Thảng hoặc tôi vẫn nghĩ tới người lữ khách từng đến đồn điền tá túc một đêm rồi ra đi không trở lại. Anh ta tên Emmanuelson, người Thụy Điển, vào hồi chúng tôi gặp nhau lần đầu đang giữ chân quản lý nhà hàng tại một trong những khách sạn ở Nairobi. Đó là một chàng trai béo mập, có bộ mặt đỏ phì phị, và thói quen tới đứng cạnh ghế khi tôi lại khách sạn ấy ăn trưa, để giúp vui, bằng giọng ngọt xớt, những chuyện về cố quốc cũng như về những người đôi bên cùng quen biết ở đó; anh ta nói dai tới độ chẳng bao lâu sau tôi đổi qua ăn tại các khách sạn khác trong thành phố. Sau đó tôi chỉ còn loáng thoáng nghe nói đến Emmanuelson; anh ta dường như có biệt tài đưa mình sa vào rắc rối, cũng như có sở thích và quan niệm vui sống khác người. Vậy nên Emmanuelson lần hồi chẳng được cộng đồng Scandinavia ở xứ này ưa. Một chiều, anh bỗng dưng xuất hiện tại đồn điền, tâm tư rất đỗi bồn chồn hốt hoảng, hỏi mượn tiền tôi nhằm có thể lập tức đến Tanganyika*, bởi nếu không anh đoan chắc mình sẽ bị tống giam. Hoặc khoản giúp đỡ của tôi đến quá trễ hay Emmanuelson đem tiêu vào thứ khác, bởi chỉ ít lâu sau tôi nghe tin anh ta bị bắt tại Nairobi, tuy không phải ngồi tù nhưng trong một thời gian đã biến mất khỏi tầm mắt tôi.
Cho tới một sẩm tối, cưỡi ngựa trở về khá muộn lúc sao trời đã bắt đầu mọc, tôi chợt bắt gặp một bóng người ngồi đợi chỗ mấy tảng đá bên ngoài nhà. Đó là Emmanuelson và anh đánh tiếng bằng giọng xởi lởi: “Một người lang thang tìm đến quấy quả bà nam tước đây.” Nghe tôi hỏi sao lại ở đây, Emmanuelson bảo vô tình bị lạc tới nhà tôi. Hướng anh đi về đâu? Đến Tanganyika.
Điều này khó lòng là sự thật bởi con lộ dẫn tới Tanganyika rộng thênh thang, dễ tìm, mà đường vào đồn điền tôi chỉ là một ngã rẽ của nó. Anh định tới Tanganyika thế nào đây? Tôi hỏi. Emmanuelson bảo sẽ cuốc bộ. Cách ấy, tôi nói, chẳng ai làm được cả, bởi nó đồng nghĩa với việc lội bộ ba ngày qua Khu bảo tồn Masai không có nước trong khi đang rộ lên tin có
sư tử xuất hiện; cũng hôm đó người Masai vừa tìm đến phàn nàn chuyện sư tử, nhờ tôi ra bắn cho họ một con.
Vâng, vâng, Emmanuelson biết hết, nhưng dẫu vậy anh vẫn sẽ cuốc bộ tới Tanganyika bởi chẳng còn cách nào khác. Bởi đang nhỡ độ đường Emmanuelson băn khoăn liệu tôi có thể cho anh cùng ăn tối và ngủ ở đồn điền rồi sớm mai lên đường, còn nếu quấy quả cho tôi quá, anh ta sẽ đi luôn lúc sao sáng vằng vặc thế này.
