Tối ngày mười chín tháng Chạp, trước khi ngủ tôi bước ra bên ngoài xem liệu trời có sắp mưa chăng. Tôi tin nhiều nông gia ở miệt cao nguyên này cũng làm vậy vào giờ đó. Đôi khi, ở một năm may mắn, chúng tôi sẽ nhận được vài trận mưa lớn dịp Giáng Sinh, và đó là điều tuyệt diệu cho lứa trái cà phê mới đậu sau đợt nở hoa trong những cơn mưa rào thoáng qua hồi tháng Mười. Tối ấy không có dấu hiệu nào của mưa. Trời quang, lặng thầm đắc thắng và rực rỡ với muôn sao.
Trời sao vùng xích đạo phong phú hơn của các nước phương Bắc và được ngắm nhìn thường xuyên hơn bởi vào những buổi tối chúng ta ở ngoài trời nhiều hơn. Tại Bắc Âu, đêm mùa đông quá rét cho thú ngắm sao, còn mùa hè lại khó lòng nhìn ra chúng trên khung trời đêm tím nhạt màu hoa violet. Đêm miền nhiệt đới có không khí thân thiện của một giáo đường Công giáo La Mã so với các nhà thờ Tin lành phương Bắc chỉ cho bạn vào khi có lễ. Gian sảnh vô tận dưới mái vòm vĩ đại này là nơi vạn sự diễn ra, mọi người đến rồi đi. Với Ả Rập và châu Phi, nơi mặt trời ban trưa giết chết bạn, đêm là thời gian ta di chuyển và dành cho công việc. Ở đây các ngôi sao được đặt tên, chúng dẫn đường cho con người trong nhiều thế kỉ, đưa họ theo những vạch đường dài cắt qua sa mạc và đại dương, người này đi về phía Đông kẻ kia lại di chuyển hướng Tây, hoặc phía Bắc, phía Nam. Xe cộ vận hành trơn tru lúc đêm tối, và lái ôtô dưới trời sao thật lí thú làm sao; bạn dần dà có thói quen ấn định các chuyến ghé thăm bạn bè vào dịp trăng tròn kế tiếp. Bạn lên đường đi săn vào lúc trăng non, nhằm tận dụng được toàn bộ những đêm trăng tròn. Và rồi ta cảm thấy lạ lẫm lắm, khi có dịp về thăm châu Âu, thấy thân bằng cố hữu ở các thành thị chẳng hề sống theo chu kì chuyển động của trăng và gần như mù tịt về nó. Vầng trăng lưỡi liềm ló dạng chính là dấu hiệu cho chàng dẫn lạc đà chuyển hàng hóa của Khadija* khởi hành. Ngẩng mặt ngước nhìn trăng, chàng trai là một trong “những hiền triết lấy ánh trăng dệt nên cả hệ vũ trụ.” Hẳn phải thường say
sưa nhìn ngắm trăng lắm mới khiến chàng đánh dấu địa điểm cần chiếm bằng hình mặt trăng.
Tôi nức tiếng trong cộng đồng bản xứ, do chỗ nhiều lần ngẫu nhiên bắt gặp trước nhất vầng trăng non như một cánh cung bạc mong manh giữa trời hoàng hôn; đặc biệt có hai hay ba năm liên tiếp, tôi là người đầu tiên nhìn thấy trăng lưỡi liềm trong tháng Ramadan, tháng thiêng của người Hồi giáo.
