Lựa chọn thời hạn thanh toán

Một phần của tài liệu Ký kết, thực hiện điều khoản thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và một số lưu ý đối với doanh nghiệp Viêt Nam (Trang 35 - 39)

7. Bố cục của Luận văn

1.2.2. Lựa chọn thời hạn thanh toán

1.2.2.1. Thanh toán trước

Khái niệm: Thanh toán trước là việc trả tiền xảy ra trong khoản thời gian kể từ sau khi hợp đồng được ký kết hoặc từ sau ngày hợp đồng có hiệu lực đến trước ngày giao hàng. Theo đó, người mua phải trả cho người bán toàn bộ hoặc một phần tiền hàng.

Hiện nay, các bên yêu cầu thanh toán trước thông thường vì hai lý do chính: đảm bảo thực hiện hợp đồng và cấp tín dụng.

Đối với trường hợp trả trước để đảm bảo thực hiện hợp đồng, người mua sẽ phải trả cho người bán trước thời gian người bán giao hàng. Ngoài ra, các bên sử dụng thanh toán trước cũng có thể vì buôn bán lần đầu hoặc người bán nghi ngờ khả năng thanh toán của người mua. Thông thường khoản thời gian trả trước này là ngắn, từ 10 đến 15 ngày, tính từ lúc ứng tiền đến lúc giao hàng. Ngày giao hàng có thể được hiểu là ngày chuyển giao hàng hóa lần đầu tiên. Số tiền trả trước không được tính lãi và người bán chỉ giao hàng khi nhận được báo có khoản trả trước này.

Việc tính toán số tiền trả trước cũng là một vấn đề quan trọng để đảm bảo lợi ích cho cả hai bên. Trong trường hợp giá trên hợp đồng cao hơn giá bình quân trên thị trường, mức trả trước có thể tính tối thiểu bằng mức chênh lệch giữa tổng giá trị hợp đồng theo giá cao và tổng hợp đồng tính theo giá bình quân trên thị trường. Vì khi giá của hợp đồng cao hơn giá bán thông thường có thể xảy ra rủi ro bên mua muốn thay đổi nhà cung cấp nên bên bán để đảm bảo hợp đồng được thực hiện sẽ yêu cầu một mức trả trước hợp lý như vậy. Mặt khác, trong trường hợp người bán thiếu tin tưởng vào khả năng thanh toán của người mua, mức yêu cầu trả trước có thể bằng mức tiền lãi mà người bán phải trả cho ngân hàng đi vay cộng với một khoản phạt vi phạm hợp đồng trong trường hợp người mua không thanh toán đúng như quy định.

Đối với trường hợp do người bán thiếu vốn, người mua trả trước để cấp tín dụng cho người bán thì thời gian trả trước khá dài. Thời hạn cấp tín dụng được tính bắt đầu từ khi người mua ứng trước tiền cho người bán đến ngày người bán hoàn trả số tiền ứng trước đó. Số tiền ứng trước này lớn hay nhỏ phụ thuộc vào nhu cầu của người bán và khả năng cấp tín dụng của người mua. Lưu ý rằng trong trường hợp này giá hàng sẽ được tính khác đi so với giá bán trả ngay, thông thường là thấp hơn vì người bán sẽ chiết khấu một khoản cho người mua do đã cấp tín dụng cho họ. Về việc hoàn trả số tiền cấp tín dụng phải được quy định rõ ràng và cụ thể trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Theo đó, số tiền này sẽ trả lúc nào, trả một lần hay nhiều lần, có gắn liền với việc giao hàng hay tách rời, mỗi lần hoàn trả bao nhiêu, nếu trả nhiều lần phải tính thời hạn tín dụng trung bình.

