CHƯƠNG 4: GIẢI PHÁP ỨNG DỤNG VÀ KIẾN NGHỊ
4.8. Yếu tố thứ tám về dịch vụ
Hệ số beta là 0.319, cao thứ hai trong các biến, thể hiện yếu tố dịch vụ có ảnh hưởng lớn đến hành vi mua hàng của khách hàng. Yếu tố này có sức ảnh hưởng mạnh chỉ sau yếu tố nhóm tham khảo với beta 0.321. Khi thị trường ngày càng bão hòa, sản phẩm không có quá nhiều khác biệt, thì người tiêu dùng sẽ quan tâm đến dịch vụ. Dịch vụ bán hàng thân thiện, chu đáo, tư vấn nhiệt tình, các chính sách
chăm sóc khách hàng tốt,… sẽ tạo sự hài lòng cho khách hàng và dễ ra quyết định mua hàng hơn. Đây cũng là nội dung của biến quan sát DV2. DV2 đạt điểm trung bình 3.64 là một mức điểm đạt đồng thuận của những người được hỏi. Với biến quan sát (DV3) Nếu trải nghiệm dịch vụ khi mua hàng không tốt, tôi sẽ không mua quần áo ở cửa hàng đó nữa, đạt điểm trung bình 3.91 là mức điểm ở mức chấp nhận đồng ý quan điểm này. Có thể thấy rằng, yếu tố dịch vụ ảnh hưởng rõ nét đến quyết định mua hàng của khách hàng cũng như việc có mua lại hoặc sử dụng lặp lại dịch vụ hay không. (DV4)Nếu trải nghiệm dịch vụ khi mua hàng tốt, tôi sẽ tiếp tục quay lại mua quần áo ở cửa hàng đó – đạt điểm trung bình khá cao là 4.25. Điều này cho thấy yếu tố dịch vụ thực sự ảnh hưởng đến quyết định mua hàng lặp lại. trong kinh doanh, để có thể được lâu bền và phát triển bền vững, khách hàng trung thành là rất quan trọng. Cái đích cuối cùng mà mỗi doanh nghiệp mong muốn là đưa thương hiệu, sản phẩm đến nhiều người và được mọi người đón nhận. Nhưng nếu dịch vụ không tốt, người tiêu dùng nói rằng họ sẽ ngừng sử dụng dịch vụ, đối với một đơn vị kinh doanh, điều này sẽ gây tổn thất lớn.
Chính vì vậy, áp dụng vào thực tế, thay vì chỉ quan tâm đến sự cạnh tranh về giá cả, các doanh nghiệp nên để tâm đến vấn đề dịch vụ để tạo ra trải nghiệm tốt cho khách hàng. Cần quan tâm từ vấn đề nhỏ nhất như việc đào tạo nhân viên trông giữ xe niềm nở với khách, đào tạo nhân viên bán hàng nhiệt tình, tươi cười,…Dù là những chi tiết nhỏ nhưng kết nối lại sẽ tạo ra một dịch vụ hoàn thiện. Có như vậy mới là thành công trong mục tiêu chinh phục khách hàng.
Qua nội dung trình bày chương 4, tác giả đã đưa ra được những kết luận thông qua kết quả nghiên cứu của chuyên đề. Tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua sắm quần áo và mức độ tác động của từng yếu đó. Đồng thời đưa ra những nhận định cũng như kiến nghị để có thể ứng dụng trong thực tế. Như vậy, cũng đã giải quyết được các câu hỏi được đưa ra ở phần đầu của nghiên cứu.
KẾT LUẬN
Tổng kết chuyên đề, tác giả đã có câu trả lời cho những câu hỏi nghiên cứu đặt ra. Hoàn thành được mục tiêu của nghiên cứu về việc tìm hiểu hành vi mua sắm quần áo của người tiêu dùng. Đồng thời cũng đưa ra được những kết luận cụ thể về từng yếu tố và đề xuất những ý kiến đóng góp cho ứng dụng trong thực tế.
Qua kết quả của nghiên cứu, có thể thấy được những nhân tố ảnh hưởng đến hành vi mua sắm quần áo của người tiêu dùng. Với những phân tích kiểm định cụ thể thấy được chiều hướng tác động cũng như mức độ tác động mạnh yếu của từng yếu tố.
Trong quá trình thực hiện nghiên cứu vẫn còn một số thiếu sót mà quy mô chuyên đề chưa khắc phục được. Do nguồn lực con người và thời gian có hạn nên chưa thể hoàn thiện hoàn toàn. Nghiên cứu mới thực hiện với một số yếu tố tác động đến hành vi mua sắm quần áo, trên thực tế còn rất nhiều yếu tố khác cũng có sự ảnh hưởng mà trong luận án chưa tiếp cận tới. Do nguồn lực có hạn nên quy mô nghiên cứu chưa được mở rộng ra các địa phương khác hay toàn lãnh thổ Việt Nam. Nếu như quy mô nghiên cứu lớn thì sẽ mang tính đại diện nhiều hơn. Chuyên đề sử dụng nghiên cứu định lượng và chưa có định tính đó cũng là hạn chế cần được cải thiện trong các nghiên cứu tới để đạt sự đầy đủ, toàn diện hơn.