Người nông dân chậm rãi lia mắt theo đường chân trời. Trước tiên là đằng Đông, bởi từ đấy, nếu có, mưa sẽ tới, và kia là sao Giác tú thuộc chòm Trinh nữ. Rồi chuyển về hướng Nam, để chào đón chòm Thập tự phương Nam, lính gác cửa của thế giới rộng lớn, người bạn thủy chung và được yêu mến của lữ khách, còn cao hơn bên trên, ngay dưới vệt sáng dải Ngân Hà là hai ngôi Alpha và Beta thuộc chòm Bán nhân mã. Ở mạn Tây Nam, lồ lộ trên nền trời là ngôi Thiên lang nhấp nháy cạnh sao Canopus trầm tư, còn ở phía Tây, nằm bên trên đường viền mờ của rặng Ngong giờ như đã liền thành một dải, lấp lánh mấy viên kim cương sáng chói của chòm Thợ săn-Rigel, Betelgeuze và Bellatrix. Chàng ngoảnh về phương Bắc sau cùng, bởi rốt cục chúng ta sẽ theo hướng ấy về nhà, để ngắm chòm Đại hùng điềm nhiên trồng cây chuối*, và trò đùa nghịch kia của chú gấu khiến trái tim Bắc Âu xa xứ vui vui.
Người nằm mơ trong giấc ngủ đêm biết một thứ hạnh phúc đặc biệt mà thế giới ban ngày chẳng có, một trạng thái ngất ngây dễ chịu tận đáy lòng, như vị ngọt mật ong trên đầu lưỡi. Họ cũng biết vầng hào quang đích thực của giấc mơ nằm nơi bầu không khí tự do vô hạn của nó. Đó không phải thứ tự do của kẻ nắm quyền tối thượng bắt thế giới tuân theo ý thích bản thân, mà là cái tự do của nghệ sĩ, người chẳng có ước muốn và ước muốn cũng chẳng kiểm soát được anh. Niềm vui của người nằm mơ chân chính không ở nội dung giấc mơ, mà ở chỗ trong mơ hết thảy diễn ra không do tác động từ anh ta và nằm ngoài tầm kiểm soát của anh ta. Những khung cảnh tráng lệ tự hiện lên, những tầm nhìn bao la hùng vĩ, những sắc màu phong phú và tráng lệ, đường xá nhà cửa anh ta chưa từng thấy hay nghe nói đến. Nhiều người lạ xuất hiện, là bạn hữu hay kẻ thù, mặc cho kẻ nằm mơ chưa từng liên can gì tới họ. Việc bay lượn hay đuổi bắt luôn tái diễn trong giấc mơ và trò nào cũng hào hứng như trò nào. Ai cũng thốt ra những câu dí dỏm
tuyệt trần. Có một sự thật là ban ngày hồi tưởng sẽ thấy lời lẽ kia nhạt nhẽo, mất ý nghĩa bởi chúng thuộc bình diện khác, nhưng đêm về, ngay khi chìm vào giấc ngủ vùi, hiện tại sẽ đóng lại và người nằm mơ liền nhớ ra vẻ đẹp của chúng. Lúc nào một cảm giác tự do vô hạn, một thứ hạnh phúc phi trần thế, cũng vây quanh và thẩm thấu anh ta như không khí hay ánh sáng vậy. Anh là người được hưởng phúc, chẳng phải làm mà hết thảy đều được
đưa đến vì phú quý và vui sướng của anh; các vua Tarshish sẽ mang lễ vật
tới*. Tham gia vào chiến trận hay trận đấu bóng cam go, giữa lúc mọi sự diễn ra xung quanh, anh ngạc nhiên sao mình có đặc ân được nằm ườn ra đây. Đó là lúc người ta bắt đầu đánh mất ý thức về tự do, và lúc ý niệm nghĩa vụ, nỗi ép buộc bắt đầu thâm nhập vào thế giới ấy, lúc tồn tại bất kì sự hấp tấp hay căng thẳng nào như một lá thư phải thảo hoặc một chuyến tàu phải đón đợi, lúc bạn phải hành động để xua bầy ngựa trong mơ cất vó, hay khiến khẩu súng phát hỏa, thì giấc mơ ấy đang suy vi, đang chuyển thành cơn ác mộng - dạng giấc mơ nghèo nàn và dung tục nhất.