1.2.2.2. Thanh toán ngay

Thanh toán ngay tức là người mua sẽ thực hiện trả tiền cho người bán trong khoản thời gian từ lúc chuẩn bị hàng xong để bốc lên phương tiện vận tải đến lúc hàng đến tay người mua. Mặc dù là thanh toán ngay nhưng vì vận tải quốc tế có nhiều chặng và tốn thời gian dài, nên cũng xuất hiện bốn loại trả ngay:

Thanh toán ngay khi giao hàng xong không trên phương tiện vận tải (Cash on Delivery): tức là sau khi người bán hoàn tất việc giao hàng cho bên vận tải tại nơi giao hàng chỉ định thì người bán phát lệnh đòi tiền, người mua nhận được lệnh lập tức tiến hành thanh toán. Trong trường hợp này đặc biệt lưu ý vấn đề về người vận tải. Người vận tải ở đây được hiểu là đại lý vận tải, người chuyên chở hàng hóa, công ty giao nhận, đại diện của người mua,… chỉ cần người bán chứng minh được mình đã giao hàng cho người thứ ba làm trung gian vận chuyển thì có quyền thông báo yêu cầu thanh toán. Vậy câu hỏi tiếp theo đặt ra chính là như thế nào là hoàn thành nghĩa vụ giao hàng? Đó chính là người bán phải lấy được vận đơn nhận hàng để xếp (Received for Shipment Bill of Lading). Việc giao hàng như thế nào là hoàn thành nghĩa vụ còn phụ thuộc vào điều khoản vận tải mà các bên đã thống nhất. Các điều khoản vận tải áp dụng thanh toán như trên bao gồm EXW, FAS, FCA. Căn cứ vào điều khoản này để xác định việc giao hàng như thế nào là hoàn thành. Sau đó, trong lệnh đòi tiền người bán phải chứng minh được mình đã chuyển quyền sở hữu hàng

hóa cho người mua thì người mua mới tiến hành thanh toán. Như vậy, các chứng từ thanh toán trong trường hợp quy định thanh toán ngay sau khi người bán giao hàng xong không trên phương tiện thanh toán có thể là: hóa đơn xuất kho (đối với áp dụng điều khoản EXW); vận đơn nhận hàng để xếp; hóa đơn thương mại có xác nhận của người nhập khẩu; các loại vận đơn hàng không (AWB), vận đơn đường sắt (RWB), biên lai bưu điện (Post Receipt).

Thanh toán ngay khi người bán giao hàng xong trên phương tiện vận tải tại nơi giao hàng chỉ định: phương tiện vận tải có thể kể đến là toa xe lửa, ô tô, xà lan, tàu biển. Thực tiễn thương mại quốc tế hiện nay chủ yếu là tàu biển. Vì vậy thời điểm thanh toán thường gọi là Cash On Board. Theo đó, người bán để chứng minh đã hoàn thành việc giao hàng cần các chứng từ vận tải như: vận đơn “Shipped on board B/L” và vận đơn này được ký tên: as carrier, as master, as agent for, on behalf of…; vận đơn “Received for shipment B/L” có ghi chú On board, Shipped on board or Laden on Board.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao hàng như quy định và lấy được các vận đơn phù hợp, người bán sẽ phải thông báo ngay cho người mua và yêu cầu thanh toán.

Trả tiền ngay sau khi chứng từ được xuất trình (at sight L/C, DP – Documents Against Payment): sau khi giao hàng, người bán lập chứng từ gửi hàng (Shipping Documents) hay chứng từ thanh toán (Payment Documents) gửi trực tiếp cho người mua hoặc thông qua ngân hàng. Người mua sau khi nhận chứng từ và kiểm tra tính hợp lệ của chứng từ sẽ tiến hành thanh toán. Ngoài ra, còn một thời hạn thanh toán là D/P x ngày, x thường là 5 đến 7 ngày, tức là sau khi nhận được chứng từ 5 đến 7 ngày, bên mua sẽ thanh toán cho bên bán. Đây là phương thức sử dụng cho các loại hàng hóa có tính phức tạp về quy cách, phẩm chất, chủng loại,… cần thời gian để kiểm tra chứng từ. Lưu ý, hiện nay thông thường ngân hàng của người mua sẽ là đơn vị kiểm tra chứng từ để đánh giá bộ chứng từ đã hợp lệ hay chưa, trong một vài trường hợp, ngân hàng có thể gửi các chứng từ này, trừ vận đơn cho người mua để người mua kiểm tra.

