Những cánh bay

Một phần của tài liệu Châu Phi nghìn trùng: Phần 1 (Trang 179 - 195)

Khắp châu Phi, Denys Finch-Hatton không có nơi nào khác là nhà ngoài đồn điền này. Giữa những chuyến đi săn, anh quay về sống trong nhà tôi, cất giữ sách vở cùng chiếc máy hát của mình tại đây. Đồn điền, mỗi bận Denys trở lại, bộc bạch hết những gì chất chứa bên trong bằng thứ ngôn ngữ mà rẫy cà phê cất lên dịp các trận mưa đầu mùa trút xuống, để đơm nên những chùm hoa sũng nước, tựa như đám mây đá phấn. Đang trông ngóng Denys quay về, lúc nghe xe anh chạy trên con đường dẫn vào nhà, tôi cũng nghe thấy vạn vật ở đồn điền nhất loạt nhao nhao cất lên thứ tiếng nói tự bản thể. Denys hạnh phúc tại đồn điền, anh chỉ đến khi nào muốn và đồn điền tỏ tường một phẩm chất ở Denys mà chẳng đâu trên thế giới nhìn ra - đức chân thật. Denys chỉ làm những gì anh tự nguyện làm và

miệng anh chẳng hề có chút chi dối trá*.

Denys có một nét tính cách rất đáng quý với tôi, ấy là thích nghe kể chuyện. Bởi tôi luôn nghĩ mình hẳn có thể vang danh trong vai trò người kể chuyện ở thời bệnh dịch Florence*. Trào lưu thị hiếu giờ đã khác xưa, và tại châu Âu thứ nghệ thuật lắng nghe một câu chuyện kể đã mai một mất rồi. Dân sở tại, những người chẳng biết đọc, lại vẫn còn giữ năng lực này; nếu bạn mở lời bằng câu: “Chàng trai nọ đi ra thảo nguyên, và tại đó chàng gặp một người,” là lập tức tất cả sẽ chú tâm vào bạn, suy nghĩ của họ sẽ lần theo lối bước chân xa lạ của hai con người trên thảo nguyên. Còn dân da trắng, thậm chí dẫu biết cần lắng nghe, cũng không thể chú tâm dõi theo một câu chuyện kể. Nếu chẳng bồn chồn sốt ruột, và nhớ ra việc khác cần làm ngay, thì họ cũng chuyển sang gà gật. Cũng những người này sẽ hỏi mượn bạn thứ gì đó để đọc, và có thể ngồi suốt tối chìm vào bất kì ấn phẩm nào được trao, thậm chí họ có thể đọc cả những bài nói chuyện. Họ đã quen cảm nhận bằng mắt.

Sống dựa nhiều vào đôi tai, Denys thích được nghe một câu chuyện hơn là đọc nó; mỗi bận đến đồn điền anh thường hỏi: “Em có câu chuyện mới nào không?” Tôi sáng tác được vô khối những lúc vắng mặt anh. Tối tối, dọn

cho mình một chỗ thoải mái, trải mấy tấm nệm làm thành cái giường phía trước lò sưởi, còn tôi ngồi xếp bằng tròn trên sàn như nàng Scheherazade, Denys, mắt sáng như sao, sẽ nằm nghe từ đầu đến hết một câu chuyện dài. Anh theo chuyện còn sát hơn cả tôi, và trước sự xuất hiện đầy gay cấn của nhân vật nào đó, sẽ ngắt lời tôi bảo rằng: “Anh ta chết từ đầu chuyện rồi chứ, mà thôi kệ đi.”

Denys dạy tôi tiếng Latin, đọc Kinh Thánh và những bài thơ Hi Lạp. Bản thân anh thuộc làu cơ hồ từ đầu chí cuối Kinh Cựu Ước, và mang nó theo mọi cuộc hành trình, việc này khiến anh được dân Hồi giáo rất quý trọng. Anh cũng tặng tôi chiếc máy hát, thứ mang cho tôi cả một niềm hân hoan lớn, mang cho nơi đây cuộc sống mới và trở thành tiếng nói đồn điền.

