Đồn điền chúng tôi đón nhiều khách ghé thăm. Tại các xứ thuộc địa mới khai phá, lòng hiếu khách là điều cần thiết cho cuộc sống của không chỉ du khách mà cả của người định cư tại đây. Mỗi vị khách là một người bạn, đem đến tin tức, tốt hoặc xấu, thứ bánh mì cho những tâm trí đói khát sống nơi cô quạnh. Một người bạn chân chính ghé chơi chính là một thiên sứ, mang theo bánh Thánh*.
Mỗi bận trở về sau một chuyến đi dài ngày, Denys Finch-Hatton thèm được nói, lại gặp tôi lủi thủi nơi đồn điền và đang khao khát trò chuyện, nên cả hai ngồi đến rạng sáng, bên chiếc bàn ăn, bàn tán tương đắc, mổ xẻ ngọn ngành và cười đùa về đủ thứ chuyện nảy ra trong đầu. Phàm người da trắng nào có thời gian dài một mình sống giữa dân bản xứ sẽ quen nói thẳng ruột ngựa, bởi họ không có lí do hay cơ hội vòng vo, và khi gặp nhau câu chuyện giữa họ cũng mang phong cách thẳng tuột của người bản xứ.
Dạo ấy chúng tôi đinh ninh tin bộ tộc Masai hoang dã, trong manyatta của
họ dưới chân núi Ngong, sẽ nhìn thấy cả ngôi nhà sáng bừng ánh lửa, tựa một vì sao giữa đêm, giống các nông dân vùng Umbria* từng ngước trông lên căn nhà có thánh Francis và thánh nữ Clare* đang khoản đãi nhau bằng những luận bàn thần học.
Sự kiện cộng đồng linh đình nhất tại đồn điền là các Ngoma - đại vũ hội
của dân bản xứ. Vào những dịp ấy chúng tôi tiếp đón cả ngàn rưởi hay hai ngàn khách. Tuy nhiên lối thết đãi lại cực kì đơn sơ. Chúng tôi sẽ phục vụ
các mẹ già đầu trọc của những Morani và Ndito - thiếu nữ, vũ công bằng
bột thuốc lá, còn cho trẻ em - cùng đến - là đường mà Kamante dùng thìa gỗ phân phát, ngoài ra đôi phen tôi còn xin ngài Hạt Trưởng cho phép lưu
dân nấu tembu, một thứ đồ uống chí mạng làm từ cây mía đường. Song
chính đội ngũ diễn viên, vũ công trẻ trung không biết mệt, mang theo mình ánh hào quang cũng như thú vui của hội hè, thì miễn nhiễm trước các tác động bên ngoài và dốc toàn tâm toàn ý vào chất ngọt ngào cùng ngọn lửa trong chính con người họ. Thứ duy nhất họ yêu cầu từ cõi thế xung quanh
là một khu đất bằng để nhảy. Bãi cỏ rộng đã phát quang, nằm kề sát nhà tôi dưới bóng cây, cùng khoảnh đất vuông san phẳng trong rừng, giữa những túp lều gia nhân được coi là địa điểm thích hợp. Chính nhờ điều này mà đồn điền được giới trẻ xứ này đánh giá cao, và lời mời tới vũ hội của tôi rất có giá.
Ngoma có lúc được tổ chức ban ngày, cũng có khi lại vào ban đêm. Các Ngoma ban ngày cần nhiều chỗ hơn vì chúng lôi kéo lượng khán giả nhiều
chẳng kém số vũ công; vậy nên địa điểm tổ chức là bãi cỏ. Ở hầu hết các
Ngoma, vũ công xếp thành một hình tròn lớn, hoặc vài vòng tròn nhỏ hơn,
và cứ thế bật cao tại chỗ với tư thế đầu ngửa ra sau, hay giậm chân theo nhịp, chồm người ra trước trên một chân rồi lại đổ về sau trên chân kia, cũng có khi cả vòng tròn người nghiêm trang xoay từ từ, ai nấy hướng mặt vào tâm, còn các vũ công danh tiếng tách ra, biểu diễn, nhảy hoặc chạy nơi
khoảng trống giữa vòng tròn. Ngoma ban ngày để lại dấu chân trên cỏ
thành các vòng tròn khô màu nâu, to có nhỏ có, như thể cỏ ở đây bị lửa đốt, và những hình tròn ma thuật này rất lâu sau mới biến mất.
