Ruổi ngựa trong Khu bảo tồn

Một phần của tài liệu Châu Phi nghìn trùng: Phần 1 (Trang 80 - 89)

Tôi cưỡi ngựa vào Khu bảo tồn Masai. Đầu tiên cần vượt sông, rồi đi tiếp chừng mười lăm phút ta sẽ tiến nhập Khu bảo tồn thú hoang. Mất một thời gian sống ở đồn điền tôi mới lần ra được chỗ cưỡi ngựa vượt sông: đường xuống lởm chởm toàn đá, và đường lên ở bờ bên kia thì dốc đứng, nhưng “một khi vượt được qua, hồn ta lại run rẩy sướng vui*.”

Vào đến nơi, trước bạn mở ra một vùng đất bát ngát cỏ mọc, nhấp nhô, trải dài cả trăm dặm dưới vó ngựa, không tồn tại bất kì hàng rào, mương rãnh, hay đường xá gì. Ở đây chẳng có người sinh sống, ngoại trừ vài thôn bản Masai cũng hoang vắng suốt sáu tháng khô hạn của năm bởi những kẻ du cư vĩ đại, cùng đàn gia súc của mình, đã rời sang các miền cỏ khác. Rải rác khắp thảo nguyên là thứ cây lúp xúp đầy gai, những con lũng sâu trải dài với các lòng sông cạn trơ đầy đá phiến kếch xù, cũng là chỗ bạn sẽ tìm ra đâu đó một lối mòn hươu nai giúp bạn vượt qua sông. Được một lát, bạn nhận ra chốn này mới im ắng làm sao. Giờ nhìn lại quãng đời mình ở châu Phi, tôi thấy về tổng thể có thể mô tả đó như cuộc sống của một con người từ thế giới ồn ào náo nhiệt bước vào xứ sở tĩnh lặng.

Ngay trước thời điểm những cơn mưa kéo về, người Masai nổi lửa đốt cỏ khô mùa cũ, và ở giai đoạn cháy rụi và đen đúa này, thảo nguyên chẳng phải chốn du ngoạn êm ái: bụi than, cuốn lên dưới vó ngựa, sẽ bám đầy người, chui vào cả mắt bạn, còn thân cỏ cháy thì sắc tựa thủy tinh cứa xước hết chân bầy chó. Song khi mưa tới, và cỏ non mơn mởn mọc khắp thảo nguyên, bạn cảm giác tựa như đang cưỡi ngựa trên mùa xuân, và con ngựa cũng hơi phát cuồng vì niềm sung sướng ấy. Đủ giống hươu nai di chuyển tới những vùng xanh non kiếm ăn, nom chúng như các món đồ chơi hình thú trên một bàn bi-a vậy. Ngựa bạn có thể chạy xộc vào giữa một đàn linh dương; loài thú to lớn hiền hòa này sẽ để bạn tới sát gần trước khi thong dong chạy nước kiệu, những suối sừng hắt ngược ra sau trên các cần cổ nghểnh lên, những diềm da ngực thõng thượt, tạo cho thân chúng dáng vẻ vuông vức, đung đưa theo nhịp chân lóc cóc. Dường như chúng bước ra từ

một bức mộ chí Ai Cập cổ nhưng ở đó linh dương kéo cày trên cánh đồng khiến chúng nom vẻ gần gũi và đã thuần hóa. Hươu cao cổ thường lánh vào sâu hơn trong Khu bảo tồn.

Thi thoảng, trong tháng đầu mùa mưa, một giống cẩm chướng dại, màu trắng, thơm lừng, lại mọc đầy Khu bảo tồn đến độ nhìn từ xa, cả thảo nguyên như lốm đốm các mảng tuyết.

Bỏ xứ người, tôi tìm vào thế giới của muông thú với con tim nặng trĩu tấn thảm kịch đêm qua. Đám bô lão ngồi quanh nhà khiến lòng tôi bất an; thuở xưa hẳn con người cũng có cảm giác này khi cho rằng một phù thủy trong vùng đang âm thầm ếm phép thuật tà ma lên người mình, hay đang mang dưới váy áo một hình sáp được đặt tên theo tên mình.

Mối quan hệ của tôi với dân bản xứ trong các vấn đề pháp luật ở đồn điền rất kì dị. Do sở cầu trên hết của tôi là đạt được sự yên bình ở đồn điền, tôi không thể lẩn tránh các vấn đề ấy bởi một mâu thuẫn của lưu dân không được dàn xếp rốt ráo cũng hệt những vết thương bạn mắc phải ở châu Phi

mà họ gọi là vết thương thảo nguyên: nếu cứ để yên chúng sẽ liền lại trên

bề mặt nhưng lại tiếp tục mưng mủ và tiến triển bên dưới cho đến khi bạn phải khoét xuống tận cùng rồi sát khuẩn toàn bộ. Chính người bản xứ cũng nhận thức được điều này và nếu thực sự muốn dàn xếp một vấn đề họ sẽ yêu cầu tôi phán xử.

