Những dịp bạn bè ghé chơ

Một phần của tài liệu Châu Phi nghìn trùng: Phần 1 (Trang 163 - 169)

Những dịp có bạn tới chơi là sự kiện hạnh phúc trong đời sống tôi, và đồn điền biết điều ấy.

Khi một chuyến săn bắn dài ngày của Denys Finch-Hatton tiến tới hồi kết, tôi sẽ bắt gặp bên ngoài nhà mình, vào sáng sớm, một chàng trai Masai

đứng bằng một chân, vừa dài vừa khẳng khiu. “Bedar* đang trên đường trở

về,” cậu thông báo. “Ông sẽ có mặt ở đây sau hai hoặc ba ngày nữa.”

Tới buổi chiều, một chú Toto nhà lưu dân sống ở vùng ngoại vi đồn điền

sẽ ngồi chờ trên trảng cỏ trước nhà, cất lời khi tôi bước ra ngoài: “Vừa có một đàn gà sao đáp xuống khúc lượn của dòng sông. Nếu bà muốn bắn cho

Bedar khi ông ấy tới thì lúc mặt trời lặn cháu sẽ cùng bà ra đó để chỉ chỗ.”

Tôi tin đồn điền có được vẻ quyến rũ trong mắt các lữ khách vĩ đại bạn tôi bởi nó luôn đứng một chỗ và vẫn y nguyên bất cứ khi nào họ tìm về. Những con người đã phiêu du khắp mọi miền đất rộng lớn, từng hạ và dỡ lều trại tại vô số địa phương, giờ lượn xe vào con đường dẫn đến nhà tôi với tâm trạng hạnh phúc vì nó trước sau chẳng đổi dời, hệt như quỹ đạo một vì sao. Họ thích tái ngộ những gương mặt thân quen, trong khi suốt thời gian ở châu Phi đội ngũ người phục vụ của tôi chẳng hề thay đổi. Chết gí nơi thôn ổ, tôi khao khát được biết đó biết đây, còn họ lại về đây cùng nỗi khao khát những cuốn sách, ga trải giường hay không khí mát rượi của gian phòng lớn có cửa chớp khép chặt; bên đống lửa trại họ đã mơ tưởng tới các thú vui của cuộc sống đồn điền, và chừng nào đến là họ liền sùng

sục hỏi thăm: “Bạn có dạy đầu bếp nhà làm món Trứng tráng thợ săn* không đấy?” Hay như: “Mấy đĩa nhạc vở ba lê Pétrouchka* có đến trong

chuyến thư trước chưa?” Vắng mặt tôi họ cũng tới, hay trong giai đoạn tôi đang đi châu Âu, Denys cũng sử dụng căn nhà. Còn Berkeley Cole thì gọi đây là “nơi náu mình giữa chốn điền viên* của tôi.”

Để đổi lấy những lợi ích của văn minh, các lữ khách mang cho tôi chiến lợi phẩm từ chuyến săn bắn: Da báo đốm và báo hoa mai may áo lông ở

Paris, da rắn và thằn lằn làm giày, hay lông cò marabou.

Nhằm khiến các bạn mình hởi dạ, trong lúc họ vắng xa, tôi có tìm tòi thử nghiệm những công thức lạ ở mấy cuốn sách dạy nấu ăn xuất bản hồi xưa, và mày mò trồng các loại hoa châu Âu trong vườn nhà.

Có bận, trong dịp về thăm cố hương Đan Mạch, một bà cụ cho tôi cả tá củ mẫu đơn thuộc giống cho hoa rất đẹp, và cũng khiến tôi phải chịu chút rầy rà khi mang qua đây, vì các quy định nghiêm ngặt trong nhập khẩu thực vật. Sau khi được vùi xuống đất, chúng chồi lên, gần như tức thì, tua tủa những mầm cong hồng tía, rồi tiếp đến là cơ man búp lá xinh xắn cùng nụ tròn.

Đóa đầu tiên nở là hoa Công tước phu nhân vùng Nemours*, thuộc giống

mẫu đơn trắng, bông đơn to, rất quý phái lông lẫy, tỏa ra mùi hương ngọt ngào tinh khiết. Khi tôi cắt hoa đem cắm vào nước để ở phòng khách, người da trắng nào đi vào cũng dừng lại, trầm trồ. Gì thế kia, một đóa mẫu đơn cơ à! Nhưng rất nhanh sau đó, tất cả nụ hoa đều héo tàn, và tôi chẳng bao giờ thu hoạch được thêm bông nào nữa.

