2.3.2.1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP
Tổng sản phẩm nội địa (Gross Domestic Product, viết tắt GDP) là giá trị thị trường của tất cả các hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ nhất định trong một thời gian nhất định. GDP là một trong những chỉ số cơ bản để đánh giá sự phát triển kinh tế của một vùng lãnh thổ quốc gia nào đó trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được đo bằng tỷ lệ tăng trưởng GDP thực tế, được tính bằng cách lấy chênh lệch giữa quy mô kinh tế kỳ hiện tại so với quy mô kinh tế kì trước chia cho quy mô kinh tế kỳ trước. Nếu tỷ lệ này tăng cao là một dấu hiệu tốt, nó cho thấy các cơ hội kinh doanh được cải thiện, nền kinh tế tăng trưởng, và cuối cùng dẫn đến tỷ suất sinh lời của ngân hàng cũng tăng cao hơn. Ngược lại, nếu tỷ lệ này âm cho thấy rằng nền kinh tế đang bất ổn, không có sự tăng trưởng tốt và hoạt động sản xuất kinh doanh cũng sẽ gặp khó khăn theo.
GDP là nhân tố gần như được đề cập rất nhiều trong các nghiên cứu trước đây. Trong nghiên cứu của Obamuyi (2003) về các nhân tố tác động đến tỷ suất sinh lời của các ngân hàng thương mại trong điều kiện nền kinh tế phát triển (cụ thể là ở Nigera) đã đưa ra kết luận rằng khi một quốc gia có sự gia tăng hoạt động kinh tế nghĩa là cơ hội kinh doanh tăng, nhu cầu vay vốn của khách hàng cũng theo đó tăng lên, và từ đó ngân hàng có thể tạo ra được nhiều tỷ suất sinh lời từ các hoạt động cấp tín dụng. Trong khi đó, Adama và Apélété (2017) lại cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP không làm gia tăng tỷ suất sinh lời cho Ngân hàng khi nghiên cứu dữ liệu các NHTM tại Togo.
2.3.2.2. Lạm phát
Lạm phát có thể được hiểu là sự gia tăng mức giá chung của hàng hoá và dịch vụ theo thời gian. Sự gia tăng mức giá chung của hàng hoá này đồng nghĩa với việc sức mua của đồng tiền bị giảm đi. Nghĩa là, với cùng một lượng tiền nhưng người tiêu dùng chỉ có thể mua được ít hàng hóa hơn so với trước đó. Khi so sánh với các nền kinh tế ở các quốc gia khác, lạm phát là sự phá giá đồng tiền nội tệ so với các loại tiền ngoại tệ khác. Khi lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát sẽ làm cho chi phí tăng cao, và đến một thời điểm nào đó sẽ huỷ hoại toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, không phải lúc nào lạm phát cũng gây hại cho nền kinh tế. Nếu tỷ lệ lạm phát được duy trì ở mức vừa
phải sẽ mang lại một số lợi ích và thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế như kéo tỷ lệ thất nghiệp giảm, tiêu dùng tăng và chính phủ có nhiều lựa chọn về công cụ kích thích đầu tư vào đồng nội tệ.
Mối quan hệ giữa lạm phát và tỷ suất sinh lời của NHTM được đề cập khá nhiều trong các nghiên cứu trước đây. Theo nghiên cứu của Revell (1979), ông cho rằng tốc độ lạm phát tác động lên tỷ suất sinh lời ngân hàng phụ thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng của tiền lương và các chi phí trong ngân hàng có nhanh hơn hay không. Và nếu có thể dự báo chính xác tỷ lệ lạm phát trong tương lai, ngân hàng có thể dễ dàng quản lý chi phí hoạt động của họ bằng cách điều chỉnh mức lãi suất một cách thích hợp để doanh thu tăng nhanh hơn chi phí và từ đó có được tỷ suất sinh lời cao hơn.