Mù tịt luật lệ của dân bản xứ, vai trò của tôi trong các phiên tòa công lí đầy quyền uy này thường giống như của một cô đào chính quên tiệt lời thoại và phải nhờ cả dàn diễn viên nhắc trong suốt vở. Phận sự ấy được các vị bô lão đảm đương đầy khéo léo và kiên trì. Đôi khi đào chính cảm thấy bị xúc phạm, phẫn nộ với vai diễn được phân, thoái thác không diễn tiếp và rời sân khấu. Khi sự thể này xảy đến, khán giả của tôi coi đó như cú đòn trời giáng từ số mệnh, như một hành động của Thượng Đế và nằm ngoài hiểu biết của họ. Họ chỉ im lặng và khạc nhổ.

Khái niệm công bằng ở châu Âu và châu Phi khác nhau và công lí của xứ này lại không thể dung thứ tại xứ kia. Với dân châu Phi, chỉ có cách bồi thường là ngõ hầu bù đắp được các tai ương trong cuộc sống; họ sẽ không kiếm tìm động cơ của hành động gây ra tai ương. Dẫu bạn có nằm phục kích kẻ tử thù và cắt cổ y trong bóng tối hay do bạn chặt cái cây khiến một

người lạ khinh suất đi ngang bị chết: theo quan niệm về trừng phạt của người bản xứ là như nhau. Cộng đồng đã chịu một tổn thất và phải được đền bù, bằng cách nào đó, bởi ai đó. Dân bản xứ sẽ không bỏ thời gian đong đếm tội lỗi cùng công lao: hoặc bởi họ e điều này đưa mình đi quá xa, hoặc cho rằng suy luận đấy không phải việc mình. Nhưng họ lại tận hiến cho các suy xét bất tận nhằm thiết lập phương pháp cân đo tội ác hay thảm họa kia bằng số đầu cừu dê mà chẳng màng tới thời gian, và nghiêm túc dẫn bạn vào mê cung thiêng liêng của phép ngụy biện. Dạo ấy, điều này trái ngược với các quan niệm của tôi về công lí.

Mọi sắc dân Phi châu đều cùng có tập tục này. Dẫu nếp nghĩ hoàn toàn bất đồng và thâm tâm coi thường người Kikuyu, song dân Somali cũng ngồi say sưa quy đổi, theo cùng một cách, tội giết người, hiếp dâm, hay lừa đảo thành ra số đầu gia súc quý báu ở quê nhà - lạc đà cái hay ngựa mà tên gọi và nòi giống đã khắc ghi sâu trong tim họ.

Có lần, tại Nairobi chúng tôi nhận được tin em trai Farah, một cậu bé mười tuổi sống ở một địa phương gọi là Buramur, đã nhặt hòn đá ném vào một chú bé thuộc bộ lạc khác làm cậu này gãy hai cái răng. Vì vụ việc này, đại diện hai bộ lạc đã kéo về đồn điền, ngồi thảo luận ở nền nhà của Farah hết

đêm này tới đêm khác. Họ là những ông lão gày đét, khăn turban màu lục

đội đầu, từng hành hương đến Mekka, các gã trai Somali ngạo mạn, khi chẳng phải tham dự sự kiện trọng đại nào thì làm phu vác súng cho những khách du lịch hay thợ săn cao quý từ châu Âu, và các cậu bé mắt đen láy, mặt tròn trĩnh, ngượng ngùng đại diện cho dòng họ mình, chẳng hề hé môi nhưng mải mê lắng nghe, học hỏi. Farah kể cho tôi sở dĩ chuyện bị coi trầm trọng như vậy bởi diện mạo cậu kia bị hủy hoại, khi đến tuổi dựng vợ cậu có thể gặp khó và sẽ phải chấp nhận hạ thấp các đòi hỏi chính đáng đối với tuổi tác hay sắc đẹp cô dâu. Sau cùng khoản phạt được thống nhất là năm

mươi lạc đà, nghĩa là nửa đơn vị hàng hóa phạt tính theo vàng*, mỗi đơn vị

tương đương một trăm lạc đà. Thế là năm mươi con lạc đà được mua ở tận quê nhà Somali xa tít, để mười năm sau sẽ gộp vào giá của một thiếu nữ Somali, khiến nàng nhắm mắt bỏ qua hai chiếc răng khuyết thiếu ở chú rể; có lẽ ngọn nguồn một tấn thảm kịch đã được ngăn chặn. Cá nhân Farah tin rằng anh đã thoát nạn với một giá hời.

