3 Thực trạng phát triển kinh tế số tại Việt Nam
3.1.8 Khung pháp lý phát triển đô thị thông minh
Xác định ĐTTM sẽ là xu thế tất yếu, Đảng và Nhà nước đã tập trung triển khai các văn bản chính sách cụ thể như: Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) chỉ rõ: “Sớm triển khai xây dựng một số khu hành chính - kinh tế đặc biệt; ưu tiên phát triển một số ĐTTM”; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Bộ Chính trị về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về thúc đẩy ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh các đô thị ở Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ theo hướng gắn kết thông minh để để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của con người. Tuy nhiên việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh cũng gặp không ít thách thức liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều chiều cạnh mang tính toàn cầu như cạnh tranh đô thị; biến đổi khí hậu, nước biển dâng
cao, phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh… Xác định việc phát triển đô thị thông minh là xu thế tất yếu, Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhận thức rõ tầm quan trọng phải hình thành khung pháp lý để định hướng và điều chỉnh các hoạt động xây dựng và phát triển đô thị thông minh.
Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. trong đó có đặt vấn đề ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh. Để cụ thể hóa và hướng dẫn các địa phương thực hiện, Chính phủ đã xây dựng chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết Nghị quyết số 05/NQ-TW thể hiện trong Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017 Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW và Nghị quyết số 24/2016/QH14. Kế đó là Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/08/2018 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Đề án đã xác định các quan điểm, nguyên tắc phát triển đô thị thông minh theo hướng lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích. Đề án cũng nhấn mạnh việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng các thiết và phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng, quản lý và giám sát đô thị thông minh. Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó cũng nhấn mạnh nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế, chính sách phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam.
Thực hiện Quyết định 950, các Bộ ngành và địa phương đã tích cực và chủ động triển khai các giải pháp phát triển đô thị thông minh. Cả nước hiện đã có 28 tỉnh, thành phố đăng ký thí điểm dịch vụ đô thị thông minh thực hiện trọng năm 2020 theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông (Quý Anh, 2020).