“Giọng sơn ca trên trảng trống, như thể tiếng hồn ta” Lắm bận, giữa lúc

tôi đang ở ngoài rẫy cà phê hay nương ngô, Denys tới chẳng hề báo trước, mang theo các đĩa ghi âm mới; anh sẽ cho máy hát chạy, và khi tôi cưỡi ngựa trở về vào độ mặt trời khuất bóng, dòng suối nhạc réo rắt chảy về tôi, trong khí trời mát mẻ trong veo của chiều tà, sẽ thông báo sự có mặt của anh, cơ hồ anh đang cười với tôi, như vẫn thường thế. Dân bản xứ mê cái máy hát như điếu đổ, và thường đứng quanh nhà say sưa lắng nghe; mỗi gia nhân có một giai điệu ưa thích của mình và khi chỉ có mình tôi ở nhà, hay đòi được mở cho nghe. Thật lạ là Kamante lại hết mực thủy chung với sở thích khúc Adagio cung Soi trưởng bản concerto Bethoven soạn cho dương cầm; lần đầu đòi tôi mở khúc nhạc ấy, cậu cứ loay hoay mãi nhằm tìm cách diễn giải muốn được nghe giai điệu nào.

Tuy nhiên Denys và tôi không cùng gu thưởng thức. Tôi hứng thú với các tác giả cổ điển, còn Denys, ở mọi môn nghệ thuật, như hòng bù đắp cho thời nay vì bản thân đã thiếu thức thời, lại ưa những trường phái càng hiện đại càng tốt. Anh thích nghe thứ nhạc tân kì nhất. “Anh cũng sẽ ưa Bethoven,” Denys bảo, “nếu ông ấy đừng thô ráp quá thế.”

Denys và tôi, khi ở cạnh nhau, thường may mắn bắt gặp sư tử. Có những lần anh trở về sau một chuyến săn bắn dài cả hai hoặc ba tháng, ỉu xìu vì không sao tìm nổi một con sư tử ra hồn cho mấy vị khách châu Âu anh dẫn theo. Trong khi ấy người Masai cũng tới nhà nhờ tôi ra bắn hộ một con sư tử đực hoặc cái đang sát hại bầy gia súc của họ, và Farah cùng tôi đã bỏ

công dựng lều trong manyatta của họ, chầu chực thức cả đêm canh giết con

thú rồi sáng dậy lùng sục bên ngoài mà vẫn chẳng tìm ra dù chỉ một dấu chân sư tử. Ấy nhưng lúc hai chúng tôi cưỡi ngựa ngoài thảo nguyên, đám sư tử sẽ quanh quất đâu đó, tựa như chờ sẵn, và chúng tôi sẽ bắt gặp chúng đương ăn, hay đương băng qua lòng sông khô cạn.

Vào một sáng mùng một đầu năm, trước rạng đông, Denys và tôi đang phóng xe hết tốc lực để tới Narok trên con đường mới làm còn gồ ghề đá sỏi.

Hôm trước, sau khi cho người bạn mượn khẩu súng trường cỡ lớn để cầm lên mạn Nam đi săn, tới buổi tối thì Denys mới sực nhớ đã sơ suất quên chỉ bạn cách mở khóa cò súng, và anh cứ canh cánh lo bạn sẽ gặp sự chẳng lành bởi sơ suất này của mình. Sau khi suy đi tính lại, chúng tôi thấy chẳng có giải pháp nào khác ngoài khởi hành sớm chừng nào hay chừng nấy, theo đường mới làm, hòng bắt kịp nhóm đi săn ở Narok. Nơi ấy cách sáu mươi dặm, phải qua vài vùng hiểm trở, còn đoàn săn kia đang di chuyển theo con đường cũ và sẽ đi khá chậm vì có mấy xe tải chở nặng. Điểm duy nhất chúng tôi e ngại là không rõ tuyến đường mới có thông tới tận Narok hay không.

