Một thủ lĩnh Kikuyu

Một phần của tài liệu Châu Phi nghìn trùng: Phần 1 (Trang 114 - 125)

Kinanjui, vị thủ lĩnh tối cao cai quản hơn một trăm ngàn dân Kikuyu, sống cách đồn điền chừng chín dặm về hướng Đông Bắc, trong Khu bảo tồn Kikuyu, gần Hội truyền giáo Pháp quốc. Đó là một ông già tinh khôn nhiều mánh lới, phong thái đường bệ và cao sang, dẫu chẳng phải xuất thân dòng dõi thế gia mà được người Anh dựng lên từ nhiều năm trước, khi họ không còn duy trì nổi mối quan hệ cơm lành canh ngọt cùng lãnh tụ hợp pháp của người Kikuyu trong vùng.

Là bạn bè, Kinanjui đã nhiều bận ra tay giúp đỡ tôi. Manyatta của ông, tôi

từng vài dịp cưỡi ngựa đến quấy quả, cũng bẩn thỉu và đầy ruồi nhặng hệt như của dân thường Kikuyu. Nhưng nó to rộng hơn hẳn mọi khu trại tôi từng thấy, vì với địa vị thủ lĩnh, Kinanjui đã dành toàn tâm toàn ý cho thú vui hôn nhân. Khu trại tíu tít các bà vợ của ông ở đủ mọi lứa tuổi, từ những bà phù thủy chống gậy, gầy đét chẳng còn răng tới các thiếu nữ mảnh mai, mắt nai, mặt bầu bĩnh, tay chân đeo vòng đồng lóng lánh. Con cái ông khắp nơi, lốc nhốc bu đen từng đám như ruồi. Những cậu con trai ông dáng thẳng đuỗn, đầu trang trí lòe loẹt, lông bông phất phơ gây đủ chuyện rắc rối. Một bận Kinanjui kể thời điểm ấy ông có năm mươi lăm con trai đang

là Morani.

Lâu lâu vị thủ lĩnh già, khoác một tấm áo choàng lông tuyệt mĩ, được hai hay ba thượng nghị sĩ râu tóc bạc phơ cùng mấy anh con trai-chiến binh tháp tùng, lại cuốc bộ tới đồn điền của tôi trong một chuyến viếng thăm thân tình, hoặc để xả hơi sau bộn bề chính sự. Kinanjui sẽ ngồi suốt chiều ngoài trảng cỏ, trên một trong mấy chiếc ghế bành hiên đã được khuân ra đó, mồm phì phèo chỗ xì gà tôi sai người mang cho ông, cùng bộ sậu hội đồng thành viên và cận vệ ngồi chồm hỗm trên cỏ vây quanh. Khi được tin ông tới, đám gia nhân và lưu dân kéo đến túm năm tụm ba và giải khuây cho ông bằng các sự kiện xảy ra trong đồn điền, tất cả cấu thành một dạng câu lạc bộ chính trị họp dưới tán cây. Trong những buổi tiếp xúc ấy, Kinanjui áp dụng một chước riêng: lúc cho rằng cuộc luận bàn đang kéo dài

quá đỗi, ông sẽ ngả người trên ghế, trong lúc vẫn giữ điếu xì gà lập lòe đỏ, nhắm mắt thở sâu và chậm, chìm vào nhịp ngáy đều khe khẽ, tựa một kiểu ngủ quy ước mà có lẽ ông đã rèn luyện hầu áp dụng tại Hội đồng địa hạt của mình. Một đôi lần tôi chuyển thêm một chiếc ghế ra ngồi đàm đạo cùng ông, và những dịp ấy ông cho xua hết mọi người xung quanh đi, hầu chứng tỏ giờ là lúc bàn chuyện quốc gia đại sự. Ở thời điểm tôi quen biết ông, Kinanjui đã chẳng còn là con người ngày trước nữa, cuộc đời đã vắt kiệt ông. Song lúc chuyện trò thoải mái và cởi mở, với riêng tôi, ông bộc lộ một đầu óc độc đáo, một tinh thần phong phú, táo bạo và giàu tưởng tượng; Kinanjui đã suy tưởng về cõi nhân sinh và có nhận định riêng, kiên định về nó.

