n tố vi mô
2.3.1.1. Tiền gửi huy động
Tiền gửi huy động được xem là một hình thức tài trợ chính thức cho NHTM. Ngân hàng sẽ dùng nguồn tiền này để tiến hành cấp tín dụng cho khách hàng, và khi đến kỳ hạn thanh toán, ngân hàng sẽ trả theo lãi suất trên tổng tiền gửi của khách hàng. Đây được xem là một phần “nợ” của ngân hàng đối với khách hàng.
Càng có nhiều tiền gửi, ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội cung cấp các khoản cho vay khách hàng hơn, và tỷ suất sinh lời từ đó được sinh ra. Tuy nhiên, việc số lượng tiền gửi vào ngân hàng quá lớn trong khi hiệu quả hoạt động tín dụng thấp cũng khiến cho ngân hàng chịu gánh nặng thêm chi phí trả lãi cho khách hàng. Như vậy, tiền gửi huy động sẽ có tác động cùng chiều và ngược chiều với tỷ suất sinh lời của ngân hàng. Điều này được chứng minh bởi các nghiên cứu trước đây như nghiên cứu của Gul & Zaman (2011) sử dụng dữ liệu của 15 NHTM ở Pakistan giai đoạn 2005-2009 cũng đưa ra kết luận rằng tiền gửi có tác động cùng chiều lên tỷ suất sinh lời NHTM. Cho đến những năm gần đây, nghiên cứu của Hirindu (2017) xây dựng bằng dữ liệu bảng dựa trên 60 quan sát của 12 NHTM ở Sri Lanka giai đoạn 2011-2015 cũng tiếp tục đưa
ra những kết luận tương tự như vậy. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Osuagwu (2014) cho rằng tiền gửi huy động có tác động ngược chiều đến tỷ suất sinh lời của các NHTM ở Nigeria trong giai đoạn 1980 đến 2010.
2.3.1.2. Các hoạt động ngoài lãi vay
Hiện nay, các tổ chức tài chính đã gia tăng tỷ suất sinh lời của mình bằng các nguồn thu nhập đến từ các hoạt động ngoại bảng, cụ thể là thu nhập đến từ việc trao đổi chứng khoán, các công cụ phái sinh trên thị trường và thu nhập đến từ các khoản tiền phí. Thu nhập khác ngoài lãi vay bao gồm phí hoa hồng, khoản tiền thu phí dịch vụ, phí bảo lãnh, tỷ suất sinh lời ròng đến từ việc đầu tư chứng khoán và tỷ suất sinh lời đến từ việc trao đổi ngoại tệ.
Mặc dù các ngân hàng đã cải thiện khoản thu nhập đến từ phí dịch vụ nhưng để có thể cạnh tranh so với các tổ chức tài chính khác, họ cần phải mở rộng sự đa dạng về các sản phẩm dịch vụ để cải thiện doanh thu, chất lượng dịch vụ, mối quan hệ và kế hoạch đầu tư. Những loại hình đầu tư mới này sẽ giúp cho ngân hàng nâng cao nguồn thu nhập đến từ việc môi giới chứng khoán, dịch vụ môi giới bất động sản và các hoạt động môi giới bảo hiểm,.. .Nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ có một sự gia tăng đột biến trong thu nhập đến từ các hoạt động khác ngoài lãi vay. Những hoạt động này sẽ giúp ngân hàng nâng cao tính cạnh tranh hơn so với các ngân hàng và tổ chức tài chính khác vì đã cung cấp một số lượng đa dạng các loại hình sản phẩm và dịch vụ.
Theo nghiên cứu của Rumble (2006) lại cho rằng các sản phẩm dịch vụ đến từ các hoạt động khác thì hầu như không tăng tỷ suất sinh lời đáng kể so với hoạt động chính đến từ lãi vay khi nghiên cứu về đa dạng hóa thu nhập từ hoạt động tài chính của các công ty tại Mỹ. Trong khi đó, nghiên cứu của Sufian (2011), kiểm định sự tương quan giữa tỷ suất sinh lời ngân hàng tại Hàn Quốc và các hoạt động khác ngoài lãi vay nhận thấy rằng ngân hàng nào nắm giữ thành phần thu nhập đến từ các hoạt động khác cao hơn sẽ có xu hướng gia tăng mức độ tỷ suất sinh lời hơn.
