Tôi đến dự Kyama có Farah theo cùng. Lúc nào tôi cũng đưa theo Farah đi thương thảo với người Kikuyu bởi dẫu chẳng mấy sáng suốt trong các tranh chấp của mình, dẫu hệt như tất tật dân Somali luôn đánh mất trí khôn khi chuyện có dính tới hằn thù bộ tộc hay việc người bộ tộc mình sẽ nghĩ gì, anh lại khôn khéo trong những xung đột của kẻ khác. Farah, hơn nữa, là phiên dịch viên cho tôi, vì anh rất rành tiếng Swaheli.
Trước khi tới họp tôi đã biết mục đích chính của phiên xử là nhằm xén càng nhiều càng tốt bộ lông của Kaninu. Ông ta sẽ thấy lũ cừu của mình bị lùa đi tứ tán, một phần nhằm bồi thường cho các gia đình có trẻ chết và bị thương, một phần để nuôi Kyama. Đây là điều tôi phản đối ngay từ đầu. Kaninu, tôi nghĩ, như mấy ông bố kia cũng bị mất con trai, và theo tôi, số phận con ông phải gánh chịu có lẽ bi thảm hơn cả. Wamai đã chết nên coi như xong, Wanyangerri đang được chăm nom ở bệnh viện, nhưng Kabero lại bị tất cả ruồng bỏ, và chẳng ai rõ xương cốt cậu giờ nơi nao.
Kaninu cực kì phù hợp với vai trò bò béo bị xẻ thịt. Là một trong những hộ lưu dân lớn nhất của tôi, trong sổ quản lý lưu dân, ông được ghi nhận có ba mươi lăm đầu gia súc, năm người vợ và sáu chục dê. Trại của Kaninu gần cánh rừng của tôi, bởi vậy tôi thường nom thấy lũ con ông cũng như đàn dê, và tôi cũng thường phải xua đuổi cánh phụ nữ bên ấy qua chặt trộm các cây to. Người Kikuyu chẳng hề biết đến xa hoa, người giàu nhất trong số họ cũng sống hệt những kẻ khốn cùng, và nếu có bước vào lều của Kaninu tôi sẽ chẳng tìm được bất kì thứ đồ nội thất nào, có lẽ chỉ ngoại trừ một chiếc ghế gỗ nhỏ xíu để ngồi. Thế nhưng khu trại của Kaninu có nhiều lều, với cả đám các bà già, thanh niên, trẻ nhỏ tíu tít xung quanh. Vào quãng giờ vắt sữa lúc xế chiều, đàn gia súc của ông xếp một hàng dài cắt qua bình nguyên để lũ lượt trở về, bước đủng đỉnh cạnh bóng chúng xanh thẫm in trên mặt cỏ. Hết thảy thực tế ấy đem cho ông già gầy còm, khoác da thú, trên khuôn mặt khôn ngoan in chằng chịt nếp nhăn li ti đầy bụi bẩn, một vầng hào quang thực thụ của phú hào.
Giữa tôi và Kaninu từng có nhiều phen xung đột nảy lửa, thậm chí tôi còn đang đe tống cổ ông ta khỏi đồn điền vì mánh buôn bán xấu xa. Kaninu qua lại thân thiết cùng bộ tộc Masai láng giềng, và đã gả chừng bốn hay năm cô con gái cho họ. Người Kikuyu kể thuở xưa bộ tộc Masai quan niệm rằng kết thông gia cùng dân Kikuyu là hạ thấp phẩm giá. Song hiện tại, tộc người lạ lùng đang dần tuyệt diệt này, hòng trì hoãn kết cục tiêu vong, phải đè nén lòng kiêu hãnh xuống, và các cô nàng Kikuyu mắn đẻ được họ truy cầu do phụ nữ Masai rất hiếm muộn. Các con Kaninu thảy đều ưa nhìn, và đánh đổi lấy mấy cô con gái, ông ta đã mang về, qua đường biên Khu bảo tồn, nhiều bê cái béo mượt. Giai đoạn này, nhiều ông chủ gia đình trở nên giàu có bằng cách tương tự. Tôi nghe kể Kinanjui, thủ lĩnh tối cao của người Kikuyu, đã gả hơn hai mươi con gái cho người Masai, và nhận về từ họ cả trăm đầu gia súc.
