3 Thực trạng phát triển kinh tế số tại Việt Nam
3.1.7 Khung pháp lý về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI)
Tại Việt Nam, Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử, v.v. (Phạm Thị Thu Hà, 2019). AI được xác định là một công nghệ mũi nhọn để tạo ra đột phá cần được tập trung đầu tư phát triển. Để phát triển AI thì dữ liệu đóng vai trò cực kỳ thiết yếu. Điều này hàm ý phải chú trọng việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn và đảm bảo có các cơ chế và qui định phù hợp cho dòng chảy dữ liệu lớn này được chia sẽ thuận lợi cho các chủ thể sử dụng cả trong và ngoài nước.
Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ Về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư khẳng định Việt Nam phải nỗ lực nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0, trong đó AI một trong số những trụ cột sống còn đã và đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới.
Hành lang pháp lý và các chính sách phát triển AI cũng đang dần được xây dựng và triển khai trong thực tế. Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chiến lược quốc gia về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó xác định AI là một trong các ngành công nghệ ưu tiên cần tập trung các nhóm chính sách để thúc đẩy phát triển.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là đơn vị được giao xây dựng đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia theo mô hình của thế giới, với những thể chế vượt trội và cạnh tranh. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) được kỳ vọng là đòn bẩy cho phát triển và kết nối các startup, hướng đến xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vững mạnh. Ngày 02/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1269/QĐ-TTg về Thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn hỗ trợ khơi thông nguồn vốn cho AI qua các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế như sự kiện Vietnam Venture Summit (tháng 6/2019); dự kiến thành lập quỹ Global Fund
nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đưa tri thức Việt Nam ra thế giới; kết nối 18 quỹ đầu tư quốc tế và trong nước cam kết đầu tư 425 triệu USD cho các startup của Việt Nam trong 3 năm tới; đồng thời, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực với sự kiện thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, quy tụ các chuyên gia công nghệ và cộng đồng AI (năm 2018).
Trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã sớm chủ động xây dựng kế hoạch phát triển và ứng dụng AI trong y học. Theo đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4888/QĐ- BYT ngày 18/10/2019 phê duyệt Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025. Ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Bản đề án nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
Các Bộ ngành và địa phương cũng thể hiện sự quan tâm phát triển AI. Tuy nhiên, xây dựng các quy định pháp quy đảm bảo điều tiết các hoạt động AI một cách hiệu quả là điều không hề đơn giản và do vậy khung pháp lý cho các hoạt động AI vẫn còn ở mức độ sơ khai. Thực tế cho thấy AI đem đến nhiều cơ hội và tiềm năng nhưng việc phát triển và ứng dụng AI cũng đi kèm nhiều rủi ro và các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, tư cách pháp lý của AI, vấn đề đạo đức, quyền riêng tư, quyền về dữ liệu cá nhân, cơ chế xử lí các tranh chấp hay rủi ro khi ứng dụng các sản phẩm AI. Chẳng hạn, trong xử lý tranh chấp qua mạng, nếu dựa vào AI để phân trọng tài/hòa giải viên vào các vụ việc cụ thể thì cơ sở pháp lý và khả năng quy trách nhiệm là không dễ. Những khoảng trống pháp lý này cần được nghiên cứu và xây dựng các qui định pháp lý phù hợp.