Ngoài đời thực, thứ gần đạt đến giấc mơ hơn cả là đêm tối ở một thành phố lớn, nơi chẳng ai biết ai, hoặc buổi đêm Phi châu. Tại đấy cũng có thứ tự do khôn cùng, vạn sự diễn ra và vô vàn số mệnh được an bài quanh bạn, mọi phía đều có các hoạt động và bạn chẳng cần để tâm đến tất tật điều đó. Hiện tại nơi đây, ngay lúc mặt trời vừa lặn, không trung đã đầy dơi, êm lặng bay như xe hơi bon bon đường nhựa. Cả cú muỗi cũng vụt qua: chúng là loài chim đậu trên đường, đôi mắt lóe đỏ bởi ánh đèn xe bạn một giây trước khi vút bay lên ngay trước mũi xe. Lũ thỏ rừng bé nhỏ cũng kéo cả ra đường, di chuyển theo cách thức riêng chúng: ngồi thụp xuống rồi bật xa theo nhịp, giống một thứ chuột túi tí hon. Ve sầu ca bài ca bất tận từ trong đám cỏ mọc cao, những thứ mùi loang trên mặt đất còn sao băng thì cắt ngang bầu trời, giống nước mắt rơi trên má. Bạn là người hưởng phúc,
được nhận lãnh tất cả. Các vua Tarshish sẽ mang lễ vật tới.
Vài dặm ngoài kia, trong Khu bảo tồn Masai, bầy ngựa vằn đang đổi qua bãi cỏ mới, cả đàn di chuyển, tựa những cái sọc có màu sáng hơn, trên mặt thảo nguyên xám. Đàn trâu cũng đang ra gặm cỏ trên các sườn núi thoai thoải. Có một toán vài ba trai tráng đồn điền đi ngang, bước phăm phăm thẳng nhắm tới đích đến, người nọ bám sau người kia thành một chuỗi bóng sẫm, mảnh dẻ, in trên cỏ; họ không làm việc cho tôi, họ chẳng phải
mối bận tâm của tôi. Toán thanh niên nhấn mạnh điều này với việc chỉ giảm nhịp chân bước lúc thấy đốm lửa điếu thuốc của tôi bên ngoài nhà, và cất tiếng chào mà không hề dừng lại.
“Jambo* Msabu.”
“Jambo Morani” - chàng chiến binh, - “Các anh đi đâu thế?”
“Chúng tôi tới manyatta* nhà Kathegu. Tối nay ở đó có một Ngoma* lớn.
Tạm biệt Msabu.”
Nếu đi thành các nhóm đông hơn, họ thường mang theo trống để nhảy, và bạn sẽ nghe văng vẳng tiếng trống xa lắc, giống cái đập khẽ khàng từ đầu ngón tay của màn đêm. Bỗng đột nhiên, vọng tới đôi tai vốn đang không sẵn sàng tiếp nhận, là một thứ giống cái rung động nhẹ của không khí hơn là âm thanh, một tiếng rống ngắn ngủi của sư tử từ xa thẳm. Nó đã tỉnh dậy và đang săn mồi, nhiều chuyện đang xảy ra ngoài kia, chỗ sư tử. Tiếng rống không lặp lại, nhưng nó đã mở rộng đường chân trời, đưa bạn đến các hẻm núi và hố nước.
Lúc tôi đang đứng trước nhà thì có một tiếng súng, cách không xa. Một phát duy nhất. Rồi cái tĩnh lặng của màn đêm lại khép chặt tứ bề. Sau một lát, như thể vừa im bặt lắng nghe và giờ lại tiếp tục, lũ ve sầu ra rả bài ca ngắn đều đều trong cỏ.
Một tiếng súng độc nhất giữa đêm hôm thanh vắng mang tính định đoạt và chết chóc lạ thường. Nó phảng phất giống ai đó hét lên với bạn thứ thông điệp chỉ có độc một từ, và không lặp lại. Tôi đứng yên một chập, thầm hỏi chuyện gì. Giờ này chẳng ai còn nhắm bắn thứ gì, và để xua đuổi con vật nào đó đi, người ta sẽ nổ hai phát hoặc hơn.
