Một nàng linh dương

Một phần của tài liệu Châu Phi nghìn trùng: Phần 1 (Trang 55 - 69)

Như Kamante đến chỗ tôi từ miền đồng thảo, Lulu đến từ những cánh rừng.

Khu bảo tồn rừng Ngong nằm phía Đông đồn điền, khi xưa hầu hết diện tích là rừng nguyên sinh. Quả đáng buồn khi thấy những cánh rừng già ở đây bị đốn hạ, rồi đem bạch đàn hay ngân hoa trồng thế vào; lẽ ra đó phải là một miền đất kì thú, một công viên vô song cho Nairobi.

Mỗi khu rừng nguyên sinh châu Phi là một vùng đất bí ẩn. Bạn như tiến nhập vào những tầng sâu của một tấm thảm cổ, theo thời gian chỗ thì nhạt đi hay tối sậm lên, song sắc xanh lục luôn tràn trề đến diệu kì. Chẳng còn thấy bầu trời, nhưng xuyên qua tán lá, ánh dương trong đây đùa giỡn đủ kiểu lạ thường. Những vạt nấm xám màu, giống chòm râu dài bám trên các thân cây, cùng những giống dây leo chằng chịt lòng thòng khắp nơi, tạo nên một không khí ẩn mật, thâm sâu cho đại ngàn nguyên sinh. Chủ nhật, rỗi việc đồn điền, tôi thường cưỡi ngựa tới đây cùng Farah, rong ruổi lên xuống những triền dốc hay băng qua các con suối rừng uốn khúc. Không khí rừng già mát rười rượi tựa nước và ngát hương các loài thực vật. Đầu mùa mưa dầm, lúc các giống cây leo trổ hoa, bạn sẽ ruổi ngựa xuyên qua hết vùng thơm lừng này sang một vùng thơm ngát khác. Có một loại thụy hương châu Phi, nở ra thứ hoa li ti, dinh dính, màu kem, dạng chùm với mùi thơm ngọt ngào nức mũi, giống hương hoa tử đinh hương, hay hoa loa kèn dại ở thung lũng. Đây đó bạn bắt gặp các khúc gỗ có bộng mà người Kikuyu dùng dây da treo trên một nhánh cây, để ong kéo về làm tổ lấy mật. Một đận, khi quành ở khúc ngoặt trong rừng, chúng tôi nhìn thấy một chú báo ngồi ngay giữa đường, tựa như tấm thảm sống.

Trên cao trong đây có một bộ tộc luôn chí chóe chẳng lúc nào chịu yên: loài khỉ xám nhỏ. Khi đám khỉ chuyền cành phía trên con đường, thứ mùi hôi khăn khẳn, giống mùi chuột của chúng lưu lại mãi trong không khí. Đang cưỡi ngựa, thình lình trên đầu bạn rào rào tiếng di chuyển vun vút, ấy là lúc bầy khỉ đang băng ngang, theo đường riêng của chúng. Nếu dừng ngựa

đứng yên một chặp, mắt bạn có thể chộp được một chú khỉ trong bầy đang ngồi bất động trên cây, và lát sau sẽ phát giác ra cả khoảnh rừng quanh mình nhan nhản gia đình chú, lúc lỉu như quả trên cành, các bóng nhỏ màu xám hay tối sẫm tùy vào cách ánh mặt trời rọi tới, con nào con nấy đuôi lòng thòng đằng sau. Lũ khỉ phát ra thứ âm thanh lạ lùng, giống chúm môi hôn gió kèm theo một tiếng ho nhỏ; nếu từ dưới mặt đất bắt chước âm thanh này, bạn sẽ thấy cả lũ ngó nghiêng dáo dác với bộ dạng như đóng kịch, nhưng nếu bạn đột ngột cử động thì chỉ một giây cả đám sẽ mất dạng, và bạn có thể dỏng tai theo tiếng oàm oạp xa dần khi chúng rẽ ngọn cây biến vào rừng giống bầy cá lẩn vào những con sóng.