Nhưng từ một năm trước, Khu bảo tồn Masai đã bị cách li vì bệnh lở mồm long móng và không ai được phép chuyển vật nuôi ra khỏi đó. Quy định này đẩy Kaninu vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Là chủng tộc sống du cư, chỗ ở của người Masai tùy thuộc mùa vụ, lượng mưa và đồng cỏ, bởi vậy những con bò trong đàn của họ, mà theo luật thuộc về Kaninu, bị đưa đi tứ phương, nhiều khi xa hàng trăm dặm và chỉ trời mới biết chuyện gì đang xảy ra cho chúng. Dân Masai là bạn hàng vô lương tâm trong các giao dịch gia súc, lối đối đãi với dân Kikuyu mà họ xem thường lại càng tệ hơn nữa. Họ là các chiến binh ưu tú, nghe nói còn là những người tình tuyệt vời. Trong tay họ, tâm hồn các cô con gái nhà Kaninu cũng dần hướng về ngoại nhân giống tim các thiếu nữ Sabine xưa* và ông chẳng cậy nhờ ở họ được nữa. Vậy nên ông già Kikuyu lắm mưu mô chọn cách chuyển gia súc của mình vượt sông vào đồn điền giữa đêm, lúc ngài Hạt Trưởng và nhân viên thú y được cho là đang yên giấc nồng. Đây quả là hành vi xấu xa bởi các quy định cách li dịch bệnh nằm trong số những điều người bản địa hiểu rõ và tôn trọng. Nếu thiên hạ phát giác những con bò này trên đất của tôi, cả khu đồn điền sẽ bị cách li. Vì thế tôi phải cắt cử người gác ven sông chặn bắt nhóm Kaninu, và trong những đêm sáng trăng, nhiều cuộc mai phục vô cùng căng thẳng cùng giao tranh chớp nhoáng đã nổ ra bên dòng nước bạc, khiến lũ bê, đối tượng của mọi mối quan tâm, lồng lên tán loạn.
Ngược lại, Jogona, cha của Wamai, đứa trẻ thiệt mạng, lại nghèo kiết xác. Ông này có độc một bà vợ già, gia sản vỏn vẹn ba con dê. Ông cũng sẽ
chẳng có cơ giàu thêm bởi đây là người đầu óc vô cùng giản đơn. Tôi khá thân quen với Jogona. Một năm trước vụ tai nạn và phiên xử này của Kyama, ở đồn điền xảy ra án giết người nghiêm trọng. Hai người Ấn, thuê của tôi một xưởng máy trên mạn đầu nguồn để nghiền bột ngô cho người Kikuyu, đã bị sát hại trong đêm, hàng hóa bị cướp sạch còn lũ sát nhân lặn mất dạng. Án mạng khiến các thương nhân và chủ hiệu người Ấn trong vùng khiếp đảm tháo chạy, như thể bị một cơn bão cuốn đi; tôi đã phải trang bị cho Pooran Singh dưới xưởng chế biến một khẩu súng săn cũ nhằm giữ chân bác ta và ngay cả vậy còn phải nằn nì thuyết phục đến gãy lưỡi. Mấy đêm sau thảm án, chính tôi cũng nghe thấy nhiều tiếng chân bước quanh nhà nên đã phải cắt cử một người gác đêm suốt một tuần và đấy là Jogona. Rất mực lành hiền, và sẽ chẳng nên cơm cháo gì trước lũ sát nhân, nhưng Jogona là một ông già thân thiện nên chuyện trò cùng ông khá thú vị. Jogona có cung cách một cậu bé hớn hở, khuôn mặt to luôn biểu hiện vẻ hào hứng và hăng hái, mỗi khi trông tôi là ông lại cười. Lúc này, gặp tôi ở Kyama, ông tỏ ra mừng rỡ lắm.