Chẳng bao giờ thấu suốt cách nhìn nhận của tôi về hệ thống pháp luật của dân bản địa, khi gặp bất kì rủi ro nào, người ở đồn điền luôn tìm đến tôi đầu tiên nhằm đòi bồi thường.

Trong vụ thu hoạch cà phê nọ, một thiếu nữ Kikuyu xấu số tên Wamboi thiệt mạng bên ngoài nhà tôi do bị xe bò chẹt. Đoàn xe khi ấy chở cà phê từ ngoài rẫy về xưởng chế biến và tôi đã cấm bất kì ai được ngồi trên xe. Nếu không trên các xe sẽ đầy phụ nữ trẻ con - những thợ hái cà phê, khoái chí dự phần vào chuyến xe tham quan chầm chậm lăn bánh, bởi ai cũng có thể bước mau hơn lũ bò, khiến các con vật tội nghiệp này quá tải. Tuy nhiên, đám trai dong xe chẳng thể đang tâm xua đuổi các cô nàng mắt nai chạy theo nằn nì xin hưởng niềm khoái hoạt kia; tất cả những gì đội ngũ này có thể làm chỉ là dặn mấy nàng nhảy xuống trước khi xe lọt vào tầm nhìn từ nhà tôi. Ngã trong lúc nhảy như thế, Wamboi bị bánh xe nghiến vỡ mái đầu đen nhỏ nhắn, máu vương thành vệt theo dấu xe lăn.

Đang hái cà phê ngoài rẫy, nhận được tin người của tôi đến báo, cha mẹ già của cô thiếu nữ lật đật chạy về, vật vã khóc bên xác con. Tôi biết đây là tổn thất nặng nề cho họ, bởi cô con gái đã đến tuổi gả chồng sẽ đem về cho song thân một số đầu cừu và dê cùng mấy con bê cái theo giá của cô. Cha mẹ cô đã trông mong những của cải này từ ngày con ra đời. Trong lúc tôi đang suy tính phải giúp họ bao nhiêu thì cả hai đấng sinh thành quay qua cực lực đòi tôi bồi hoàn toàn bộ thiệt hại.

Không, tôi nói sẽ không trả. Tôi đã cảnh báo các cô gái đồn điền không được ngồi trên xe bò, ai ai cũng biết như vậy. Hai con người già cả gật đầu, họ chẳng phản đối gì chuyện ấy nhưng vẫn khăng khăng đòi bồi thường. Lập luận của họ là nhất định có ai đó phải trả khoản này. Song thân cô gái chẳng thể nhồi vào đầu mình bất kì giải pháp nào trái nguyên tắc thiêng liêng này cũng hệt như họ không thể nhồi thuyết tương đối vào vậy. Và không phải sự tham lam hay niềm oán hận khiến họ lập tức bám gót khi tôi cắt đứt cuộc tranh luận trở vào nhà, mà bởi một quy luật tự nhiên, như thể người tôi bỗng có từ tính hút họ vậy.

Hai ông bà già chầu chực bên ngoài nhà tôi. Đó là những con người cơ cực, nhỏ bé và thiếu ăn, nom như một cặp chồn trên trảng cỏ cạnh nhà. Hai người ngồi chờ đó tới khi mặt trời lặn và lẫn vào cỏ làm tôi hầu như chẳng thể phân biệt nổi. Họ chìm vào niềm tiếc thương sâu đậm; sự mất mát cùng

thiệt hại kinh tế hòa làm một thành nỗi khổ đau vô hạn mà họ phải gánh chịu. Hôm ấy Farah đi vắng, không có anh, vào lúc đèn trong nhà được thắp lên, tôi cầm lòng không được nên đã gửi cho họ chút tiền đi mua một con cừu để ăn. Đấy là hành động tai hại, họ coi đó như dấu hiệu kiệt quệ của một thành phố đang bị vây hãm và ngồi vậy suốt đêm. Nếu khuya ấy họ không nảy ra suy nghĩ đòi cậu dong xe đền bù thiệt hại thì tôi thật chẳng rõ liệu có gì khiến được họ tự bỏ đi. Ý tưởng ấy nâng họ đứng dậy từ đám cỏ, rời đi đột ngột, không một lời, và đưa họ sáng sớm hôm sau tới Dagoretti*; nơi Trợ lí Hạt Trưởng sống.

Sự việc mang đến đồn điền một vụ khiếu kiện lê thê về tội giết người cùng nhan nhản cảnh sát viên bản xứ trẻ, vênh váo ta đây. Nhưng toàn bộ những gì Trợ lí Hạt Trưởng đề nghị làm cho họ chỉ là treo cổ anh chàng dong xe vì tội sát nhân và rồi, lúc có trong tay bằng chứng, ông ta thậm chí bỏ luôn hướng này, còn hội đồng Bô Lão cũng không tổ chức buổi Kyama cho vụ này khi cả ông và tôi đều quay lưng lại với nó. Rốt cuộc cặp vợ chồng già, cũng hệt như nhiều người khác, phải chịu phép trước một thuyết tương đối mà họ chẳng hiểu mô tê gì.