Giữa rừng Ngong tôi cũng từng bắt gặp, trên lối mòn xuyên qua lớp cây cối rậm rạp, giữa một buổi trưa vô cùng nóng nực, một chú lợn thuộc nòi Lợn rừng lớn cực kì hiếm gặp. Chú vụt băng ngang, cùng con cái và ba con non, nhanh như tên bắn, các hình cắt to nhỏ hệt nhau từ một loại giấy sẫm màu in trên nền xanh ngập nắng. Đấy là một hình ảnh huyền diệu, giống bóng nước dưới đáy hồ trong rừng hay cảnh tượng xảy ra đã cả ngàn năm trước.

Lulu thuộc thứ chi có vằn đốm, đây có lẽ là loại linh dương kiều diễm nhất châu Phi. Linh dương vằn đốm nhỉnh hơn hoẵng chút đỉnh, nhút nhát và luôn lẩn lút thành thử hiếm khi bị bắt gặp như các giống linh dương thảo nguyên khác. Chúng thường sống trong rừng cây thân gỗ hay những miền cây bụi mọc lúp xúp. Có điều linh dương vằn đốm lại ưa sống trong rặng Ngong cùng vùng phụ cận, bởi vậy nếu bạn hạ trại trong núi để đi săn vào sáng sớm, hay giữa chiều tà, sẽ có cơ bắt gặp chúng rời các bụi cây bước ra trảng trống, và tấm áo khoác chúng ngời lên sắc đỏ đồng thau dưới nắng. Các con đực còn có thêm cặp sừng cong thanh thoát.

Lulu trở thành thành viên trong nhà tôi theo cách sau:

Một sáng tôi lái xe từ đồn điền xuống Nairobi. Trước đó ít lâu, xưởng chế biến cà phê ở đồn điền bị cháy nên tôi phải nhiều đận ngược xuôi thành phố làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm và sớm ấy đầu óc tôi đang xoay mòng mòng với các con số cùng dự toán. Khi đang lái xe dọc quốc lô Ngong, tôi thấy mấy chú lỏi Kikuyu bên lề hét gọi mình, giơ cao một con linh dương bé xíu cho xem. Biết chúng hẳn vừa vớ được con vật và giờ đang muốn

bán cho mình đây, song bởi đã trễ giờ hẹn ở Nairobi và chẳng còn bụng dạ nào nghĩ tới những việc như vậy, thành thử tôi vẫn cứ bon bon.

Chiều trên đường về, lúc lái xe qua chỗ ban sáng, tôi lại nghe tiếng la to từ bên lề. Lũ trẻ vẫn còn đấy, thấm mệt và nản chí bởi suốt hôm đó hẳn đã gắng xoay xở chào mời con vật cho những người qua lại, giờ chỉ mong bán phứt cho xong nợ trước khi mặt trời lặn nên lại giơ con linh dương lên cao câu dụ tôi. Nhưng vừa có một ngày vất vả ở thành phố, thêm việc điều đình bảo hiểm không như ý, tôi chẳng buồn dừng xe hay trao đổi gì mà cứ thế phóng ào qua. Về tới nhà, thậm chí không nghĩ ngợi gì, tôi chỉ ăn tối rồi lên giường.