Các Ngoma ban ngày mang đến ấn tượng một cuộc đấu xảo hơn là vũ hội.
Hàng đoàn khán giả theo chân các vũ công tới đây rồi tụ thành từng nhóm
dưới gốc cây. Lúc tin có Ngoma được tổ chức lan đủ xa, ta thậm chí sẽ bắt
gặp ở đây những cô nàng lẳng lơ của Nairobi - các Malaya*, một từ Swaheli mĩ miều, ăn vận rất diêm dúa đến tham dự trên những cỗ xe Ali Khan la kéo, quấn trên người những dải vải bông in hoa to và sặc sỡ, nom như các đóa hoa lớn khi ngồi trên cỏ. Đám con gái chân chất của đồn điền, trong những tấm váy da cổ truyền được xức dầu mỡ cho láng bóng, kéo đến ngồi sát bên và bộc trực bàn tán về áo quần cùng phong cách của họ, nhưng người đẹp phố thị, chân bắt chéo và phì phèo trên môi điếu xì gà nhỏ, chỉ giữ thái độ im lặng tựa lũ búp bê gỗ sậm màu gắn mắt thủy tinh. Từng đàn trẻ con, đang thích mê tơi buổi vũ hội, mang trong lòng nỗi khát khao được học và làm theo, lao rầm rập từ vòng người này qua vòng người khác, hay dạt ra ngoài rìa cỏ lập nên một vòng tròn nhỏ của riêng chúng rồi choi choi nhảy tại đó.
Mỗi dịp trảy hội Ngoma, dân Kikuyu bôi khắp thân một loại bột đá phấn
đặc biệt đỏ nhờ nhờ và thứ phấn có nhu cầu tiêu thụ rất lớn, được mua bán rộng rãi này làm họ nom hoe hoe lạ lẫm. Thứ màu chẳng tồn tại trong thế
giới muông thú hay cỏ cây ấy khiến lớp trẻ trông như hóa thạch, giống các bức tượng đẽo gọt từ đá. Đám con gái, bận trang phục khiêm nhường may bằng da nâu, đính đầy hạt cườm, trét lên người một lớp đất, biến họ thành một tổng thể hài hòa tựa các bức tượng có nếp áo vạt váy khắc tạc tinh xảo
bởi một nghệ sĩ thượng thừa. Tại Ngoma trai tráng đều lõa thể, có điều dịp
này họ chăm chút tóc tai rất kĩ lưỡng, vuốt thứ phấn đỏ kia lên bờm tóc cùng đuôi sam, rồi đi lại với những cái đầu đá phấn nghễu nghện ấy. Trong mấy năm cuối của tôi ở châu Phi, chính quyền cấm người dân vuốt phấn lên đầu. Lối phục sức kể trên gây ấn tượng mạnh ở cả hai giới nam và nữ, cho dẫu kim cương hay trang sức đắt tiền cũng chẳng thể đem lại cho người mang chúng một dáng vẻ hội hè hiển nhiên hơn. Bất cứ lúc nào thấy ở phía xa có một toán Kikuyu bôi phấn đỏ đang diễu bước, bạn sẽ lập tức cảm nhận không khí lễ hội rộn ràng.