Đây có thể là bác thợ mộc người Ấn tên gọi Pooran Singh, dưới xưởng chế biến, đang bắn một cặp linh cẩu lẻn vào sân gặm các sợi dây da bò được đeo đá cho giãn thẳng ra làm dây cương xe chở hàng. Không phải anh hùng, nhưng vì mấy bộ dây cương, bác Pooran Singh hoàn toàn có thể hé cửa lều khai hỏa khẩu súng săn cũ kĩ của mình. Bác cũng sẽ vẫn nã cả hai phát rồi nạp đạn bắn tiếp, một khi đã nếm thử vị ngọt ngào của hành động anh hùng. Song chỉ một phát, và rồi tắt lịm ư?
Tôi đợi tiếng nổ thứ hai một lát: chẳng nghe gì và khi ngước trông trời lần nữa, thấy mưa cũng không tới. Đoạn tôi trở vào giường, cầm theo một cuốn sách, và vẫn để đèn. Tại châu Phi, khi nhặt được một cuốn đáng giá từ cả đống văn hóa phẩm tẻ ngắt mà các con tàu hàng châu Âu đưa qua, bạn sẽ đọc nó ngấu nghiến hệt như cách tác giả ước mong sách của mình được đọc, thầm cầu Chúa ban cho tác giả năng lực để tiếp tục cuốn sách cũng tuyệt vời hệt như cách anh ta đã bắt đầu. Tâm trí bạn vui sướng phóng đi, bay lượn giữa một lối nhỏ xanh thắm, ngút ngàn.
Hai phút sau có một chiếc mô tô quành vào đường nhà tôi với tốc độ kinh hoàng, đỗ xịch trước thềm, rồi ai đó gõ mạnh lên ô cửa sổ rộng ngoài phòng khách. Tôi vội mặc váy, khoác tấm áo choàng, đi giày, cầm ngọn đèn, bước ra ngoài. Đứng đực trước cửa là viên quản sự xưởng chế biến của đồn điền, cặp mắt ngây dại và mồ hôi túa ra dưới ánh đèn. Anh ta tên Belknap, người Mĩ, một thợ máy có năng lực hiếm có và đầy cảm hứng, nhưng não trạng lại thất thường. Với anh mọi thứ hoặc trên mây xanh, hoặc đen tối không tia hi vọng. Dạo mới tới làm, anh khiến tôi rất khó chịu bởi nhãn quan mỗi lúc một khác về cuộc đời, về tiền đồ cùng tình cảnh đồn điền, như thể kéo não trạng tôi lên một chiếc đu bay ác nghiệt vậy; sau rồi tôi cũng dần quen chuyện này. Những trồi sụt biến thiên kia không gì khác là kiểu tập luyện cảm xúc hằng ngày của một khí chất nồng nhiệt, cần nhiều vận động nhưng lại gặp quá ít biến cố; hiện tượng này xảy ra phổ biến với các chàng trai da trắng giàu năng lượng ở châu Phi, đặc biệt những người lớn lên nơi thị thành. Song giờ đây, vừa thoát ra từ tấn thảm kịch, Belknap lại dùng dằng chưa quyết sẽ kể tất tật nhằm làm dịu tâm can kích động, hay lẩn tránh nỗi khiếp đảm bằng việc giảm thiểu mức độ tày đình, và kẹt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan ấy, nom anh ta giống chú nhóc chạy chối chết tới lắp bắp cấp báo một tai họa. Sau cùng Belknap chọn cách nói giảm đi, do chỗ chuyện cũng chẳng có gì để ba hoa, và số mệnh một lần nữa không phù trợ anh.