Lúc nói chuyện tôi vẫn ngồi nguyên trên lưng ngựa để tỏ ý không muốn tiếp, vì chẳng muốn dùng bữa tối với Emmanuelson. Tuy nhiên trong lúc nói, tôi thấy Emmanuelson cũng không trông đợi được mời vào nhà, anh hoặc chẳng tin vào lòng hiếu khách của tôi hoặc chẳng tin vào năng lực thuyết phục của chính mình, và dáng hình Emmanuelson, một người không bạn bè, giữa màn tối phía ngoài nhà tôi, sao nom lẻ loi quá. Thái độ vồn vã của anh ta không phải để mình khỏi bẽ mặt; bởi cũng chẳng còn gì để gìn giữ nữa, mà nhằm giữ thể diện cho tôi, nhằm khỏa lấp việc giờ tôi có phũ phàng xua đuổi anh đi cũng là bình thường, không có gì tàn nhẫn cả. Đấy là phong thái lịch sự của một con thú bị săn đuổi, tôi cất tiếng gọi người xà ích, và xuống ngựa, “Vào nhà đi Emmanuelson,” tôi bảo, “anh có thể ăn tối rồi nghỉ qua đêm ở đây.”
Dưới ánh đèn, Emmanuelson trông thật thảm thương. Anh ta bận tấm áo khoác đen ở châu Phi không ai mặc, râu ria lởm chởm chẳng cạo, đầu tóc bù xù, đi đôi giày cũ mèm, há mõm. Chẳng mang theo được tài sản gì, Emmanuelson đi người không. Dường như tôi sẽ phải đóng vai thầy Thượng Tế dâng nộp con dê còn sống cho Chúa, và gửi nó vào hoang dã*. Tôi bụng bảo dạ đây là lúc cần rượu. Berkeley Cole, người luôn bảo đảm nhà tôi lúc nào cũng có rượu, mới đây vừa gửi tới một thùng vang đỏ loại cực hiếm của vùng Bourgogne*, và thế là tôi bảo Juma khui một chai. Khi hai chúng tôi ngồi vào bàn ăn và li của Emmanuelson được rót đầy, anh ta uống cạn một nửa, giơ li về phía ngọn đèn rồi đăm đắm nhìn nó hồi lâu giống một người đang dồn cả tâm trí vào tiếng nhạc. “Trứ danh*” anh ta nói, “Rượu ngon Chambertin 1906 đây mà.” Quả đúng thế, tôi thầm thán phục anh.
Ngoài ra Emmanuelson chẳng tâm sự gì nhiều để vào chuyện, còn tôi cũng không biết phải nói sao. Tôi thắc mắc cớ sao anh ta không tìm nổi việc gì
làm. Emmanuelson đáp bởi anh chẳng biết mô tê gì những thứ mà ở đây ai nấy đều chú tâm. Anh đã bị sa thải khỏi khách sạn, vả chăng nghề của anh không phải quản lí nhà hàng trong khách sạn.
“Anh có chút kiến thức kế toán nào không?” tôi hỏi Emmanuelson.
“Không. Không hề,” anh ta đáp. “phép cộng đơn giản thôi tôi còn thấy khó.”
“Anh có biết chút gì về gia súc không?” Tôi nói tiếp. “Bò ấy hả?” anh ta hỏi lại. “Không, không. Tôi gớm lũ bò lắm.”
“Thế anh có lái được máy kéo chăng?” Tôi lại căn vặn. Đến đây một tia hi vọng mong manh hiện trên mặt Emmanuelson. “Không,” anh trả lời, “nhưng tôi thiết tưởng mình có thể học việc ấy.”
“Dầu gì cũng không phải bằng máy kéo của tôi đâu đấy. Vậy nói tôi nghe, Emmanuelson, anh đã từng làm qua những thứ gì? Anh là ai giữa đời này?” Emmanuelson ngồi thẳng người lên. “Tôi là ai á?” anh ta cao giọng. “Là một diễn viên.”
Tôi nghĩ bụng: Lạy Chúa lòng lành, việc hỗ trợ con người lạc lối này, theo bất kì cách thức thiết thực nào, hoàn toàn nằm ngoài năng lực của con; giờ đã tới lúc chuyển qua chuyện phiếm. “Anh là một diễn viên hả?” tôi nói, “thật quý hóa. Anh ưa thích những vai nào?”