Vài năm trước, có một sự việc đã bồi đắp nên tình bạn gắn bó giữa chúng tôi.

Ngày ấy ông ghé chơi đúng vào bữa trưa của tôi cùng một người bạn vừa tạt qua đồn điền giữa hành trình lên mạn ngược của anh này khiến tôi chẳng còn thời gian dành cho vị đầu mục của người Kikuyu tận tới khi anh bạn kia lên đường. Kinanjui hẳn chờ được mời đồ uống trong lúc đợi, sau cả chặng dài cuốc bộ dưới mặt trời chói chang, tuy nhiên vì thức uống trong nhà mỗi thứ chỉ còn một ít, nên anh bạn và tôi đã đổ mọi loại rượu mạnh vào thành một cốc đầy. Đinh ninh đồ uống chế ra càng mạnh sẽ càng làm Kinanjui uống chậm hơn, tôi tự mình mang cốc rượu mời ông. Nhưng Kinanjui, sau khi nhấp môi và nở nụ cười, liền dành cho tôi cái nhìn đăm đắm mà tôi chưa từng được nhận từ bất cứ người đàn ông nào và ngửa cổ uống cạn tới giọt cuối.

Nửa giờ sau, lúc xe người bạn vừa khuất dạng, mấy gia nhân hộc tốc vào thông báo: “Kinanjui chết rồi.” Tôi cảm thấy, trong tích tắc, một tấn thảm kịch, một vụ tai ương ập tới như các bóng đen chết chóc đội mồ hiện lên. Tôi tất tả chạy ra.

Kinanjui nằm sõng soài trên mặt đất, dưới bóng râm mái bếp, khuôn mặt đờ đẫn chẳng chút biểu cảm, đôi môi và các ngón tay xanh lè, người lạnh toát như xác chết. Sự thể gần giống chuyện hạ sát một con voi: hành động của bạn vừa khiến sinh vật oai hùng và đường bệ từng dạo chơi trên mặt đất kia, giờ chẳng còn cất bước nổi nữa. Kinanjui giờ nom thấp kém hẳn, vì đám Kikuyu đã dội nước lên ông từ đầu đến chân, và lột bỏ tấm áo

choàng da khỉ to sụ. Toàn thân trần như nhộng, ông nom giống một con thú đã bị đoạt mất thứ phẩm vật mà vì thế bạn giết nó.

Tôi định cử Farah đi đón bác sĩ, nhưng không sao khởi động nổi chiếc xe, về phần mình, đoàn tùy tùng của Kinanjui lại khẩn khoản yêu cầu chúng tôi cố chờ thêm chút nữa xem sao.

Một giờ sau, lúc tôi, với con tim nặng trĩu, đang sửa soạn đi ra bàn bạc cùng mọi người, thì mấy gia nhân chạy vào báo: “Kinanjui về nhà rồi.” Cơ hồ ông đã đột nhiên bừng tỉnh, quấn tấm áo choàng lên người, cùng đám tùy tùng vây quanh, lội bộ chín dặm về nhà, chẳng từ biệt lấy nửa lời.

Sau đận ấy, tôi tin là Kinanjui có cảm tưởng tôi đã chấp nhận đương đầu với rủi ro, thậm chí bất chấp nguy hiểm - vì bạn không được phép cung cấp rượu cho dân bản xứ - hầu khiến ông vui lòng. Từ đấy ông thường lui tới đồn điền, hút cùng chúng tôi một điếu xì gà, tuy nhiên chẳng hề đả động đến rượu. Nếu Kinanjui yêu cầu hẳn tôi đã sẵn lòng mời, nhưng tôi biết ông sẽ không bao giờ đòi thứ đồ uống ấy nữa.