Lúc bắt đầu gà gật bỗng tôi choàng tỉnh bởi một nỗi hãi hùng. Hình ảnh mấy thằng nhóc và con linh dương nhỏ giờ hiển hiện trước mắt như một bức tranh, và tôi sợ hãi ngồi bật dậy, hơi thở thắt nghẹn như bị ai siết cổ. Điều gì, tôi nghĩ bụng, sẽ xảy đến cho con vật bị đám trẻ đứng chầu chờ cả ngày nóng nực giơ ngược mấy chân lên như thế? Nó còn quá nhỏ để tự kiếm ăn được. Chính tôi đã lái xe đi qua đó tới hai lần trong cùng một ngày, vừa đóng vai thầy tế vừa là người Lê-vi* mà chẳng hề để tâm, và giờ đây con vật kia ở đâu? Rời khỏi giường trong tâm trạng thực sự hốt hoảng, tôi khua hết gia nhân dậy, bảo phải tìm cho ra con linh dương và mang về cho tôi vào sáng mai, nếu không tất tật sẽ bị đuổi việc. Họ hiểu ngay ra tình thế. Hai cậu gia nhân ban ngày ngồi cùng xe với tôi, và chẳng hề tỏ ra đoái hoài tới lũ trẻ hay con linh dương, giờ liền đứng ra cung cấp cho mọi người địa điểm, thời gian sự việc cũng như thông tin nhà đám trẻ. Đấy là một đêm trăng sáng vằng vặc; tất tật gia nhân lên đường, vừa tỏa đi các hướng vừa bàn tán rôm rả; tôi nghe họ bảo nhau cố tìm cho ra con linh dương kẻo cả đám bị sa thải.

Sớm hôm sau, lúc Farah mang trà lên cho tôi thì Juma cùng bước vào bế theo con linh dương. Đó là một con linh dương cái, chúng tôi đặt tên nó là Lulu, theo tiếng Swaheli nghĩa là ngọc trai.

Dạo ấy Lulu chỉ lớn bằng con mèo, mang cặp mắt to, tĩnh lặng, màu tím. Chân Lulu mảnh mai tới độ bạn e chúng sẽ gãy gập vì phải co lại rồi duỗi ra mỗi bận Lulu nằm xuống hay đứng lên. Đôi tai nó mượt như lụa và cực kì biểu cảm. Mũi Lulu đen như một cây nấm. Những cái móng bé xíu khiến nó mang cốt cách một thiếu nữ Trung Hoa có đôi bàn chân bó vải, dưới

mái trường thời xưa. Thật là một trải nghiệm hi hữu khi được ôm một tạo vật hoàn mỹ đến thế trong tay.

Lulu mau chóng thích nghi với ngôi nhà cùng các cư dân của nó và xử sự như thể đang trong nhà mình. Vào những tuần đầu, mặt sàn trơn bóng ở các phòng là nỗi rầy rà của đời nó, và hễ cứ bước khỏi thảm là cả bốn cẳng chân nó lại bị trượt soài tứ phía. Điều tưởng chừng như một thảm họa này chẳng làm Lulu quá bận tâm, cuối cùng nó đã học được cách đi trên sàn với một tràng thanh âm như tiếng mấy ngón tay nhỏ giận dữ gõ lên bàn. Lulu cực kì sạch sẽ trong mọi nết ăn ở. Đã bướng bỉnh như một đứa trẻ, nhưng khi bị tôi ngăn cản làm những điều nó muốn, cung cách Lulu tỏ ra: Sao cũng được, miễn đừng cãi nhau.

Kamante cho Lulu bú bình, và tối nào chú cũng khóa trái cửa nhốt nó lại vì màn đêm buông cũng là lúc lũ báo lẩn quất quanh nhà. Bởi thế Lulu luôn đeo dính, xoắn xuýt lấy Kamante. Thỉnh thoảng, khi chẳng được cậu bé chiều ý, Lulu húc mạnh cái đầu non tơ vào đôi chân khẳng khiu của cậu, và nó quá đỗi khả ái đến mức, khi nhìn hai sinh vật ấy bên nhau, bạn không thể không liên tưởng tới một minh họa mới và đảo ngược cho câu chuyện

cổ tích Người đẹp và Quái vật. Với sức mạnh của vẻ đẹp và nét duyên

dáng ấy, Lulu chiếm vị trí ăn trên ngồi trốc, và được tất cả trọng thị.

