4 Một số yêu cầu và lộ trình cải cách thể chế nhằm phát triển kinh tế số ở Việt
4.2.5 Thị trường lao động và chính sách an sinh xã hội
Hiện nay, các chính sách về an sinh xã hội đối với các lao động trong các ngành nghề công nghệ hầu hết đều đã được quy định khá đầy đủ và tuân thủ khá chặt chẽ, kể cả ở các công ty nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam. Tuy nhiên, về các lao động trong các ngành nghề ứng dụng các nền tảng công nghệ như Grab hiện nay thì vẫn còn khá nhiều tranh cãi.
Theo các cơ quan quản lý, lực lượng lao động tham gia lĩnh vực kinh doanh này được coi là đối tác, sử dụng ứng dụng công nghệ để tìm kiếm khách hàng, nhận thu nhập bằng hình thức chiết khấu từ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, ứng dụng, do vậy, khó xác định được đây có phải là quan hệ lao động hay không. Hiện nay, giữa các đơn vị cung ứng công nghệ và người tham gia ứng dụng không có giao kết hợp đồng lao động nên về mặt quy định không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Một ví dụ điển hình là trong những ngày gần đây, những người giao hàng thuộc ứng dụng nền tảng giao hàng Now food đã có sự đình công với nhà cung ứng nền tảng ứng dụng về chính sách điểm thưởng. Bản thân những tài xế chạy ứng dụng này cũng xác định họ là đối tác của công ty nền tảng ứng dụng này chưa không phải là người làm công cho công ty. Vì vậy, hiện tại, người lao động trong các loại hình kinh doanh này chỉ có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Trong quá trình chuyển đổi sang nền KTS, rất nhiều các quan hệ lao động sẽ được định vị lại như quan hệ đối tác, quan hệ giữa chủ - người lao động. Đặc biệt với sự tham gia của Việt Nam vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hiện nay như CPTPP và EVFTA thì yêu cầu cần phải có sự thay đổi các quy định này để tạo điều kiện thuận lợi cho cả người sử dụng cũng như người lao động. Ngoài việc hưởng các chế độ thông thường, việc tham gia vào các thị trường lao động sẽ đảm bảo cho người lao động được nâng cao các kỹ năng công nghệ, góp phần vào thành công xây dựng nền KTS ở Việt Nam.
Các vấn đề quan trọng đầu tiên là định vị doanh nghiệp công nghệ, để từ đó quy định các quan hệ lao động trong đó và điều chỉnh lại các quy định lao động trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Bên cạnh đó là quan điểm của các cơ quan quản lý về quan hệ lao động nói trên. Khi xác định công ty ứng dụng nền tảng cần phải có trách nhiệm với đối tác của mình, tức là coi đối tác cũng là người lao động thì công ty và người lao động cùng chia sẻ vấn đề về bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế hoặc những chính sách bảo vệ người lao động hiện hành. Còn khi hai bên thỏa thuận với nhau theo các hợp đồng dân sự thì khó có thể có những quy định ràng buộc họ tuân theo các quy định điều chỉnh các hành vi giữa người lao động và người chủ lao động.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khái niệm lao động phi chính thức cho phù hợp với bối cảnh KTS. Chẳng hạn, lao động chính thức được xét trên hai tiêu chí:
(i) có hợp đồng lao động; và (ii) có đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, trên mô hình kinh tế chia sẻ, những tiêu chí này không được thỏa mãn và/hoặc không kiểm chứng được. Nếu không xử lý được khái niệm này, hỗ trợ người lao động phi chính thức chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong khi người lao động vẫn làm việc trên nền tảng kinh tế chia sẻ sẽ là không chính xác và gây ra bất công trong tiếp cận hỗ trợ.
Cuối cùng, hỗ trợ để nâng cao và đào tạo lại kỹ năng cho các nhóm yếu thế như phụ nữ, thanh niên, người già, v.v. tham gia KTS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hỗ trợ ngân sách từ nhà nước chỉ là một điều kiện cần, chứ không đủ. Điểm quan trọng là quá trình hỗ trợ phải đi kèm với chuyển giao kỹ năng để các nhóm này có thể tự học, tự thích ứng, thay vì bám vào một nội dung chương trình cứng nhắc.