6. Kết cấu của khóa luận
1.4.1. Cơ sở lý luận
Những quy định bảo vệ người bị hại dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục dựa trên việc người dưới 16 tuổi là đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt. Người dưới 16 tuổi là trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016, là “mầm non tương lai” của đất nước, cho nên pháp luật cấm những hành vi xâm hại, làm tổn thương đến đối tượng này, đặc biệt là hành vi xâm hại tình dục. Hậu quả của những hành vi xâm hại tình dục là rất lớn, nhất là đối với độ tuổi dưới 16 tuổi, một độ tuổi chưa phát triển hoàn thiện về cả thể chất lẫn tinh thần, những hậu quả này tồn tại trong thời gian dài và ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt cũng như sự phát triển bình thường của người dưới 16 tuổi. Theo Bác sĩ Dương Phương Mai, Trưởng Khoa Kế hoạch hóa gia đình BV Từ Dũ: “ Hầu hết trẻ phải gánh
lấy những hậu quả nặng nề từ nhiễm trùng, mang thai, hoảng loạn, sợ hãi gây ảnh hưởng đến kết quả học tập và đời sống của trẻ sau này. Nhưng nguy hiểm nhất là về tâm lý, trẻ bị đẩy vào tình huống không còn gì để mất, nếu sau đó gia đình không quan tâm và giúp trẻ cân bằng thì dễ đẩy trẻ vào cuộc sống sa ngã”13. Các nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng và giáo dục đối với trẻ em trên thế giới đều xác định là giai đoạn xác lập, phân định và hoàn thiện dần các chức năng sinh lý của các cơ quan, bộ phận trong cơ thể, do đó cơ thể con người có nhiều biến động trong quá trình phát triển14. Do đó thấy được người dưới 16 tuổi cần được các nhà lập pháp chú ý quan tâm tới bảo vệ họ bằng những quy định riêng bảo vệ người dưới 16 tuổi tránh khỏi những tác động từ những hành vi phạm tội mang tính chất nghiêm trọng như các tội về xâm hại tình dục, để bảo vệ tốt nhất cho thế hệ kế thừa, thế hệ tương lai của đất nước.
Nhận thấy được tính nguy hiểm của tội phạm xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi, BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 xây dựng những điều luật về hành vi xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi, chứ không phải là những tình tiết tăng nặng trong các điều luật về xâm hại tình dục, đó là Điều 142 về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Điều 144 về Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Điều 145 về Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Điều 146 về Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi,…Để tương ứng với BLHS, BLTTHS đã có những quy định riêng điều chỉnh thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi tại Chương XXVIII. Tuy nhiên vẫn cần cụ thể hóa hơn nữa những quy định, những nguyên tắc được nêu ra tại BLTTHS để giải quyết vụ án hình sự xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi.
13 Trần Văn Nhiên (2010), Bảo vệ trẻ em và người chưa thành niên trong luật hình sự Việt Nam dưới góc độ người bị hại thực trạng và giải pháp hoàn thiện, khóa luận tốt nghiệp cử nhân luật, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr.45
14 Nguyễn Hoàng Anh (2009), Đấu tranh phòng chống các tội phạm xâm phạm tình dục đối với trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
Trong xét xử vụ án hình sự xâm phạm tình dục người dưới 16 tuổi, pháp luật cũng có những quy định cụ thể nhằm bảo vệ người bị hại dưới 16 tuổi. Điều này xuất phát từ xét xử là giai đoạn mà quyền và lợi ích cũng như tâm lý của NTGTT bị ảnh hưởng nhiều. Người dưới 16 tuổi là đối tượng nhạy cảm và dễ bị kích động với những tác động bên ngoài, cùng với đó là sự phát triển thể chất và tinh thần đang trong quá trình hoàn thiện cần được bảo vệ đặc biệt trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự - giai đoạn mà có tính nghiêm khắc và trang trọng. Trong quá trình tố tụng, NTGTT dưới 18 tuổi là đối tượng dễ bị xâm hại các quyền và lợi ích hợp pháp vì họ còn non nớt, chưa phát triển nhận thức đầy đủ để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình15. Những tác động về tâm lý đối với người dưới 16 tuổi khi tham gia vào giai đoạn xét xử như việc họ phải tiếp xúc với bị cáo – người đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng về cơ thể và tinh thần họ, việc họ phải hồi tưởng lại quá trình gây án của bị cáo - việc đã gây ám ảnh và ảnh hưởng đến tâm lý của họ và có thể kéo dài về sau này, nhằm hỗ trợ cho việc tìm ra sự thật vụ án. Do đó, ngoài việc quy định bảo vệ người bị hại nói chung thì cần những chế định cụ thể riêng biệt dành để bảo vệ người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục, nhất là trong giai đoạn đặc biệt như xét xử vụ án hình sự.
Bên cạnh đó, tội phạm về xâm hại tình dục là loại tội phạm đặc biệt, xâm hại nhân phẩm, danh dự, sức khỏe thậm chí là tính mạng của người khác nên việc xét xử những vụ án về tội này sẽ gây ra những tác động tâm lý đối với người bị hại. Trong trường hợp người bị hại là người dưới 16 tuổi trong các vụ án xâm phạm tình dục thì việc xét xử sẽ ảnh hưởng lớn đến cảm xúc của người dưới 16 tuổi. Người bị xâm hại tình dục mà tuổi càng nhỏ thì ảnh hưởng sẽ càng lớn, bởi khi càng nhỏ thì sự phát triển về tâm lý và thể chất vẫn chưa đạt được một mức độ nhất định.
15 Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (2019), Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam (Tái bản có sửa đổi, bổ sung), NXB Hồng Đức – Hội Luật Gia Việt Nam