Mấy năm sau, tôi có dịp chuyện trò với ông già người Anh làm vườn cho Phu nhân McMillan*, ở Chiromo, về hoa mẫu đơn. “Chúng ta đã không thành công trong việc gây mẫu đơn ở châu Phi,” ông ta bảo, “và sẽ không thể làm nổi cho tới lúc thu hoạch được tại đây một bông từ củ ngoại nhập rồi có thể lấy hạt của nó mà gieo. Đấy là cách ta mang hoa phi yến qua xứ thuộc địa này.” Theo cách ấy, lẽ ra tôi đã có thể đưa mẫu đơn vào đất nước này, và khiến tên mình trở thành bất tử như chính Quý công tước phu nhân vùng Nemours. Vậy mà tôi lại hủy hoại vinh quang tương lai bằng việc cắt phăng bông hoa độc nhất của mình đem cắm nước. Tôi thường nằm mơ thấy đóa mẫu đơn trắng ấy đang phát triển, và mừng vui khôn xiết vì không ngắt nó.

Bạn bè từ các trang trại hay từ Nairobi cũng đến chơi nhà tôi. Hugh Martin, làm ở Sở Địa Chính, từ Nairobi ra trò chuyện cho tôi vui. Ấy là con người tài hoa, thông thạo các thư tịch cổ và tại đây, trải qua cuộc đời thanh bình của nghiệp công chức miền Đông*, ngoài nhiều thứ khác, anh đã nâng cao được năng lực bẩm sinh để vào vai một ông Phật Di lặc. Anh gọi tôi là Candide, tự nhận mình là tiến sĩ Pangloss* ham hiểu biết của đồn điền, luôn kiên quyết, điềm tĩnh bám rễ trong xác tín về bản chất xấu xa, đáng khinh của con người cũng như vũ trụ, và mãn nguyện trong niềm tin ấy,

bởi cớ gì lại không phải thế cơ chứ? Họa hoằn lắm anh mới rời khỏi chiếc ghế bành lớn một khi đã gieo mình ngồi phịch xuống. Với chai rượu và chiếc li trước mặt, cùng bộ mặt thanh thản rạng ngời, Hugh Martin ngồi đó dẫn giải và phát triển những luận thuyết của mình về cuộc đời, khiến chúng bừng sáng lên bằng các ý tưởng sinh sôi nảy nở nhanh diệu kỳ như được bón bằng phốt pho vậy. Quả đúng là một anh chàng đẫy đà, hạnh phúc với đời, an lành ngơi nghỉ trong vòng tay Quỷ dữ, với dấu-chứng-thực-trong- sạch của Quỷ đóng ở trán, thay cho vô số chứng thực Chúa ban.

Gustav Mohr, người Na Uy, trẻ trung, có cái mũi sư tử, từ đồn điền đang trông nom phía bên kia Nairobi thường bất đồ đột kích nhà tôi vào buổi tối. Là một nhà canh nông đầy nhiệt huyết, Gustav đã hỗ trợ tôi trong công việc đồn điền bằng cả lời nói lẫn hành động, nhiều hơn bất kì ai ở đất nước này - với tấm lòng nhiệt thành và giản dị như thể nông gia, hay người Scandinavia, nghiễm nhiên là tôi mọi của nhau.

Suy nghĩ bỏng cháy trong tâm tưởng đã quăng anh tới đồn điền giống như núi lửa phun ra đá vậy. Tôi đang sắp phát điên, Gustav bảo, giữa một đất nước trông mong con người sống chỉ để bàn loanh quanh chuyện bò cùng cây dứa sợi*, tại đây hồn tôi đang chết đói, tôi chẳng còn chịu thêm chút nào được nữa. Vừa đến cửa anh đã cất lời và cứ thế hùng hồn diễn thuyết một thôi một hồi tới quá nửa đêm về tình yêu, chủ nghĩa cộng sản, mại dâm, Hamsun*, Thánh kinh, và không ngớt tự đầu độc bằng thứ thuốc lá gớm ghiếc. Gần như chẳng bỏ gì vào bụng, cũng chẳng thèm nghe ai, nếu tôi gắng xen vào dẫu chỉ một từ anh liền rít lên, mặt đỏ bừng ánh lửa nội tâm và húc cái đầu tóc vàng, hoang dại của mình vào không khí. Gustav chất chứa trong lòng vô khối điều cần bộc bạch cho hả, tuy vậy khi anh diễn thuyết chúng lại càng sinh sôi nảy nở nhiều thêm. Đột nhiên, lúc hai giờ sáng, anh chẳng còn gì để nói. Khi ấy Gustav sẽ ngồi bình lặng một chặp, vẻ mặt khiêm nhường, giống một bệnh nhân đang kì hồi phục ở vườn hoa bệnh viện, rồi nhỏm dậy ra xe lái đi với tốc độ kinh hoàng, để chuẩn bị vượt qua, một lần nữa, đoạn thời gian sống với dứa sợi cùng lũ bò.