Cái hạn chế ở một vũ hội ngoài trời, giữa ban ngày, là thiếu đi ranh giới. Sân khấu biểu diễn lớn quá mức cần thiết, chẳng biết đâu là chỗ khởi đầu đâu nơi kết thúc? Bóng hình nhỏ thó của vũ công, dẫu đã được nhuộm màu từ đầu đến chân, dẫu đã đội tất cả bộ đuôi con đà điểu lơ lửng sau đầu, dẫu chân đã đeo cái cựa rõ to kiểu của kị sĩ làm từ da khỉ Colobus, vẫn chỉ nom rải rác và rời rạc dưới những hàng cây cao. Màn trình diễn - gồm những vòng tròn to nhỏ các vũ công, những tốp khán giả úm tụm đó đây, cùng lũ trẻ lốc nhốc chạy tới lui - đưa mắt bạn dời chuyển hết từ góc này đến góc kia sân khấu. Toàn bộ khung cảnh có chút gì giống những bức tranh ngày xưa vẽ cảnh chiến trận nhìn từ một điểm cao, ở đó bạn sẽ thấy kị binh đang tiến vào từ một cánh, trong khi pháo binh triển khai tại cánh bên kia, còn mấy bóng sĩ quan hậu cần lẻ loi lại đang phi nước đại cắt ngang trường thị giác.
Ngoma ban ngày còn là sự kiện vô cùng ồn ào. Nhạc khiêu vũ rộn ràng của
dàn sáo, dàn trống thường chìm nghỉm trong tiếng la hét vang dậy của công chúng, bản thân các nàng vũ công cũng cất tiếng hú lạ lùng, ngân dài lanh lảnh khi trong nhóm nam vũ công có một Moran nào đó vừa thực hiện cú nhảy hay điệu múa giáo trên đầu thật mãn nhãn. Mạch chuyện trò rôm rả trong đám bô lão ngồi trên cỏ tuôn chảy không ngừng. Thật thú vị được ngắm cảnh vài cụ bà Kikuyu tụ lại ngồi nhâm nhi, với một quả bầu đặt chính giữa, đắm chìm vào câu chuyện vui, hẳn là về những ngày khi chính họ là một nhân ảnh giữa vòng tròn nhảy múa, gương mặt họ mỗi lúc một
rạng ngời hạnh phúc trong khi, theo bóng chiều dần buông, mặt trời mỗi
lúc một xuống thấp hơn như chính mực tembu trong quả bầu. Đôi bận, lúc
có hai hoặc ba ông chồng già gia nhập đám bạn gái, một cụ bà bị hồi ức thuở xuân thì cuốn đi xa đến độ loạng choạng đứng dậy, hai tay vỗ như đôi
cánh, chạy vài bước theo phong cách một Ndito chính hiệu. Tuy bị đám
đông bên ngoài làm ngơ, nhưng bà lại được nhóm nhỏ đồng trang lứa vỗ tay hưởng ứng nhiệt liệt.
Song các Ngoma ban đêm lại chứa đựng không khí nghiêm trang. Chúng
chỉ được tổ chức vào mùa thu, sau vụ ngô, và dưới vầng trăng tròn. Tôi
nghĩ Ngoma ban đêm chẳng mang ý nghĩa tôn giáo nào với dân bản xứ,
nhưng có lẽ trong quá khứ hẳn có thời chúng đã từng như vậy; tác phong của người biểu diễn và khán giả gợi nhắc đến một thời khắc huyền bí, linh thiêng. Những điệu nhảy ấy hẳn đã tồn tại cả ngàn năm. Vài điệu trong số này - được lớp cha mẹ, ông bà các vũ công hết sức mến mộ - bị người định cư da trắng coi là đồi bại và đòi luật pháp phải ngăn cấm. Một bận, lúc quay lại sau kì nghỉ ở châu Âu, tôi phát hiện hai mươi lăm chiến binh trẻ của mình, ngay giữa vụ thu hoạch cà phê, bị viên quản lí của tôi đưa ra tòa
bởi đã nhảy một vũ điệu bị cấm tại Ngoma đêm trong đồn điền. Viên quản
lí thông báo với tôi là vợ anh ta không sao chịu nổi điệu nhảy đó. Tôi trách
mấy vị lưu dân lớn tuổi vì đã tổ chức Ngoma gần nhà viên quản lí, tuy nhiên họ sống chết phân bua khi ấy vũ công nhảy ở manyatta của Kathegu,
cách đó cả bốn, năm dặm. Tôi phải ra tận Nairobi nói chuyện phải trái cùng ngài Hạt Trưởng, và ông này đã cho thả cả băng vũ công về đồn điền để hái cà phê.