Lúc này từ nhà mình Farah cũng hớt hải bổ tới, cùng tôi nghe câu chuyện. Belknap thuật lại trước tai họa sự tình đã khởi đầu bình yên và vui vẻ ra sao. Người đầu bếp của anh nghỉ làm một ngày, thừa dịp này một bữa liên hoan được tổ chức trong bếp mà chủ tiệc là chú phụ bếp bảy tuổi Kabero, con trai một lưu dân, hàng xóm gần nhất trong đồn điền - lão Kaninu cáo
già. Về khuya, không khí vui vẻ dâng đến đỉnh điểm, Kabero mang khẩu súng của chủ vào bếp, và trước mặt lũ bạn đang phấn khích, đóng giả người da trắng. Mê gia cầm, Belknap mua gà thuần chủng ở Nairobi rồi nuôi gà trống thiến, gà mái tơ để bán và luôn giữ một khẩu súng bắn đạn ghém ngoài hiên nhằm xua đuổi lũ diều hâu và mèo hoang châu Phi*. Sau này bàn lại sự việc, Belknap một mực khẳng định khẩu súng không có đạn và lũ trẻ đã tự lấy ra nạp, nhưng tôi nghĩ anh nhớ nhầm bởi dẫu muốn trẻ nít cũng khó có thể làm được thế và nhiều khả năng khẩu súng nạp sẵn đạn đã bị bỏ tơ hơ ngoài hiên. Dầu gì đạn đã lên nòng khi Kabero, trong cái hăng máu của tuổi nhỏ và được hưởng ứng, nhằm thẳng vào đám khách khứa của mình mà siết cò. Tiếng súng vang dội khắp căn nhà. Ba trẻ bị thương nhẹ hốt hoảng chạy ùa khỏi bếp. Hai đứa giờ còn ở đó, trúng thương chí mạng hoặc đã chết. Belknap kết thúc chuyện kể bằng một tràng dài rủa nguyền lục địa châu Phi và mọi sự xảy ra tại đó.
Trong khi Belknap kể, các gia nhân của tôi đã lặng lẽ kéo cả ra ngoài, sau đó họ trở vào nhà mang đến một cây đèn bão. Chúng tôi đem theo băng cứu thương và thuốc sát trùng. Nổ máy chiếc xe sẽ chỉ phí thời gian nên cả đám dốc sức chạy băng qua vạt rừng xuống nhà Belknap. Chiếc đèn bão lắc qua lắc lại ném bóng chúng tôi từ mé này sang mé kia lối mòn. Trong khi chạy, chúng tôi nghe một tiếng la cụt lủn, non nớt, vỡ vụn - tiếng ré lên hấp hối của một đứa trẻ.
Cánh cửa bếp mở toang, như thể thần Chết xộc vào chốn này, rồi lao vụt ra, bỏ lại thảm cảnh ở chuồng gà sau khi chồn mò được vào. Trên bàn có một cái đèn bếp đang thắp, khói bốc cao đến trần, mùi thuốc súng vẫn còn đây đó. Khẩu súng nằm trên bàn, sau ngọn đèn. Máu me tung tóe khắp nơi, khiến tôi trượt chân. Khó tập trung ánh sáng những cây đèn bão vào một khu vực nhất định, nhưng quầng sáng của chúng lại soi rọi được toàn bộ căn phòng cùng tổng thể sự tình bên trong; tôi thường nhớ rõ những gì nhìn thấy dưới ánh đèn bão hơn các thứ đèn khác.
Tôi quen hai đứa bị bắn trên các thảo nguyên đồn điền, nơi chúng chăn dắt đàn cừu của cha. Wamai, con trai của Jogona, một cậu bé linh lợi từng dự lớp học buổi tối, giờ nằm trên sàn, giữa cửa và cái bàn. Cậu chưa chết, song thập tử nhất sinh, và đã hôn mê, dù có rên rỉ chút đỉnh. Chúng tôi chuyển Wamai qua bên để tiến vào trong. Đứa trẻ khi nãy ré lên là
Wanyangerri, nhỏ nhất buổi liên hoan. Nó đang trong tư thế ngồi, gục người về đằng trước, phía chiếc đèn; máu từ mặt - nếu còn có thể gọi chỗ