Những quy định chung trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Một phần của tài liệu Xét xử các vụ án xâm phạm tình dục người dưới 16 tuổi theo luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 37 - 39)

6. Kết cấu của khóa luận

2.1. Những quy định chung trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Điều 8 BLTTHS quy định về nguyên tắc Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, nguyên tắc này được áp dụng cho tất cả những NTGTT, trong đó có người bị hại dưới 16 tuổi. Theo đó, NTGTT được bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, đặc biệt đối với người dưới 16 thì việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người là chế định rất quan trọng, vì họ chưa nhận thức được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, chưa ý thức, chưa đủ điều kiện để tự mình bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp nên vì vậy họ cần có người đại diện để bảo vệ quyền lợi cho họ, đó là người giám hộ, hay người đại diện hợp pháp, thường là cha mẹ của người dưới 16 tuổi. Tóm lại, đây là một nguyên tắc quan trọng trong xét xử các vụ án hình sự, đặc biệt đối với người dưới 16 tuổi – đối tượng dễ bị xâm phạm về quyền và lợi ích, nhất là trong một giai đoạn tố tụng hình sự mang tính nghiêm khắc và căng thẳng này.

Điều 10 BLTTHS 2015 quy định nguyên tắc Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nguyên tắc này cũng được quy định trong Hiến pháp năm 2013, cho thấy sự quan trọng của nguyên tắc này trong quá trình tố tụng nói chung và trong xét xử nói riêng. Như đã phân tích, người dưới 16 tuổi chưa có đầy đủ nhận thức về quyền và những lợi ích của mình, thêm nữa họ là những đối tượng dễ bị xâm phạm về quyền và lợi ích trong quá trình tố tụng, do đó phải đảm bảo tốt nguyên tắc này nhằm tạo điều kiện cho quá trình giải quyết vụ án được đúng đắn, không có những tiêu cực trong quá trình tố tụng như tra tấn, bức cung, nhục hình,….

Nguyên tắc Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của các nhân được quy định tại Điều 12 BLTTHS 2015, đây cũng là nguyên tắc được quy định tại Điều 21 Luật Trẻ em 2016. Cụ thể, Điều 33 Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trẻ em quy định thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em:

Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.”

Quy định này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ người bị hại là người dưới 16 tuổi trong các vụ án xâm phạm tình dục, những thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em cần được đặc biệt bảo vệ, vì khi những thông tin này được công khai sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn đối với cuộc sống bình thường của người dưới 16 tuổi. Người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục đã phải chịu tổn thất rất lớn về thể chất và tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của họ, do đó, nếu những thông tin cá nhân của họ bị tiết lộ ra ngoài sẽ gây ra những tác động tiêu cực bên ngoài xã hội. Tuy nhiên, Điều 12 chỉ quy định đây là quyền của NTGTT, khi có yêu cầu thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không tiết lộ những thông tin này. Thiết nghĩ đối với người bị hại dưới 16 tuổi trong các vụ án xâm hại tình dục thì các nhà làm luật nên quy định tuyệt đối không được tiết lộ những thông tin cá nhân của họ để bảo vệ tốt nhất lợi ích cũng như sự phát triển bình thường của người dưới 16 tuổi, tránh những ảnh hưởng không đáng có sau này đối với họ.

Điều 16 BLTTHS 2015 quy định về nguyên tắc “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự”. Theo nguyên tắc này đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi sẽ được chỉ định người bào chữa theo Điều 76 BLTTHS 2015, tuy nhiên đối với người bị hại thì pháp luật lại không quy định về chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại. Cụ thể, khoản 2 Điều 9 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định: “Tòa án phải thông báo cho người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ về

quyền nhờ những người quy định tại khoản 1 Điều này bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi. Trường hợp họ không lựa chọn được người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại nhưng có văn bản đề nghị thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi”, pháp luật chỉ quy định việc cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là quyền của người bị hại dưới 18 tuổi, cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ, tức khi những người này có văn bản đề nghị thì Tòa án mới tiến hành yêu cầu các tổ chức trên phân công, cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại. Như vậy, trong các vụ án hình sự mà người bị hại là người dưới 18 tuổi, sự tham gia của những người trợ giúp pháp lý cho họ chỉ mang tính tùy nghi và sự vắng mặt của các chủ thể này không làm cho quá trình tố tụng bị coi là vi phạm thủ tục. Điều này đồng nghĩa với việc quyền lợi của người bị hại dưới 18 tuổi không được đảm bảo một cách đầy đủ22. Tác giả cho rằng nên đưa quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại một cách bắt buộc cũng như chế định người bào chữa bắt buộc vào trong luật để góp phần bảo vệ lợi ích tốt nhất cho người bị hại dưới 18 tuổi nói chung và người dưới 16 tuổi nói riêng tạo sự công bằng trong xét xử vụ án có liên quan đến các đối tượng dưới 16 tuổi.

Một phần của tài liệu Xét xử các vụ án xâm phạm tình dục người dưới 16 tuổi theo luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)