Mỗi khi có thể thu xếp công việc nông trại, lũ gà tây và vườn rau của mình ở Njoro* để vắng mặt trong một hoặc hai ngày, Ingrid Lindstrom sẽ tới đồn điền. Có cha và chồng đều là sĩ quan quân đội Thụy Điển, Ingrid sở hữu

nước da cùng đầu óc đều sáng trong. Hai vợ chồng chị, mang theo các con, tới châu Phi như dự một cuộc phiêu lưu đầy thích thú, một chuyến dã ngoại vui vẻ, để hái ra tiền chóng vánh, rồi mua đất trồng lanh bởi lúc ấy lanh có giá năm trăm bảng một tấn, và khi, ngay sau đó, giá lanh thành phẩm rớt chi còn bốn mươi bảng một tấn đồng thời đất canh tác lanh cùng máy móc chế biến chẳng còn chút giá trị nào, chị lại dốc cạn sức xoay xở bảo vệ nông trại gia đình bằng cách lập trại nuôi gia cầm cũng như trồng rau củ, và làm quần quật chẳng ngơi tay như một nô lệ. Trong quá trình chèo chống trần ai ấy, chị nảy sinh tình yêu sâu đậm với khu trại, với đàn bò bầy lợn, với người bản xứ và các giống rau củ, với ngay chính mẩu đất nhỏ châu Phi chị đang sở hữu, tựa như có thể sẵn sàng bán phứt cả chồng lẫn con hầu giữ cho được chúng. Chị và tôi, trong những tháng năm gieo neo, bao phen đã khóc trong vòng tay nhau khi nghĩ sẽ bị mất hết đất đai. Ingrid tới chơi luôn đem đến cho tôi niềm sung sướng, bởi chị sở hữu bản tính vui tươi dễ lan tỏa của một cụ bà nông dân Thụy Điển, và khuôn mặt tàn tạ vì dãi dầu mưa nắng của chị thường phô ra nụ cười tiên nữ Valkyrie* với hàm răng trắng khỏe. Thành thử cả thế giới đều yêu mến người Thụy Điển, bởi họ có thể vùi sâu vào lòng mình mọi phiền muộn vây bủa xung quanh và để ánh sáng lòng can đảm ở họ chiếu rọi thật xa.

Ingrid có một lão bộc Kikuyu tên Kemosa, vừa phụ trách việc nhà lại kiêm cả nấu bếp, là người luôn sát cánh cùng chị trong mọi chuyện, và xem việc của Ingrid như của chính mình. Kemosa một nắng hai sương ngoài ruộng rau, ở khu gia cầm, đồng thời giữ vai trò một bà vú già được nuôi tại gia để chăm bẵm ba cô con gái của Ingrid, đưa chúng tới trường rồi đón về nhà. Lần tôi lại trại của chị ở Njoro chơi, Ingrid bảo, ông lão Kemosa cuống lên mất cả hồn vía vì sự xuất hiện của Farah vĩ đại đến nỗi bỏ tất tật việc thường ngày vẫn đảm nhiệm hầu chuẩn bị cho tôi một bữa tiệc chiêu đãi long trọng nhất, thậm chí đem thịt cả mấy con gà tây của chị. Ingrid kể rằng Kemosa xem việc được quen biết Farah như niềm vinh hạnh lớn nhất trong đời.

Phu nhân Darrell Thompson ở Njoro, mà tôi chỉ biết sơ sơ, khi nghe các bác sĩ thông báo mình chỉ còn sống được thêm có vài tháng nữa, đã đến tìm gặp tôi. Bà tâm sự đang tậu một chú ngựa giống lùn từng đoạt giải nhảy vượt rào từ Ireland - bởi với bà, ở thế giới này hay thế giới bên kia, ngựa luôn là đỉnh cao, là hào quang sống, và giờ đây, sau khi nói chuyện cùng

