Nguồn nguyên liệu đầu vào chưa ổn định

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHUỖI CUNG ỨNG mặt HÀNG cá TRA, cá BASA XUẤT KHẨU vào THỊ TRƯỜNG mỹ (Trang 57 - 59)

Lượng cá tra đông lạnh nhập khẩu vào Mỹ qua các năm

2.2.2.2.1. Nguồn nguyên liệu đầu vào chưa ổn định

Năm 2008 là năm cuối cùng trong giai đoạn phát triển thịnh vượng nhất của ngành cá Tra từ trước tới nay (2000-2008). Trong vòng 8 năm, diện tích nuôi cá tra cả nước tăng năm lần, đạt hơn 6.000 ha. Sản lượng thương mại tăng 35 lần, từ 37 nghìn 500 tấn lên 1,35 triệu tấn. Xuất khẩu tăng 35 lần từ 40 triệu lên 1,4 tỷ USD. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng năm 2008, tính bình quân một ha nuôi đạt sản lượng 183 tấn, cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho chế biến. Nhưng cũng chính sự tăng trưởng trong vòng gần mười năm của ngành cá Tra lại là nguyên nhân của khủng hoảng hiện nay. Sự tăng trưởng nóng cộng với lợi nhuận do xuất khẩu cá Tra mang lại đã tạo ra một làn sóng đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực này. Trong vòng năm năm, từ năm 2003 đến 2008, số nhà máy chế biến thủy sản của cả nước tăng 2,3 lần, công suất thiết kế tăng 2,7 lần, số nhà máy chế biến thức ăn tăng gấp 3,5 lần về số lượng và công suất. Trung bình mức huy động công suất chỉ vào khoảng 55% trong nhiều năm. Sản xuất phát triển quá nhanh trong khi năng lực nuôi trồng và mở rộng thị trường không theo kịp đã dẫn đến sự dư thừa về cung vào năm 2008, theo sau đó là "cái chết" dây chuyền của cả một loạt nhân tố: Doanh nghiệp thua lỗ, ép giá người nuôi; người nuôi thua lỗ, treo ao. Từ đó đến nay, ngành sản xuất và xuất khẩu cá Tra, cá Basa rơi vào khủng hoảng nặng nề.

Trong những năm trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ cá Tra, cá Basa ngày một lớn, lượng khách hàng hỏi mua cá Tra liên tục tăng nhưng doanh nghiệp lại không dám chào bán ra bởi tình hình nguyên liệu mỗi ngày một cạn kiệt, giá tăng chưa có điểm dừng. Thiếu nguyên liệu, nhiều nhà máy phải ngưng, thậm chí đóng cửa nhà máy. Năm 2010, khi giá cá Tra thành phẩm đang tăng ở mức kỷ lục tăng từ 23.000- 23.500 đồng/kg, nhưng nguồn nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy đã cạn kiệt vì nông dân ‘treo ao’ không dám đầu tư nuôi mới. Do không có nguồn nguyên liệu, hơn 200 trong tổng số trên 300 doanh nghiệp phải tạm ngưng xuất khẩu cá Tra.

Sang năm 2011, 2012, khó khăn bùng phát, cả doanh nghiệp lẫn người nuôi cá tra đều thiếu vốn nghiêm trọng, khiến sản xuất bị thu hẹp và đình đốn.

Nguồn nguyên liệu trong dân chỉ còn khoảng 30% không đủ cung cho các nhà máy làm toàn bộ chuỗi sản xuất bị thu hẹp và đình đốn.

Theo thống kê, những ngày đầu tháng 9/2013 tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long liên tục xảy ra tình trạng sốt cá nguyên liệu. Các nhà máy phải cử người xuống các vùng nuôi săn lùng cá, dành nhau mua cả loại cá có kích cỡ không đạt chuẩn dười 800 gram, làm chất lượng cá không đảm bảo và rất lãng phí. Trong tháng 10/2013, giá cá tra thu mua tại ao đã lên mức 23.500 – 24.000 đồng/kg nhưng người nuôi cũng không có hàng để bán. Giá cá tra xuất khẩu cũng đã tăng ít nhất 0,2 – 0,25 cent/kg, lên mức 2,6 – 3 USD/kg nhưng các doanh nghiệp cũng không còn đủ hàng để xuất khẩu. Theo khảo sát của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, tổng sản lượng cá tra sản xuất từ nay đến cuối 2013 còn chưa đến 50.000 tấn, trong khi nhu cầu cần tới 300.000 tấn. Hơn 70 nhà máy chế biến cá Tra chỉ có chưa tới 30 nhà máy có vùng nguyên liệu nhưng cũng chỉ chủ động được 40%, còn 40 nhà máy còn lại phụ thuộc vào cá của dân, trong khi nguồn này hầu như không còn. Do không còn nguyên liệu nên có nhiều nhà máy cá tra chỉ còn chạy cầm chừng, đa số chỉ đáp ứng 40 – 50% công suất.

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHUỖI CUNG ỨNG mặt HÀNG cá TRA, cá BASA XUẤT KHẨU vào THỊ TRƯỜNG mỹ (Trang 57 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(81 trang)
w