“Tôi chuyên sắm các vai bi,” Emmanuelson nói. “Ưa nhất có Armand trong
Trà Hoa Nữ và Osward trong Hồn Ma Bóng Quỷ”
Chúng tôi bàn luận một chặp về mấy vở kịch, về những diễn viên tham gia cũng như phong cách diễn mà chúng tôi cho là họ nhất nhất phải thể hiện. Emmanuelson nhìn quanh quất gian phòng. “Chị có tập kịch của Henrik
Ibsen ở đây không? Nếu được ta có thể cùng nhau vào cảnh cuối ở Hồn
Ma Bóng Quỷ, nếu chị chẳng ngại sắm vai bà Alving.”
Tôi không có tập kịch Ibsen trong tay.
“Nhưng có lẽ chị còn nhớ lời thoại?” Emmanuelson nói, hào hứng với trù định của mình. “Cá nhân tôi thuộc làu Oswald từ đầu chí cuối. Cảnh cuối đó là hay nhất. Về hiệu quả bi thảm, hẳn chị cũng thấy nó vô đối.”
Bầu trời đã đầy sao, đó là một buổi tối ấm áp, quang đãng, chẳng bao lâu nữa những cơn mưa như trút sẽ kéo về. Tôi hỏi Emmanuelson có thực anh nhăm nhe đi bộ tới Tanganyika không.
“Đúng vậy” anh ta đáp, “Giờ người diễn cũng tôi mà chân nhắc vở cũng tôi luôn.”
“Một điều tốt lành cho anh là chưa kết hôn.” tôi bảo.
“Vâng” Emmanuelson đáp, “cũng phải.” Rồi sau một thoáng anh nhỏ nhẹ nói thêm: “Tuy nhiên tôi có vợ rồi.”
Lúc chuyện trò, Emmanuelson than phiền về thực tế ở đây người da trắng chẳng thể trụ nổi trước sức cạnh tranh từ dân bản xứ có giá nhân công rẻ hơn nhiều. “Nếu giờ ở Paris,” anh bảo, “chỉ trong tắp lự tôi cũng có thể kiếm được chân chạy bàn tiệm cà phê nào đó.”
“Sao anh không ở lại Paris?” tôi hỏi.
Emmanuelson liếc tôi một cái thật nhanh và thẳng thừng. “Paris ấy hả?” anh nói; “không, không, xin kiếu. Tôi chuồn khỏi đó vừa kịp lúc.”
Dưới gầm trời này Emmanuelson vẫn còn một anh bạn, người mà tối ấy anh ta đề cập tới lui nhiều lần. Chỉ cần Emmanuelson liên lạc được bạn mình, vạn sự sẽ khác, bởi anh kia có của, lại rất hào phóng. Người bạn đó là ảo thuật gia, đang chu du khắp thế giới. Dịp cuối Emmanuelson nghe tin của bạn là lúc anh kia đang ở San Francisco.
Chúng tôi bàn về văn học, sân khấu rồi lần nữa quay về chuyện tiền đồ Emmanuelson. Anh kể tôi nghe đám đồng hương tại châu Phi đây, từng người một, đã quay lưng lại với mình ra sao.
“Tình cảnh anh lận đận đủ đường, Emmanuelson ạ,” tôi bảo, “Thật chẳng nghĩ nổi ra ai, dù trên phương diện nào, vướng phải lắm long đong hơn anh.”
“Tôi thiết tưởng quả cũng chẳng có ai,” anh nói. “Có điều gần đây tôi đi tới nhận định mà có lẽ chị chẳng hề nghĩ đến: không người này thì người kia, cũng phải có ai đó sa vào cảnh ngộ khốn đốn nhất chứ.”
Uống hết chai rượu, Emmanuelson đẩy chiếc li ra xa. “Với tôi, chuyến dấn thân này,” anh nói, “tựa ván bài được ăn cả ngã về không, đỏ và đen*. Tôi có cơ hội đào thoát, thậm chí rũ bỏ được mọi sự. Mặt khác nếu đến được Tanganyika tôi có thể bắt tay vào làm nhiều điều.”
“Tôi cho rằng anh sẽ tới được Tanganyika,” tôi bảo, “anh có thể gặp, đi nhờ một cái xe tải nào đó của người Ấn vẫn xuôi ngược trên con đường ấy.”
“Vâng, ngặt nỗi ở đó cũng có bọn sư tử,” Emmanuelson nói, “và cả lũ Masai.”