Ở châu Phi tôi không nuôi loại chó nào ngoài nòi săn hươu xứ Scotland. Chẳng nòi chó nào quý phái và thanh lịch hơn được chúng. Cung cách của loài này cho thấy chúng hẳn đã sống bên con người nhiều thế kỷ để hiểu và thích ứng cùng cuộc sống chúng ta đến vậy. Hình loài săn hươu xứ Scotland có trên nhiều bức tranh hay tấm thảm xưa, và bằng dáng vẻ cùng phong cách, chúng khả dĩ biến phong cảnh xung quanh thành ra cảnh trong một bức thảm và mang lại cho cảnh vật thứ sắc thái thời phong kiến.

Con đầu tiên trong gia tộc Săn hươu xứ Scotland của tôi tên gọi Dusk, vốn là món quà cưới, đã đồng hành cùng tôi từ khi bắt đầu cuộc đời ở châu Phi trên “con tàu Mayflower*”, hẳn có thể nói như vậy. Dusk can đảm và hào hiệp. Nó từng theo tôi, vào mấy tháng đầu cuộc chiến, tham gia chuyến tải hàng cho chính phủ trong Khu bảo tồn Masai. Nhưng sau đó vài năm Dusk bị ngựa vằn giết chết. Thời điểm Lulu tới sống trong nhà, tôi đang có hai đứa con của Dusk.

Nòi Săn hươu xứ Scotland rất hòa hợp cảnh sắc và con người châu Phi. Đó có lẽ bởi độ cao, cả ba đối tượng trên đều mang khí chất vùng cao, vì tại Mombasa, nơi nằm ngang mực nước biển, giống này nom chẳng còn hài hòa đến vậy. Điều này dẫn đến sự thể là dường như phong cảnh hùng vĩ và bao la với thảo nguyên, núi đồi, sông suối kia vẫn chưa trọn vẹn cho đến khi có nòi Săn hươu góp mặt. Nòi này con nào cũng giỏi đi săn và thính hơi hơn các loại chó săn khác, song lúc săn đuổi chúng hoàn toàn dùng mắt và cảnh hai con Săn hươu phối hợp cùng săn mới tài tình làm sao. Mỗi khi cưỡi ngựa vào Khu bảo tồn động vật hoang dã - ở đây không được phép săn bắn - tôi thường mang theo bầy Săn hươu và chúng xua lũ ngựa vằn và linh dương đầu bò túa ra khắp thảo nguyên, như thể tất cả các vì sao đang chạy tán loạn trên bầu trời. Nếu có đám Săn hươu cùng săn ở khu Bảo tồn Masai, tôi sẽ chẳng bị lọt mất đầu thú đã trúng đạn nào.

Giữa rừng già bản địa, nom chúng cũng tuyệt đẹp với sắc xám đen giữa bạt ngàn lục sẫm. Một con Săn hươu của tôi từng hạ được cả con đực già lực lưỡng dòng khỉ đầu chó. Trong cuộc đấu tay đôi ấy, mũi nó bị đập bẹt làm xấu cả nét bán diện quý phái nhưng cư dân đồn điền vẫn coi đây là thương tích đáng tự hào, vì khỉ đầu chó là loài chuyên phá phách, bị dân bản xứ thậm ghét.

Nòi Săn hươu rất khôn, biết phân biệt trong các gia nhân của tôi ai theo đạo Hồi và không được phép chạm vào chó.

Trong mấy năm đầu sống tại châu Phi, tôi có một lão bộc vác súng dân Somali tên là Ismail; ông đã qua đời dạo tôi vẫn còn ở đó. Ismail thuộc lớp phu vác súng già, giờ những con người như thế đã mai một. Ông được nuôi dạy bởi các tay thợ săn đại thú kiệt xuất thời đầu thế kỷ, hồi toàn bộ châu Phi còn là khu công viên đích thực của hươu nai. Hiểu biết của ông về thế giới văn minh chỉ gói gọn trong lĩnh vực săn bắt, và Ismail nói thứ

tiếng Anh của giới đi săn: ông dùng từ lớn tướng hay trẻ trung khi đề cập

tới khẩu súng trường của tôi. Sau ngày Ismail quay về quê nhà Somali*, tôi

nhận được một lá thư ông đề gửi cho Blixen sư tử can trường, mở đầu thế này: Sư tử đáng kính ơi. Là một tín đồ nhất cử nhất động tuân thủ lề luật

