thời, có chiều hướng cải thiện sản xuất kinh doanh tích cực, được đánh giá có khả năng trả nợ theo thời gian cơ cấu lại nợ.
Củng cố hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của các ngân hàng đáp ứng các điều kiện về xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của
NHNN, tiếp cận từng bước với việc đo lường và tính toán rủi ro theo Hiệp ước Basel II... Ngoài ra, các ngân hàng nên sử dụng kết quả chấm điểm là một trong những tiêu chí hàng đầu để thẩm định, đánh giá khách hàng và là căn cứ để phân cấp thẩm quyền phán quyết tín dụng và xác định mức cấp tín dụng đối với khách hàng.
Tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát ngân hàng để bảo đảm các tổ chức tín dụng tuân thủ đúng các quy định về hoạt động ngân hàng, đặc biệt là quy định về cấp tín dụng, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và quy định về an toàn hoạt động tín dụng.
Thực hiện các biện pháp thu hồi nợ quá hạn: Đối với các khoản nợ quá hạn bình thường, cán bộ ngân hàng cần tăng cường đôn đốc, thu hồi nợ kết hợp với việc kiểm tra tình hình xử dụng vốn, tình hình tài chính, tình hình tài sản đảm bảo. Đồng thời cần có biện pháp thích hợp để giúp đỡ khách hàng giải quyết khó khăn về tài chính, trả nợ ngân hàng, tạm hoãn thu lãi định kỳ các khoản nợ đã chuyển quá hạn do chậm trả một phần gốc hoặc lãi. Còn các khoản nợ khó đòi trên 6 tháng có nguy cơ rủi ro cần thực hiện việc đôn đốc thu hồi nợ qua nhiều bước, kiểm tra quy trách nhiệm.
Tăng cường trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ bán, xử lý các tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu để thu hồi vốn.
Chủ động nâng cao tính cộng đồng, phối hợp tích cực, nhịp nhàng, giám sát hiệu quả đối với doanh nghiệp để xử lý nợ xấu có hiệu quả, tránh tình trạng vỡ nợ không kiểm soát. Bên cạnh đó lãnh đạo các ngân hàng chỉ đạo tích cực công ty quản lý mua bán nợ, công ty chứng khoán hay công ty quản lý quỹ để tham gia chủ động trong hoạt động quản lý và xử lý rủi ro các khoản nợ của doanh nghiệp.
Để nâng cao chất lượng tài sản, các ngân hàng cần giảm đáng kể các khoản cho vay có hệ số quy đổi rủi ro cao của ngân hàng (hệ số quy đổi rủi ro nhóm
150% theo Thông tư 36) như cho vay đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các khoản đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Đẩy nhanh tiến độ chuyển nợ xấu cho VAMC sau khi có sự đôn đốc của cơ quan quản lý. Các khoản nợ xấu bình thường có tỷ lệ quy đổi rủi ro trung bình 50% sau khi chuyển cho VAMC được tính với tỷ lệ 20% trên sổ sách. Việc chuyển nợ cho VAMC giúp các ngân hàng giảm tài sản rủi ro trên sổ sách đi khá nhiều.