“Anh có tin ở Chúa không, Emmanuelson?” tôi hỏi.
“Có chứ, có, tôi tin,” Emmanuelson đáp. Anh ta ngồi lặng một lát. “Có lẽ chị sẽ cho tôi là một kẻ hoài nghi gớm ghiếc,” anh ta nói, “nếu giờ tôi nói ra điều này. Song ngoài Chúa trời ra tôi tuyệt nhiên chẳng tin bất cứ thứ gì.”
“Này Emmanuelson,” tôi nói, “anh có tiền nong gì không?” “Có tám mươi xu,” anh ta đáp.
“Thế chưa đủ,” tôi bảo, “ngặt nỗi gia cảnh tôi cũng túng quẫn chả có tiền.
Nhưng có thể Farah còn chút ít.” Farah có bốn rupee.
Sáng hôm sau, trước rạng đông, tôi nói gia nhân đánh thức Emmanuelson và làm bữa điểm tâm cho hai chúng tôi. Đêm hôm trước tôi đã quyết định lấy xe chở anh ta một độ đường chừng mười dặm. Đây chẳng phải thuận lợi gì nhiều nhặn cho Emmanuelson bởi còn phải cuốc bộ cả tám mươi dặm nữa, tuy nhiên tôi không nỡ nhìn anh bước thẳng từ ngưỡng cửa nhà mình vào định mệnh bất định, cạnh đó tôi còn muốn được góp phần vào tấn hài kịch hoặc bi kịch này. Tôi làm cho Emmanuelson một bọc sandwich, ít trứng luộc kĩ rồi cùng với đó đưa thêm một chai Chambertin 1906 bởi anh đã nhận biết được giá trị của nó. Tôi nghĩ đây rất có thể là món đồ uống sau chót của anh ta trong đời.
Trong ánh bình minh, Emmanuelson nom tựa một xác chết trong truyện cổ tích với bộ râu mọc tua tủa lúc dưới lòng đất, nhưng lại bước ra khỏi mồ với thần thái tươi tỉnh, rất điềm tĩnh và đúng mực lúc xe chúng tôi bon
bon. Tới bờ bên kia sông Mbagathi, tôi thả anh xuống. Không khí sớm mai trong trẻo, trời không một gợn mây. Emmanuelson sẽ theo hướng Tây Nam. Khi tôi quay qua phía chân trời đối diện, mặt trời vừa ló rạng, đỏ ối: giống lòng đỏ trứng luộc, tôi thầm nghĩ. Ba hay bốn tiếng nữa, nó sẽ chói lòa, rừng rực đổ lên đầu kẻ lang thang này.
Emmanuelson cất tiếng tạ từ, bước vài bước, rồi trở lại chào tôi thêm bận nữa. Từ trong xe nhìn anh, tôi nghĩ, khi cất bước, lòng anh hẳn vui vì vẫn có một khán giả dõi theo. Tôi tin bản năng sân khấu ở anh mạnh mẽ tới độ, vào thời khắc này, nhận thức mãnh liệt được rằng mình đang rời sân khấu, đang biến mất, như thể nhìn bằng con mắt của người khán giả, anh có thể thấy cảnh bản thân đang cất bước. Emmanuelson rời sàn diễn. Liệu rặng núi, những cây gai cùng con đường lầm bụi có thể nào không thương cảm và trong một phút giây không khoác lên mình diện mạo phông giấy bồi vẽ hậu cảnh nơi sàn diễn?
Trong làn gió sớm thổi hiu hiu, tấm áo khoác đen của Emmanuelson lật phật quanh chân với cổ chai rượu thò ra từ miệng túi. Tôi cảm thấy tim mình chất chứa trìu mến và biết ơn, thứ cảm xúc dấy lên trong lòng người luôn ru rú ở nhà trước du khách bộ hành và những kẻ viễn du, thủy thủ, nhà thám hiểm hay dân lang thang. Lên tới đỉnh đồi, Emmanuelson xoay người lại, bỏ mũ ra giơ lên vẫy tôi, tóc mái dài trước trán anh phất phơ bay trong gió.
