7. Bố cục của Luận văn
3.4.1. Đối với cơ quan quản lý nhà nước
Thứ nhất, xem xét và nâng cao vai trò của các ngân hàng trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thanh toán quốc tế. Thực tế, ngân hàng và các nhân viên làm việc tại ngân hàng là các đối tượng nắm rõ và có nhiều kinh nghiệp trong thanh toán quốc tế hơn so với các doanh nghiệp. Một nhân viên tại doanh nghiệp cần có kiến thức vững vàng và kinh nghiệm thì mới có thể tham gia đàm phán, hiểu rõ chi tiết từng khoản mục của hợp đồng từ đó giúp cho quá trình thực hiện hợp đồng không xảy ra sai sót dẫn đến tranh chấp. Nhưng hiện nay, tại các doanh nghiệp, rất ít hoặc không có các nhân viên đáp ứng được trình độ và kinh nghiệm để tham gia thỏa thuận và thực hiện các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế một cách thấu đáo. Thực trạng này diễn ra ở rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp ở các vùng ngoài các trung tâm kinh tế lớn. Do lao động có trình độ cao chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội,… các doanh nghiệp tại các tỉnh rất khó tuyển dụng được nhân viên đáp ứng được trình độ và kỹ năng tham gia mua bán hàng hóa quốc tế. Từ đó, dẫn đến việc doanh nghiệp không thể thỏa thuận được các điều khoản mình mong muốn, phụ thuộc vào hợp đồng mà đối tác soạn thảo, không hiểu được cặn kẽ ý nghĩa từng điều khoản. Tuy nhiên, về phía ngân hàng, do đặc thù lĩnh vực kinh doanh, một số lượng lớn nhân viên có trình độ và kinh nghiệm trong thanh toán quốc tế có đủ khả năng trợ giúp cho doanh nghiệp. Như vậy, thay vì để doanh nghiệp phải tự mình tìm hiểu, các ngân hàng tại Việt Nam có thể đưa ra các sản phẩm hỗ trợ sát sao hơn như bao gồm cả bước tư vấn, hỗ trợ kiểm tra chứng từ hợp lệ hay không,… Hơn thế nữa, các ngân hàng còn có thể tham gia vào quá trình thanh toán như một bên ngang bằng với bên mua và bên bán. Hiện nay, trên thế giới đã áp dụng khá nhiều phương thức thanh toán “nghĩa vụ thanh toán của ngân hàng” (Bank Payment Obligation – BPO). Theo đó, BPO là một cam kết
độc lập và không hủy ngang của một ngân hàng (gọi là Ngân hàng có nghĩa vụ BPO - Obligor Bank) sẽ thanh toán ngay hoặc cam kết thanh toán có kỳ hạn và thực hiện thanh toán khi đáo hạn một số tiền đã được xác định cho một ngân hàng khác (gọi là Ngân hàng tiếp nhận BPO - Recipient Bank) sau khi so khớp điện tử thành công các dữ liệu theo các quy tắc thống nhất toàn cầu về BPO của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC). BPO được thiết kế dựa trên nền tảng công nghệ: các bức điện được gửi đi hay nhận về phải sử dụng định dạng điện tiêu chuẩn ISO 20022. Các bức điện sẽ được tự động xử lý so khớp thông qua “Ứng dụng so khớp giao dịch - TMA”. TMA có thể là nền Ứng dụng dịch vụ thương mại SWIFT (TSU) hoặc bất kỳ giải pháp thay thế nào khác có khả năng xử lý các điện theo chuẩn ISO 20022 phù hợp với chu trình được yêu cầu. Như vậy, với việc áp dụng công nghệ và một phương thức thanh toán trong đó ngân hàng giữ vai trò quan trọng hơn, BPO đã mang lại nhiều lợi ích hơn cho các bên. Theo báo cáo của SWIFT, hiện nay có 27 tập đoàn tài chính trên thế giới đã triển khai sử dụng phương thức thanh toán BPO. Việt Nam hiện vẫn chưa triển khai áp dụng BPO nhưng có thể thấy đây là phương thức thanh toán của tương lai khi tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, chi phí giấy tờ, đảm bảo quyền lợi các bên tốt hơn,….
Thứ hai, xây dựng kênh thông tin và đội ngũ hộ trợ cho doanh nghiệp trong vấn đề thanh toán quốc tế. Hiện nay, các nghiệp vụ như thành lập doanh nghiệp, khai hải quan,… đều đã được Chính phủ tổ chức thành các vấn đề mang tính quốc gia, tức có sự tham gia của các ban ngành, hỗ trợ cho nhu cầu của mọi doanh nghiệp. Nhưng riêng về lĩnh vực thanh toán quốc tế cho các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa được tổ chức thành một nội dung mang tính quốc gia. Chính phủ đã rất thành công trong việc chuyển đổi số các hệ thống thông tin công. Vì vậy, đây là một kiến nghị khả thi. Chính phủ có thể xây dựng một kênh thông tin chính thống hỗ trợ doanh nghiệp về mặt thông tin, đặc biệt là các nội dung mới liên quan đến các điều ước quốc tế, pháp luật Việt Nam và các nước có quan hệ thương mại với Việt Nam, các tập quán quốc tế mà các đối tác sử dụng nhiều trong thanh toán quốc tế. Các thông tin được tổ chức, tập hợp và cung cấp một cách chính thống chính là kênh hỗ trợ kịp thời và vô cùng cần thiết để doanh nghiệp áp dụng. Hiện nay, trên các phương tiện cung cấp thông
tin, mặc dù doanh nghiệp cũng có thể tìm thấy các nội dung mà mình mong muốn nhưng các thông tin lại rất rải rác, nhiều nguồn chưa đáng tin cậy. Không những thế, một số thông tin quan trọng lại chưa được dịch ra tiếng Việt, gây trở ngại lớn cho việc tiếp cận của các doanh nghiệp.