2.3.1.3. Quy mô ngân hàng
Quy mô ngân hàng là một trong những nhân tố quyết định tác động đến tỷ suất sinh lời của ngân hàng. Nhìn chung, ngân hàng với quy mô lớn, mạng lưới chi nhánh
rộng sẽ có điều kiện tiếp cận thị trường huy động vốn, khả năng cho vay đối với khách hàng cao, có thể phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ.
Kết quả đo lường mối liên hệ của quy mô đến tỷ suất sinh lời ngân hàng không đồng nhất. Đã có nhiều các nghiên cứu về ảnh hưởng của lợi thế kinh tế theo quy mô đến tỷ suất sinh lời của ngân hàng. Về mặt lý thuyết, nếu lợi thế kinh tế theo quy mô tồn tại, các tổ chức tài chính lớn có thể cung cấp các sản phẩm dịch vụ hiệu quả hơn với chi phí thấp trong điều kiện các nhân tố khác không đổi. Theo Bourke (1989) chứng minh rằng lợi thế kinh tế theo quy mô là mối quan hệ đồng biến giữa quy mô và tỷ suất sinh lời của ngân hàng. Tuy nhiên sự đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ lại làm giảm tỷ suất sinh lời của ngân hàng, dù rằng đây là một trong những chính sách giúp cho ngân hàng tăng cường hiệu quả quy mô hoạt động.
Một mặt khác, theo nghiên cứu của Syafri (2012), sau khi thực hiện mô hình tương quan trên dữ liệu bảng, quy mô ngân hàng có tác động nghịch chiều đến tỷ suất sinh lời. Khi quy mô ngân hàng càng lớn sẽ phát sinh những hiện tượng do các lợi thế phi kinh tế theo quy mô, gây khó khăn cho việc quản lý và thực hiện các công việc kiểm soát. Vì vậy, để tối đa hóa tỷ suất sinh lời, các NHTM cần phải lựa chọn quy mô hợp lý cho mình. Nhìn chung, quy mô có thể làm tăng hiệu quả trong hoạt động ngân hàng ở một giới hạn nhất định. Tuy nhiên, khi đạt đến một mức độ quy mô khá lớn, ngân hàng sẽ phát sinh rất nhiều các nhân tố tiêu cực trong việc quản trị ngân hàng.
2.3.1.4. Vốn chủ sở hữu
Quy mô vốn chủ sở hữu cho thấy tỷ lệ vốn thích hợp và cần thiết để đảm bảo sự an toàn và ổn định của một tổ chức tài chính. Nó cho thấy khả năng hấp thụ vốn hiện tại của một ngân hàng thông qua khoản vốn được cấp, hoặc được đóng góp bởi những người chủ ngân hàng khi mới thành lập, cộng thêm với những khoản trích lập, giữ lại từ lợi nhuận hoạt động.
Về cơ bản, cũng như các loại hình doanh nghiệp khác, vốn chủ sở hữu của NHTM không xác định thời hạn hoàn trả, chủ ngân hàng có thể tăng, giảm (với sự đồng ý của cơ quan chức năng), thay đổi cơ cấu của vốn chủ sở hữu của NHTM, hoặc quyết định các chính sách phân phối lợi nhuận vốn dĩ có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn này.
Vốn chủ sở hữu quy định cho một ngân hàng sẽ phản ánh quy mô và hoạt động của chính bản thân ngân hàng. Ngân hàng với mức độ vốn chủ sở hữu cao sẽ làm giảm rủi ro cho ngân hàng, vì vậy tỷ lệ vốn chủ sở hữu có tác động cùng chiều đến tỷ suất sinh lời của ngân hàng.