Hiện tại tôi đã phái người mang thư tới trại của Kinanjui trình bày toàn bộ vụ tai nạn súng và mời ông quá bộ sang đồn điền nhằm khép lại sự việc. Tôi đề nghị bồi thường cho Wainaina số bò bê theo như lời Kaninu kể, rồi hãy chấm dứt mọi chuyện rối ren tại đây. Tôi mong ngóng Kinanjui tới, bởi ông có thứ phẩm chất mà ai ai cũng xem trọng nơi bạn bè - sự hữu dụng.

Bằng lá thư ấy, vụ việc đã bế tắc một thời gian, cuối cùng được khai thông và kết thúc đầy kịch tính.

Một chiều lúc cưỡi ngựa trở về nhà, tôi trông thấy một chiếc ô tô đang phóng bạt mạng, thậm chí lượn ở khúc cua trên con đường dẫn tới nhà tôi chỉ trên hai bánh. Đó là chiếc xe màu đỏ tươi, có nhiều chi tiết mạ kền bóng nhoáng. Biết đây là xe của lãnh sự quán Mĩ tại Nairobi, tôi tự hỏi không hiểu việc khẩn cấp gì lại buộc ngài lãnh sự phóng đến nhà mình bằng tốc độ kinh hoàng đến vậy. Nhưng lúc tôi rời khỏi yên ngựa phía sau nhà, Farah ra báo có thủ lĩnh Kinanjui tới. Ông đến bằng ô tô riêng, mới tậu của lãnh sự quán Mĩ hôm trước, và không muốn bước xuống chừng nào tôi chưa được thấy ông trong xe.

Ra ngoài tôi bắt gặp Kinanjui đang đường bệ ngồi ngay đuỗn, bất động trong xe, hệt một bức tượng thần. Ông đóng tấm áo khoác thùng thình bằng da khỉ lông xanh, đầu mang mũ chỏm người Kikuyu làm từ dạ dày cừu. Vóc dáng ông luôn rất ấn tượng, cao to, tráng kiện tịnh không chút mỡ thừa; bộ mặt cũng vậy, tự đắc, thon dài, xương xẩu, trán vát kiểu người da đỏ. Kinanjui có cái mũi to, nổi bật tới độ nó dường như tâm điểm của cả người ông, tựa hồ vóc dáng đồ sộ kia chỉ để rước cái mũi khắp đó đây. Giống vòi voi, cái mũi vừa tọc mạch một cách táo tợn vừa vô cùng thính nhạy và khôn ngoan, dữ dội lúc tấn công cũng như trong phòng thủ. Và con voi, sau cùng, cũng giống Kinanjui, có một cái đầu quý phái bậc nhất dẫu nom không được thông minh cho lắm.

Kinanjui không mở miệng, thậm chí chẳng nháy mắt khi tôi cất lời tán thưởng chiếc xe, ông chỉ bệ vệ ngồi đăm đăm dõi về phía trước, quyết cho tôi thấy được nét bán diện của ông, kiểu khuôn mặt nhìn nghiêng thường được dập lên huy chương. Thấy tôi bước quanh đầu xe, ông cũng xoay đầu cốt sao tôi luôn thấy được bộ mặt vương giả nhìn nghiêng của mình, có lẽ lúc này hình đầu đức vua* trên đồng rupee đang chiếm ngự hồn ông. Sau tay lái là một trong những cậu con của Kinanjui, và chiếc xe nóng giãy. Khi nghi lễ kết thúc, tôi mời Kinanjui ra khỏi xe. Ông đường bệ sửa lại tấm áo choàng trên người rồi tụt xuống, và ngay ở khoảnh khắc ấy, Kinanjui bước trở lui hai nghìn năm vào trong một phiên xét xử của người Kikuyu.