Khí trời sớm mai ở miền cao châu Phi chứa cái giá buốt và trong lành hữu hình khiến một mường tượng hết lượt này tới lượt khác lại hiện về trong óc: ta không phải hiện diện trên mặt đất mà ở sâu dưới làn nước tăm tối, và đang lần theo đáy biển tiến về phía trước. Thậm chí còn chẳng chắc là ta đang di chuyển nữa, luồng hơi lạnh phả vào mặt bạn có thể là dòng hải lưu dưới sâu, và cỗ xe, giống một con cá đuối điện lờ đờ, bất động ngồi dưới đáy biển, nhìn về đằng trước bằng cặp mắt sáng ngời là hai ngọn đèn pha, và mặc cho cuộc sống đại dương lướt qua bên. Những vì sao mới to làm sao bởi chúng không phải sao thật mà là hình phản chiếu, lung linh trên mặt nước. Dọc theo con đường đáy biển, các sinh vật, sẫm màu hơn môi trường xung quanh, liên tục xuất hiện, nhảy vọt lên hay lao vụt vào lớp cỏ cao ngút, hao hao cua hay còng biển tìm đường chui xuống cát vậy. Ánh sáng thêm tỏ, mặt trời sắp ló rạng, đáy biển dâng cao lên phía mặt nước, một hòn đảo mới tạo thành. Các dòng xoáy mùi quét nhanh qua ta, mùi hăng hắc tươi nồng của những bụi ô liu, mùi thơm mằn mặn của cỏ cháy, mùi mục rữa bất đồ ùa về lấn át.

Kanuthia, cậu gia nhân của Denys, ngồi mé sau chiếc xe thùng, khẽ chạm vào vai tôi rồi chỉ về mạn phải. Cách lề đường chừng mươi mười lăm thước có một khối đen lù lù, một chú lợn biển đang nằm nghỉ trên cát, và trên đỉnh hình khối ấy có thứ gì cựa quậy trong làn nước tối sẫm. Sau tôi mới nhìn ra hình khối ấy là một chú hươu cao cổ to tướng đã chết, đã bị bắn chết hai hoặc ba ngày trước. Bạn không được phép bắn hươu cao cổ, Denys và tôi sau này phải tự biện hộ trước cáo buộc giết hại con vật này, tuy vậy chúng tôi hoàn toàn có thể chứng minh nó bị hạ sát từ trước khi chúng tôi tới, dẫu chẳng bao giờ tìm ra kẻ đã xuống tay cũng như nguyên do. Trên cái xác to tướng của chú hươu cao cổ, một cô nàng sư tử đang đánh chén, và giờ nó ngẩng đầu, vai nhô lên, nhìn chiếc xe ngang qua. Denys đạp phanh còn Kanuthia hạ cây súng trường đang vác khỏi vai. Denys nhỏ giọng đặt vấn đề: “Anh bắn nó nhé?” - Denys rất lịch thiệp coi núi Ngong là khu vực săn bắn riêng của tôi. Chúng tôi đang băng qua khu của những người Masai đã tìm tới nhà tôi kêu than chuyện mất mục súc; nếu đây là con thú đã ăn thịt hết bò đến bê của họ thì giờ là lúc trừ khử nó. Tôi gật đầu.

Denys nhảy khỏi xe, lùi lại vài bước, cũng là lúc cô nàng sư tử lao vọt xuống phía sau xác hươu cao cổ. Anh chạy vòng qua xác hươu nhằm đưa con sư tử vào tầm ngắm rồi nổ súng. Tôi không thấy thời điểm con sư tử gục xuống; khi tôi ra ngoài và tới đó thì nó đã nằm chình ình trên một vũng đen to.