Về mặt lý thuyết, tỷ lệ vốn của một ngân hàng thường gắn liền với quy mô của chính nó vì các ngân hàng lớn thường có xu hướng làm ra nhiều tỷ suất sinh lời hơn so với các ngân hàng nhỏ do khả năng huy động vốn ít tốn kém hơn. Theo nghiên cứu của Bourke (1989) và Nguyễn Trần Thịnh (2013) đã chứng minh rằng khi tỷ lệ vốn càng cao, các ngân hàng sẽ làm ăn có lãi. Hơn thế nữa, việc gia tăng tỷ lệ vốn cũng có thể mang lại các khoản thu nhập bất ngờ từ việc giảm chi phí đã dự đoán trước từ những nguy cơ về kinh tế (bao gồm cả về phá sản) theo như nghiên cứu của Berger (1995) và đã được kiểm định lại theo nghiên cứu của Sufian (2011). Tuy nhiên, một số nghiên cứu như nghiên cứu của Nguyễn Trần Thịnh (2013) cho rằng quy mô vốn chủ sở hữu không tác động đến tỷ suất sinh lời của ngân hàng.
2.3.1.5. Tính thanh khoản
Tính thanh khoản là khả năng chuyển hóa dễ dàng tài sản thành tiền và các loại giấy tờ có giá liên quan. Nhu cầu thanh khoản bao gồm thanh toán tiền gửi, trả các khoản nợ đến hạn, trang trải chi phí hoạt động và cấp các khoản vay tín dụng (ngắn, trung và dài hạn) cho khách hàng,... Để có thể đáp ứng việc thanh toán cho khách hàng, bắt buộc các ngân hàng phải dự trữ các quỹ cũng như các loại chứng khoán có thể dễ dàng bán được trên thị trường.
Các chính sách về thanh khoản sẽ tác động trực tiếp đến tỷ suất sinh lời. Tài sản được nắm giữ để đảm bảo nhu cầu thanh khoản thường có mức tỷ suất sinh lời thấp nhất. Do đó, việc duy trì một mức độ thanh khoản cao sẽ làm giảm tỷ suất sinh lời. Thông thường, các ngân hàng thường đánh đổi một mức độ rủi ro trong thanh khoản để mang lại suất sinh lời cao hơn.
Theo nghiên cứu của Yuqi (2006) cho rằng tính thanh khoản có tác động đồng biến lẫn nghịch biến đến tỷ suất sinh lời của ngân hàng. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Nguyễn Thanh Phong (2015) phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời của các NHTM niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2009-
2014, lại cho rằng chỉ số thanh khoản tác động ngược chiều đến khả năng sinh lời của ngân hàng.
2.3.1.6. Quy mô tín dụng
Hoạt động tín dụng có thể được xem là hoạt động đem lại nguồn thu chủ yếu cho các NHTM. Cụ thể, ngân hàng sẽ huy động các khoản tiền nhàn rỗi và sử dụng lượng tiền đó để đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng. Lãi thu được từ việc cho vay, sau khi loại trừ đi các chi phí trong quá trình thực hiện hoạt động cho vay và trả lãi cho các nguồn vốn huy động thì phần còn lại chính là tỷ suất sinh lời của ngân hàng.
Khi quy mô tín dụng của ngân hàng được mở rộng, khả năng cho vay cao, tỷ suất sinh lời của ngân hàng cũng theo đó tăng lên. Trước đây, nghiên cứu của Syafi (2012) sử dụng dữ liệu từ các NHTM được niêm yết trên sàn chứng khoán Indonesia từ 2002 đến 2011 đã chỉ ra rằng quy mô tín dụng có tác động cùng chiều với tỷ suất sinh lời của NHTM, và đó cũng là quan điểm của Abreu. M., & Mendes.V., (2014) khi nghiên cứu về những nhân tố tác động đến tỷ suất sinh lời NHTM ở châu Âu với nguồn dữ liệu được lấy từ Datastream. Trong khi đó, nghiên cứu của Weersainghe, V.E.I.W., & Perera.T.R (2013) lấy dữ liệu từ 33 ngân hàng ở Sri Lanka lại cho rằng không có tác động nào giữa quy mô tín dụng và tỷ suất sinh lời NHTM.