Đối với việc trả tiền ngay sau khi chứng từ được xuất trình, người bán cần lập một bộ chứng từ thanh toán khá phức tạp, thông thường bao gồm: hóa đơn thương mại; vận đơn (B/L, AWB, RWB, Ocean Bill,…); giấy chứng nhận bảo hiểm (Insurance Policy/Certificate); giấy chứng nhận chất lượng (Certificate of Quality); giấy chứng nhận số lượng (Certificate of Quatity); giấy chứng nhận xuất sứ (Certificate of Origin); bảng kê đóng gói hàng hóa (Packing list)

Cần quy định số lượng, số loại chứng từ, cách chuyển, nơi xuất trình và điều kiện giao chứng thật cụ thể trong hợp đồng. Các giấy tờ cần thể hiện nội dung như thế nào thì được xem là hợp lệ để thanh toán cũng cần được quy định rõ ràng để tránh tranh chấp phát sinh mà không có cơ sở để giải quyết. Hiện này có các cách chuyển chứng từ phổ biến như sau: chuyển chứng từ kèm hàng hóa, thông qua người chuyên chở; chuyển chứng từ thông qua bưu điện, hàng hóa thông qua người chuyên chở; chuyển chứng từ cho đại diện của người mua ở nước người bán, hàng hóa thông qua người chuyên chở; chuyển chứng từ thông qua ngân hàng, hàng hóa thông qua người chuyên chở (đây là phương thức phổ biến nhất hiện nay và được đánh giá là an toàn nhất).

Vấn đề về bộ chứng từ thanh toán cần được người bán hết sức chú trọng để đảm bảo có thể yêu cầu thanh toán ngay và tránh trường hợp hàng hóa đã chuyển đi mà không thể yêu cầu thanh toán, gây rủi ro lớn.

Trả tiền ngay khi nhận hàng xong (Cash on Receipt) có nghĩa là người mua sẽ thanh toán cho người bán khi nhận hàng xong tại điểm giao hàng thực tế, có thể là nước người bán, nước người mua (dựa vào biên bản giám định hàng hóa tại cảng đến), trên phương tiện vận tải (của người mua). Thời hạn thanh toán này thực tế rất có lợi cho người mua vì hàng hóa đã được vận chuyển đi xa người bán hơn (nhiều trường hợp là đã trong tay người mua) và lúc này người bán cũng đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi hàng hóa – tài sản của mình đã di chuyển nhưng vẫn chưa chắc nhận được thanh toán. Tuy nhiên, nếu người bán ở vị thế thấp hơn so với người mua, thì việc chấp nhận thanh toán ngay khi nhận hàng xong là điều phổ biến.

Thanh toán sau là việc người mua sẽ thực hiện thanh toán sau một khoảng thời gian nhất định đã được quy định cụ thể trong hợp đồng. Tức là sẽ tiến hành thanh toán sau x ngày so với bốn mốc trả tiền ngay. Đây thực chất là hành động cấp tín dụng của bên bán cho bên mua. Theo đó, có bốn thời hạn thanh toán sau:

Thanh toán x ngày sau ngày giao hàng: ngày giao hàng có thể được xác định là ngày được quyết định trong hợp đồng (nếu thanh toán không dựa vào chứng từ), hoặc dựa vào chứng từ vận tải (nếu thanh toán dựa vào chứng từ).

Thanh toán x ngày sau ngày xuất trình chứng từ (thanh toán trao đổi chứng từ - Documents Against Acceptance, D/A)

Thanh toán x ngày sau ngày kết thúc thời hạn bảo hành

1.2.2.4. Thanh toán thời hạn hỗn hợp

Thực tế, người ta có thể kết hợp cả ba mốc thời gian thanh toán trước, thanh toán ngay và thanh toán sau trong cùng một hợp đồng. Việc kết hợp như vậy thường áp dụng cho các loại hàng hóa là máy móc thiết bị phức tạp, giá trị lớn. Ví dụ một cách quy định thời hạn thanh toán hỗn hợp:

- Trả trước 5%: 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng - Trả 5%: trước ngày giao hàng đầu tiên

- Trả 5%: sau ngày giao hàng cuối cùng - Trả 80%: sau khi lắp máy xong

- Trả 5%: vào thời điểm hết thời hạn bảo hành.

Tóm lại, hiên nay có rất nhiều thời hạn thanh toán để các bên thỏa thuận lựa chọn. Các bên sẽ dựa vào mối quan hệ và tình hình thực tế của mình để lựa chọn một thời điểm thanh toán phù hợp.

Một phần của tài liệu Ký kết, thực hiện điều khoản thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và một số lưu ý đối với doanh nghiệp Viêt Nam (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)