bác sĩ, ban đầu bà dự định đánh điện báo về nhà không gửi con ngựa qua nữa, nhưng rồi quyết định sẽ để nó lại cho tôi nếu quả bà có phải chết. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì nhiều về việc này, cho đến tận lúc bà qua đời nửa năm sau đó, khi chú ngựa lùn Poor-box* thình lình xuất hiện tại Ngong. Từ độ tới sống cùng chúng tôi, Poor-box đã cho thấy mình là sinh vật thông minh nhất ở đồn điền. Bề ngoài chẳng có gì nhiều nhặn mà ngắm nghía, lùn mập, và đã qua tuổi xuân xanh tự thuở nào, Poor-box thường được Denys Finch-Hatton lấy cưỡi trong khi tôi chẳng bao giờ màng đến chú. Tuy nhiên, thuần túy dựa trên sự khôn khéo và thận trọng, bằng việc biết rõ mình cần làm gì, giữa cả bầy ngựa trẻ trung, bóng lộn, đang hăng máu của lớp người lắm bạc nhiều tiền nhất xứ thuộc địa này, chú đã giành thắng lợi ở cuộc thi nhảy vượt rào tại Kabete*, được tổ chức nhằm vinh danh Vương công xứ Wales. Với bộ dạng điềm tĩnh, khiêm tốn thường ngày, chú mang về nhà tấm huy chương bạc to tướng, làm dậy lên, trong nhà tôi và khắp cả đồn điền, lớp lớp sóng ngất ngây của niềm hân hoan chiến thắng sau cả một tuần khắc khoải chờ mong. Sáu tháng sau Poor-box chết do mắc bệnh truyền nhiễm của ngựa, được chôn ngay ngoài chuồng, dưới tán những cây chanh; mọi người đều rất tiếc thương và mãi về sau vẫn còn nhắc tên chú. Ông lão Bulpett - mọi hội viên câu lạc bộ đều gọi là Bác Charles, thường tới dùng bữa tối cùng tôi. Đây là người bạn tốt của tôi, một hình mẫu lí tưởng, một dạng quý ông Anh quốc tao nhã của thời Victoria, nhưng vẫn đối nhân xử thế thoải mái giữa đương thời. Ông đã bơi vượt eo biển Hellespont*, nằm trong số những người tiên phong chinh phục đỉnh Matterhron*, và từng, ở thời trai trẻ tầm giữa những năm tám mươi thế kỷ trước, là tình nhân của La Belle Otéro*. Tôi được nghe kể bà này đã hủy hoại ông về mọi phương diện trước khi buông tha. Ngồi ăn cùng ông luôn khiến tôi có cảm giác như thể đang được dùng bữa tối với chính Armand Duval* hay Hiệp sĩ xứ Grieux* vậy. Ông còn giữ nhiều bức ảnh đẹp của Otéro, và thích nói về bà.

Có bận, trong một bữa tối ở Ngong, tôi nói với ông: “Cháu biết La Belle Otéro đã xuất bản mấy tập hồi kí. Bác có ở trong đấy không vậy?”

“Có,” ông nói, “có tôi ở đó. Dưới tên khác, nhưng có trong ấy.” “Bà ấy viết gì về bác?” tôi hỏi.

“Rằng bác là một chàng trai đã vung cả trăm ngàn vì bà ấy chỉ trong sáu tháng, song nhận được cũng tương xứng đồng tiền bỏ ra.”

“Thế bác có cho là,” tôi vừa cười vừa hỏi, “mình đã nhận lại tương xứng không?”

Ông cân nhắc câu tôi hỏi trong thoáng chốc. “Có,” ông đáp. “Bác cho rằng cũng đáng.” (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Denys Finch-Hatton và tôi cùng đi picnic với ông Bulpett lên đỉnh rặng Ngong nhân dịp sinh nhật thứ bảy mươi bảy của ông. Trong cuộc chuyện trò khi ngồi trên đỉnh núi, chúng tôi có bàn tới câu hỏi, nếu được lựa chọn có một đôi cánh không thể tháo ra được, liệu ta nên nhận hay khước từ. Ông già Bulpett ngồi ngắm xứ sở mênh mông phía dưới chúng tôi, với vùng đất màu xanh lá của Ngong, và thung lũng Rift trải về mé Tây, mải mê như thể ông luôn sẵn sàng nhào từ đỉnh núi xuống lượn bay trên cảnh vật ấy bất cứ thời khắc nào. “Đương nhiên bác sẽ nhận. Chẳng có đề nghị nào hay được hơn thế.” Nghĩ thêm chút đỉnh, ông bổ sung: “Tuy nhiên nếu là một phụ nữ, bác thiết tưởng sẽ cần suy xét thật thấu đáo.”

7

Một phần của tài liệu Châu Phi nghìn trùng: Phần 1 (Trang 163 - 169)