2.3.1.7. Chi phí hoạt động
Chi phí hoạt động của ngân hàng được xem là một nhân tố quan trọng và đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết cho việc cải thiên tỷ suất sinh lời của NHTM. Một ngân hàng nếu muốn gia tăng tỷ suất sinh lời thì trước hết cần phải cố gắng cắt giảm các chi phí hoạt động trong ngân hàng. Chi phí hoạt động của ngân hàng bao gồm: chi nộp thuế và các khoản phí, lệ phí; chi phí cho nhân viên; chi phí cho hoạt động quản lý; chi về tài sản; chi phí bảo hiểm tiền gửi khách hàng; chi phí dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn; chi phí khác.
Theo như Guru và các cộng sự (2002) và Bourke (1989) cho rằng ngân hàng nào cắt giảm chi phí và sử dụng chi phí quản lý một cách hiệu quả thì ngân hàng đó càng có tỷ suất sinh lời cao. Mặc dù mối quan hệ giữa chi phí và tỷ suất sinh lời tưởng chừng như đơn giản, nhưng không phải ai cũng đồng tình với quan điểm trên. Theo
nghiên cứu của Naceur (2003), ông đưa ra quan điểm là mức độ chi phí cao thể hiện mức độ hoạt dộng của ngân hàng cao hơn nên tỷ suất sinh lời cũng theo đó mà tăng lên. Nhờ sức mạnh của thị trường, một phần chi phí này sẽ được san sẻ với khách hàng thông qua việc giảm lãi suất tiền gửi hoặc cho vay với lãi suất cao hơn.
2.3.1.8. Hệ số đòn bẩy tài chính
Đòn bẩy tài chính là khái niệm thể hiện qua cơ cấu nguồn vốn mà doanh nghiệp sử dụng để tài trợ cho tài sản. Đòn bẩy tài chính được thể hiện bằng nhiều cách đo lường khác nhau, tùy theo từng trường hợp. Về thực chất, đòn bẩy tài chính phản ánh sự thay đổi của lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu trước sự thay đổi của lợi nhuận trước thuế và lãi vay.
Cơ cấu sử dụng nợ thường được sử dụng phổ biến là công thức được xác định bằng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu. Chỉ tiêu này cho thấy nợ chiếm bao nhiêu phần trăm so với vốn chủ sở hữu. Tỷ số nợ là chỉ tiêu dùng để đo lường sự đóng góp vốn của chủ sở hữu so với tổng số vốn mà doanh nghiệp đang sử dụng và nó có tầm quan trọng như sau:
Một là, khi chủ nợ nhìn vào tỷ số này có thể thấy được tỷ lệ góp vốn của chủ sở hữu để có thể an tâm về khoản nợ của mình. Điều này giúp cho ngân hàng kích thích đa dạng nguồn vốn huy động.
Hai là, khi ngân hàng tạo ra lợi nhuận có được trên tiền vay nhiều hơn so với tiền lãi phải trả sẽ làm cho tỷ suất sinh lời của ngân hàng sẽ gia tăng. Vì vậy việc sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ có tác động làm tăng tỷ suất sinh lời của ngân hàng hay không còn tùy thuộc vào mối tương quan giữa lãi suất tiền vay và tỷ lệ hoàn vốn của ngân hàng.
Nhìn chung đòn bẩy tài chính có tác dụng khuếch đại lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khi hiệu quả sử dụng tài chính cao. Nhưng ngược lại, nó cũng sẽ làm cho lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bị sụt giảm nhiều hơn khi suất sinh lời trên tài sản giảm. Do đó, việc huy động vốn ngân hàng cũng phải chịu một mức rủi ro cao do tăng lãi suất cho vay để đáp ứng nhu cầu của các chủ nợ.