Farah, đi cùng xe, thắc mắc: “Bwana đi đâu thế?” Farah gọi Emmanuelson là Bwana bởi coi trọng anh, do đã qua đêm dưới mái nhà tôi.
“Tới Tanganyika,” tôi nói. “Cuốc bộ sao?” anh ta hỏi. “Đúng thế,” tôi đáp.
“Cầu mong Allah ở bên ông ấy,” Farah nói.
Suốt hôm ấy tôi phấp phỏng về Emmanuelson và ra khỏi nhà dõi nhìn con đường dẫn tới Tanganyika. Tối đến, chừng mười giờ, tôi nghe văng vẳng một con sư tử rống xa tít hướng Tây Nam; nửa tiếng sau nó lại rống. Tôi thầm hỏi phải chăng giờ này Emmanuelson đang ngồi trên tấm áo khoác đen cũ kĩ. Cả tuần lễ tiếp theo, tôi gắng tìm kiếm tin tức của anh ta, sai
Farah hỏi thăm những bạn bè người Ấn lái xe tải tới Tanganyika xem có xe nào từng chạy qua hay dừng gặp Emmanuelson trên đường không. Song tất cả đều tuyệt vô âm tín.
Bẵng đi cả nửa năm, tôi kinh ngạc nhận được một lá thư bảo đảm gửi từ Dodoma*, nơi chẳng có ai quen. Đó là thư Emmanuelson. Thư gửi kèm
năm mươi rupee tôi cho anh mượn lần đầu khi cố sức rời khỏi nước này, và bốn rupee của Farah. Ngoài khoản tiền kể trên, món tiền cuối cùng trên
đời tôi mong tìm lại được, Emmanuelson còn viết một bức thư dài, sáng suốt và thú vị. Anh đang giữ chân pha chế rượu ở Dodoma, họa có Chúa mới biết địa phương ấy có loại quán rượu nào, và giờ mọi sự đã tới hồi thái lai. Dường như có khiếu bày tỏ lòng biết ơn, anh ghi nhớ tất tật về buổi tối đó ở đồn điền, nhiều lần nhắc về cảm giác đã được sống giữa những người bạn. Anh thuật lại tỉ mỉ chuyến đi tới Tanganyika, dành nhiều lời tốt đẹp cho người Masai. Họ bắt gặp anh giữa đường, cưu mang anh, đối xử vô cùng tốt bụng và hiếu khách, đưa anh cùng đi suốt phần lớn chặng đường, theo nhiều lối đi rối rắm. Emmanuelson cũng kể mình đã giúp họ tiêu khiển bằng cách kể về các chuyến phiêu lưu của anh qua nhiều nước, khiến họ chả nỡ cho anh rời đi. Emmanuelson chẳng biết chút tiếng Masai nào, đâm ra trong chuyến phiêu lưu ấy, anh hẳn phải viện đến kĩ năng kịch câm.
Tôi nghĩ Emmanuelson và người Masai là một cặp trời sinh nên việc sự đời run rủi cho anh ta tìm thấy chốn nương thân chỗ họ, cũng như việc họ thu dung anh thật tự nhiên và tương hợp. Tầng lớp quý tộc đích thực và giai cấp vô sản đích thực đều hiểu rốt ráo bi kịch. Với họ, đấy là nguyên tắc cơ bản của Chúa trời, và là điểm mấu chốt - một gam nhạc trầm buồn - của kiếp người. Về điểm này họ khác mọi hạng tư sản, những kẻ chối bỏ bi kịch, không dung thứ nó và với họ chỉ nội từ bi kịch thôi đã hàm nghĩa chẳng hay ho gì. Nhiều hiểu lầm giữa lớp định cư da trắng trung lưu và người bản địa xuất phát từ chính thực tế này. Dân Masai lầm lì, vừa là quý tộc lại là vô sản, đã lập tức nhận ra ở con người cô độc lang thang giữa bóng tối kia một diện mạo của bi kịch; và giữa dân Masai, diễn viên bi kịch ấy cũng tìm được chỗ của mình.
6