Quang cảnh Ngoma ban đêm tuyệt đẹp. Ở đây bạn không còn phải băn
khoăn gì về sân khấu đêm diễn, nó được những đống lửa vạch nên và kéo
dài đến nơi có ánh lửa rọi tới, quả thực lửa là thành tố cốt lõi của Ngoma.
Ánh lửa không thật sự cần thiết cho nhảy múa, bởi ánh trăng cao nguyên châu Phi sáng vằng vặc, nhưng lại được sử dụng nhằm tạo hiệu ứng biến địa điểm nhảy múa thành một sàn diễn thượng hạng, hòa trộn hết thảy màu sắc và chuyển động bên trong đó thành một thể thống nhất.
Dân bản xứ hiếm khi lạm dụng một hiệu ứng. Họ chẳng đốt những đống lửa thật lớn. Củi được các phụ nữ lưu dân trong đồn điền, những người vốn tự coi mình là các bà chủ lễ hội, mang tới chất thành đống tại tâm
điểm vòng người nhảy múa từ hôm trước. Những bà cụ già mang tới vinh dự cho cuộc nhảy múa, bằng sự có mặt của họ, sẽ ngồi trên ghế đặt quanh đống củi trung tâm ấy, và từ đó một chuỗi các ngọn lửa nhỏ, giống như một vòng tinh tú, sẽ được chụm suốt đêm. Về phần mình các vũ công sẽ nhảy và chạy bên ngoài vành lửa, lấy rừng đêm làm nền. Địa điểm phải tương đối rộng, nếu không hơi nóng và khói sẽ luồn vào mắt công chúng lớn tuổi, song nó vẫn giống hệt một không gian khép kín giữa chốn trần gian, như một ngôi nhà lớn được dựng lên để mọi cư dân đều sống được trong đó.
Người bản xứ không có mắt thẩm mĩ hay óc thưởng thức sự tương phản, dây cuống rốn kết nối họ với thiên nhiên chưa thực sự đứt lìa. Họ chỉ tổ
chức Ngoma vào mỗi thời điểm trăng tròn. Đúng kì mặt trăng đang độ sáng
nhất thì họ cũng thắp lên những ngọn lửa. Giữa khung cảnh vạn vật đang hít thở và ngụp lặn trong ánh sáng dịu êm, đầy quyền lực từ bầu trời, họ góp thêm đốm lửa hồng cỏn con của mình vào không gian vằng vặc soi rọi khắp Phi châu.
Khách khứa kéo đến từng tốp, khi dăm ba, lúc cả mươi mười lăm người - họ là bạn bè hẹn nhau cùng tới, hoặc tình cờ gặp giữa đường rồi nhập bọn.
Nhiều vũ công cuốc bộ cả mười lăm dặm dự Ngoma. Lúc đi thành nhóm
đông, họ thường mang theo sáo hoặc trống nên, vào đêm vũ hội, trên tất thảy đường xá, lối mòn trong vùng, đều vang động giai điệu nhạc rộn ràng, tựa như những thanh âm ngân nga từ mặt trăng, ở cổng vào vũ hội, đoàn lữ khách dừng bước chờ được vòng người mở ra đón nhận; đôi khi, nếu tới từ rất xa, hay là con cái các thủ lĩnh lân bang, họ sẽ được một vị bô lão lưu dân, hay mấy vũ công danh giá của đồn điền, hoặc nhóm giám sát viên ra đón rước.