Sát chân tường phía Tây nhà tôi có kê một ghế đá, trước nó đặt chiếc bàn đá lấy từ cối xay bột. Cái bàn này có lịch sử hết sức bi thảm: nó chính là thớt trên chiếc cối ở xưởng xay bột của hai chủ xưởng người Ấn Độ bị sát hại. Sau vụ giết người ấy, không ai còn dám tiếp quản xưởng, nó bị bỏ phế im lìm suốt một thời gian dài, và tôi cho mang phần thớt trên lên nhà làm mặt bàn, bởi nó gợi nhớ về Đan Mạch cố hương. Hai chủ xưởng Ấn Độ từng kể với tôi chiếc cối của họ có xuất xứ từ Bombay vượt biển qua đến đây, do đá châu Phi không đủ cứng để xay. Mặt trên thớt cối có một hình chạm cùng vài vệt nâu loang rộng mà đám gia nhân quả quyết là vệt máu của hai người Ấn và sẽ chẳng bao giờ cọ sạch được. Bàn đá thớt cối xay này ở chừng mực nhất định, được coi là trung tâm đồn điền, bởi tôi thường ngồi sau nó trong mọi sự vụ cùng dân bản xứ. Trên băng ghế đá đặt sau thớt cối ấy, tôi và Denys Finch-Hatton từng vừa đón năm mới vừa ngắm trăng non, sao Kim cùng sao Hỏa nằm sát bên nhau thành cụm trên

nền trời; cảnh tượng huy hoàng, tôi chẳng bao giờ thấy lại ấy, bạn sẽ khó lòng tin nổi là có thực.

Giờ đây tôi lại an tọa trên băng ghế đá, có Kinanjui ở bên trái. Phía phải tôi Farah đang chăm chú đứng nhìn đám người Kikuyu lố nhố tụ tập quanh ngôi nhà, cũng như mấy tốp vẫn còn lũ lượt kéo tới khi tin tức Kinanjui có mặt vừa loang khắp đồn điền.

Thái độ kì quái của Farah đối với dân bản xứ mang đậm tính hình ảnh. Chẳng khác phục trang hay nét mặt các chiến binh Masai, thái độ ấy không phải mới nảy sinh hôm qua, hôm kia mà là sản phẩm sau biết bao thế kỉ. Những thế lực bồi đắp nên nó cũng từng dựng lên các công trình vĩ đại bằng đá, nhưng đã rã thành cát bụi tự thuở nào.

Lần đầu tới xứ này, cập bến ở cảng Mombasa, bạn sẽ bắt gặp, chen giữa những cây Baobab già nua màu xám trắng - thứ nom chẳng ra bất kì loại thực vật Trái Đất nào mà giống khối hóa thạch rỗng xốp của loài mực ống khổng lồ - là tàn tích bằng đá xám của nhà cửa, tháp giáo đường, giếng nước. Bạn cũng thấy những phế tích tương tự suốt dọc đường dẫn ra miền duyên hải, Takaunga, Kalifi và Lamu*. Đây là những gì còn sót lại của các thị trấn do thương lái Ả Rập chuyên buôn ngà voi và nô lệ xây cất nên. Những con thuyền một buồm của thương lái Ả Rập tỏ tường mọi luồng lạch châu Phi, và dong theo những lối mòn xanh thẳm ấy tới khu chợ trung tâm Zanzibar*. Chúng quen thuộc các thủy lộ này từ thời Aladdin gửi tới cho Đức Vua bốn trăm nô lệ da đen* mang theo đầy ngọc ngà châu báu và Hoàng hậu mở yến tiệc thiết đãi tình nhân da đen của mình giữa lúc đức ông chồng đi săn, và vì thế mà bị hành quyết.

Chắc hẳn những thương nhân vĩ đại này, lúc trở nên giàu có, đã mang theo hậu cung dọn tới Mombasa và Kalifi, sống tại các ngôi làng nằm kề mép sóng bạc đầu của đại dương, với những khu vườn hoa rực rỡ, trong khi vẫn cử các thương đoàn của mình lên mạn ngược.

