3 Thực trạng phát triển kinh tế số tại Việt Nam
3.1.4 Khung pháp lý cho giao dịch điện tử
Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) số 51/2005/QH11 được Quốc hội khoá XI ban hành ngày 29/11/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2006. Luật GDĐT 2005 được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, những vấn đề đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử. Sau 15 năm thực hiện, Luật GDĐT cơ bản đã hoàn thành sứ mệnh, hình thành nền tảng pháp lý để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thúc đẩy GDĐT, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế, đồng thời đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào cải cách hành chính.
Trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi cấp thiết phải thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế số hoá, đặc biệt xét trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của TMĐT ở quy mô rộng khắp, đồng thời các dịch vụ công trực tuyến cũng phát triển mạnh mẽ, thì nhiều quy định của Luật GDĐT đã trở nên lỗi thời, bất cập, trở thành rào cản các hoạt động kinh tế và các dịch vụ công trên môi trường điện tử. Các quy định của Luật chưa rõ ràng về giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu; chưa rõ ràng về tính pháp lý và trường hợp áp dụng chữ ký điện tử, đồng thời thiếu quy định về giao kết và hợp đồng điện tử. Ngoài ra Luật GDĐT 2005 còn thể hiện sự thiếu nhất quán trong quy định chi tiết đối với thông điệp dữ liệu về định dạng, thời gian gửi, nhận, lưu trữ, chuyển đổi, v.v. dẫn tới khó khăn khi liên thông, công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống, gây vướng mắc trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó là các quy định của Luật GDĐT 2005 về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật thể hiện sự chồng chéo, không phù hợp với Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng. Luật GDĐT 2005 cũng thiếu các quy định về sử dụng công nghệ, kỹ thuật trong giao dịch điện tử sao cho đảm bảo an toàn, bảo mật, tránh được các rủi ro cho người dùng do rò rỉ thông tin, dữ liệu.