Giám sát viên Ngoma cũng là những trai tráng đồn điền như bao người
khác, nhưng có mặt để duy trì việc tuân thủ nghi thức vũ hội, và luôn cuồng nhiệt phụng sự phận sự ấy. Trước lúc khai mạc, họ khệnh khạng dạo qua dạo lại trước mặt các vũ công, bộ dạng đằng đằng sát khí, mặt cau mày có và khi điệu nhảy dần trở nên sôi động, họ chạy từ phía này qua phía kia vòng người hòng canh cho mọi thứ diễn ra hợp cách. Giám sát viên được vũ trang rất hữu hiệu với một bó que có một đầu luôn cháy do chốc chốc lại được dúi vào ngọn lửa. Xét nét người nhảy, và chừng nào bắt gặp bất cứ
hành vi sai trái nào họ tức tốc bổ tới, dáng vẻ hùng hổ, gầm gừ tức giận, phóng mạnh cả bó que, phía đầu đang cháy, vào kẻ phạm tội. Nạn nhân đau đớn gập đôi người dưới đòn công kích, tuy nhiên chẳng hề kêu rên. Khi rời
Ngoma, vết bỏng kiểu này âu cũng chẳng phải thứ thương tích ô nhục gì.
Trong một điệu vũ, các cô gái e lệ đứng lên bàn chân cánh con trai và ôm chặt eo họ, trong khi hai tay chàng chiến binh, vòng qua hai bên mang tai cô gái, vươn ra nắm chắc một ngọn giáo để rồi chốc chốc lại vận hết sức bình sinh cắm phầm phập xuống đất. Điệu nhảy tạo nên một hình ảnh rất đẹp, về các cô gái bộ lạc đang náu mình nơi ngực những người đàn ông hầu tránh hiểm họa kinh khủng nào đó, cũng như kể về các trang nam nhi đang bảo vệ họ, thậm chí cho họ đứng trên chân mình, che chở họ khỏi rắn hoặc bất cứ mối hiểm nguy nào đến từ mặt đất. Khi điệu nhảy tiếp diễn hàng giờ, diện mạo người nhảy mang vẻ ngất ngây thần thánh, từa tựa hết thảy bọn họ thật sự sẵn sàng chết vì nhau.
Họ còn có các vũ điệu khác chẳng hạn những người tham gia liên tục tiến nhập hoặc lao ra khỏi một vòng tròn nhiều đống lửa trong lúc vũ công chính nhảy bật rất cao và xa; tiết mục này cũng có vô khối động tác múa giáo và tôi tin chắc đây là màn tái hiện một chuyến săn sư tử.
Cùng sáo và trống, ở Ngoma còn có các ca sĩ. Một số nổi danh khắp cả
nước và được mời từ xa tới. Tiết mục của họ là một câu chuyện kể có vần điệu hơn là bài hát. Họ là các soạn giả ứng khẩu, sáng tác tùy hứng ngay tại chỗ những khúc ballad, được dàn đồng ca nhanh nhảu, đầy tập trung của các vũ công hòa theo. Giữa đêm khuya thanh vắng, quả là dễ chịu khi được nghe một lời ca êm ái vút lên rồi được các giọng trẻ trung lặp lại đều đặn, nhịp nhàng. Nhưng nếu tiết mục kéo dài suốt đêm, với nhịp trống chốc chốc điểm một tiếng tạo hiệu ứng, màn trình diễn sẽ trở nên vừa đơn điệu đến chết, vừa là màn tra tấn lạ lùng, như thể bạn sẽ không sao chịu nổi nếu nó cứ tiếp tục dẫu chỉ thêm một giây, hoặc nếu nó vĩnh viễn ngưng bặt. Thời tôi ở đó ca sĩ danh tiếng nhất tới từ Dagoretti. Anh có chất giọng