Song kinh Koran dạo ấy tôi đang tìm hiểu có viết thế này: “Không được vì quyền lợi của người nghèo mà bẻ cong cán cân công lí.”
Ngoài bản thân tôi ra còn ít nhất một thành viên nhận ra mục đích của phiên xử nhằm lột da Kaninu: Đó chính là Kaninu. Những ông già ngồi thành vòng tròn, vô cùng chăm chú và tập trung vào buổi xét xử. Kaninu ngồi ở giữa, trên mặt đất, đầu trùm kín tấm áo khoác da dê, chốc chốc bên dưới lại vang lên một tiếng rên uất ức hay nấc nghẹn ai oán, tựa một con chó đã tru hú đến kiệt sức giờ chỉ còn khổ sở thoi thóp.
Các bô lão muốn khởi đầu với đứa trẻ bị thương Wanyangerri, bởi đấy là cơ hội cho họ tán hươu tán vượn. Khoản bồi thường là gì nếu Wanyangerri thiệt mạng? Hay trở nên dị dạng thì sao? Hoặc giả mất khả năng nói thì sẽ thế nào? Farah, thay mặt tôi, thông báo sẽ không bàn chuyện này chừng nào chưa đi Nairobi gặp bác sĩ bệnh viện. Họ nuốt nỗi thất vọng, chuyển qua bàn trường hợp tiếp theo.
Qua Farah, tôi đề nghị Kyama mau chóng kết thúc vụ việc, tránh cho mọi người phải ngồi họp cả đời, bởi rành rành đây chẳng phải vụ giết người mà chỉ là một tai nạn thảm khốc.
Kyama tỏ ra tôn trọng bài phát biểu của tôi bằng thái độ chăm chú nhưng lập tức phản đối khi tôi vừa dứt lời.
“Chúng tôi còn chưa biết gì,” họ nói, “nhưng rõ là Msabu cũng chẳng tỏ ngọn ngành. Những lời Msabu vừa nói chúng tôi hầu như không thông. Con trai Kaninu là kẻ nổ súng. Nếu không cớ sao chỉ mình nó chẳng hề hấn gì? Nếu Msabu muốn nghe thêm chi tiết, Mauge đây có thể thuật lại. Con trai anh ta cũng có mặt tại đó và bị bắn bay mất một bên tai.”
Mauge thuộc hàng lưu dân khá giả nhất, một đối thủ của Kaninu tại đồn điền. Ông này nom rất oai vệ, lời nói có sức nặng dẫu thi thoảng phải ngưng lại nghĩ. “Msabu,” ông ta nói. “Con trai tôi kể rằng: cả lũ lần lượt cầm súng, nhắm vào Kabero. Song nó chẳng chịu giảng giải cho đám bạn cách dùng, không một lời nào luôn. Cuối cùng nó lấy lại khẩu súng và cũng lúc ấy súng nổ, làm cả đám bị thương và giết chết Wamai, con trai Jogona. Chuyện xảy ra đích thị là vậy.”
“Tôi đã biết tất cả chuyện đó,” tôi nói, “và đấy gọi là rủi ro, một tai nạn. Từ nhà mình tôi có thể bị cướp cò, hay Mauge, ông có thể bị như thế từ nhà ông.”
Câu này gây xôn xao trong Kyama. Mọi người đều nhìn về Mauge, lúc đó đang trở nên bối rối. Sau đó các thành viên trao đổi riêng, rất nhỏ giọng, gần như thì thào. Cuối cùng cuộc tranh biện được nối lại. Họ nói, “phen này chúng tôi chịu không hiểu lời nào của Msabu. Chúng tôi chỉ có thể tin rằng Msabu đang nghĩ đến một khẩu súng trường vì bà sử dụng thành thạo loại đó, nhưng còn súng săn bắn đạn ghém thì lại không thạo bằng. Nếu là một khẩu súng trường, điều Msabu nói khá chính xác. Tuy nhiên không ai
có thể bắn súng săn từ nhà Msabu, hay từ nhà Mauge, sang tận nhà Bwana
Menanya và giết ai trong đó được*.”