Hồi giáo, cả đời không được đụng chạm vào chó, Ismail luôn lo ngại lúc làm việc. Nhưng ông lại coi Dusk là trường hợp ngoại lệ và chẳng ngần ngại khi tôi cho nó cùng ngồi chen chúc trên cỗ xe lừa kéo. Thậm chí

Ismail để Dusk ngủ chung lều. Bởi như ông bảo Dusk chỉ nhìn cũng nhận được ra người Hồi giáo, và chẳng bao giờ chạm vào ông. Thậm chí, Ismail quả quyết với tôi, Dusk có khả năng chỉ đưa mắt là phân định được một tín đồ Hồi giáo chân chính. Một bận ông bảo: “Hóa ra Dusk cùng thuộc bộ lạc của cô. Nó cười cợt cả người.”

Giờ bầy chó của tôi cũng nhận ra uy quyền và chỗ đứng trong nhà của Lulu. Cái ngạo mạn ở các thợ săn vĩ đại tan ra như nước trước nó. Lulu đuổi chúng khỏi các bát sữa và những chỗ nằm ưa thích trước đống lửa. Tôi cột một cái chuông nhỏ vào vòng cổ Lulu, và mỗi bận nghe tiếng chuông leng keng ấy tiến lại gần, bầy chó nhịn nhục rời khỏi những cái giường ấm áp bên lò chuyển sang nằm mé khác của phòng. Ấy thế nhưng chẳng đối tượng nào có thể làm ra thái độ lành hiền vượt được Lulu khi bước vào và nằm xuống, theo kiểu một quý bà đích thực từ tốn chỉnh trang vạt váy quanh mình để không làm vướng lối ai. Nó uống sữa với bộ tịch lễ độ, tỉ mẩn, như thể bị một bà chủ quá tốt bụng nài ép. Lulu thường đòi được gãi sau tai, với một dáng điệu nhẫn nhịn duyên dáng, giống cô dâu mới thân mật cho phép anh chồng vuốt ve.

Khi lớn hơn và bước vào giai đoạn rực rỡ nhất của tuổi thanh xuân, Lulu trở nên một nàng linh dương thon thả tuyệt vời, từ đầu tới chân đẹp đến độ chẳng thể hình dung. Trông nó như hình vẽ minh họa tỉ mỉ khúc ca về những con linh dương thông minh và dịu dàng bên sông Hằng của Henrich Heine*.

Song le chẳng hề hiền hòa, thực ra trong Lulu có chứa, như người ta thường bảo, một con quỷ. Nó sở hữu, ở mức tột đỉnh, một tính cách phụ nữ điển hình là tỏ ra chỉ luôn tự vệ trong khi thật ra, với toàn bộ sức mạnh sẵn có, lại đang nhăm nhe tấn công. Công kích ai? Cả thế giới. Càng lớn Lulu càng trái tính trái nết; nó có thể lao tới tấn công cả ngựa của tôi nếu chú khiến nó không hài lòng. Tôi nhớ ông Hagenbeck ở Hamburg* từng chỉ ra trong tất tật chủng loại động vật, kể cả thú ăn thịt, đám hươu nai linh dương là ít đáng tin cậy nhất, và bạn có thể tin tưởng cả loài báo, nhưng nếu tin vào một con hươu non, sớm hay muộn cũng sẽ bị nó húc từ đằng sau.

Lulu là niềm tự hào của cả nhà ngay cả những lúc cư xử như một cô ả đỏng đảnh, chẳng hề biết thẹn thực thụ, ấy vậy mà chúng tôi vẫn chẳng thể khiến

nó bằng lòng. Lâu lâu Lulu lại bỏ đi mất dạng nhiều giờ, hoặc suốt chiều.

Một phần của tài liệu Châu Phi nghìn trùng: Phần 1 (Trang 55 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)