Đó là bởi những vùng nội địa hoang dã khắc nghiệt kia, các thảo nguyên khô cháy cùng những dải đất không tên chẳng một giọt nước, xứ sở của những cây gai tán rộng mọc ven sông, và của những loài hoa dại nhỏ xíu song thơm gắt mọc trên đất mùn đen sậm, đem về của cải cho họ. Tại đây, trên nóc nhà Phi châu, người phu khôn ngoan, dáng vóc uy nghiêm, đang

thồ nặng ngà voi lầm lũi bước. Anh đắm chìm trong suy tư và chỉ muốn được yên thân. Nhưng anh bị đeo bám, và tấn công bằng những mũi tên độc từ đám Wanderobo* lùn tịt và đen đúa, hay từ dân Ả Rập trang bị súng hỏa mai khảm bạc dài ngoằng; anh bị bẫy và sa xuống hố sâu chỉ vì mớ ngà dài, nâu nhạt và trơn mướt mà có người ngồi tận Zanzibar đang khao khát. Ngoài ra trên đây còn có một tộc người rụt rè, yêu hòa bình. Họ phát rẫy, đốt nương và trồng khoai lang cùng ngô trên một phần nhỏ diện tích đất rừng. Không mấy giỏi đánh nhau, hay phát minh ra bất cứ thứ gì, họ chỉ muốn được sống yên ổn, và cũng, là món hàng được thị trường rất chuộng - như ngà voi vậy.

Những giống chim ăn thịt, tuy ít nhưng to hơn, cũng tụ tập trên này:

“Bầy chim tang tóc chuyên ăn người…

bu đen một vùng; vài con vừa bỏ lại một đầu lâu trọc lốc trên giá treo cổ cả đám đứng hong mỏ nâu

Lũ chim vút lên từ cột cờ cũ mòn, như lột bỏ lớp vỏ đen của nó…*

Dân Ả Rập mò tới. Họ nhạy bén, lạnh lùng, ham nhục dục, xem nhẹ cái chết và dành hết thời gian rảnh rỗi cho thiên văn, đại số, cùng hậu cung của mình. Đồng hành cùng họ là những người anh em ngoài giá thú Somali - xốc nổi, tối ngày cãi lộn, hay kiêng khem và tham lam. Họ bù đắp khuyết thiếu ở nguồn gốc xuất thân bằng cách trở thành tín đồ Hồi giáo đầy cuồng nhiệt, và trung thành trước Đấng Tiên Tri Muhammad hơn cả đám con trong giá thú. Dân Swaheli cũng bám theo. Đám người này tôi đòi từ trong bản chất, có con tim của kẻ tôi đòi, độc ác, dâm đãng, tắt mắt, cực kì nhạy bén và là kho chuyện đùa, càng già càng phì ra.

Sâu trên cao nguyên, lũ chim bản địa ăn thịt người đón đợi họ. Dân Masai tìm đến, lặng lẽ tựa những bóng đen cao gầy, vác giáo dài khiên nặng, luôn ngờ vực kẻ lạ, tay vấy máu, sẵn lòng bán anh em của mình.

Mọi giống chim săn hẳn đã đậu lại rồi cùng chuyện trò bàn bạc. Farah thuật lại cho tôi nghe thời xưa, trước khi đưa đàn bà con gái từ quê nhà qua, trong số các bộ tộc sống nơi đất này, trai tráng Somali chỉ có thể kết duyên

cùng con gái Masai. Đây quả là mối lương duyên lạ lùng về nhiều góc độ. Bởi người Somali luôn mang đức tin, còn dân Masai lại chẳng hề có tôn giáo, hay chút hứng thú nào với bất cứ thứ gì nằm cao hơn mặt đất. Người Somali sạch sẽ, rất chịu khó tắm gội và làm vệ sinh, trong khi Masai là bộ tộc ở bẩn. Người Somali cũng rất coi trọng trinh tiết cô dâu, còn các cô gái Masai lại xem nhẹ tiết hạnh của mình. Farah lập tức chỉ ra lí do. Người Masai, anh bảo, chưa bao giờ là nô lệ. Không thể biến họ thành tôi tớ, thậm chí không sao cấm cố họ được. Chỉ trong vòng ba tháng họ sẽ bỏ mạng trong tù nếu bị đưa vào nên luật pháp Anh tại đây không quy định bỏ tù mà

Một phần của tài liệu Châu Phi nghìn trùng: Phần 1 (Trang 114 - 125)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)