Ngưng lại một thoáng tôi nói: “Giờ ai cũng rõ con trai Kaninu đã nổ súng. Kaninu sẽ trả Jogona một số cừu để bù đắp mất mát. Song ngoài ra ai cũng biết con trai Kaninu không phải một cậu bé xấu xa và chẳng hề cố ý hại Wamai, do đó Kaninu sẽ không phải trả nhiều cừu như ở các trường hợp đó.”
Tới đây một ông già tên Awaru lên tiếng. Awaru có mối liên hệ gần gũi với nền văn minh hơn những người kia do đã từng nếm mùi nhà lao bảy năm.
“Msabu nói con trai Kaninu không xấu, thế nên Kaninu không phải trả nhiều cừu. Nhưng nếu con trai anh ta quả muốn giết Wamai và nó quả là một thằng nhỏ cực kì xấu xa thì như vậy chẳng phải sẽ lợi cho Kaninu sao? Trong trường hợp đó chẳng phải anh ta sẽ vui lòng trả thêm nhiều cừu sao?”
Tôi nói: “Awaru, ông thừa biết Kaninu đã mất đứa con trai. Ông cũng từng tới lớp học của đồn điền thành thử hẳn biết rõ thằng bé đó sáng dạ ra sao. Nếu ở các mặt khác nó cũng giỏi giang như thế, việc mất thằng bé là một tai họa lớn Kaninu đã phải gánh.”
Im lặng kéo dài, chẳng hề có âm thanh nào từ vòng người. Sau cùng Kaninu, như thể chợt nhớ ra bổn phận hay nỗi đau đớn, buông một tràng dài than khóc.
“Thưa Memsahib,” Farah nói, “hãy để người Kikuyu nêu ra con số trong tim họ.” Anh nói bằng tiếng Swaheli đâm ra hội đồng đều hiểu và đã thành công trong việc khiến họ trở nên phấp phỏng, bởi con số là thứ cụ thể mà không người bản xứ nào thích đưa ra. Farah đảo mắt khắp vòng người, ngạo nghễ đề xuất: “Một trăm vậy nhé.” Một trăm cừu là con số hoang đường chẳng người nào nghiêm túc nghĩ đến cả. Một bầu không khí yên ắng bao trùm Kyama. Các ông già cảm thấy anh chàng Somali đang giễu mình và chọn cách làm ngơ. Một ông lão già lụ khụ lí nhí thốt lên: “Năm mươi” nhưng con số này dường như chẳng có chút trọng lượng và bị trò tếu của Farah thổi bay.
Được một lát, trong cung cách một thương lái dày dạn đã quá quen với các con số cũng như gia súc, Farah tuyên bố chắc nịch: “Bốn mươi.” Câu nói này đánh thức mọi ý tưởng đang âm ỉ; hội đồng bắt đầu trao đổi sôi nổi. Giờ họ sẽ cần thêm thời gian, và còn phải vắt óc suy tính cũng như chí chóe nhiều nữa, có điều cũng chỉ vậy thôi bởi nền tảng cuộc thương thảo đã được xác lập. Về tới nhà Farah bảo tôi, cũng bằng giọng đầy tự tin: “Tôi nghĩ các bô lão sẽ chấp nhận bốn mươi con cừu của Kaninu.”