Không có thời gian lột da con vật, chúng tôi phải đi tiếp nếu muốn bắt kịp đoàn săn tại Narok. Chúng tôi nhìn quanh, ghi nhớ vị trí này, mùi xác hươu nồng nặc tới độ chúng tôi chẳng thể cứ thế đi qua mà không nhận ra.

Nhưng xe đi thêm được hai dặm nữa thì con lộ chấm dứt với đống dụng cụ của công nhân làm đường còn bỏ lại. Phía bên kia là một miền rộng lớn đầy đá toàn một sắc xám lúc bình minh, hết thảy vẫn nguyên sơ chưa có bàn tay thế nhân động tới. Denys và tôi hết nhìn đống đồ nghề lại ngẩn ngơ ngắm miền đất trước mặt, chúng tôi đành phải để anh bạn của Denys thử vận may cùng cây súng kia vậy. Sau này, rời đoàn săn quay về, anh ta kể mình chẳng hề có cơ hội dụng súng. Hai chúng tôi đành quành trở lại, nhắm thẳng vòm trời phía Đông đang ửng hồng trên các thảo nguyên và

rặng núi. Suốt quãng thời gian lái xe trở về, hai đứa chỉ bàn chuyện con sư tử.

Xác con hươu cao cổ lọt vào tầm mắt, và lúc này chúng tôi đã có thể nhìn rõ cũng như phân định tách bạch - những chỗ bên hông có ánh sáng rọi vào, các đốm vuông sậm màu trên bộ da. Tới gần con vật hơn, chúng tôi bắt gặp một con sư tử đực đứng trên người nó. Trên đường tiến lại, chúng tôi ở vị trí thấp hơn cái xác còn dáng chú sư tử đứng trên con hươu lại có màu đen

thẫm với cả khung trời cháy rực đằng sau. Biểu tượng sư tử vàng*. Mấy

sợi lông bờm sư tử tung bay trong gió. Con vật gây ấn tượng quá mạnh khiến tôi bật dậy khỏi ghế. Denys bảo: “Bận này em bắn đi.” Tôi vốn chẳng ưa cây súng trường của anh bởi nó quá dài và nặng, lại còn giật rất mạnh, nhưng ở đây phát súng là thông điệp tình yêu, chẳng phải ta cần loại súng cỡ nòng lớn nhất này sao? Lúc bóp cò, tôi cảm giác con sư tử bật lên rồi rơi xuống, bốn vó chụm lại. Bắn xong tôi đứng chôn chân trong cỏ, thở hổn hển, toàn thân bừng bừng với khoái cảm sở hữu sức mạnh tuyệt đối bởi có thể ra được một cú đòn từ xa như thế. Tôi vòng qua xác hươu cao cổ. Đây rồi, khung cảnh ở hồi thứ năm của một vở bi kịch kinh điển*. Tất cả đều chết. Con hươu cao cổ nom thật đồ sộ, uy nghiêm, bốn chân và cái cổ dài ngay đơ, bị lũ sư tử xé toạc bụng. Nằm ngửa, một nét ngạo thị còn

lưu trên mặt, cô nàng sư tử là vai mĩ nhân độc ác trong tấn bi kịch này.

Nằm cách đó không xa là con sư tử đực, sao nó chẳng học được gì từ định mệnh của ả kia? Nó gục đầu lên hai vuốt trước. Bộ lông bờm mạnh mẽ phủ lên người như tấm áo choàng vương giả, con sư tử đực cũng đang yên nghỉ trong một vũng lớn, và giờ đây không gian buổi sớm đã sáng tới độ nhìn rõ màu đỏ tươi.

Denys và Kanuthia xắn tay áo và trong khi mặt trời lên cao họ lột da hai con sư tử. Lúc hai người nghỉ ngơi, chúng tôi mở chai vang đỏ, nhấm nháp cùng nho khô và hạt hạnh nhân mà tôi mang theo ăn dọc đường, bởi hôm ấy là ngày đầu năm mới. Cả ba ngồi ăn uống trên lớp cỏ mọc le te. Gần đó xác hai con sư tử nom rất đẹp trong tình trạng lồ lô, không hề có chút mỡ thừa nào, mọi cơ bắp đều vồng lên, săn chắc, cuồn cuộn. Chẳng cần áo choàng, chúng vẫn là chính mình từ đầu đến chân.