Đôi khi quá ngán ngẩm các bô lão trong Kyama, tôi thẳng thắn nói ra quan điểm của mình về họ. “Lớp già đời các vị,” tôi nói, “đang phạt vạ những thanh niên cốt để chuyện dành dụm được chút tiến thành ra vô phương với họ. Lớp trẻ không sao ngóc đầu còn các vị tha hồ đi mua hết lũ con gái chứ gì.” Đám bô lão chăm chú lắng nghe, các cặp mắt đen, ti hí sáng lên trên những khuôn mặt khó nẻ, nhăn nheo, những đôi môi mỏng mấp máy như đang lặp lại từng lời. Trong một dịp ngoại lệ, họ thích thú lắng nghe thứ phương châm hay ho ấy được phát biểu thành lời.

Mặc cho mọi khác biệt trong nhãn quan của hai bên, vị thế một quan tòa trước người Kikuyu đem lại cho tôi vô số ích lợi quý báu. Khi ấy tôi còn trẻ, và mặc dù từng suy xét trước sau về sự công bằng cùng nỗi bất công, nhưng chủ yếu ở góc độ người bị xét xử chứ chưa bao giờ từ ghế quan tòa. Tôi rất nỗ lực phán xét công bằng, và vì sự yên bình tại đồn điền. Đôi phen, khi vụ việc trở nên nan giải, tôi phải rút lui và dành thời gian suy nghĩ trước sau, trùm kín đầu bằng tấm áo choàng tinh thần chẳng cho ai khả dĩ tới quấy rầy, kể lể này nọ cùng tôi. Đấy luôn là biện pháp hữu hiệu trước dân chúng đồn điền, và tôi nghe họ kháo nhau, kể cả rất lâu sau đó,

với thái độ thán phục, về một vụ việc cực kì hóc búa đến độ chẳng ai lần ra được manh mối trong thời gian ít hơn một tuần. Ta luôn có thể khiến người bản xứ thán phục bằng cách phung phí nhiều thời gian cho một vấn đề hơn chính anh ta, chỉ có điều việc này chẳng dễ chút nào.

Thực tế dân bản địa vẫn muốn tôi làm quan tòa, vẫn cho các phán quyết của tôi là có giá trị, chỉ có thể được giải thích do lối nghĩ suy mang chất huyền thoại hay thần học của họ. Người Âu châu đã đánh mất năng lực tạo ra các câu chuyện thần thoại hay tín điều và phải bù đắp thiếu hụt này từ nguồn cung thời quá vãng. Nhưng trí não người châu Phi lại vận hành tự nhiên và dễ dàng đi theo các con đường sâu kín, mờ ảo ấy. Năng lực trời phú này của họ bộc lộ mạnh mẽ trong mối quan hệ với dân da trắng.

Bạn thấy điều này cả trong biệt danh dân bản xứ đặt cho những người Âu châu mới gặp hay chỉ quen sơ. Ta cần biết những biệt danh này nếu muốn phái một liên lạc viên cầm thư chạy tới giao cho một bằng hữu, hay hỏi đường lúc lái ô tô tới nhà anh ta, bởi dân bản xứ sẽ chỉ biết đến anh ta dưới biệt danh họ đặt. Tôi có một người hàng xóm không giao du cùng ai, cũng

chẳng bao giờ tiếp đãi khách khứa trong nhà mình, được đặt tên là Sahane

Modja - Cái Kén. Anh bạn người Thụy Điển Eric Otter của tôi là Resase Modja - Duy Nhất Một Viên - nghĩa là chỉ cần một viên đạn để hạ sát, một

cái tên nghe thật vẻ vang. Một người quen của tôi say mê ô tô thì được gọi là “Dở Người-Dở Xe.” Khi đặt tên cho người da trắng theo các con vật - Cá, Hươu Cao Cổ, Bò Mộng - suy nghĩ ở dân bản xứ đi theo những dòng cổ tích, và tôi tin sâu nơi nhận thức tăm tối của họ, đám người da trắng kia vừa mang lốt người vừa mang lốt thú.

Chữ nghĩa chứa đựng ma thuật: người sau nhiều năm được bàn dân thiên hạ biết đến dưới tên một con vật cuối cùng sẽ có cảm giác thân quen và mối tương liên với nó, anh ta nhận ra bản ngã mình trong con vật kia. Trở

Một phần của tài liệu Châu Phi nghìn trùng: Phần 1 (Trang 80 - 89)