Kaninu còn phải vượt qua thử thách khắc nghiệt khác nữa từ Kyama. Kathegu Bụng Bự, một lưu dân lớn trong khu đồn điền, người cha và người ông của cả một đại gia đình, đưa ra đòi hỏi phải kiểm tra trước rồi đánh dấu từng con cừu và dê Kaninu sẽ giao nộp. Jogona chẳng thể nào bày
ra yêu sách hoàn toàn trái ngược phong tục Kyama này, và tôi tin nó sinh ra từ một thỏa thuận giữa Kathegu và Jogona, vì lợi ích của Kathegu. Tôi chờ đợi xem điều gì sẽ xảy đến.
Ban đầu dường như phó mặc cho nỗi đọa đầy, Kaninu gục đầu rền rĩ, ngỡ như mỗi con gia súc được đếm là người ta đang nhổ của ông một cái răng vậy. Song cuối cùng, lúc Kathegu, cũng ngập ngừng, chỉ định con dê to lông vàng không sừng, thì tim Kaninu tan vỡ và sức mạnh của ông bộc phát. Kaninu hất tung tấm áo choàng, lao vọt ra. Trong cả phút ông hướng về tôi rống lên như một con bò, một tiếng hú cầu cứu, một lời khẩn cầu ghê rợn từ gan ruột*, rồi đến khi thấy, qua cái liếc, rằng tôi ủng hộ ông và ông sẽ không bị mất con dê ấy thì Kaninu ngồi phịch xuống, chẳng hề phát ra thanh âm nào nữa. Lát sau, ông ném về Kathegu cái nhìn giễu cợt sâu cay.
Trải qua một tuần hội họp rồi lại hội họp nữa, Kyama chốt hạ Kaninu phải bồi hoàn cho Jogona bốn mươi cừu, nhưng không đả động cụ thể những con nào.
Sau đó hai tuần, buổi tối lúc tôi đang ăn, Farah thông báo một tin sốt dẻo liên quan tới vụ việc.
Ba ông già Kikuyu ở Nyeri* vừa đến đồn điền hôm qua. Từ mấy túp lều ở Nyeri, nghe được tin họ lặn lội cuốc bộ tới hòng bước lên sân khấu, viện dẫn lí lẽ rằng Wamai không phải con Jogona mà là con người em trai đã qua đời của họ, nên khoản bồi hoàn cho cái chết của nó theo luật phải thuộc về họ.
Tôi mỉm cười trước hành động trâng tráo, và nhận xét đây đích thị là cung cách của người Kikuyu ở hạt Nyeri. Không đâu, Farah trầm ngâm tỏ ý tin họ nói thật. Jogona đã từ Nyeri tới đồn điền sáu năm về trước, và qua những gì Farah thu lượm được thì Wamai quả tình không phải con trai Jogona, “và chẳng bao giờ là con ông ta,” anh quả quyết. Thật phúc tổ, Farah kể tiếp, cho Jogona vì hai ngày trước vừa được nhận hai mươi lăm trong tổng số bốn mươi con cừu của mình. Nếu không Kaninu thà để chúng đi Nyeri cho đỡ xót xa thay vì bắt gặp chúng tại đồn điền mà chẳng còn là của mình. Tuy nhiên Jogona vẫn cần dè chừng bởi không dễ gì giũ
bỏ được toán Kikuyu từ Nyeri đâu. Họ đã thu xếp được nơi trú ngụ tại đồn điền và hăm dọa đưa vấn đề lên ngài Hạt Trưởng.
Đã chuẩn bị trước tinh thần nên tôi chẳng hề ngạc nhiên khi những người Nyeri xuất hiện trước nhà tôi vài ngày sau. Thuộc tầng lớp dân Kikuyu cùng khổ, họ có bộ dạng của ba con linh cẩu bẩn thỉu, lông lá bù xù, đã âm thầm lần theo dấu máu Wamai qua suốt một trăm năm mươi dặm. Họ khiến Jogona rơi vào tâm trạng lo lắng bất an khôn tả. Thái độ các bên có sự khác biệt dường như xuất phát từ thực tế nhóm người Kikuyu ở Nyeri chẳng có gì để mất, trong khi Jogona đã nhận hai mươi lăm con cừu. Ba kẻ