Khi chúng tôi ngồi ở đó, một khoảng rợp nhanh chóng trùm lên cỏ, lên chân tôi, và lúc ngước lên tôi thấy, cao trên bầu trời trong xanh, cả bầy kền

kền đang lượn vòng. Lòng phơi phới như thể đang được bay trên cao kia, với một sợi dây giống con diều, tôi đã sáng tác bài thơ thế này:

Trên cỏ có bóng ưng cắt ngang thảo nguyên

Lướt tới những đỉnh núi vô danh tít xa mây xanh phủ Nhưng bóng của lũ ngựa vằn non tơ tròn trịa

Lại suốt ngày túm tụm quanh những bộ móng thanh tú Tại nơi chúng đứng bất động, đợi chiều xuống, (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

sẽ tản ra tha thẩn tìm về bờ đầm uống nước

màu xanh mặt cỏ thảo nguyên được vầng dương vẽ thêm những viên gạch đỏ.

Denys và tôi còn có một lần mạo hiểm nữa cùng sư tử. Trong thực tế nó xảy ra trước các bận mạo hiểm khác, ngay trong những ngày đầu tình bạn của chúng tôi.

Một sáng, đang độ mưa xuân, ông Nichols, dân Nam Phi, khi ấy đang làm quản lí cho tôi, tìm tới nhà tôi trong tâm trạng kích động, thông báo tối qua hai con sư tử đã mò vào cắn chết một cặp bò của đồn điền. Chúng vượt qua lớp rào bãi nhốt, tha hai xác bò ra giữa rẫy cà phê; tại đây chúng đã chén hết một con và giờ vẫn để xác con thứ hai giữa các cây cà phê. Liệu tôi có chấp thuận viết vài chữ cho ông đi lấy ít bột mã tiền từ Nairobi về chăng? Nichols sẽ lập tức đem rải bột độc ấy lên cái xác còn lại, vì đồ rằng tối nay lũ sư tử hẳn sẽ quay lại.

Suy tính một hồi, thấy chẳng thể nào đồng tình phương cách đánh bả, tôi bèn bảo không làm như thế được. Nghe vậy tâm trạng kích động ở ông Nichols chuyển thành tức giận. Nếu để yên cho bọn sư tử sau cuộc giết chóc này rồi chúng sẽ còn quay lại. Hai con bò bị sát hại là những con tốt nhất, và chúng ta không được phép mất thêm con nào nữa. Chuồng của mấy con ngựa con của bà, ông nhắc, cũng chẳng mấy xa bãi quây bò, bà đã tính đến điểm ấy chưa? Tôi giải thích mình không có ý để lũ sư tử lẩn quất trong đồn điền, chẳng qua chỉ nghĩ phải bắn thay vì đánh bả.

“Vậy ai sẽ đi bắn chúng đây?” Nichols hỏi. “Chẳng hề hèn nhưng tôi có gia đình và không muốn vì chuyện chẳng cần thiết mà phải liều mạng.” Đúng thế, Nichols không nhát gan, ông ta thấp nhỏ song có dũng khí. “Làm vậy thật chẳng hợp lí chút nào,” ông tiếp. Tôi bảo mình không định cử ông đi bắn sư tử. Tuy nhiên có ngài Finch-Hatton mới đến tối qua, đang ở trong nhà, ngài ấy và tôi sẽ đi. “Ồ, vậy thì được.” Nichols đáp.

Tôi bèn đi tìm Denys. “Giờ ta đến đó,” tôi bảo anh, “và cùng liều hai mạng

Một phần của tài liệu Châu Phi nghìn trùng: Phần 1 (Trang 179 - 195)